(NLĐ) - Không chỉ được biết đến với một Pù Luông được ví như "Sa Pa của xứ Thanh", Bá Thước (Thanh Hóa) còn được biết đến với một phiên chợ độc đáo chỉ họp vào thứ năm và chủ nhật mỗi tuần có từ thời Pháp thuộc.

< Chợ phiên phố Đòn tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 150 km về phía Tây Bắc, chợ phiên phố Đòn (thuộc xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) vẫn luôn được nhiều người biết tới là một phiên chợ độc đáo ở vùng cao Thanh Hóa.

< Phiên chợ có từ thời Pháp thuộc, chỉ họp thứ 5 và chủ nhật trong tuần.

< Chợ được họp ngay 2 bên đường giữa trung tâm xã Lũng Niêm. Chợ bán rất đa dạng các loại hàng hóa nhưng chủ yếu là các sản phẩm "cây nhà lá vườn" của người dân bản địa trong vùng.

Chợ phiên phố Đòn có từ thời Pháp thuộc, là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái… đến từ các xã quanh vùng của huyện Bá Thước như Lũng Cao, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Thành Sơn, Thành Lâm... và huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

< Từ quả me...

Phiên chợ độc đáo này chỉ họp đúng 2 buổi sáng ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, luôn đem đến sự thích thú cho mỗi du khách có dịp về với huyện vùng cao Bá Thước.

< ... đến mướp đắng...

< ... táo mèo...

Hàng hóa mang xuống chợ đủ các loại từ truyền thống tới hiện đại, trong đó các loại hàng hóa "cây nhà lá vườn" như thổ cẩm, rượu cần, nắm rau rừng, quả cam, con cua, con ốc, hay con chuột săn ở rừng... luôn được nhiều người quan tâm mua bán khi tới chợ.

< .. quả trám...

< ... bí ngô...

Với người dân nơi đây, để có mặt tại chợ, họ thường phải dậy rất sớm để chuẩn bị hàng hóa, bởi chợ họp từ mờ sáng cho tới gần trưa là kết thúc. Để đem được hàng hóa xuống chợ, nhiều người đã phải đi hàng chục cây số, thậm chí nhiều người phải băng rừng, lội suối để cõng, gùi hàng hóa xuống chợ.

< ... đến những quả rừng rất lạ.

< Các loại hàng hóa như ốc, cua cũng được người dân đưa xuống chợ bán rất nhiều.

Việc xuống chợ, với người dân không đơn thuần chỉ là buôn bán hàng hóa mà còn là dịp để họ được giao lưu văn hóa, gặp gỡ, hỏi thăm nhau. Đặc biệt, việc buôn bán ở chợ không nhất thiết phải dùng tiền, họ có thể đổi các loại hàng hóa có giá trị tương đương nhau nếu người này có cái này nhưng thiếu cái kia và ngược lại, chỉ cần "ưng cái bụng".

< Phiên chợ chỉ họp thứ 5 và chủ nhật hàng tuần nhưng có rất nhiều người tới dự, buôn bán, giao lưu.

Dù đã tồn tại hàng chục năm, cuộc sống cũng đã thay đổi rất nhiều, thế nhưng phiên chợ phố Đòn vẫn thu hút được nhiều người tới chợ, thậm chí có thời điểm có hàng ngàn người tới tham dự phiên chợ độc đáo này.

< Các món ăn dân dã như bánh cuốn, bánh lá... cũng được bày bán ở chợ. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi thưởng thức những món ăn đậm chất thôn quê này.

Được biết, trong đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, huyện Bá Thước đã có chủ trương gìn giữ nét truyền thống của phiên chợ, giúp khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn để khám phá khi về với vùng đất và con người nơi đây.

Theo Tuấn Minh (Người Lao Động)
Du lịch, GO!