(CBO) - Từ nhiều năm nay, những địa danh: Cổng trời Quản Bạ, Tam Sơn, Cán Tỷ, Cột cờ Lũng Cú... trở thành những điểm hẹn có sức mời gọi đầy gợi cảm đối với bất cứ du khách nào đến Hà Giang. May mắn làm sao, sau đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 được khoảng mười ngày, tôi có chuyến trải nghiệm Hà Giang để chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ vĩ ấy.

Có lẽ do cái đỏng đảnh của đất trời, nên dù đã bước sang hè mà núi rừng vẫn khắc khoải khi thì nắng dữ dội, khi lại mưa ào ào kèm theo dông sét, mưa đá, đôi lúc sương mù dày đặc, vượt thành phố Hà Giang vài cây số mà dòng sông Miện vẫn lờ mờ trong sương. Cảm tưởng sông nước, mây trời cứ như hòa quyện, vấn vít lấy nhau, tạo cho du khách một cảm xúc dâng trào mãnh liệt và muốn giữ thật lâu hình ảnh giao thoa đẹp đẽ này!

Vừa ra khỏi đám sương đầy bụi nước là xe ầm ì leo dốc Pác Sum. Theo phản xạ của người miền núi, tôi quay sang hỏi người bạn đồng hành gốc Hà Giang, tại sao lại gọi là Pác Sum, được anh bạn trả lời rằng: "Theo người Tày, Pác Sum có thể là miệng hố, cũng có thể là trăm hố. Nhưng suy cho cùng là muốn nói lên sự nguy hiểm gập ghềnh của con đèo". Vì vừa hết cua này thì đã đến cua khác, mà toàn những cua tay áo mỗi lúc một dâng cao, khúc khuỷu.

Khi xe đang vào cua thứ tư, thứ năm gì đó tôi chợt nhớ câu thơ: Muỗi Pác Sum/Hùm làng Đán (đăng trên báo Văn nghệ Hà Giang). Qua đó đủ biết rằng xưa kia nơi này hoang vu lắm! hổ, báo, thổ phỉ gần như lúc nào cũng rình rập người qua đường. Nghĩ đến điều này, khi ngoái cổ lại phía sau nhìn những nếp nhà mới xây mái lợp phi brô xi măng vững chãi của đồng bào Mông hạ sơn và khi lên hết đỉnh đèo, đây đó mơn mởn những bãi ngô và rau màu các loại xanh mướt ngợp cả thung lũng của nông dân xã Quyết Tiến, ta càng cảm nhận rõ ý nghĩa lớn lao của công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

Hết đất Quyết Tiến, cuộc hành trình bắt đầu lên cổng trời Quản Bạ. Càng lên cao sương càng dày, nhiều lúc đặc sánh như sữa, cảm tưởng như thò tay ra cửa xe có thể cầm nắm lấy được. Vừa suy nghĩ mông lung, vừa trò chuyện nên xe đến cổng trời lúc nào không biết, may mà anh Phương lên tiếng:

- Cổng trời Quản Bạ đây rồi !

Vừa nhảy xuống xe là mọi người ào đến ngắm nghĩa, sờ mó thành cổng. Được biết những năm đầu của thế kỷ XX, con đường từ tỉnh lỵ Hà Giang lên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn chỉ là đường mòn, vừa đủ cho người và ngựa đi, phục vụ việc thồ hàng, vận chuyển thuốc phiện cho bọn thực dân và thổ ty chúa đất. Để "bá chủ" vùng "vàng đen'' ấy, chúng đã dựng lên bức tường đá vững chắc với những lỗ phóng hỏa đen ngòm nhằm chặn đứng mọi sự xâm nhập từ bên ngoài.

Việc đi lại được kiểm soát bởi một cái cổng làm hoàn toàn bằng gỗ nghiến, cánh cổng dày tới 150 cm, lính canh suốt ngày đêm, chỉ duy nhất có quân Tây và vua Mèo được quyền tự do qua lại. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, con đường từ thị xã Hà Giang lên miền cao nguyên đá được mở mang. Theo đó ánh sáng văn minh của Đảng rọi tới các bản làng, làm cho đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sơn cước xa xôi ngày càng ấm no, hạnh phúc. Vì thế con đường có tên gọi là đường Hạnh Phúc.

