(CAND) - Không rộng lớn, mạnh mẽ như sông Thu Bồn hay ghềnh thác, khúc khuỷu như Vu Gia, Cổ Cò chỉ là một con sông ngắn và nhỏ êm ả nối nguồn nước giữa hai con sông lớn ấy. Thế nhưng, dòng sông này có số phận đặc biệt, chứa đựng nhiều sự tích và câu chuyện đầy huyền thoại...

Có một sự trùng hợp rất kỳ thú, là dù có đầu nguồn khác nhau nhưng dòng sông Thu Bồn và Vu Gia có sự liên hệ rất mật thiết. Khi sông Vu Gia chảy đến địa phận của H. Đại Lộc (Quảng Nam) thì bất ngờ rẽ một nhánh đổ nước về sông Thu Bồn, còn sông Thu Bồn khi chảy đến H. Núi Thành cũng rẽ thành sông Cổ Cò chảy về hướng bắc hòa nước vào sông Cẩm Lệ. Nhiều người nói rằng, đó là cách mà dòng sông Thu Bồn trả nợ nghĩa tình cho sông Vu Gia và rằng dòng Cổ Cò là kết tinh những gì đẹp nhất của hai con sông lớn ấy...

Tôi theo thuyền xuôi dòng Cổ Cò để hướng về phía Đà Nẵng để kiểm chứng điều ấy, tuy nhiên khi đến địa bàn xã Điện Dương thì sông bị bồi lấp hoàn toàn, thuyền không di chuyển được nữa. Tại đây dòng sông bị thu hẹp giống như một con mương, lục bình ken đặc trên mặt nước, người dân ở đây gọi đó là dòng sông hẹp. Những người dân ở làng Hà My Trung (Điện Dương) quả quyết rằng, dù cho nắng hạn có diễn ra gay gắt đi nữa thì dòng sông hẹp   không bao giờ cạn nước và chính trên đoạn sông này vẫn tồn tại nhiều huyền tích về sông Cổ Cò.

< Dòng Cổ Cò đoạn chảy qua danh thắng Ngũ Hành Sơn, còn lưu dấu Bến Ngự, Cồn Ngự nơi vua Minh Mạng đã đặt chân đến.
Dulichgo
Khi nghe tôi hỏi chuyện về sông Cổ Cò, ông Đinh Cư, người làng Hà My Trung, kể: “Tôi nghe những người lớn tuổi trong làng kể lại rằng  dòng sông này thiêng lắm, dọc hai bên bờ người dân dựng rất nhiều đền miếu để thờ phụng thần sông, hằng năm dân làng chúng tôi đều tổ chức cúng trên dòng sông này. Ở đây có sự tích về Hà Sấu, về chuyện Huyền Trân công chúa khi chạy trốn khỏi quân Chiêm cũng đi qua sông này”. Dường như người dân ở xã Điện Dương ai cũng biết về những sự tích như thế, nhưng vì sao từ sông Cổ Cò lại chuyển thành sông Hà Sấu?

Chuyện xưa kể rằng, khi dòng Cổ Cò chưa bị bồi lấp, đoạn sông chảy qua địa bàn xã Điện Dương rất rộng và sâu, nhờ nguồn nước của sông mà mùa màng tốt tươi, người dân có cuộc sống sung túc. Nhưng trên đoạn sông này cũng là nơi trú ngụ của một con cá sấu rất lớn. Nó bắt gia súc, giết người, trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Nhiều trai tráng trong vùng đã giăng bẫy bắt cá sấu nhưng rốt cuộc cũng trở thành mồi của chúng. Quyết không để cá sấu hại dân làng, 5 vị quan trong huyện đã bàn nhau tìm cách trị  cá sấu.

< Miếu Ông Sấu, nơi người dân xã Điện Dương dựng lên để tưởng nhớ công ơn 5 vị quan giết cá sấu trừ họa cho dân làng.

