(BQN) - Ngay chỗ đầu đường Hoàng Diệu dẫn về chợ Khâm Đức, lúc tôi chuẩn bị rẽ, những chói sáng xanh đỏ tím vàng vừa thu được vào mắt ở cái chợ miền núi lớn nhất Quảng Nam thoắt nhường chỗ cho sững sờ khi nhìn thấy một “người bạn cũ”: chiếc xe Minsk quấn xích vô bánh. Bất kỳ ai từng qua vùng vàng, đều phải nhờ “người bạn” này. Tôi đứng lặng hồi lâu và ngắm. Xe tróc sạch sơn. Gỉ sắt. Nó được xếp trước hiên, phủ bụi.

Những chớp sáng ký ức trồi lên rồi lặng lẽ qua. Thời oanh liệt của vàng Phước Sơn với bao nhiêu bến, bãi, tai tiếng, bao thân phận nổi trôi, bao vụ án đau lòng và kinh sợ, những tên tuổi giang hồ số má lấy rừng sâu nước độc làm chốn dung thân… Tất cả xa vắng rồi, và chiếc xe cũng xong chức phận của nó.

1. “Không có vàng, Phước Sơn sống bằng gì? Tôi nhớ khi Công ty vàng Phước Sơn có vốn nước ngoài ngưng hoạt động, lãnh đạo huyện nói là ngân sách tụt nghiêm trọng, phải cầu cứu tỉnh. Không lẽ huyện này chỉ sống bằng… vàng, còn không có là chết?”. Trả lời tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện, lắc đầu: “Không phải như người ta nghĩ đâu. Nhiều chương trình đầu tư của Nhà nước là bệ đỡ cho huyện để phát  triển kinh tế - xã hội, chứ vàng cũng chỉ góp một phần ngân sách”.

< Chợ Khâm Đức.

“Các bãi vàng, công ty vàng tại các xã, có giúp gì được cho dân không?”. “Làm chi có, dân khá lên hay không là từ nỗ lực của địa phương. Căn cứ vô nhiều nguồn từ trên phân bổ, bố trí kinh phí từ nhu cầu của dân. Con số đói nghèo của huyện có giảm, từ 45% năm 2016 xuống còn 38% năm 2017. Sắp tới, có quá nhiều việc để chúng tôi lo, đó là quy hoạch vùng nguyên liệu nhắm vào cây dược liệu rồi nhân rộng ra; hỗ trợ và bảo tồn cây quế, trước đây vốn là cây bản địa; trồng rừng gỗ lớn thay cho cây keo giá cả bấp bênh, Nhà nước sẽ bảo lãnh thay cho cây vật liệu hàng năm. Đây là hướng chính để Phước Sơn phát triển kinh tế bền vững” - ông Hà nói.
Dulichgo
Tôi vừa đi một huyện miền núi của tỉnh về, bài ca về cán bộ ì ạch, dân ỷ lại bao năm qua cứ hát miết, cơ hồ gợi nỗi bi quan không có hồi kết về sự chuyển động của miền núi, bởi Nhà nước có cấp bao nhiêu tiền, chính sách tốt cỡ mấy, mà không thay máu được tư duy ở dưới về sự vận động tự thân, thì mãi mãi đứng yên. Ông Hà cũng không giấu được ưu tư, nhưng vẻ thẳng thắn: “Khi Nhà nước không hỗ trợ nữa mới thoát ra được thói ỷ lại.

Trong chiến tranh, Nhà nước nào có bao cấp, cái ăn cái mặc khó kinh khủng, nhưng có ai chết đói đâu, bây giờ sao cứ ỷ lại? Ví như chuyện anh vừa  nói về cứu trợ, ở huyện này tôi yêu cầu là không cho tiền, vì sẽ tạo tiền lệ xấu; ôm tiền ăn nhậu là hết, quán triệt các xã là nghiêm cấm quán xá không được mua gạo cứu trợ của bà con. Còn  cán bộ cơ sở, hầu hết anh em trẻ, có năng lực, họ cũng  lo lắng nhiều cho sự phát triển của địa phương”.

