(BVPL) - “Bãi tắm Tịnh Khê thường có hai cổ lò”, nhiều người dân nói với tôi như vậy. Cổ lò là cách dùng từ địa phương chỉ ra những vùng xoáy thường gây ra tai nạn đuối nước, thậm chí cả những ngày sóng êm.

Lặng sóng

Bãi biển Tịnh Khê (Mỹ Khê - xã Tịnh Khê tỉnh Quảng Ngãi - vị trí >) vào những ngày đầu tháng hai yên bình. Bờ biển mà khách du lịch thường xuống tắm trải dài khoảng 3 km là bờ cát mịn, vàng óng với làn nước trong xanh. Những những làn sóng lăn tăn dịu êm như điệu valso khiến ai cũng có thể  bị cuốn hút, cởi phăng áo và nhảy xuống biển bơi lội cho thỏa thích. Nhưng rồi câu hỏi “tại sao có quá nhiều người chết ở bãi biển này?”, đã vít bước chân tôi ngừng lại trên bãi cát.

Người từng được tôn vinh là anh hùng ở bãi biển Tịnh Khê là anh Lê Đức Chiến, chủ quán Đức Chiến, nằm trước chòi canh gác bãi biển. Khoảng 7 năm trước, ông chủ quán có thâm niên từng là ngư dân từ lúc học lớp 6 đã kể cho tôi nghe những chuyến cứu nạn với vẻ hùng hồn, vô tư, đọng lại dư vị đầy xúc động. Còn năm nay ông Chiến đã bước sang tuổi 56 và ánh mắt có thoáng chút bàng bạc. Ông bắt đầu hít thở thật sâu như để ước chừng sức vóc của mình sẽ ra sao, nếu tiếp tục lao ra biển cứu nạn như trước đây.

Những câu từ mà ông Chiến nói ra và tôi cảm nhận được rằng, tuổi 56 thì nếu lao ra sóng dữ cứu các nạn nhân như 20 người từng được ông cứu thì có khi sẽ không còn đủ sức sải tay vượt sóng để trở lại bến bờ. Những du khách từng được ông cứu thì đa phần là những người ở xa tới: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM,.. Tôi gặp ông Chiến để nhờ phân tích về những vụ thảm nạn và chỉ ra “điều gì đã khiến bãi biển này nhiều lần có cảnh rơi nước mắt?.

Ông Chiến nói vài câu đầu tiên đã khiến tôi cảm thấy “hẫng chân”: ngay kia, trước mắt luôn đó, thấy nước thì êm, nhưng mà là nước xoáy; cứ chỗ nào không có sóng thì nước xoáy mạnh, đi ra một chút là hẫng chân, rồi giã cào, kêu cứu”. Tôi có cảm giác “hẫng chân”, vì vài phút trước đó nhìn thấy biển quá đỗi yên bình, và nếu lội xuống biển thì tôi cũng sẽ chọn vùng nước đang lặng sóng – nơi mà người dân địa phương gọi là cổ lò.

Theo hướng tay của ông Chiến thì vùng nước cổ lò là vùng lặng sóng, nằm gần sát bờ, vùng nước này không có bọt sóng, thường xuyên tạo thành vùng hình vuông, tròn, ô van. Sóng bạc đầu không đổ trên vùng nước này đã cho thấy, mực nước khu vực này sâu đột ngột và như những lòng chảo. Nhưng nếu để nhìn thấy rõ hơn thì phải trèo lên tầng 2 của bót gác bờ biển. Từ vị trí này có thể thấy, dòng nước khi ập vào bờ thì sẽ đi ngược ra, qua lòng chảo, từ đó lôi người đang bơi hẫng chân giữa lòng chảo trông có vẻ yên bình.

Cứu người

Việc ra biển tắm phải mặc áo phao là quy định về vấn đề an toàn. Việc tổ chức đi cứu người bị nạn thì nhất định phải mặc áo phao. Nhưng đối với ông Lê Đức Chiến, người đã cứu nạn hơn 20 nạn nhân đuối nước thì lại đưa ra cách thức ngược hẳn với lời khuyến cáo. Trước tiên, nói về khả năng bơi lội thì ông Chiến đã điêu luyện như Yết Kiêu. Từ năm lớp 7, ông Chiến hàng ngày từ nhà, đeo chiếc vợt rồi bơi thẳng ra biển. Cậu bé học trò tinh nghịch bơi nửa ngày trên biển, cứ thỉnh thoảng lại nằm ngửa ngắm trời xanh rồi lại úp người, rút súng dây su có gắn mũi tên ra bắn cá.

Bằng kinh nghiệm bơi lội như người cá, mỗi lần bơi ra cứu nạn thì ông không khoác áo phao, mà chỉ mang theo một chiếc bánh phao rất nhỏ.  Ông Chiến cho biết, nếu bơi giỏi, khi ra cứu người thì không nên mặc áo phao, vì mặc áo phao thì sóng nhồi vào bờ liên tục, mệt quá thì thả tay. Ông chỉ cầm chiếc bánh phao nhỏ để hỗ trợ, khi lượn sóng ập vào người thì ông cầm áo phao giơ lên khỏi mặt nước, còn người thì nhũi dưới sóng, sau đó lại bơi. “Nếu sóng ập tới thì nhũi xuống bơi, bơi thiệt nhanh ra khỏi lớp sóng và tôi gọi là bờ âm, còn trong 3 triền sóng đổ gọi là bờ dương; mệt nhất là bơi cật lực sau khi sóng đổ để ra bờ âm, sau đó mới cứu người” – ông Chiến chia sẻ.

Khi tiếp cận người trôi dạt, ông luôn nói dõng dạc “nằm im thì sống, nếu đu chặt tôi thì chết”. Ban đầu ông vòng tới nắm thử gót chân xem nạn nhân có nghe lời hay không, sau đó vòng lại nắm cổ áo, nắm tóc và nâng mặt nạn nhân lên khỏi mặt nước rồi kéo vào. “Nếu họ đột ngột quẫy mạnh và ôm chặt thì mình phải ấn họ xuống cho ngợp nước vài giây cho họ buông tay, sau đó mới cứu tiếp, nếu không thì cả 2 sẽ chết luôn” – ông Chiến nói về tình huống không có trong sách vở.

Ông Chiến chia sẻ, nếu lỡ bị sóng biển cuốn trôi thì cứ nằm ngửa, tay chân đập nhẹ nhẹ, hít thật nhiều hơi vào bụng cho người nổi, thỉnh thoảng thở nhẹ khi nước đã lướt qua mũi. Đó là cách giữ sức và chờ người tới cứu, còn nếu càng đập loạn thì càng nhanh bị đuối nước.

Đối với du khách đến bãi biển Tịnh Khê, ông Chiến tiếp tục khuyến cáo “thấy cổ lò thì chớ có xuống điểm đó tắm”.  Dù biết cổ lò là nguy hiểm, có năm chết 1 lúc 3 người, nhưng khi chúng tôi đến nơi thì vẫn không thấy có bảo vệ bãi biển trực canh, không có một tấm bảng cảnh báo cắm trên bãi, còn chòi canh thì rỉ sắt đến mức sắp sập.

Theo Lê Văn Chương (Bảo Vệ Pháp Luật)

Du lịch, GO!