(BDL) - Giữa những cánh rừng nguyên sơ sừng sững được tô điểm bởi những nếp nhà sàn xinh xắn, những thửa ruộng bậc thang đan xen bên sườn núi, thấp thoáng bóng các cô gái Cơtu trong những bộ váy áo rực rỡ đang cần mẫn làm nương, trước mắt bạn là một cánh đồng lúa bao la.

Những thửa ruộng bậc thang này có từ hàng trăm năm nay giống như những bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn mềm mại và đều do những đôi bàn tay cần mẫn của người Cơtu vùng biên này kiến tạo nên. Càng về chiều, nắng trời như muốn đổ vàng xuống cả lũng núi. Tại đây, ruộng nằm lọt giữa sóng lúa vây quanh. Thật khó tìm thấy ở nơi này những khoảng đất bỏ hoang, hễ có đất là có ruộng bậc thang và lúa. Hình như những thửa ruộng bậc thang đa dạng có thể biến những ụ đất, rẻo đất xấu xí tưởng như vô dụng trở thành từng thửa ruộng đẹp như bức tranh thuỷ mặc...

Chúng tôi theo chân một số chị phụ nữ Cơtu, hiện đang sống tại thôn A Rằng 1) đi tham quan những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa cấy, và được biết: Ruộng bậc thang Chuôr có từ khi nào không ai rõ chỉ biết rằng trước kia, người Cơtu chỉ biết hái lượm, để sinh tồn và phát triển, rồi sau đó phát nương làm rẫy, trồng cây lương thực để duy trì sự sống. Nghĩa là từ khi có người Cơtu sinh sống ở vùng này cũng là lúc bắt đầu có ruộng bậc thang và họ đã gắn bó với thung lũng này từ đó cho đến nay.
Dulichgo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng này là nơi định cư lâu đời của 100% đồng bào dân tộc Cơtu. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống độc đáo của tổ tiên người Cơtu. Ruộng bậc thang Chuôr xã A Xan một năm làm 2 vụ: Đông Xuân và Hè Thu và các thửa ruộng này được dẫn nước từ sông Kool để tưới tiêu. Tùy theo lượng nước ở từng chân ruộng mà có thể cấy hoặc gieo trồng trực tiếp. Những chân ruộng trên cao không thể giữ nước được lâu, vì vậy đất cứng, không mịn nên bà con Cơtu nơi đây ủ giống lên mộng rồi gieo trực tiếp. Những chân ruộng ở dưới thấp, nước nhiều, đất mềm và dẻo nên bà con đem gieo mạ sau đó cấy lại trên các thửa ruộng của mình.

Trước khi thu hoạch lúa, đồng bào Cơtu tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới. Trong lễ hội mừng lúa mới, đồng bào còn tổ chức lễ hội đâm trâu với các nghi thức cúng tế rất linh thiêng để đồng bào tưởng nhớ đến công ơn của thần linh, giàng giúp đỡ dân làng có được mùa thu hoạch bội thu, ấm no, hạnh phúc.
Dulichgo
A Xan, một xã vùng cao còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơtu. Người Cơtu rất quý khách, vào nhà người Cơtu bạn sẽ là khách quý, là anh em, dù bạn mới chỉ đến đây lần đầu, rượu tà vạt nồng say sẽ làm ấm lòng bạn. Người Cơtu đã có mặt ở A Xan từ rất sớm và người Cơtu có công khai hoang cánh đồng lúa Chuôr và chính những thửa ruộng bậc thang này đã nuôi sống đồng bào nơi đây để họ trụ lại ở mảnh đất này từ rất lâu rồi. Ngày 24 tháng 12 năm 2010 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ký Quyết định số 4334/QĐ-UBND xếp hạng ruộng bậc thang Chuôr, thôn A Rầng, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là danh thắng cấp tỉnh.

Nếu bạn là người thích du lịch, hãy làm một cuộc hành trình về với A Xan - một xã vùng biên giới để khám phá cánh đồng ruộng bậc thang này. Vượt trên cung đường nối từ thị trấn Argồng (trung tâm huyện lỵ Tây Giang) về xã A Xan khoảng 50km qua trùng điệp những ngọn đồi núi cao, hiện con đường này đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đầu tư, thi công san ủi mở rộng. Con đường sẽ dẫn bạn vào một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đẹp như tranh và ở đó bạn còn có dịp khám phá ruộng bậc thang Chuôr, những nép nhà sàn nằm cheo leo bên sườn núi mà còn thưởng thức những ẩm thực độc đáo của người Cơtu trên vùng Trường Sơn bao la và rộng lớn này.
Dulichgo
Khắp các triền núi cao ôm lấy những thửa ruộng bậc thang đẹp đến ngây ngất lòng người. Đây chính là bức tranh của sự no ấm do chính những người dân Cơtu nơi đây từ nhiều thế hệ tạo dựng nên.

Theo Hạ Quyên (Báo Du Lịch)
Du lịch, GO!

Ruộng bậc thang Chuôr