(CAND) - Chỉ còn vài kilômét nữa là sẽ ra biển nhưng lạ thay, dòng sông Cổ Cò lại uốn mình chẻ nhánh chảy ra hướng Bắc, nhập vào sông Cẩm Lệ, rồi hướng thẳng ra cửa Hàn.

Đã có một thời, dòng chảy kỳ lạ của Cổ Cò là tuyến đường thủy giao thương quan trọng với “thuyền buôn tấp nập”, cảnh sắc dòng sông ví như chốn bồng lai tiên cảnh với danh gọi là Lộ Cảnh Giang. Nhưng rồi, trải qua biến thiên lịch sử dòng sông bị bồi lấp . . . Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến hành trình dọc sông Cổ Cò, ghi lại nhiều câu chuyện thú vị ở dòng sông này.

Khởi điểm của Cổ Cò bắt đầu từ cửa sông Trường Giang (Núi Thành, Quảng Nam), rồi uốn lượn chảy về cửa Đại. Khi đến đoạn cầu Phước Trạch (P. Cửa Đại, Hội An) thì rẽ một nhánh chảy ngược về Đà Nẵng. Trước khi thực hiện ngã rẽ kỳ lạ ấy, dòng Cổ Cò uốn thành một đường cong và dưới cái nhìn của những người dân xứ Quảng, đường cong ấy chẳng khác nào cổ con cò đang co lại để săn tôm cá. Vì thế mà dòng sông mới có cái tên Cổ Cò?
Dulichgo
Tuy nhiên, trong sử sách dòng sông này từng có một cái tên khác. Sách Quốc sử quán triều Nguyễn chép như sau: "Dòng  Lộ Cảnh Giang (Cổ Cò) ở vùng cuối hai huyện Điện Phước, Hòa Vang. Từ xã Thanh Châu phía Bắc cửa biển Đại Chiêm, chảy về phía Bắc mất 42 dặm, qua phía Tây núi Ngũ Hành vào sông Cẩm Lệ, đổ ra biển Đà Nẵng”. Chắc hẳn, so với cái tên Cổ Cò thì Lộ Cảnh Giang hay hơn nhiều nhưng vì sao một cái tên hay và đẹp như thế lại không được nhiều người biết đến? Tôi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ để ra nơi mà dòng Cổ Cò bắt đầu hành trình ngược về phía Bắc.

Tại ngã ba sông này, lòng sông mở rộng, thuyền cá, thuyền du lịch tấp nập ngược xuôi, hai bên bờ hàng dừa nước rì rào trong sóng nước bàng bạc. Nhìn khung cảnh ấy, tôi mới cảm nhận phần nào cái tên Lộ Cảnh Giang, nó cũng gợi nhớ về một thời dòng sông là cửa ngõ giao thương quan trọng của vương triều Nguyễn. Lão niên Phạm Kề (xã Cẩm Thanh, Hội An), người từ lúc sinh ra đã gắn bó với dòng Cổ Cò kể: “Lúc trước dòng Cổ Cò trong xanh và cảnh vật hai bên bờ rất đẹp chứ không giống như bây chừ. Lúc còn sống ông tôi kể rằng, trên sông xưa lúc nào cũng tấp nập thuyền buôn, ở ngã ba sông này cảnh bán mua diễn ra rất sôi động”.

Ngược dòng thời gian trở về thế kỷ XVII, thời thương cảng Hội An vẫn còn hưng thịnh, thì sông Cổ Cò đóng một vai trò quan trọng cho việc giao thương của tàu thuyền, điều này được miêu tả rất nhiều trong bút ký lữ hành của những thương nhân, mặc khách. Hòa thượng Thích Đại Sán, vị cao tăng của Trung Hoa được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Chu mời qua giảng Phật pháp ở Đàng Trong, lúc trở về chúa Nguyễn cho thuyền đưa ông vào Hội An để đáp thuyền buôn về nước. Thuyền vào cửa Đà Nẵng, tạm nghỉ lại một đêm, rồi ngược sông Hàn, vào sông Cổ Cò để đến Hội An. Hành trình khá thú vị nên đã được ông ghi lại trong hồi ký. Tại Cửa Hàn: Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng, ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy, trái đồi hoa núi xanh đỏ xum xuê. Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, mới biết đó là đoàn thuyền chở lương đậu chờ gió tại cửa Hàn vậy”.
Dulichgo
Đi thuyền đi trên dòng Cổ Cò: “Gió thổi hiu hiu, nước trong leo lẻo; rừng tre thăm thẳm, bãi cát sáng ngời; đã vui mừng gió thuận buồm xuôi, lại hớn hở gần ngày về nước. Tấc lòng khoan khoái, biết lấy chi cân. . .Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt...”. Núi Tam Thai là tên gọi khác của Ngũ Hành Sơn và khi nhìn thấy thắng cảnh này nhà sư Thích Đại Sán muốn dừng chân ở đây vài ngày thưởng ngoạn cảnh sắc, nhưng lệnh vua đã truyền nên đoàn thuyền phải tiếp tục lên đường vào Hội An. Buộc lòng nhà sư phải lên tàu, nhưng vẫn luyến tiếc: “Ta tiếc sơn thủy thắng du, tạo hóa khéo ghét ghen gì bấy. Kế lên thuyền mở neo, chưa bao lâu mặt trời đã về tối. Qua canh hai đến bờ Hội An”.

