ĐGD: Như mình đã ghi từ bài trước (Tiên Quánh - làng quê êm đềm bên dòng Lam), chỉ trước đó 2 năm thôi (2022) thì khu vực bãi bồi sông Lam tại Tiên Quánh khác hẳn ngày nay. Hòn Ông, hòn Mụ cũng vậy - những hòn này khi ấy thấy nằm cách bờ cát một khoảnh rất xa, nhìn trên bờ sông còn có cảm tưởng như hòn nằm giữa dòng. Theo thông tin mình biết thì do nước sông Lam đã xâm thực mạnh hữu ngạn và bồi đắp phù sa cho bờ sông phía xã Đồng Văn nên thấy đá Ông đá Mụ không còn ở giữa dòng mà ngày nay đã xích lại cạnh bờ. Đá Ông đá Mụ không tự di dời mà chính dòng sông dịch chuyển. Mời bạn xem bài của bác Huy Thư:
(BNA) - Đá Ông đá Mụ ở xã Đồng Văn (Thanh Chương) không chỉ là vị trí hiểm yếu trên sông Lam mà còn là địa danh đặc biệt, độc đáo, gắn với nhiều giai thoại kỳ bí. Từ xưa, đá Ông đá Mụ và núi Quánh đã tạo nên một vị trí hiểm yếu cho người, thuyền bè xuôi ngược trên sông Lam khi đi qua nơi đây.
Trên thượng nguồn nhìn xuống, phía hữu ngạn sông Lam, núi Quánh nhô ra giữa dòng, bên tả ngạn là bãi đá Ông đá Mụ tạo nên một "yết hầu" tự nhiên quan trọng và hiểm trở.
Đá Ông đá Mụ thực chất là cụm đá cao nhất của một bãi đá ngầm, lúc nước sông bình thường, mọi người sẽ nhìn thấy cụm đá này, còn khi mưa lũ về thì tất cả chìm dưới nước.
Những người cao tuổi ở xã Đồng Văn nói rằng: Trước đây đá Ông đá Mụ nhô lên gần giữa sông. Ngày nay, nước sông Lam đã xâm thực mạnh hữu ngạn và bồi đắp phù sa cho bờ sông phía xã Đồng Văn, nên thấy đá Ông đá Mụ không còn ở giữa dòng, mà ngày càng xích lại gần bờ hơn.
Đá Ông đá Mụ và núi Quánh án ngự giữa sông Lam. Mùa lũ, nước sông chảy qua đây chia thành hai luồng: luồng vượt đá ngầm, cuộn thành xoáy lớn, sôi ùng ục giữa sông, luồng chảy sang đá Ông đá Mụ rồi vòng về núi Quánh tạo nên xoáy lớn ở giữa sông. Thuyền bè qua lại nếu lái không chuẩn sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của vực Quánh, không thoát ra được, có khi nát cả bè. Riêng thuyền thì không dám đi gần, vì sợ bị hút vào đó. Khu vực đá Ông đá Mụ là nỗi ám ảnh, lo sợ của thuyền bè vượt sông Lam tự bao đời.
Những năm 70 của thế kỷ XX, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta đã tiến hành nổ mìn dưới chân núi Quánh, phá một khúc đá ngầm giữa sông để thuyền chở lương thực, vũ khí ngược sông Lam cung cấp cho chiến trường Lào được dễ hơn. Từ đây, sự ác hiểm của khu vực đá Ông đá Mụ có giảm đi, nhưng vẫn gây ra không ít khó khăn, thiệt hại cho người và thuyền bè qua lại trên khúc sông này, nhất là mùa lũ, lụt.
Phần nổi của cặp đá Ông đá Mụ không lớn lắm. Lúc nước sông bình thường, mỏm đá nhô cao khoảng 3m, giống như đầu 1 con cá sấu đang đang chầu về núi Quánh.
Cận cảnh đá Ông đá Mụ, mọi người sẽ thấy đá Mụ nhỏ hơn, thấp hơn, nằm phía ngoài, còn đá Ông lớn hơn, cao hơn nằm phía trong (gần bờ hơn). Trên hòn đá Ông có nhiều cây cối, cỏ dại. Ông Nguyễn Xuân Sơn (57 tuổi) ở xóm Tiên Quánh, xã Đồng Văn chia sẻ: Trước đây khối đá này nằm cách nhau xa, thuyền nhỏ có thể đi lại ở giữa, nay nó đã xích lại rất gần. Ngày xưa, người Pháp từng đưa kỹ sư, phương tiện về đây khảo sát, thăm dò và phát hiện khu vực núi Quánh, đá Ông đá Mụ có mỏ sắt lớn.
Trên núi Quánh, đền Lam Giang đã được dựng cách ngày nay gần 200 năm để thờ thần sông. Trên hòn đá Ông đá Mụ, người dân cũng lập một bàn thờ nhỏ. Những nơi này được cho là linh thiêng, người dân vạn chài, người đi bè đi rừng…mỗi lần qua đây thường dừng thuyền bè lại để thắp hương cầu an. Hiện nay, khu vực đá Ông đá Mụ vẫn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương, nhất là tai nạn đuối nước.
Sự kỳ bí, hiểm trở của đá Ông đá Mụ đã được một số danh nhân nói đến từ hàng trăm năm trước. Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) đã từng nhắc đến cặp đá này trong “Chuyện lạ ở Nam Đường” (Tang thương ngẫu lục). Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) cũng đã viết trong “Nghệ An ký”: “Giữa dòng có hai hòn đá dựng lên. Dân địa phương nói rằng: hai hòn đá ấy, ngày xưa một ở phía Nam, một ở phía Bắc cách nhau hơi xa. Các thuyền bè đi lại khoảng giữa. Theo thời gian chúng dần dần xích lại với nhau, dường như có vẻ muốn làm thân với nhau. Người dân gọi là đá Ông đá Mụ”. Ông đã viết trong Ốc lâu thoại: “Tên họ cùng là tạo hóa sinh/ Muôn năm gắn bó mối chung tình/ Thênh thang trời đất là nhà cửa/ Gần gũi ngày đêm tựa bóng hình…".
Theo Huy Thư (Nghệ An)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.