Một đêm, người dân trong làng nghe tiếng động rất mạnh ở ngoài sông, tiếng vẫy đuôi hung hãn của loài cá sấu, tiếng hò hét của 5 vị quan. Sáng hôm sau, dân làng hò reo vui mừng khi thấy con cá sấu đã chết phơi bụng trên sông, tuy nhiên 5 vị quan cũng bị thương nặng, vài ngày sau cũng tử vong. Chẳng biết thực hư câu chuyện ấy ra sao nhưng hiện nay bên dòng sông Cổ Cò tồn tại một miếu thờ 5 vị quan ấy, trên miếu khắc dòng chữ  “thành kính ngũ vị long vương cứu nhân độ thế”.
Dulichgo
Kể lại câu chuyện xưa, ông Cư nói: “Có lẽ vì thế mà đoạn sông này được đổi thành sông Hà Sấu để tưởng nhớ công ơn của 5 vị quan ấy”. Trong suốt chiều dài của dòng Cổ Cò, mỗi đoạn sông được người dân đặt một cái tên khác nhau, nào là sông Đế Võng, Hà Dừa, Hà Sấu... và mỗi đoạn sông đều có một huyền tích độc đáo.

Dòng chảy của sông Cổ Cò tiếp tục đưa tôi đến với Ngũ Hành Sơn, mảnh đất được xem là nơi hội tụ linh khí của sông Cổ Cò, có lẽ vì thế mà trải qua nhiều biến động nhưng đoạn sông ở đây không bị bồi lấp. Tại đây, tôi cố công tìm hiểu về địa danh Cồn Ngự, Bến Ngự nơi xưa kia vua Minh Mạng đã nhiều lần ngự thuyền rồng đến thưởng lãm phong cảnh núi Tam Thai. Nhưng những dấu tích xưa giờ đâu còn nữa, có chăng chỉ còn lại trong ký ức của những người dân sống nơi đây. Dẫn tôi đi ra bờ sông Cổ Cò, thầy Thích Pháp Chiếu (chùa Quán Thế Âm) kể: “Vào năm 1995, khi nhà chùa nạo vét sông Cổ Cò thì tìm được một cột gỗ lim lớn, những bậc cao niên trong làng đều khẳng định đó là trụ neo thuyền của vua. Tiếc là trong trận lụt năm 1999, trụ neo thuyền ấy đã bị trôi mất”.

Sử sách ghi rằng, vua Minh Mạng đã từng đi long thuyền theo sông Cổ Cò để ngự lãm Ngũ Hành Sơn ba lần, vào các năm 1825, 1827 và 1837. Mỗi lần vua đi như thế đều phải huy động rất nhiều dân phu làm đường, ngân khố của triều đình hao tổn không ít.
Dulichgo

< Hang núi, tương truyền nơi xưa kia con gái của vua Minh Mạng tu hành.

Thấy việc du ngoạn của vua ảnh hưởng nhiều đến nhân dân Quảng Nam nên quan Phan Thanh Giản viết sớ can gián vua Minh Mạng không nên tuần du Ngũ Hành Sơn nữa, nhưng mặc cho lời can gián, vua Minh Mạng vẫn theo dòng Cổ Cò đến với Ngũ Hành Sơn. Trên đất nước này có vô vàn cảnh đẹp, thế vì sao vị vua của triều Nguyễn phải cất công nhiều lần đến với núi Tam Thai?

Tương truyền rằng, vua Minh Mạng có cô công chúa, sau một lần đến thăm Ngũ Hành Sơn đã quyết định ở luôn lại nơi đây để tu hành. Dù vua cha có thuyết phục, ép buộc thế nào công chúa vẫn không chịu về kinh đô, chấp nhận sống khổ hạnh trong hang núi Hỏa Sơn, đến lúc mất  nàng công chúa mới được đưa về Huế, hang núi mà nàng công chúa ở giờ là chùa Phổ Đà Sơn. Vì nguyên do ấy mà vua Minh Mạng thích đến Ngũ Hành Sơn chăng, cũng không rõ nữa, chỉ biết rằng sau mỗi chuyến đi như thế vua Minh Mạng đã để lại nhiều dấu tích trên núi Tam Thai và dòng Cổ Cò này.
Dulichgo
Cho dù biến thiên của lịch sử có bồi lấp sông Cổ Cò thì trầm tích của dòng sông vẫn còn chảy mãi trong ký ức của bao thế hệ người dân Quảng – Đà và trên dòng sông lấp ấy cuộc sống vẫn tiếp diễn.
(còn tiếp)

Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ 1: Xa rồi Lộ Cảnh Giang
Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ 2: Huyền tích bên sông
Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ cuối: Hồi sinh dòng cổ cò

Ký sự: Lưu Hoàng Anh (Công An Nhân Dân)
Du lịch, GO!