Thuộc 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai, Nam Kang Ho Tao là vùng núi hoang sơ với nhiều vách đá trơn trượt, dựng đứng. Nhiều phượt thủ gọi đây là "cung đường hành xác". Với nhiều địa hình phức tạp, nếu không có dây bảo hiểm, bạn khó có thể vượt qua.
Dưới đây là lịch trình lịch trình 3 ngày 2 đêm chinh phục Nam Kang Ho Tao của độc giả Hải Lê Cao.
Lựa chọn cung đường phù hợp
Bạn có thể lựa chọn 2 cung đường để leo đỉnh Nam Kang Ho Tao. Nếu có thể lực tốt, nhiều kinh nghiệm và thích thử sức ở những cung đường khó, bạn nên lựa chọn xuất phát tại tỉnh Lai Châu và quay về tỉnh Lào Cai.
Lựa chọn cung đường này, bạn sẽ bắt gặp suối đá thơ mộng, rừng cổ thụ nguyên sinh. Địa hình của hướng đi này phù hợp với mọi đối tượng.
Thời điểm lý tưởng
Khoảng tháng 2-3 hoặc tháng 9-11 là thời điểm để bạn chinh phục cung đường này. Thời tiết khô ráo, sương mù ít sẽ dễ dàng hơn cho việc xác định phương hướng.
Bạn không nên trekking cung đường này vào mùa mưa hay sau đợt mưa kéo dài. Các vách đá bám rêu khá trơn trượt, những khúc suối sẽ trở thành dòng nước cuồn cuộn nguy hiểm.Lịch trình
Ngày thứ nhất:
7h: Đoàn di chuyển bằng ô tô từ Sa Pa vào bản Thào A. Quãng đường khoảng 90 km.
11h: Đoàn tới bản, gặp porter, phân chia đồ, nước uống trước khi khởi hành.
Ngay sau đó, đoàn bắt đầu hành trình. 1-2 km đầu mình thấy cung đường dễ đi. Địa hình không quá dốc, đủ để chúng ta khởi động và bắt nhịp với thử thách phía sau.Sau 1-2 km bắt đầu tới suối, địa hình dần phức tạp, xuất hiện những con dốc và các tảng đá to.
Sau khi leo dốc, mình bắt gặp phiến đá to đầu tiên với tầm view đẹp. Các bạn nên check-in ở đây để có được những tấm hình ưng ý.
Tiếp tục đi, cung đường chủ yếu vẫn là suối, đá. Mình lần lượt gặp những phiến đá khổng lồ thứ 2, thứ 3. Cung đường Nam Kang Ho Tao địa hình lặp lại nhiều nhưng để chinh phục không dễ.
Mình ấn tượng với phiến đá thứ 3 bởi nó nằm ở địa thế cao, có nước đổ xuống, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp.Sau khi băng qua 3 phiến đá, mình gặp ngay con thác nhỏ có hồ nước xanh mát. Đoàn dừng tại đây bơi lội, vui chơi và tiếp tục hành trình.
Mình thấy những bạn sức yếu đi cung này sẽ gặp khó khăn. Vì địa hình chủ yếu là suối và dốc đá, yêu cầu bạn phải dùng bắp chân bật nhảy liên tục. Các bạn có thể khắc phục bằng cách chuẩn bị cho mình một cây gậy hỗ trợ, giúp lấy lực từ tay để bổ trợ cho chân.
Sau hành trình dài, cuối cùng, đoàn cũng đến điểm hạ trại. Mình kết thúc ngày thứ nhất với bữa thịt rừng nướng do anh porter phục vụ.
Ngày thứ hai:
6h: Đoàn thức dậy vệ sinh cá nhân nhanh chóng và di chuyển đến lán trại 2. Đường chủ yếu là dốc cao, nhưng đi trong rừng mát mẻ và không khí buổi sáng trong lành, bạn sẽ không cảm thấy mệt.
8h30: Nhóm mình đến lán trại 2 ăn uống, nghỉ ngơi.
10h: Đoàn tiếp tục xuất phát. Cung đường tiếp theo phải liên tục men theo suối. Những phiến đá tảng xuất hiện nhiều hơn. Bạn sẽ phải bật nhảy liên tục để trải qua hành trình này.
Sau chặng đường dài sẽ đến vùng yên ngựa, là khu vực phân chia một bên về Lai Châu, một bên về Lào Cai. Do địa điểm không có lán nghỉ nên nếu để đồ lại, bạn nên sắp xếp gọn gàng tránh người qua lại.Đoàn mình nghỉ ngơi, ăn trưa tại đây đến 14h và tiếp tục hành trình. Mình thấy đường lên đỉnh nhẹ nhàng hơn vì đã giảm được gánh nặng balo.
Đoạn đường còn lại ít khó khăn, dốc không quá cao. Gần lên đến đỉnh, bạn sẽ băng qua rừng trúc. Găng tay, mũ hoặc kính sẽ giúp bạn an toàn hơn.
16h: Nhóm đặt chân đến đỉnh Nam Kang Ho Tao. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của núi rừng.
Nghỉ ngơi, chụp hình trên đỉnh xong, đoàn quay lại ngã 3 để đồ lúc 17h30. Đường xuống luôn nhanh và dễ dàng hơn.18h30: Đoàn về tới lán trại, ăn uống, nghỉ ngơi, kết thúc ngày 2.
Ngày thứ ba:
Suốt chuyến đi mình khá buồn vì Nam Kang Ho Tao không đẹp như tưởng tượng. Tuy nhiên, ngày cuối cùng khi quay về Lào Cai là điểm nhấn cho cả chuyến đi này.
6h: Nhóm thức dậy, thu dọn hành lý.
7h: Đoàn bắt đầu xuống núi. Đây là lúc nắng bắt đầu len lỏi qua những kẽ lá, lấp ló nơi bờ suối. Khung cảnh hiện ra trước mắt khiến mình ngơ ngác và cố đi thật chậm để ngắm nhìn thật kỹ.Trên hành trình xuống núi, bạn sẽ bắt gặp những cây cổ thụ có kích thước khổng lồ hay con dốc như thách thức người chinh phục. Độ cao hạ đột ngột từ 1.700 m xuống 1.400 m có thể khiến những người ít kinh nghiệm mất hơn một tiếng để chinh phục.
14h: Mình đến bảng Dền Thàng và di chuyển bằng xe máy xuống Sa Pa nghỉ ngơi, ăn tối.
20h: Mình và bạn đồng hành lên xe về Hà Nội trong đêm, kết thúc hành trình.
Chi phí chuyến đi (2 người)
- Vé xe giường nằm 2 chiều/2 người: 880.000 đồng (nên đặt vé khứ hồi sẽ được giảm 40.000 đồng)- Vé vào rừng: 500.000 đồng/2 người (porter không mất phí)
- Tiền ăn: 1,299 triệu đồng/3 người (bao gồm cả porter)
- Tiền thuê porter: 1,5 triệu đồng/3 ngày
- Thuê nhà nghỉ cho porter đến Sa Pa chờ đoàn: 100.000 đồng
- Tiền xe từ bản Dền Thàng xuống Sa Pa: 900.000 đồng/3 xe
- Tổng chi phí: khoảng 5,2 triệu đồng/2 người
Theo Hải Lê Cao (Zing News)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.