(NLĐ) - Còn khá xa lạ trên bản đồ trekking Việt, cái tên Chư Nâm xuất hiện đã khiến nhiều người cảm thấy khá thích thú với một điểm cao tọa lạc không quá xa trung tâm Gia Lai nhưng lại là nơi cắm trại lý tưởng để “săn mây” và ngắm trọn Pleiku về đêm.

Ngắm đường chân trời với tia nắng đầu tiên ló dạng trên đỉnh Chư Nâm.

Núi Chư Nâm thuộc địa phận của huyện Chư Păh (Gia Lai), cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút đi xe máy. Đây là ngọn núi cao nhất của cao nguyên Pleiku ở phía Tây. Đặc biệt, nó được xem là một người anh em của núi lửa Chư Đang Ya – một tàn tích của lòng chảo núi lửa, vốn nổi tiếng với hoa dã quì. Chư Nâm nằm ngay cạnh Chư Đang Ya nhưng cao hơn và khó chinh phục hơn.

“Check-in” khởi đầu từ đập Tân Sơn.

Từ chân núi có thể leo lên đỉnh Chư Nâm từ hai hướng: đập Tân Sơn hoặc mạn núi lửa Chư Đang Ya. Nếu đi từ phía đập Tân Sơn có thể tiện đường “check-in” tại đập thủy lợi này nhưng lại không hề thuận tiện với những đoàn đi xe máy vì ở đây không có chỗ gửi xe.

Dù không quá hiểm trở nhưng dốc leo khá "gắt".

Từ xã Chư Đang Ya nhìn qua hướng bên phải thấy dãy núi nào cao nhất thì đó chính là Chư Nâm. Ở Chư Đang Ya có một làng người đồng bào J’rai sinh sống, bạn có thể xin gửi xe qua đêm tại làng và di chuyển khoảng 1km để đến được chân núi Chư Nâm.

Có rất nhiều loại hoa cỏ lạ mắt, mọc dại trên đường đi. Thảm hoa vàng là loại hoa chỉ mọc trên nền rêu ở độ cao 1000m.


Đường lên núi chủ yếu là đường mòn khá dễ đi. Từ nhà người dân lên tới đỉnh núi mất khoảng 6 đến 8 giờ đồng hồ nếu vừa leo vừa ngắm cảnh, xuống núi thì chỉ mất khoảng 3 tiếng.
Dulichgo
Gần tới đỉnh Chư Nâm sẽ có một vùng đất rộng và trống có thể dựng lều qua đêm, nấu ăn và đón bình minh vào sáng hôm sau.

Dựng lều, nhóm lửa và nấu ăn.


Lòng chảo Chư Đăng Ya nhìn từ phía Chư Nâm.

Từ đỉnh Chư Nâm có thể nhìn thấy được thủy điện Yaly, thị xã An Khê, núi Hàm Rồng, thị trấn Iagrai và một phần của Kon Tum.

Dù không nằm trong những cung đường trekking nổi tiếng ở Tây Nguyên như Tà Năng – Phan Dũng, Lang Biang, Chư Yang Sin hay Bidoup - Núi Bà… nhưng chính vì nét nguyên sơ, chưa bị khai thác quá nhiều nên nơi này đã thu hút nhiều bạn trẻ với đam mê khám phá thiên nhiên.

Có một vùng đất bình yên đến lạ dưới chân dãy Chư Nâm: một bình nguyên xanh thẳm của lúa, của cỏ, của hoa và một cuộc sống thanh bình, yên ả, xa xa là những mái nhà tôn nhỏ bé của làng Iagri.

Theo anh Nguyễn Trung (Cọp) – một leader từng thiết kế nhiều tour trekking tại Gia Lai, thời gian đẹp nhất để “ngắm bình minh trên đỉnh Chư Nâm” là từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau.

Khung cảnh đẹp đến lặng người từ trên cao nhìn xuống, đó là phần thưởng của những nỗ lực băng qua những vách đá, bơi trong rừng lau sậy đầy gai góc.

Trong khoảng này, Gia Lai đang bước vào mùa khô, ít mưa, gió hanh, trời lạnh giá về đêm và sáng sớm có sương mù – một thời điểm lý tưởng để có thể cảm nhận vẻ đẹp thâm trầm của đại ngàn “đầy nắng và gió”.


Vào đầu tháng 11 hằng năm, thay vì đến Chư Đang Ya để thưởng sắc dã quì thì bạn cũng có thể cùng bạn bè ngắm những vạt hoa vàng gợn sóng trong nắng sớm ở đỉnh Chư Nâm với độ cao 1470m.

Ở Gia Lai hiện đang có một nhóm bạn trẻ đam mê xê dịch mang tên “Adventure With Nature” thường xuyên thiết kế các tour trekking – camping trải nghiệm tại thác Hang Én và đỉnh Chư Nâm.

Bạn có thể kết nối với trưởng nhóm Cọp (liên hệ: 0967.02.10.86) để có một chuyến khám phá văn hóa, thiên nhiên tại Pleiku.

Theo Phạm Ly (Vi vu 247)
Du lịch, GO!

Chinh phục đỉnh Chư Nâm