(BLTV) - Được biết đến là vùng đất võ với truyền thống văn hóa lâu đời, tuy nhiên trong những năm gần đây Bình Định đã và đang thực hiện hóa việc “biến” những tiềm năng du lịch trở thành điểm mạnh du lịch của tỉnh.

Du lịch Bình Định được ví như “kho báu bị ngủ quên” đang từng bước được các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch “khai quật” để khi du khách “khám phá” đến phải sửng sốt và thán phục bởi quá nhiều điều hấp dẫn ở nơi đây mà những vùng đất khác không có được. Sự hòa quyện của thiên nhiên, của đất, của người đã làm nên bản sắc văn hóa du lịch riêng của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.

Sau một mùa hè sôi động với các sự kiện, lễ hội và lượng khách du lịch đổ về Quy Nhơn Bình Định nói chung và xã đảo Nhơn Lý nói riêng tăng đột biến so với các năm trước. Vào lúc này, mùa đông cũng đã đến, các dịch vụ du lịch biển đảo cũng tạm dừng để nhường chỗ cho du lịch tâm linh, tìm hiểu khám phá các di tích lịch sử “lên ngôi”, và Tịnh Xá Ngọc Hòa cũng như Phước Sa Tự là điểm đến lý tưởng để du khách viếng thăm Nhơn Lý vào thời gian này.
Dulichgo
Tịnh xá Ngọc Hòa

Đây là một ngôi chùa thuộc Bãi Bấc, thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, được xây dựng từ năm 1960 bởi Trưởng lão Thích Giác An. Hiện nay được trụ trì bởi Đại đức Thích Giác Tri. Theo Đại đức Thích Giác Tri, khoảng năm 2013, người dân địa phương có nguyện vọng muốn ổn định nơi thờ cúng ông bà và thuận tiện cho con cháu đi lại thăm nom nhân ngày giỗ kỵ, Tịnh xá đã đề nghị và được Nhà nước cho phép xây dựng Nhà An Bình theo phương thức Tịnh xá và đồng bào phật tử cùng đóng góp. Theo thiết kế, công trình này rộng hơn 100 m2, có thể lưu giữ khoảng 8.000 hũ tro cốt, tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 5 tỉ đồng.

Theo thiết kế, Nhà An Bình cao khoảng 5,2m xây bằng đá tổ ong kết hợp vớt bê tông cốt thép, sẽ là đế trụ cho Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hai mặt. Tượng đôi Phật Bà Quan Âm là kiến trúc nổi bật của Tịnh xá. Tượng cao gần 30m – và là tượng phật đôi cao nhất Việt Nam. Trong đó, một tượng hướng về phía Nam (cổng chính tịnh xá), màu vàng, đó là Quan Thế Âm Kiết Tường và một tượng hướng về phía Bắc, màu bạc đó là Quan Thế Âm Nam Hải.

Theo người dân nơi đây truyền miệng nhau rằng: tượng Quan Thế Âm Kiết Tường màu vàng, có hướng về núi, tượng trưng cho rừng vàng; còn tượng Quan Thế Âm Nam Hải màu bạc có hướng nhìn ra biển chính là thể hiện cho biển bạc. Vì vậy người dân nơi đây tin rằng tượng phật đôi sẽ đem đến cho vùng đất nơi đây, con người nơi đây có một tương lai phát triển phồn thịnh và an lành.
Dulichgo
Về mỹ thuật, tượng đã chắt lọc được các triết lý, tạo hình từ Tây Tạng (đôi mắt), từ Ấn Độ (ngọn lửa hủy diệt của thần Shiva), từ Chăm Pa (bích họa), từ Thủy Chân Lạp, và đặc biệt là một giải phẩu hình thể mang dáng dấp của người Việt mẫu mực…

Thân tượng làm rỗng, gồm nhiều tầng bậc khác nhau, hai vị Quan Thế Âm Bồ Tát tọa trên đài sen, đứng quay lưng vào nhau. Bên trong tượng là 2.000 bức tượng Quan Thế Âm cỡ nhỏ, bằng chất liệu đồng, đá, composite do các phật tử, các vị sư ở tịnh xá đặc vào đó nhằm gửi gắm thông tin về tịnh xá để cho đời sau nắm rõ.

