(TTO) - Đảo Hải Tặc (Kiên Giang) từng là căn cứ của bọn cướp biển, nhưng giờ đây, rất nhiều du khách đang tìm đến những hòn đảo hoang sơ, yên bình nơi này.

Chẳng còn chút dấu vết nào của hải tặc ở nơi này - một hòn đảo từng bị hải tặc quấy phá, chiếm giữ vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Giờ chỉ có những buổi hoàng hôn êm ả, những hòn đảo nhỏ hoang sơ và đặc biệt là những rạn san hô còn nguyên vẹn để bạn tha hồ khám phá thiên nhiên.

Khung cảnh thơ mộng, yên bình

Ngay khi tàu xuất phát từ Hà Tiên, du khách đã nhìn thấy rõ quần đảo Hải Tặc phía xa, vì chỉ cách khoảng 15km (8 hải lý). Tài công của tuyến tàu này có lẽ rất nhàn hạ, vì chỉ cần cho tàu chạy men theo đường dây điện là đến nơi.

< Quần đảo Hải Tặc với nhiều đảo nhỏ nhiều cây xanh và bãi tắm đẹp. Bãi biển sạch và vắng, nhiều cây xanh ở hòn Tre Lớn.

Tháng 10-2019, một đường dây được kéo từ đất liền ra đảo Hải Tặc đã được đóng điện. Từ đó, cuộc sống của người dân ở đây thoải mái hơn khi có điện 24/24 giờ, dân đảo vui vẻ hát karaoke, tối đến đèn đuốc sáng choang, một số nhà nghỉ đã trang bị máy lạnh phục vụ khách du lịch không quen cái nóng trong mùa hè ở xứ đảo. Cuộc sống người dân trên đảo bây giờ khá ổn định, họ sống chủ yếu bằng nghề đi biển hoặc làm dịch vụ du lịch.

< Bia chủ quyền ở bãi biển phía Tây hòn Tre Lớn.

Con tàu đưa chúng tôi đến đảo Hải Tặc cập bến ở phía tây hòn đảo, ngay gần bãi tắm có bãi cát mịn trải dài dưới đôi hàng dừa cao, đẹp như tranh. 9h sáng, bãi biển chỉ có vài du khách nằm phơi nắng và mấy đứa trẻ nghịch cát trên bờ. Mấy chiếc võng ai đó mắc sẵn, nằm điệu đà dọc theo hàng dừa nghiêng.

Qua khỏi bãi cát là thấy được tấm bia chủ quyền bằng đá có khắc chữ "Quần đảo Hải Tặc (Archipel des Pirates), hải đồ số 3686 S.H". Phía dưới tấm bia khắc rõ "Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 26 tháng 7 năm 1958 dưới sự hướng dẫn của hải quân Việt Nam".

< Hoàng hôn trên bãi biển ở quần đảo Hải Tặc.

Trên tấm bia còn liệt kê 11 đảo, gồm hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giang, hòn Chơ Rơ, hòn Đước, hòn Bô Dập và hòn Đồi Mồi. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng đảo của quần đảo Hải Tặc trong nhiều tài liệu không giống nhau: từ 14 - 16 đảo.

Hôm sau, khi được chở đi một vòng quanh các đảo, chúng tôi nhìn thấy những bãi đá lớn lộ ra khi thủy triều xuống. Có thể vì vậy mà số lượng đảo của các tài liệu khác nhau.

Hiện chỉ khoảng 6-7 đảo nhỏ thuộc quần đảo này là có con người sinh sống như hòn Đước, hòn Giang, hòn Ụ, hòn Đồi Mồi... Tập trung đông nhất là trên đảo Tre Lớn mà người dân gọi là hòn Đốc, với khoảng 3.000 người. Một con đường quanh đảo chạy men theo bờ biển được xem là mạch máu của đảo, cùng ba con đường chạy xuyên giữa đảo mới được xây dựng.

< Những chiếc võng được mắc dành cho du khách nghỉ chân tại nơi ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp.

Chúng tôi đi dạo trên con đường chính của đảo khi mặt trời dần rơi, nắng đổ nghiêng những vệt màu vàng xuống mặt nước biển. Có đủ cảnh sắc để du khách thăm thú, khám phá và chụp hình khi đi đủ một vòng quanh đảo mà đi nhanh mất chừng nửa tiếng.

Một chiếc cầu gỗ cong cong dài khoảng 30m được nối ra mỏm đất lớn đầy cây xanh, những mỏm đá lớn nhiều hình thù và đủ màu sắc, những cụm cỏ dại mọc cao ngang người bay nhẹ nhàng trong gió.

Rồi những chiếc võng giăng mắc như tình cờ mà thật chu đáo, khách du lịch làm biếng, đi vài chục bước lại mỏi chân, đã có võng mắc ngay sát bờ, tha hồ ngồi nghỉ mệt.

< Những loại hải sản ở Hải Tặc “bắt lên ăn liền” đều tươi ngon bổ dưỡng.

