Ai đã từng đến huỵên Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, chắc đã có dịp chiêm ngưỡng cảnh ruộng bậc thang - một kiến tạo thay đổi thiên nhiên tuyệt đẹp của đồng bào Cơ Tu ở thôn Arầng, xã A Xan, H. Tây Giang, Quảng Nam. Tại độ cao 1.260m so với mực nước biển, cánh đồng Chuôr hút mắt khách phương xa với màu xanh ngắt, đẹp lạ lùng giữa đồi núi trập trùng.

Ruộng bậc thang Chuôr nằm gọn trong một thung lũng thuộc 3 thôn Arầng 1, Arầng 2 và Arầng 3, xã AXan, đối diện với đồn BP Hiên 2 nằm trên tuyến đường từ xã AXan đi xã Ch’Om. Những thửa ruộng bậc thang này có từ hàng trăm năm nay giống như những bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn mềm mại và đều đặn

< Nhổ mạ chuẩn bị cấy.

Theo các già làng của xã Axan, ruộng bậc thang Chuôr hình thành vào thời gian nào thì không ai biết. Chỉ biết rằng trước kia, do nhu cầu và cuộc sống ngày càng phát triển, người Cơ Tu cổ từ chỗ chỉ biết hái lượm và săn bắn, đã biết phát nương làm rẫy, trồng cây lương thực.

Mà đất ở vùng này thì chỗ nào cũng có độ dốc cao, cho nên ruộng bậc thang đã ra đời và gắn bó với đồng bào từ đó cho đến nay.
Ruộng được chia thành những thửa ruộng vừa phải, có độ cao dần lên và được bà con kéo nước từ nguồn về để trồng lúa.


< Nông dân Cơ Tu làm đất trên cánh đồng Chuôr.

Càng về chiều, nắng trời như muốn đổ vàng xuống cả lũng núi. Tại đây, ruộng nằm lọt giữa sóng lúa vây quanh. Thật khó tìm thấy ở nơi này những khoảng đất bỏ hoang, hễ có đất là có ruộng bậc thang và lúa. Hình như những thửa ruộng bậc thang đa dạng có thể biến những ụ đất, rẻo đất xấu xí tưởng như vô dụng trở thành từng thửa ruộng đẹp như bức tranh thủy mặc...

Ruộng bậc thang Chuôr của người Cơtu vùng cao AXan này là tri thức dân gian của đồng bào dân tộc Cơtu từ bao đời, là kết quả của phương thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa nhất mà tổ tiên, ông bà người Cơtu đã để lại cho thế hệ sau này.

Mỗi mùa thu hoạch lúa là mùa lễ hội mừng lúa mới để đồng bào tưởng nhớ đến công ơn của thần linh, giàng, đã giúp đỡ dân làng có được mùa thu hoạch bội thu và no đủ, thông qua các nghi thức cúng tế rất linh thiêng và trang nghiêm.

Trước khi thu hoạch lúa, đồng bào Cơtu nơi đây tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới, trong đó có lễ hội đâm trâu với các nghi thức cúng tế rất linh thiêng để đồng bào tưởng nhớ đến công ơn của thần linh, giàng giúp đỡ dân làng có được mùa thu hoạch bội thu, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội mừng lúa mới còn phản ánh đời sống tinh thần của đồng bào. Chính vì thế văn hóa tinh thần của đồng bào Cơtu vùng biên gới AXan nói riêng và vùng biên Tây Giang nói chung mãi mãi được lưu truyền qua mỗi mùa lễ hội. Ruộng bậc thang Chuôr còn là điểm du lịch hấp dẫn trong bức tranh sắc màu của núi rừng Tây Giang, tạo nên một không gian sinh thái trong lành cho du khách trong và ngoài nước đến đây thưởng ngoạn...

Cung đường nối từ thị trấn Agồng (trung tâm huyện lỵ Tây Giang) về xã AXan khoảng 50km qua trùng điệp những ngọn đồi núi cao, hiện con đường này đang được BĐBP tỉnh Quảng Nam đầu tư, thi công san ủi mở rộng. Càng đi, con đường càng trở nên kỳ diệu, sẽ dẫn bạn vào một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đẹp như tranh.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cả cánh đồng ruộng bậc thang Chuôr cũng đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp lương thực cho cán bộ, bộ đội ta.

Với vẻ đẹp độc đáo và ý nghĩa của nó, ngày 24-12-2010, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã ký Quyết định số 4334/QĐ-UBND xếp hạng ruộng bậc thang Chuôr là danh thắng cấp tỉnh.

Du lịch, GO!