Nhiều du khách đến đây không khỏi băn khoăn về tên gọi tịnh xá, và đặt câu hỏi tại sao không phải là chùa mà lại là tịnh xá. Nguyên nhân bắt nguồn từ cách gọi của người Ấn Độ Phật giáo nói về các tịnh thất trong các ngôi chùa, là các công trình kiến trúc nhà cửa theo phong cách Phật giáo dành cho những người tu hành nghỉ ngơi, cầu nguyện, thiền định. Đó là một nơi riêng biệt dành cho những ngày ẩn dật ngồi thiền của các thầy tu. Tịnh xá là nơi có thể đến tham quan sau đó nghỉ lại vài ngày vì đây là nơi yên tĩnh, khác với chùa có chức năng thực hiện hành lễ thì tịnh xá chú trọng vào việc tĩnh lặng để nghỉ ngơi, tu tâm.

Với thắng cảnh Eo Gió nằm cạnh bên càng làm tôn thêm vẻ đồ sộ và uy nghiêm của Tượng đôi Phật Bà Quan Âm, và nơi đây ngày càng thu hút nhiều lượt khách tham quan du lịch tứ phương.

Nếu du khách muốn nghỉ ngơi tại tịnh xá hoặc muốn nghe thuyết giảng phật pháp hãy nhờ người dân bản địa hoặc hướng dẫn viên liên hệ trước. Thời gian mở cửa của tịnh xá hầu như cả ngày, nơi đây hoạt động gần như một ngôi chùa nên các hoạt động sinh hoạt diễn ra bình thường. Du khách có thể đến đây nghỉ ngơi, đây là địa điểm lý tưởng để tĩnh tâm, suy nghĩ và thiền.Thông thường thì tịnh xá không thu vé, tùy tâm mỗi người, tịnh xá cũng thường tham gia, tổ chức các lễ hội, chung tay góp sức trong các hoạt động từ thiện xã hội, tham gia mô hình “cơm cháo tình thương” trong địa bàn thành phố Quy Nhơn nên du khách có thể góp một phần vào quỹ từ thiện.
Dulichgo
Phước Sa Tự

Phước là phước duyên hội ngộ giữa nhân gian - giữa hữu tình và Bồ Tát. Sa là cát là sa thạch là sa bồi ý nhiều như cát hà sa… Hay còn một ẩn nghĩa khác đó là : Phật là phước lồi lên từ cát (Chùa nhặt được pho tượng lồi lên trên cát tại xóm Lý Hòa vào năm 1919)

Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi nằm giữa đồng cát ở Đông Bắc bán đảo Phương Mai thuộc làng Xương Lý phủ Tuy Phước, nay là thôn Xương Lý, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Tục gọi là chùa Phật Lồi. Trụ trì chùa hiện nay là sư thầy Thích Đồng Tín, đời pháp 43 kệ phái Minh Hải Pháp Bảo, đệ tử Hòa thượng Thị Dực Liễu Không chùa Thiên Bình, được Giáo hội tỉnh bổ nhiệm làm trụ trì chùa Phước Sa đầu năm 1999 thể theo nguyện vọng của Ban hộ tự và Phật tử địa phương.