Trên đảo có một quán chè duy nhất nằm trên con đường chính, ngay bãi đá đẹp nhất đảo với chỉ ba chiếc bàn được kê trên kè đá. Quán chè không có tên, nhưng nếu du khách hỏi muốn ăn vặt ở đâu thì tất cả người dân trên đảo đều chỉ ra quán chè. Chè đậu xanh hột lựu, nhãn nhục, đậu đỏ, sương sâm, sương sáo, bánh lọt nước dừa... món nào cũng ngọt và mát.

Hải sản là món đương nhiên phải thưởng thức khi ra đảo. Ở đây có đủ loại nghêu, sò, ốc, hến như bao nhiêu vùng biển khác ở Việt Nam nhưng đặc biệt là con nhum, bạn phải ăn con nhum ở đây. Nhum ở đây nhiều, vì hệ sinh thái biển còn rất sạch.

Khi lặn biển, bạn có thể nhìn thấy con nhum nhưng không dễ bắt vì gai nó rất dài. Những người lặn bắt nhum phải có dụng cụ chuyên biệt. Nhum là một loại hải sản ngon, có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe. Con nhum đem nướng trên lửa than hồng, rồi chan miếng mỡ hành, rắc vài hạt đậu phộng cho bùi, thêm chút nước mắm nấu sệt, bạn sẽ cạo sạch đáy con nhum mà ăn cho đã.

< Cá bắt dưới biển được nướng ngay trên bếp than.

Trải nghiệm cuộc sống "một mình một đảo"

Bạn có muốn "một mình một đảo" không? Chuyện này thì quá dễ dàng khi đến quần đảo Hải Tặc, vì vẫn còn vài đảo chưa có người ở, mà lại rất gần đảo chính, ghe chạy 5-10 phút là đến. Như thế này nhé, nếu bạn có sẵn dụng cụ câu cá và tự tin vào khả năng "sát cá" của mình, bạn thuê một chiếc ghe máy và nói chủ ghe chở bạn một vòng quanh đảo. Vừa ngắm cảnh vừa thăm dò nơi nào nhiều cá rồi thả cần.

Sau đó, cùng với chiến lợi phẩm và vài cục than đem theo, ghe sẽ thả bạn vào một hòn đảo không bóng người. Ở đây bạn thỏa thích tắm biển, nhóm than nướng cá, rồi tận hưởng, tưởng tượng mình đang là Robinson. Khi nào chán thì gọi điện chủ ghe chạy ra rước về.

< Việc lặn biển ngắm san hô ở quần đảo Hải Tặc thật dễ dàng.

Nếu thích lặn biển ngắm san hô, chủ ghe sẽ đưa bạn ra một bãi đá bất kỳ nào đó giữa biển. Bạn đeo kính bơi nhảy ùm xuống biển, rồi sẽ thấy mình đang bơi cùng đàn cá, bên dưới là những rạn san hô đủ sắc màu như những đóa hoa rực rỡ của biển.

Nghe người chủ ghe kể chuyện trong lúc chở bạn đi dạo quanh đảo cũng là một trải nghiệm thú vị. Thời mà Hà Tiên chưa có chính quyền cai quản, hải tặc đã chiếm đảo này do vị trí quá tốt khi nằm trên con đường giao thương trên biển. Nhiều tàu chở hàng buôn bán qua lại tuyến này nên thuận lợi cho bọn chúng mai phục rồi tấn công tàu thuyền.

< Một bến tàu ngay khu dân cư ở hòn Tre Lớn.

Hải tặc có để lại dấu tích gì ở những hòn đảo này không? Tin đồn thì nhiều lắm, nào là kho báu với vàng bạc, tiền cổ... Vào những năm 1980, có vài người nước ngoài đến đây đem theo tấm bản đồ 300 tuổi, vẽ sơ đồ để đi tìm kho báu nào đó, nhưng đâu có thấy gì. Rồi cũng có tin đồn rằng người dân tìm thấy tiền cổ, vàng bạc... Những huyền thoại dân gian ấy làm chuyến đi của bạn thêm đậm đà.

Quần đảo Hải Tặc còn có tên là quần đảo Hà Tiên, diện tích 11km2, toàn bộ thuộc xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Để đến quần đảo Hải Tặc, bạn mua vé ở bến tàu khách Hà Tiên. Nếu đi vào cuối tuần hoặc ngày lễ, bạn nên đặt trước vì chỉ có hai công ty khai thác tuyến này với mỗi tàu chở khoảng 100 khách. Hai tàu xuất phát từ Hà Tiên vào lúc 8h và 8h30, chiều về lúc 14h và 14h30. Tuy nhiên, những ngày đông khách các chủ tàu sẽ tăng thêm chuyến, do tàu cao tốc chạy chỉ 30-35 phút/chiều.

Theo Gia Tiến (Người Lao Động)
Du lịch, GO!