(BAĐM) - Trước khi hòa mình vào đại dương, tại nơi vị ngọt của sông gặp gỡ vị mặn của biển, ở cuối dòng Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi), đã hình thành vùng cư trú của loài nhuyễn thể nước lợ là con don và con hến. Cào don và nhủi hến cũng là nghề mưu sinh hàng ngày của người dân vùng ven sông nơi đây.

< Nhủi hến.

Hến nằm sâu trong đất liền hơn don, don màu nâu trắng hình bầu dục, còn hến tròn hơn và màu nâu đen. Dựa vào con nước thủy triều theo mùa, người dân ở các xã vùng ven sông sử dụng ghe máy hay thuyền làm phương tiện di chuyển đến địa điểm gần cửa sông để cào don, nhủi hến.

< Ngâm mình dưới nước sâu.

Công cụ khai thác được người dân địa phương thường dùng là chiếc cào hay nhủi được làm bằng tre rất chắc chắn, chiếc cào don thì to và nặng hơn chiếc nhủi hến rất nhiều. Ngày nay, người dân cũng vẫn dùng nhủi hến để cào don.

< Hến được đãi sạch bùn trước khi đem bán.

Công việc kiếm sống thường ngày khá vất vả, người dân phải dậy sớm đi làm từ 3 - 4 giờ sáng, phải dầm mình trong nước cả ngày dưới trời nắng trung bình từ 6 - 8 tiếng, làm việc trong môi trường ở dưới nước lâu làm cho người dễ bị nhiễm lạnh, chân tay nhăn nhúm dễ mắc bệnh khớp… bù lại thu nhập từ nghề cào don, nhủi hến một ngày cũng kiếm được trên 200 ngàn đồng, cũng gọi là tạm ổn định.

< Công việc bắt đầu một ngày mới.

Don và hến sau khi khai thác sẽ được rửa sạch, đem ra chợ bán cho thương lái để họ chở đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Mùa thu hoạch nhiều vào tiết trời mát sau mùa xuân và kéo dài cho tới mùa thu, mùa đông lạnh bà con không khai thác. Cao điểm của mùa don, hến bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9.

< Ra chợ.

Du khách đến Quảng Ngãi tham quan và du lịch, đừng bỏ qua cơ hội tìm hiểu ẩm thực địa phương, thưởng thức món ăn dân dã rất ngon miệng và bổ dưỡng được chế biến từ don và hến của quê hương miền Trung này.

Theo Hồng Nga (Báo Ảnh Đất Mũi)
Du lịch, GO!