Về vị trí địa lý : Ngôi chùa ngoảnh mặt về hướng Nam. Bên phải chùa là Đầm Thi Nại bắt đầu từ Đông Phù Cát trải dài đến đầu hải cảng Quy Nhơn. Chùa dựa lưng vào hòn núi Cấm cây cối tươi tốt quanh năm. Bên trái chùa là đại dương sớm chiều rì rào sóng vỗ. Chùa được đặt vào nơi cảnh trí hữu tình, lại có sự tích khá ly kỳ nên hàng năm hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan cùng phật tử mười phương đến thăm viếng.
Dulichgo
Du khách đến con đường dọc bờ kè xã Nhơn Lý, đi đến cuối đường sẽ gặp một bậc đá, leo lên hơn 60 bậc cấp đá thì tới cổng chùa. Cổng chùa xây gạch, cao khoảng 4m, biển ngạch để ba chữ hiệu chùa bằng Quốc ngữ: Chùa Phước Sa. Qua khỏi cổng tới tượng đài Quan Âm sái thủy. Tượng bằng xi măng cao gần 3m, đứng trên chân đế cao hơn 1m, ở giữa sân, tăng thêm vẻ mỹ quan cho chùa. Sau lưng tượng đài là chánh điện. Chánh điện là một ngôi nhà ngang, ngang 10m, dọc 6m, cao từ nền lên tới trần là 8m, xây gạch lợp ngói, hai mái hai chái, trên nóc đắp lưỡng long tranh châu. Trước chánh điện có hè rộng 2m, cao 5m, trên đúc bằng, trước có chấn thủy, ở giữa chấn thủy đắp ba chữ hiệu chùa bằng Hán tự: 福 沙 寺 - Phước Sa Tự.

Bên trong điện, bệ thờ Phật đặt ở gian giữa. Trên bệ tôn trí bảo tượng Đức Bổn Sư bằng xi măng cao 1m50 kể cả tòa sen. Hai bên tôn trí hai pho tượng Quan Âm và Di Lặc bằng sành đều cao khoảng 40cm từ trong cát lồi lên tại xóm Lý Hòa trong thôn vào năm Kỷ Mùi (1919) và một pho tượng Chuẩn Đề bằng đồng cao khoảng 40cm cũng lồi lên tại gò đất Lý Hòa vào năm Ất Dậu (1945).

Trước bệ, trên hương án có tượng Di Đà cao khoảng 2m đứng giữa hai tượng Hộ Pháp đều cao khoảng 70cm. Tất cả đều bằng xi măng và đều là tượng hàng khá phổ biến trong vài chục năm nay.
Dulichgo
Sau Chánh điện là nhà Tổ. Nhà Tổ song song với Chánh điện, kích thước như Chánh điện, xây gạch lợp ngói, đứng trên một chân đế cao hơn Chánh điện mấy phân. Bên trong Chánh điện, bàn thờ Tổ được đặt ở gian giữa. Giữa bàn thờ có long vị Tổ khai sơn là Hòa thượng Như Từ Tâm Đạt: Trụ trì chùa Thiên Bình ở An Nhơn và long vị Đại đức Thị Niệm Thiện Giai là vị trụ trì đầu tiên có long vị thờ tại chùa, có bảo tháp trước chùa.

Kể từ khi bảo tượng Bồ tát Quan Âm xuất hiện ở thôn Xương Lý, đến nay đã 97 năm (1919-2016), chùa Phước Sa khai sơn đến nay đã 73 năm (1943-2016), trải qua bao dâu biển của cuộc đời mà bảo tượng vẫn còn đó và chùa ngày càng nguy nga tráng lệ, dân tình nơi đây: ‘phong ngày càng thuần, tục ngày càng mỹ’. Nhờ vào sự tín ngưỡng và tin tưởng vào sự chở che, phù hộ của phật mà đời sống người dân nơi đây ngày càng phồn thịnh.

Tin lành đồn xa về sự linh thiêng cũng như khung cảnh thanh tịnh như tranh vẽ của Phước Sa tự mà thu hút lượng khách thập phương đến viếng ngày càng đông. Du khách đến đây có thể xin tá túc qua đêm tại chùa hoặc cũng có thể ở chung nhà với một số phật tử nơi đây, để trải nghiệm không gian thanh tịnh, lắng nghe sự thuyết giảng và khuyên bảo của sư trụ trì, đồng thời ‘xõa’ hết sự bôn ba nhộn nhịp của cuộc sống hằng ngày, lắng đọng, chìm vào hư không của phật giáo nơi đây.

Theo Bình Long Travel, ảnh internet
Du lịch, GO!