(Tiếp theo) - Hơn 8 giờ sáng nhưng rừng núi vẫn còn âm u, sương giăng kín lối. Chúng tôi vội vàng tháo dỡ lán trại được dựng vội vào chiều hôm trước để nhanh chóng lên đường. Muốn lên đỉnh Pa thiên mọi ngược phải đi ngược dòng suối Pa Thiên.

Suối Pa Thiên có lẽ đã từ rất lâu hôm nay mới có bước chân người. Pa Thiên với những tảng đá  lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau trải dài chẳng khác gì một cái thang lớn màu xanh dựng lên trời.
Nhiều đoạn suối chúng tôi không nhìn thấy nước mà chỉ nghe tiếng nước róc ránh dưới những phiến đá phủ kín rêu xanh. Đường đi có độ dốc không quá lớn, nhưng việc đi lại hết sức khó khăn, nhất là với những ai đi rừng lần đầu.

Nếu như ở độ cao khoảng dưới 500 mét so với mực nước biển, dọc theo con suối người đi rừng thường tránh bước lên những phiến đá có rêu vì dễ bị trượt chân, thì ngược lại ở độ cao trên 1000 mét cần phải tránh bước chân lên những phiến đá không có rêu, vì đây là những phiến đá trơn đến mức rêu còn không bám được.
Dulichgo
Ngược dòng Pa Thiên lên đỉnh ngọn Pa Thiên để tìm về nơi đầu nguồn sông Hiếu, chúng tôi phải vượt qua hai vách đá dựng đứng cao hơn 10 mét chắn ngang lối đi, vì vậy việc di chuyển phải hết sức cẩn thận. Chạy suốt mấy cây số, rừng hai bên dòng suối Pa Thiên không có cây lớn, thậm chí càng lên thân cây càng bé dần. Nơi đây  cây rừng dù lớn hay nhỏ đều bám đầy rêu.

Với anh Hồ Ma, Hồ Văn Hưng hay Hồ ka Te vốn sinh ra và lớn lên ở Hướng Sơn, ngay từ bé đã từng không ít lần theo bố lên núi cao hái cây thuốc, bắt thú rừng thì có lẽ khung cảnh núi non dưới chân Pa Thiên đã trở nên quá gần gủi, thân quen. Nhưng với những thành viên còn lại, núi non nơi đây đã để thật nhiều cảm xúc. Mỗi gốc cây, mỗi tảng đá, mỗi giọt nước tí tách như đang thì thầm câu chuyện của riêng mình về dòng thời gian, về những đổi thay không ngừng nghỉ của tạo hóa.

Bởi vậy, khi nhìn con đường bằng  đá rêu phong, cổ kín, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào vườn cổ tích để trở về với tuổi thơ, trở về hòa mình vào dòng nước nước mát lành của con sông quê hương đôi bờ thương nhớ vào những chiều mùa Hạ.
Dulichgo
Sau gần 3 giờ đồng hồ ngược suối, cuối cùng chúng tôi cũng thoát ra khỏi cánh rừng để đặt chân lên đỉnh Pa Thiên. Trước mắt chúng tôi là một vùng đất khá rộng và tương đối bằng phẳng. Quần thể thực vật ở đây chủ yếu là cây bụi thấp và cây trúc. Theo cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thì nơi đây chính là đồng cỏ của quần thể bò tót khoảng 8 con. Bằng chứng là trên mặt đất dấu chân di thực của lũ bò tót vẫn nhìn thấy rất rõ.

Một điều hết sức thú vị là trên đỉnh Pa Thiên có rất nhiều cây chè. Tương truyền đây là vườn chè được quân lính của vua Hàm Nghi trồng trong quá trình nhà vua đi từ Cam Lộ ra vùng đất miền tây Quảng Bình để tránh sự truy đuổi của người Pháp. Chè trên đỉnh Pa Thiên lá khá cứng, dày và có màu sẩm, chúng thường mọc xen giữa những khóm trúc . Chè khi nấu uống nước không có vị chát đậm như chè ở trung du. Theo những người đi rừng nhiều kinh nghiệm như Hồ Ma, cây chè Pa Thiên sống trên độ cao hơn 1600 mét, quanh năm tiếp xúc với  mưa ngàn gió núi, hấp thu những gì tinh khiết của trời đất nên khi uống vào có khả năng giúp con người hồi phục sức khỏe. Có phải vì vậy mà người Vân Kiều ở Hướng Sơn mỗi khi có dịp ngang qua Pa thiên đều không quên hái một ít chè mang về bản để đãi đằng  bè bạn?

Điểm cao nhất trên đỉnh Pa Thiên là cả một quần thể đá, những phiến đá có hình thù khác nhau mà tạo hóa đã dày công đẻo gọt không biết từ bao giờ, chúng im lìm nằm cạnh nhau từ thiên thu. Dăm ba người qua đây đã cố khắc tên mình lên phiến đá như muốn ký thác vào đá núi kỷ niệm về một chuyến đi hiếm có trong đời, nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn những dòng chữ sẽ bị xóa nhòa  bởi mưa gió.
Dulichgo
Lang thang trên đỉnh Pa Thiên, tình cờ chúng tôi bắt gặp hai chú chim non khoảng 1 tuần tuổi. Chim bố mẹ đã làm tổ, đẻ trứng ngay trên bề mặt một phiến đá sát với mặt đất, xung quanh là một ít cây cỏ. Cuộc đấu tranh sinh tồn nơi đây thật nghiệt ngã, mưa gió có thể kéo đến bất cứ lúc nào. Hình như để vượt qua sự sàng lọc không thiên vị của thế giới tự nhiên, động lực lớn nhất của lũ chim chính là bầu trời rộng lớn và xa thẳm cho đến vô cùng.

Từ trên đỉnh Pa Thiên cao hơn 1600 mét so với mực nước biển, xuôi theo dòng suối chảy về sườn phía Đông của dãy núi là con suối cạn  dẫn xuống chân đỉnh Voi Mẹp.
Dulichgo
Ngay trên lối đi chúng tôi tình cờ bắt gặp một phần còn lại của một chiếc máy bay bị rơi trong chiến tranh. Vẫn là con suối đá phủ đầy rêu như một con đường đá khổng lồ nối bầu trời với mặt đất. Trên từng phiến đá, có những lớp rêu ngã màu rồi khô dần và những lớp rêu mới lại bất đầu xuất hiện. Quy luật sinh, diệt của tự nhiên hình như không chờ đợi và không ngừng nghỉ. Dãy núi Voi mẹp hiện hiện ngay trước mắt, nhưng để lên đến đỉnh núi vẫn còn cả một chặng đường dài đầy thử thách ở phía trước…
(Còn tiếp)

Hành trình đi tìm đầu nguồn sông Hiếu (P1)
Núi Pa Thiên (P2)
Chinh phục đỉnh Voi Mẹp (P3)

Theo Phan Tân Lâm (Quảng Trị TV)
Du lịch, GO!

Chinh phục đỉnh Voi Mẹp
Ngược đỉnh Voi Mẹp
Ký sự chinh phục Voi Mẹp - Tá Linh Sơn