(QTO) - Tính theo đường chim bay, từ trung tâm xã A Vao, huyện Đakrông vào đến thung lũng Ba Lin chỉ chừng 7-8 km. Nhưng theo con đường rừng độc đạo đầy khổ ải men theo những dãy núi trùng điệp quanh co, phải mất hơn 20 km chúng tôi mới đặt chân được đến vùng đất biên ải heo hút này…

< “Thung lũng gió” Ba Lin nhìn từ trên cao.

20 km đường rừng “cảm giác mạnh”

Nhiều người dân địa phương gọi thung lũng Ba Lin, gồm 3 thôn Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau là “thung lũng gió”, bởi ở đây gió thổi mạnh quanh năm, đặc biệt là bước vào mùa gió Lào thì càng khắc nghiệt. Đây còn được xem là vùng đất biệt lập với bên ngoài chỉ vì đường đi quá gian nan.

Những ngày đầu mùa hạ chớm gió Lào bỏng rát, chúng tôi có dịp theo đoàn công tác của tỉnh vào thăm và làm việc với Đồn Biên phòng Ba Lin. Do hôm trước trời đổ mưa khiến tuyến đường A Vao- Ba Lin trở nên nhão nhoẹt, các phương tiện xe cơ giới khác hầu như “đứng bánh” ở trung tâm xã nên Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị điều ngay chiếc xe Ural 3 cầu hộ tống đoàn công tác vào đồn.
Dulichgo
Đã được cảnh báo là đường đi hết sức vất vả nhưng chỉ đến khi được nếm trải trên chiếc xe chuyên dụng đi rừng này, chúng tôi mới cảm nhận hết “cảm giác mạnh” của cung đường đầy khổ ải này mang lại. Sau gần 1 cây số đường khá êm và bằng phẳng thì bắt đầu nghe chiếc xe ba cầu lách tách cài số liên tục và gầm rú khi bám bánh leo dốc phía trước. Chiếc xe chuyên dụng đường rừng lặc lè trườn qua từng con dốc dựng đứng, bên dưới là những vực sâu. Sau cơn mưa rừng, con đường đất bị cày xới bởi các loại xe cơ giới đã tạo nên những rãnh sâu hoắm đầy bùn.

< Đường vào thung lũng Ba Lin.

Có đến hàng chục đồi dốc, hàng trăm những “ổ trâu, ổ voi” trên tuyến đường như thế. Trên chuyến xe hơn chục người, ban đầu mọi người còn trò chuyện rôm rả và vui vẻ. Thế nhưng khi xe bắt đầu đến những đoạn đường có hố sâu lầy lội hay vượt dốc cheo leo, không khí trở nên im lặng. Mọi người nín thở theo từng đoạn xe qua. Ai cũng bám chắc tay vào thành xe nhưng vẫn khó trụ vững với những cú rung lắc mạnh, chao đảo khi xe vấp vào những vũng lầy rất sâu- vốn chỉ có xe Ural 3 cầu mới có thể chinh phục được. Có lúc tưởng chừng chiếc xe như có thể lật bất cứ lúc nào vì bị chao nghiêng, lắc lư đến giới hạn…

Vượt qua hàng chục điểm lầy, những đồi dốc dựng đứng trên con đường hoang sơ đầy lau lách và cây rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến được Đồn Biên phòng Ba Lin tọa lạc trên một đồi cao nằm giữa bản. Dù sự lo lắng đã đi qua nhưng lúc này ai nấy đều bơ phờ, mệt mỏi và nhễ nhại mồ hôi… “Mỗi lần vào các thôn này để họp hành, thăm hỏi nhân dân hay kiểm tra công việc vất vả lắm. Mùa nắng còn đi được, mùa mưa thì hoàn toàn bó tay bởi đường đi rất khó, trên tuyến đường vào mùa mưa cũng thường xảy ra lở núi, lũ quét nên cực kỳ nguy hiểm. Chẳng ai dám mạo hiểm để đi trừ khi có việc quá quan trọng”, ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết.
Dulichgo
Trăn trở với Ba Lin

< Người dân thôn Ba Lin mong muốn tuyến đường A Vao - Ba Lin sớm được xây dựng để thay đổi cuộc sống.