Qua những gì mà nhà sư Thích Đại Sán miêu tả thì cũng đủ thấy rằng dòng sông Cổ Cò khi xưa đẹp đến mức nào và thật xứng với cái tên Lộ Cảnh Giang. Nó cũng chứng tỏ Cổ Cò lúc bấy giờ rất rộng, là con đường thủy quan trọng nối giao thương giữa cửa Hàn và thương cảng Hội An. Quả thật, khi vào vịnh Đà Nẵng, rồi theo dòng Cổ Cò vào Hội An tàu thuyền sẽ tránh được sóng gió to lớn, việc vận chuyển hàng hóa vì thế  mà an toàn hơn và lộ trình cũng được ngắn hơn một phần ba quãng đường so với việc phải đi trên biển.  Nhờ có dòng sông này mà hàng hóa của các tàu buôn lớn nước ngoài đậu ở cảng Đà Nẵng có thể có mặt tại hội chợ quốc tế Hội An và ngược lại, các hàng hóa Đại Việt sẽ theo thuyền buôn vượt đại dương đến các nước phương Đông và phương Tây xa xôi.

Nhưng rồi, tuyến đường thủy huyết mạch và những cảnh đẹp của dòng Lộ Cảnh Giang đã dần mất đi khi sự bồi lấp diễn ra. Tình trạng con sông Lộ Cảnh Giang bị cạn dòng đã được thương gia người Tây Ban Nha Le Floch de la Carriere  ghi lại, trên bản đồ ông vẽ cảng thị Hội An vào năm 1787, ở phần ghi chú ông đã ghi rõ nhận xét sau: "Các tàu có tải trọng lớn không thể vào sông Hội An (tức sông Cổ Cò) nên phải xuống hàng ở Đà Nẵng”. Sách sử triều Nguyễn cũng ghi rõ thực trạng đó: “con sông Lộ Cảnh Giang cũng có nhiều bất tiện y như con sông Kinh Đô (tức sông Hương), một dải cát ngầm dài ngang trên sông làm cho sông cạn, chỉ cho phép tàu nhỏ vào được mà thôi. Nhưng vịnh Đà Nẵng lại có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn và hải cảng rất thuận lợi”.
Dulichgo
Sự bồi lấp của sông Cổ Cò diễn ra trong vài năm, rồi sau đó không còn đi lại được nữa.  Nhiều ý kiến cho rằng, từ khi dòng Cổ Cò bị bồi lấp thì thương cảng Hội An cũng dần mất đi vị thế của một thương cảng sầm uất, để nhường vị thế ấy cho Đà Nẵng, nơi từng được xem là tiền đồn của Hội An. Không biết ý kiến ấy có đúng không, nhưng sự bồi lấp của dòng Cổ Cò quả thật đã làm mất đi nhiều điều. Để hôm nay, tôi theo thuyền xuôi dòng Cổ Cò tìm lại hình ảnh của con đường thủy đẹp mà người xưa đã kể, nhưng cũng giống như nhà sư Thích Đại Sán lúc xưa, tôi tiếc một dòng sông đẹp bị bồi lấp...
(còn tiếp)

Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ 1: Xa rồi Lộ Cảnh Giang
Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ 2: Huyền tích bên sông
Huyền bí sông Cổ Cò - Kỳ cuối: Hồi sinh dòng cổ cò

Ký sự: Lưu Hoàng Anh (Công An Nhân Dân)
Du lịch, GO!