(CAND) - “Sông kia giờ đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”. Những câu thơ trong bài Sông Lấp của thi sĩ Trần Tế Xương ứng với dòng Cổ Cò một cách lạ lùng. Trên sông xưa giờ là những cánh đồng tốt tươi, trở thành nguồn sống của không ít người dân. Dù thế, từ nhiều đời nay bao thế hệ người dân đất Quảng vẫn khao khát dòng Cổ Cò lại được hồi sinh.

Tiết trời vào thu, trên cánh đồng của xã Điện Dương (Quảng Nam) người nông dân đang gặt những đám ruộng muộn còn lại của vụ Hè Thu. Mùa này, dòng sông hẹp – cách người dân ở đây gọi dòng Cổ Cò, nước đang lên dần vì vậy ai cũng tranh thủ gặt thật nhanh. Đã nhiều đời nay, gia đình chị Nguyễn Thị Bảy (thôn Hà My Tây) canh tác trên cánh đồng này nên chị hiểu quy luật ấy.

Chị kể: “Cánh đồng này tốt lắm, trồng lúa rất có năng suất nhưng vào mùa mưa khi nước lũ về thì sông hẹp dâng nước nhanh và chảy xiết. Trận lũ năm 2009, nước sông dâng lên ngập nửa nhà tôi”. Chị Bảy đâu biết rằng, chính trên cánh đồng này xưa kia là dòng chảy của sông Cổ Cò, dù bị bồi lấp từng đoạn nhưng mạch nguồn của dòng sông vẫn âm ỉ chảy trong lòng đất và phù sa của con sông Cổ Cò vẫn âm thầm bồi lắng để cánh đồng thêm màu mỡ. Dọc sông Cổ Cò, những bãi bồi xuất hiện liên tục và hẳn nhiên trở thành cánh đồng phì nhiêu để người dân canh tác.

Tại P. Hòa Hải, Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng) bãi bồi trải dài hàng chục héc-ta và con đập Bờ Quang, chắn ngang sông trở thành dấu tích lúc dòng sông Cổ Cò bị bồi lấp. Người cao tuổi ở đây kể rằng, cách đây hơn 100 năm, khi dòng Cổ Cò bị bồi lấp, người dân đã canh tác trên bãi bồi tuy nhiên nước mặn lại xâm nhập khiến hoa màu chết hết. Biết nỗi khổ của dân, triều đình đã huy động dân phu đắp đập ngăn mặn và cũng kể từ lúc ấy, những chiếc thuyền lớn không thể đi lại trên đoạn sông này nữa. Để đến bây giờ, con đập ấy trở thành vật cản, khiến khách du lịch không thể đến tham quan Ngũ Hành Sơn bằng đường sông.

Nhưng mất cái này thì được điều khác. Gần 20 năm làm ruộng trên bãi bồi bên sông Cổ Cò, anh Mai Văn An (Hòa Hải) tâm sự rằng, dù không giàu có gì nhưng bãi bồi và con đập Bờ Quang đã giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định, nuôi hai đứa con học đại học. “Hai vợ chồng tôi vừa làm rau, vừa trồng lúa, mà mỗi tháng thu nhập cũng được gần 5 triệu đồng như thế cũng đủ sống rồi. Nhưng khu vực này nằm trong diện giải tỏa rồi, sắp đến thành phố lại cho nạo vét sông Cổ Cò, đến lúc đó chắc không còn bãi bồi này nữa”- anh An, tỏ ý tiếc nuối.

Dù vậy anh An vẫn thấy vui khi nghĩ đến chuyện nạo vét sông Cổ Cò:  “Không biết đến lúc đó sông Cổ Cò sẽ như thế nào, chắc sông sẽ đẹp lắm”. Hẳn sẽ vậy rồi, dòng Cổ Cò được khơi thông sẽ không đơn giản chỉ làm hồi sinh một dòng sông mà nó còn tạo sức bật cho sự phát triển du lịch, kinh tế của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Mới đây lãnh đạo của hai địa phương  đã thống nhất cùng phối hợp nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, với tổng chiều dài 28km từ Đà Nẵng vào Hội An. Tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch nạo vét 19km sông Cổ Cò trên địa bản tỉnh, với mức vốn 700 tỷ đồng.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã thống nhất kế hoạch khơi thông, nạo vét, tu sửa 28km sông Cổ Cò. Theo đó, lòng sông khi khơi thông sẽ có chiều rộng từ 90 - 200m, hai bên bờ sẽ được xây đường tạo cảnh quan thông thoáng, với lòng đường 10,5m và vỉa hè bờ sông rộng 20m, vỉa hè còn lại mở rộng 9m. Nguồn vốn để thực hiện việc khơi thông sẽ được huy động từ các nhà đầu tư. Khi được khơi thông, trên sông Cổ Cò sẽ được quy hoạch với nhiều điểm du lịch lý tưởng: nào là resort ven 2 bên bờ sông; đô thị sinh thái, nhà vườn; cảng du lịch...

Nhìn tấm biển quy hoạch tổng thể sông Cổ Cò, mới được dựng lên tại địa phương, chú Trần Ái (trú xã Cẩm An – Hội An) vẫn như chưa tin là chuyện này sẽ có thật. Ông hỏi tôi: “Thế có nạo vét thật không chú, bao giờ sẽ làm. Nếu sông Cổ Cò mà được khơi thông thì tôi sẽ dong thuyền ra Đà Nẵng xem pháo hoa”. Bao đời nay, người dân Quảng Nam- Đà Nẵng vẫn mong ước dòng Lộ Cảnh Giang sẽ được hồi sinh, bây giờ điều mong ước ấy sắp trở thành hiện thực thì nhiều người lại hoài nghi. Hiện nay, dọc hai bên bờ sông Cổ Cò nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và không phải ngẫu nhiên mà họ làm như thế, một khi dòng Cổ Cò được khơi thông thì những khu du lịch như thế sẽ trở nên đắc địa vô cùng.

Rồi có một ngày, dòng sông Cổ Cò hồi sinh lại dòng chảy vốn có của mình đến lúc ấy tôi sẽ đi thuyền trên dòng sông để chiêm ngưỡng cho bằng hết những cảnh đẹp mà người xưa đã kể. Để lại thấy cảnh tàu thuyền xuôi ngược trên sông. Đến lúc ấy, tôi không gọi sông là Cổ Cò nữa mà sẽ gọi là Lộ Cảnh Giang.
(Hết)

Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ 1: Xa rồi Lộ Cảnh Giang
Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ 2: Huyền tích bên sông
Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ cuối: Hồi sinh dòng cổ cò

Ký sự: Lưu Hoàng Anh (Công An Nhân Dân)
Du lịch, GO!