(BQN) - Sau cú vung cần phát ra tiếng "vút", mồi và lưỡi câu xé gió lao đi trong đêm rồi rơi tõm vào làn nước. Ròng rọc quay đều thu dây kéo rê mồi và lưỡi câu về hướng tàu kích thích tính háu ăn của cá dữ. Chúng lao đến đớp mồi và bị mắc câu, cố vùng vẫy tìm cách trốn thoát, nhưng vẫn bị kéo lên khỏi mặt nước...

Những tiếng "vút" trong đêm

Những tia nắng cuối ngày tắt lịm trên đỉnh núi phía tây, tôi cùng 7 "cần thủ" lên tàu cá QNg 48139TS của ngư dân Bùi Thiên, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) rời bến cá Sa Huỳnh hướng ra biển. Chiếc tàu gỗ công suất 33CV rẽ sóng ra khỏi cửa biển giữa hoàng hôn lộng gió. Anh Thiên đánh tay lái khá điệu nghệ, tàu lướt nhẹ đến gần bãi rạn rồi buông neo.

Các "cần thủ" lắp những ống thép mỏng thành cần câu, gắn ròng rọc và buộc dây nhợ, mồi câu với gương mặt tràn trề hy vọng. Chiều dần vào tối. Tàu bập bềnh trên sóng nước. Sóng rì rầm vỗ vào thân tàu như lời thầm thì của đại dương. Khơi xa, hàng trăm tàu cá của ngư dân lung linh ánh điện vàng tựa phố thị vào đêm. "Khi không có gió bão, ngư dân ra biển đánh bắt cả ngày lẫn đêm. Kẻ ra khơi, người đánh bắt gần bờ kiếm tiền nuôi sống gia đình...", anh Thiên tâm sự.

"Cần thủ" dàn hàng ngang trên boong tàu nhìn về phía bãi rạn với những tảng đá lớn và nhiều khối bê tông chìm trong làn nước. Đấy là nơi trú ngụ của các loài cá hồng, mú, nhồng, vược, hố... Những loài này chuyên rượt đuổi, săn bắt cá nhỏ bất kể đêm - ngày. Các anh đưa cần ra sau rồi vung đến phía trước phát ra tiếng "vút" như ngọn roi quất vào màn đêm.

Mồi và lưỡi kéo theo dây câu xé gió lao ra xa trước khi rơi tõm rồi chìm vào biển đêm huyền bí. Ròng rọc quay đều thu dây kéo rê mồi và lưỡi câu về hướng tàu nhằm kích thích tính háu ăn của cá dữ. Những chiếc cần tiếp nối vung từ sau ra trước, ròng rọc quay đều thu dây cứ tiếp diễn. Thỉnh thoảng có tiếng xuýt xoa tiếc rẻ khi lưỡi câu mắc vào bãi rạn phải giật đứt dây, mất mồi câu giả 100 - 300 nghìn đồng.

"Mồi giả khá đắt so với mồi thật nhưng khi kéo rê tạo tiếng động kích thích những loài cá dữ. Chúng nghe tiếng động và thấy mồi chạy trong nước lầm tưởng mồi thật nên lao tới đớp liền. Xui rủi lắm mới mất mồi chứ bị hoài thì tiền đâu chịu nổi", anh Lê Đỗ Hoàng Châu chia sẻ.

Các "cần thủ" móc mồi thật là những con lươn, lịch lớn tầm ngón tay và dài chừng hai tấc. Chúng bị lôi ra khỏi lọ nhựa, uốn éo tìm cách trốn chạy thì bị đôi bàn tay của "cần thủ" nắm đầu và đuôi giật nhẹ khiến toàn thân lờ đờ trước khi móc vào lưỡi câu. Tàu lắc lư như đang đùa giỡn với sóng ngoài khơi xa vỗ vào bờ.

Nước gần thân tàu bỗng lạo xạo như tiếng mưa rào rơi trên mái tranh nghèo trong đêm khuya thanh vắng. Đàn cá nhỏ phóng lên cao rồi rơi xuống nước, cố sức chạy thoát thân khi bị cá lớn truy đuổi. Điều ấy nhóm lên niềm hy vọng trong lòng các "cần thủ" lão luyện khiến các anh cần mẫn vung cần- thu dây câu trên biển đêm lộng gió. Chợt có tiếng reo "dính rồi" khiến cả tàu hồ hởi, tinh thần phấn chấn.

Anh Nguyễn Tấn Bảo thu dây câu và kéo con cá hồng khá lớn đang giãy giụa lên khỏi mặt nước giữa tiếng cười nói rộn ràng. Tiếng ai đó nhắc khẽ: "Cá đang ăn, đừng rọi pin xuống nước". Niềm vui chưa tan, thì anh Võ Duy Sỹ hào hứng: "Dính nữa rồi. Chắc cá lớn nên kéo nặng lắm!". Có tiếng nhắc nhở: "Từ từ thôi chứ đứt dây sẩy cá thì tiếc lắm!". Bóng người bước vội qua tôi đến phía cuối tàu lấy vợt lưới vớt con cá hồng khá lớn lên khỏi mặt nước. "Như vầy là gặp may rồi. Nhiều bữa câu cả buổi nhưng đành về tay không...", anh Sỹ cười tươi.

