(NLĐ) - Đến với Cồn Sơn, người ta thấy mình như lạc vào một không gian khác, một miền Tây chân chất và nguyên sơ, vừa lạ vừa quen giữa thời đại xô bồ
Cồn Sơn cách đất liền không quá xa. Từ bến đò cô Bắc ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, khách bắt chuyến đò ngang đi khoảng 5-10 phút sẽ đến đất cồn.

Xanh bất tận

Cồn Sơn nằm biệt lập, bao quanh là không gian xanh mát của cây trái và sông nước mênh mông. Dù cách trung tâm thành phố không quá xa nhưng ở đây hầu như không tồn tại âm thanh và khói bụi của thành thị cũng như sự sang trọng, tiện nghi. Thay vào đó là vẻ đẹp nguyên sơ và hồn hậu của một miền Tây chân chất với những vườn cây, ao cá, bến sông và cả những vật dụng cũ cùng nết ăn, nếp ở của những người Nam Bộ xưa.

Đến với đất cồn, khách đi đâu cũng được cái màu xanh bất tận của thiên nhiên bao bọc, từ vườn cây ăn trái, dải lục bình đến rặng bần ven sông. Rồi tự nhiên thấy sướng lạ khi có thể đưa tay là chạm được những chùm xoài đung đưa, buồng dừa trĩu quả, bưởi oằn cây và cả những vườn chôm chôm chín đỏ tươi.

Không chỉ làm hài lòng du khách bằng đủ loại trái cây ngon, Cồn Sơn còn mang đến những món ăn đậm hương vị Nam Bộ ngon khó quên. Và càng không thể quên khi cách người Cồn Sơn hợp tác cùng nhau đối đãi khách phương xa.
Dulichgo
Ăn dây chuyền

Hầu hết các nhà vườn trên cồn đều đồng thuận liên kết để cùng phát triển du lịch dựa trên những lợi thế có sẵn của mình. Các nhà vườn đồng thời cũng là các chủ homestay. Thực đơn cho mỗi bữa ăn của khách là sản phẩm chung của các hộ nông dân.

Tôi vẫn còn ấn tượng khi nhớ đến bữa ăn tại homestay của Thím Hai mà chúng tôi đăng ký ở. Đến giờ, chúng tôi đang tự hỏi "đồ ăn đâu ta" thì thấy một thím khoảng 50 tuổi từ đầu ngõ vội vã cầm đĩa bánh xèo còn nóng hổi đặt lên bàn.

Sau đó, một dì khác ở nhà bên cạnh đem qua một đĩa cá lóc nướng trui thơm phức cùng chén nước mắm me đậm đà. Tiếp theo, một người khác nhà ở gần đó đem đến nồi lẩu mắm. Hỏi ra mới biết thực đơn cho buổi trưa gồm 5 món mà chúng tôi ăn là do 5 hộ dân ở xung quanh nhà Thím Hai tham gia chế biến.
Dulichgo
Sau khi ăn trưa xong, Thím Hai bảo chúng tôi qua nhà Thím Sáu gần đó ăn bánh. Bánh do Thím Sáu tự tay chế biến: bánh lọt, bánh da lợn, bánh chuối... Ngày thường bánh này không lạ, thậm chí hơi ngán sau bữa cơm trưa no nê, nhưng hôm đó ai nấy đều ăn ngon miệng bởi sự tươi mới của bánh, sự hồn hậu của người chế biến.

Ăn bánh xong, chúng tôi lại được dẫn đến vườn ổi nhà anh Tâm cách đó vài căn. Đây là vườn ổi sạch nhưng không bán trên thị trường mà chủ yếu phục vụ cho khách đến tham quan.
Dulichgo
Sau một ngày dạo mát thỏa thích và no nê cùng đủ loại trái cây, bánh trái; buổi tối, chúng tôi còn được thết đãi tiết mục đờn ca tài tử mà người biểu diễn là gia đình Chú Sáu, cách nhà Thím Hai không xa.

Đêm ở cồn mát rượi, giọng hát, tiếng đàn ngọt lịm như đưa ngược chúng tôi trở về thời xa lắc nào đó, cái thời mà ông cha ta mở cõi đất phương Nam.

Nhộn nhịp cuối tuần
Dulichgo
Dù khá biệt lập và chỉ có vài chục hộ dân sinh sống nhưng nhờ cùng đồng thuận liên kết làm du lịch dựa trên lợi thế sẵn có của mỗi gia đình, hiện nay có gần 20 công ty lữ hành đến khảo sát và đưa khách đến Cồn Sơn. Mỗi ngày, đặc biệt là cuối tuần, lúc nào xứ cồn cũng nườm nượp các đoàn khách đến đây tham quan và nghỉ lại.

Theo Trịnh Việt Khánh, Trần Gia Tiến (Người Lao Động)
Du lịch, GO!

Khám phá Khu du lịch Cồn Sơn
Cồn Sơn phát triển du lịch cộng đồng
Dân dã đúng nghĩa du lịch Cồn Sơn
Kinh nghiệm du lịch ở cồn Sơn - Cần Thơ