Con đường Hạnh Phúc càng có ý nghĩa hơn khi trạm vi ba, trạm thu phát truyền hình được đầu tư tới 10 tỷ đồng, ngạo nghễ trên đỉnh Cổng Trời, đêm ngày sóng tỏa đến 4 huyện vùng cao núi đá. Đứng trên cổng trời Quản Bạ, đưa mắt nhìn về thị trấn Tam Sơn (trung tâm huyện lỵ Quản Bạ), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp kỳ vĩ của thung lũng đá vôi này! Có lẽ hiếm nơi nào nổi bật giữa cánh đồng rộng tới hàng ngàn héc ta lại mọc lên hai trái núi đẹp tròn tăm tắp đứng bên nhau, tựa như hai bầu vú của một thiếu nữ vừa bước vào tuổi thẹn thùng biết yêu. Từ lần đi này, tôi mới cảm nhận được nét lãng mạn trong bốn câu thơ của tác giả Hạng Mí De, nguyên Bí thư Huyện ủy Quản Bạ:

"Đẹp tròn xinh xắn giữa trần gian
Lúa ấp, ngô ôm giữa ngút ngàn
Khen ai khéo tạo nên đôi núi
Để đêm về xao động miên man!".

Phải chăng hai "bầu vú" đá ấy chính là sức sống thanh xuân, là nguồn sinh lực nội sinh ngày đêm tỏa lên nền trời niềm khát khao dâng hiến thánh thiện. Và đó chính là điểm nhấn du lịch của Hà Giang mà từ lâu trời đất đã ban tặng cho xứ sở của những con người yêu ghét rõ ràng và rất mực vô tư này!

Sau ít phút dùng dằng với núi đôi, đoàn chúng tôi lại hướng về Yên Minh. Dự định ban đầu là đến Mậu Duệ, rẽ trái vượt qua con đèo gấp khúc là thẳng đến Cột cờ Lũng Cú nhưng không hiểu vì sao xe lại ầm ì theo hướng Mèo Vạc. Xe đang lắc lư vượt dốc thì một thế giới đá kỳ ảo hiện ra trước mặt. Lạ làm sao, trời đang âm u mây chiều thì hình như có bàn tay vô hình nào đó vén mây cho ánh nắng mặt trời rọi xuống làm bừng sáng cả thung lũng đá. Trong nắng nhạt, đá nhấp ngô, đá trùng điệp, tầng tầng lớp lớp, đá đứng, đá ngồi, đá ngửa, đá nghiêng với nhiều hình thù, dáng vẻ khác nhau, trầm mặc, vô tư, chạy dài từ chân thung đến hết đường chân trời phía Tây.

Vừa râm ran câu chuyện trong xe,  bất chợt thị trấn Mèo Vạc hiện ra trước mắt. Những vườn mận bên chân núi, cây nào cây nấy quả đã to tròn, lúc lỉu trong nắng chiều. Khi những vườn mận chúm chím lùi dần về phía sau cũng là lúc chiếc xe đến chân Mã Pì Lèng. Càng lên cao, càng thấy sự hiểm trở của con đèo. Nhiều đoạn chỉ vừa đủ cho bốn bánh xe đi qua, bên trái là vách đá dựng đứng, bên phải là vực sâu thăm thẳm. Lúc chiếc xe đang ầm ì leo những khúc cua hiểm trở nhất thì một hình ảnh làm choáng ngợp cả đoàn đó là một công trình kiến trúc theo kiểu dinh thự nguy nga tráng lệ, thoáng nhìn cứ ngỡ là một cây nấm trắng khổng lồ với những dáng vẻ lạ kỳ giàu sức gợi cảm, rễ bám vào lèn đá, còn thân nấm và lá nấm chơi vơi giữa mây trời, đá núi.