Kiên nhẫn đợi chờ

Sao khuya nhấp nháy phía trời xa. Những "cần thủ" kiên nhẫn đợi cá cắn câu. Biển cả cho họ những ngọn gió mát lành xua đi mệt nhọc, vợi âu lo trong cuộc sống thường ngày. Hơn mười năm qua, họ cùng nhau đến bờ biển hay thuê tàu ra bãi rạn để vung cần rồi thu dây kéo rê mồi câu những con cá dữ. Những lúc như thế giúp họ rèn luyện tính "kiên nhẫn đợi chờ" với niềm hy vọng câu được cá lớn hiện hữu trong tâm trí. "Có bữa được 6 con cá lớn, nhưng cũng lắm lúc chẳng có con nào cắn câu. Vậy nhưng, anh em chúng tôi vẫn cứ rủ nhau đi. Biển giã mà anh! Phải kiên trì thì mới câu được cá...", anh Sỹ bộc bạch.

Gần bước qua tuổi ngũ tuần, anh Phan Văn Đại vẫn cùng các "cần thủ" trẻ lênh đênh trên sóng nước biển đêm. Anh đeo kính rồi tỉ mẩn móc mồi như người thợ sửa chữa đồng hồ chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Anh cẩn thận nhìn phía sau đề phòng lưỡi câu móc vào bạn đồng hành rồi vung cần ra trước. Chừng giờ đồng hồ, anh nghỉ tay bật lửa, châm thuốc rì rầm chuyện trò. "Lúc trước cá nhiều câu sướng lắm. Giờ nhiều người đánh bắt theo kiểu tận diệt, nên ngày càng khan hiếm, phải kiên nhẫn mới câu được. Được con cá to cảm thấy sướng lắm, khó có niềm vui nào bằng...", anh Đại bộc bạch. "Có người lần đầu câu được cá to nhảy cẫng lên hò reo như trẻ thơ, trông vui lắm", anh Châu góp chuyện.

"Biển như ruột thịt..."

Sóng vỗ về đưa tàu cá rời xa bãi rạn, dẫu chiếc neo bằng sắt đã buông vào lòng biển. Thuyền trưởng Bùi Thiên vui vẻ nổ máy, điều khiển tàu đến vị trí thuận lợi cho các "cần thủ" vung câu trong đêm vắng. Gần 30 năm bám biển mưu sinh, anh từng phải đối mặt với bao trận cuồng phong khi lênh đênh trên sóng nước. Cơn bão Linda diễn ra vào năm 1997 gây bao đau thương cho con dân đất Việt ám ảnh tâm trí của anh đến tận giờ.

Ngày ấy, anh là tài công, ôm vô lăng điều khiển tàu cá hành nghề giã cào đôi trên vùng biển phía nam. Tàu anh cùng một chiếc khác đang kéo lưới chợt thấy nhiều tàu cá "chạy thục mạng" vào đảo Côn Sơn (Côn Lôn hay Phú Hải, là đảo lớn nhất trong quần đảo Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hỏi thêm thông tin, anh biết có bão lớn đang rượt đuổi phía sau. Anh cùng bạn chài vội thu lưới rồi mở hết tốc lực khi biển trời tối sầm, ẩn chứa tai họa khó lường.

Khi cách đảo chừng 3 hải lý, tàu cá anh đang điều khiển bị những cơn sóng dữ nhấn chìm xuống lòng biển sâu. Anh cùng 10 thuyền viên bám vào phao và thùng xốp ngoi ngóp giữa sóng nước, rồi được tàu cá đi cùng cứu vớt đưa vào bờ. "Phải nói là anh em tôi vô cùng may mắn mới thoát nạn. Khi đó, tàu thuyền chìm không biết bao nhiêu mà kể, bà con chết nhiều lắm...", anh Thiên nhớ lại.

Sau cơn bão kinh hoàng ngày ấy, anh lại lên tàu lướt sóng vươn khơi. Những chuyến biển xuôi nam - ngược bắc giúp anh nuôi sống gia đình. Giờ anh trở về mưu sinh trên biển quê nhà với nghề câu mực, buông - kéo lưới gần bờ. Anh sẵn lòng điều khiển tàu đưa "cần thủ" ra bãi rạn câu cá hay đưa du khách lênh đênh trên sóng nước ngắm Sa Huỳnh "cát vàng - biển xanh". Giọng anh rì rầm hòa cùng sóng biển kể chuyện quê mình và nỗi gian truân đời ngư phủ.

Những người phụ nữ đợi chờ trong âu lo với lời cầu mong: "Vái trời khởi ngọn gió đông/ Cho ghe tôi chạy, cho chồng tôi vô". Lời tâm sự của chàng ngư phủ khiến người vợ trẻ thổn thức: "Đêm nay anh gối tay nàng/ Ngày mai ra biển gối giàn dây neo"... "Đời ngư dân lắm hiểm nguy và cơ cực! Nhưng đã vướng vào nghề rồi thì khó bỏ được lắm. Không còn đủ sức ra khơi nên tôi chuyển sang mưu sinh gần bờ cho đỡ nhớ. Tôi xem biển như ruột thịt, gắn bó với nhau gần trọn cuộc đời...". Lời người đàn ông dạn dày sóng gió nhẹ tựa cơn gió, lướt trên sóng nước miên man.

Theo Trang Thy (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!