Con đường độc đạo A Vao- Ba Lin được phóng tuyến và khai mở cách đây hơn 10 năm. Toàn bộ tuyến đường đều là đường đất đá nguyên thủy, có nhiều đoạn tựa như đường rừng vì sự hoang sơ và rất hiểm trở. Con đường này là lối đi duy nhất của 119 hộ dân 3 thôn A Sau, Kỳ Nơi, Ba Lin ra trung tâm xã cũng như phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin. Đồng thời đây cũng là đường đi lại của giáo viên cắm bản và nhiều người bên ngoài vào công tác lâu năm tại các thôn nói trên.

Chủ tịch UBND xã A Vao Hồ Văn Hùng cho hay xã có 9 thôn, trong đó 3 thôn nói trên có vị trí cách trở và điều kiện đi lại, tình hình kinh tế- xã hội khó khăn bậc nhất. “Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới cũng như thúc đẩy việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con. Đến nay xã chỉ mới hoàn thành 6 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, thu nhập đầu người toàn xã cũng chỉ đạt gần 11 triệu đồng”, ông Hùng trăn trở.

< Khởi công xây dựng Trạm Quân dân y Ba Lin.

Trưởng thôn trẻ thôn Ba Lin Hồ Văn Hiệp nói rằng, tuyến đường quá dài, quá khổ ải đã khiến đời sống dân bản khó khăn thêm bội phần. “So với nhân dân ở trung tâm xã thì dân trong mình còn khó khăn nhiều lắm chứ chưa dám so với ngoài Tà Rụt. Ở đây bà con cũng cố gắng thoát nghèo và nỗ lực vươn lên. Họ cũng tích cực trồng keo lai, trồng sắn nhưng đường trắc trở quá khiến giá bán chỉ được khoảng phân nửa so với bên ngoài. Ngoài ra, mỗi lần trong bản có người đau ốm nặng cần chuyển lên tuyến trên cũng hết sức khó khăn. Con em học lên cao cũng sẽ gặp nhiều trở ngại vì tuyến đường này”, trưởng thôn Hiệp kể.
Dulichgo
Không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế- xã hội, tuyến đường A Vao - Ba Lin cũng gây rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát, vận động quần chúng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin. Thiếu tá Hồ Phú Vinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Lin, chia sẻ: “Chúng tôi mong Nhà nước, các ban, ngành cấp trên sớm quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường. Ngoài góp phần đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên tuyến biên giới, tuyến đường sẽ mở hướng phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương”.

< Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Lin cùng dân bảo vệ cột mốc 625.

Ngồi buồn thiu trong căn nhà sàn bạc phếch nắng mưa, bà Hồ Thị Xa năm nay hơn 75 tuổi nhìn đăm đăm lên phía xa dãy núi, một tay xoa đầu đàn cháu tíu tít vây quanh. Bà nói rằng lâu lắm rồi chưa đặt chân ra khỏi cái thung lũng heo hút này. “Con cháu thì cũng có xe máy đó, muốn nhờ chúng nó chở ra trung tâm xã thăm bà con, họ hàng hay đi xem lễ hội A Riêu Ping mà khó quá. Đường sá như rứa thì không thể đi được. Mẹ chỉ ước ao có được con đường bằng phẳng để trước khi khuất núi được một lần ra khỏi cái thung lũng hẻo lánh này để thăm thú bản làng ở ngoài kia”, bà Xa nói giọng trầm buồn. Đồng hành với chuyến công tác, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cũng rất thấu hiểu nỗi khó khăn và nguyện vọng của bà con nhân dân cũng như cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin.
Dulichgo
Bà Cúc cho hay, địa phương sẽ kiến nghị với cấp tỉnh, trung ương để sớm được quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường. Bà Cúc nói: “Tuyến đường này có thể nói là khó khăn, trắc trở nhất của huyện Đakrông. Huyện đã rất quan tâm đến xã khó khăn như A Vao, đến các thôn Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau nhưng với nguồn lực hạn chế của huyện nghèo như Đakrông thì chẳng thể nào đầu tư xây dựng được con đường có quy mô lớn như thế. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn tuyến đường sớm được quan tâm đầu tư xây dựng, vì đây không chỉ là con đường dân sinh bức thiết mà còn là tuyến đường quốc phòng biên giới hết sức quan trọng trên địa bàn huyện Đakrông”.

Theo Đức Việt - Thảo Ngân (Báo Quảng Trị)
Du lịch, GO!