Sau phút giây tĩnh lặng trên hè nhà, tôi đưa mắt về phía lòng thung thì dòng sông Nho Quế chỉ to bằng ống xả xe máy ngoằn ngoèo men theo vách đá thấy rờn rợn làm sao, một cảm giác chơi vơi giữa chốn "bồng lai tiên cảnh", thật là nhớ đời!. Song chính từ giây phút phiêu diêu ấy, ta càng bái phục nhà đầu tư và bị kiến trúc sư nào đã đồng tâm hiệp lực tạo ra công trình "nghỉ dưỡng, vọng cảnh" này! Phải chăng đấy là những bậc chính nhân quân tử vô cùng táo bạo mới dám liều thân phiêu lãng đến vậy, để công trình thực sự là một kỳ quan, tăng thêm nét lãng mạn, kỳ vĩ của Mã Pì Lèng!

Từ đây ta càng kính phục sức phá đá mở đường cũng như tinh thần vượt gian khó bám trụ quê hương, giữ vững phên dậu Tổ quốc của quân dân vùng biên ải xa xôi này. Và cũng vì lẽ đó mà Mã Pì Lèng đã đi vào lịch sử, vào tác phẩm thơ ca, nhạc họa của những người cầm bút, thôi thúc những ai thích mạo hiểm hãy một lần đến khám phá, chiêm nghiệm.

Lên đến đỉnh Mã Pì Lèng cũng là lúc xe chạm vào đất Đồng Văn. Mặc dù đã gần 5 giờ chiều nhưng vì sự thúc bách về thời gian nên cả đoàn quyết định đến ngay Cột cờ Lũng Cú. Đến cổng đồn biên phòng đưa mắt ngược lên hướng Bắc là thấy ngay lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong mây chiều. Dẫu có mệt, nhưng cả đoàn không thể không vượt ngót nghét 300 bậc tam cấp để lên đến cột cờ ngự trên đỉnh Núi Rồng có độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển.

Cách đây gần chục năm, cột cờ được Nhà nước đầu tư xây mới, trông vừa thanh thoát, uy nghiêm như chàng hiệp sĩ khổng lồ để lá cờ đỏ sao vàng rộng tới 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em của con dân đất Việt đêm ngày tung bay trên đỉnh trời Tổ quốc! Nhìn bóng cờ bay, cả đoàn không khỏi trào dâng xúc động, tự hào và không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ thắp những nén hương thành kính nhất để từ nơi sâu thẳm của lòng mình muốn bày tỏ niềm tri ân tới những bậc tiền nhân, tới những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chiến trường để máu đào tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc hôm nay.

Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, chúng tôi về huyện lỵ Đồng Văn. Mới 6 rưỡi chiều mà những cơn gió mang hơi lạnh từ các thung lũng núi đã hun hút thổi về nên ý định phiêu diêu đêm phố cổ Đồng Văn của tôi bị chìm vào gió lạnh, mây ngàn, nhất là sau khi gật gù chiều lòng chủ bởi những chén rượu ngô sóng sánh vị thơm của rễ, lá cây rừng. Sáng sớm hôm sau, mặc dù ngoài trời lành lạnh nhưng tôi vẫn thủng thẳng xuống chợ.

Quả như lời đồn, phố cổ Đồng Văn vẫn giữ được nét nguyên sơ, cổ kính của nó. Từ lớp ngói âm dương đến cột cổng, tường xây hiện ra những phiến đá xanh xám được kết cấu bởi đất sét và mật mía dưới bàn tay khéo léo của những người thợ đá cách đây trên 100 năm. Biết tôi muốn tìm hiểu về nét văn hóa của phố cổ, đồng chí Bí thư Huyện ủy Đồng Văn xuýt xoa:

- Rất tiếc là các anh, các chị không đến đúng dịp, nếu ở lại thêm vài hôm nữa thì các anh chị sẽ bị hút hồn vào chợ đêm phố cổ Đồng Văn ngay!
- Có nghĩa là chợ họp vào đêm rằm? - Tôi hỏi.
- Không, từ chục năm nay rồi, cứ đến 14, 15, 16 âm lịch hằng tháng là có chợ đêm! Anh biết không? Chợ đêm ở đây vui lắm, người họp chợ chủ yếu là nam nữ thanh niên dân tộc Mông. Vì thế các cô gái Mông thi nhau diện váy áo hoa mới, vòng bạc lấp lánh xuống chợ. Mỗi lần đi qua cạnh chảo thắng cố, ánh lửa hắt lên má các cô càng ửng hồng với những chiếc răng vàng hé lộ thẹn thùng, cô nào cô nấy như những bông hoa núi làm cho các chàng trai thêm trầm bổng, da diết nhịp khèn.

Nghe chuyện về chợ đêm phố cổ mà chẳng muốn rời Đồng Văn nhưng lịch hành trình thôi thúc nên đành phải tạm biệt để đến Sà Phìn khám phá dinh thự vua Mèo.

Cổ nhân dạy: "trăm nghe không bằng một thấy" quả không sai. Trước đây, khi nói đến dinh thự của Vương Chí Sình mà ở đây quen gọi là "Nhà Vương" thì người ta nghĩ ngay rằng đây là trung tâm gây ra mọi tang tóc, khổ đau cho dân lành. Nhưng sau khi đọc xong thiên phóng sự "Có một người từng được gọi là vua Mèo" của tác giả Lương Ngọc An và đến tận nơi trải nghiệm tôi mới vỡ ra nhiều điều. Trước hết phải nói rằng đây là công trình kiến trúc "độc nhất vô nhị'' Tây - Tàu - Thổ ty - Chúa đất kết hợp, vừa hiện đại vừa cổ kính, uy nghi tọa lạc trên một quả đồi hình mai rùa rộng khoảng 1 ha, nằm gọn trong một thung lũng được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi sừng sững, có thế tiến, có thế lui. Khi được cháu gái đời thứ 5 của Vương Chí Sình đến mở cổng chúng tôi đi từ sững sờ này đến sững sờ khác.

Trong tòa nhà cổ kính mà vững chắc như lô cốt ấy có đủ phòng chờ, phòng hành lễ, tấu trình, phòng xử án, phòng ca múa, phòng hội họp rồi nhà cho lính và phu ở, nhà kho, nhà giam, đặc biệt là có hẳn một kho chứa vũ khí được bố trí rất cẩn mật. Dưới thời thực dân phong kiến, đây là cả một thế giới quyền lực. Ở đó đầy rẫy sự áp bức, bất công. Nhưng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, với tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí  Minh, "thân phận" dinh thự của Vương Chí Sình được đổi thay.

Vì sau khi giác ngộ, đã có những đóng góp rất quan trọng cho cách mạng nên Vương Chí Sình được Bác Hồ tặng thưởng và đổi tên là Vương Chí Thành, rồi được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II. Dinh thự đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho cụ Vương Chí Sình. Như vậy là từ hiện thân của cường quyền, áp bức, dinh thự đã trở thành công trình văn hóa có giá trị về mặt lịch sử và tâm linh để du khách muôn phương đến tham quan, khám phá.

Hai ngày phiêu lãng với mây trời, gió núi, tôi biết rằng miền cao nguyên đá này còn nhiều huyền thoại, chắc hẳn nhiều thế hệ mai sau cũng chưa thể khám phá hết được. Ngay việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang hơn 10 năm trước với khẩu hiệu: "Một mái nhà, một con bò, một bể nước" cho đồng bào, mạnh dạn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn để những con đường mòn cũng được bê tông hóa, xe máy có thể vèo vèo từ chân núi đến tận các bản Mông xa tít trên lưng chừng núi cũng là một huyền thoại!

Đặc biệt những năm gần đây, các huyện miền cao nguyên đá vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm lại luân phiên tổ chức "Lễ hội hoa tam giác mạch" thu hút du khách thập phương đến khám phá, thưởng thức hương đất, tình người nơi đây và mang theo về những nét sinh hoạt tâm linh độc đáo của vùng đất Hà Giang.

Theo Chu Sĩ Liên (Báo Cao Bằng)
Du lịch, GO!