2. “Vậy văn hóa thì sao?”. “Văn hóa ở đây  bị... lơ trong thời  gian dài”. “Tôi biết, rất lo. Tháng 5 này, chúng tôi sẽ làm nhà làng truyền thống, làm kiên cố bê tông, không cho phá rừng; tháng 11,  huyện sẽ tổ chức tết mùa  để sau đó tạo thành nếp sinh hoạt nhằm thu hút du lịch; chuẩn bị xây dưng khu bảo tồn Bơ Noong. Từ trước đến nay, lễ hội chỉ khoanh vùng ở mức tự phát thôn, làng, nay chúng tôi sẽ đẩy lên thành cấp huyện, đây là cách vực dậy, khơi nguồn và bảo tồn văn hóa truyền thống”.
Dulichgo
< Đỉnh Xuân Mãi là đây, ngọn đang nằm trong những áng mây lòa xòa.

Tôi nhớ, Viện Ngôn ngữ và anh Thanh - nguyên Phó Chủ tịch huyện này, từng làm sách và dạy chữ, tiếng Mơ Nông. Câu chuyện này xem ra dài lắm. Một đồng nghiệp nói với tôi rằng, như chuyện chữ và tiếng, hãy dừng lại ở tiếng, phải dạy cán bộ, nhất là cơ sở, biết tiếng đồng bào, anh giỏi, trẻ cỡ nào mà xuống với dân, tiếng của họ không biết thì coi như bó tay rồi, văn hóa không phải như xe ủi đất, cứ ào ào xông tới…

Quyết tâm lần này của huyện về nguồn mạch đã tạo nên gương mặt Phước Sơn từ thuở xa xưa, hy vọng sẽ khơi gợi  bao điều cần thiết, thậm chí sống còn cho sự tồn tại của văn hóa một tộc người mà bấy lâu xem nhẹ, thậm chí lãng quên. Ông Hà chưa hết chuyện: “Còn nữa, tôi muốn làm chợ phiên. Ngay tại chợ Khâm Đức, huyện sẽ cho làm một khu riêng cho bà con dân tộc, nông sản thực phẩm của họ sẽ bán  riêng, ai muốn mua vào đó.

À, còn cái ni, nghĩ thiệt khó, là tôi muốn dựng chợ trung tâm cụm xã ở Phước Chánh. Bà con các xã khác sẽ vô đây bán. Mỗi tuần một lần. Nhưng câu hỏi: vận động họ xuống, bán không được, họ bắt đền, mình lấy chi trả? Định làm 3 lần/tháng, mỗi hộ đi bán, huyện hỗ trợ 200 ngàn/lần, sau 3 lần là không hỗ trợ nữa. Cốt yếu là tạo cho họ thói quen buôn bán. Anh nghĩ mà coi, đang tồn tại tư duy tội nghiệp, là thương lái đến tận nhà mua, ví dụ 5 ngàn/bó rau, bà con nghĩ là quá sướng, mình khỏi đi đâu cho mệt, làm ra có người đến tận nhà, nhưng họ đâu biết rằng, họ đã bị ăn chặn khá nhiều, thất thoát lớn, bởi bó rau ra đến huyện hoặc vùng xa hơn, sẽ lên gấp 2 - 3 lần. Ừ, đúng là họ không biết, chưa biết coi sản phẩm là hàng hóa, bán buôn là biểu hiện của hàng hóa. Tôi muốn họ tập trung về Phước Chánh, nhưng nếu huyện bỏ ngân sách ra hỗ trợ ban đầu, là sai  luật, bởi ai cho phép? Mà không làm vậy, thì làm sao giúp bà con? Chẳng có doanh nghiệp nào hỗ trợ kiểu này, thiệt là khó”.
Dulichgo
< Thị trấn Khâm Đức hôm nay.

3. Chuyện về khu chợ Phước Chánh, hay nói rộng ra, phá bỏ lề thói cũ trong làm ăn kinh tế miền núi, không riêng gì Phước Sơn, như đụng vô bức tường, nếu không phá được thì giơ tay đầu hàng. Nhưng, bài toán nào cũng có lời giải? Trách nhiệm thuộc về những người như ông Hà. Tôi nói điều này, bởi nếu ai nhớ lại sau giải phóng, bao người từ khắp nơi về đây, coi Phước Sơn là quê hương, nằm gai nếm mật, vực dậy mảnh đất đói nghèo.

Ở thị trấn này, có một làng Nghệ An, nói như bà Nguyễn Thị Văn, dân Nam Đàn, nhà ở đường Quang Trung, khối phố 2, có hơn 300 hộ có tên ở Hội đồng hương Nghệ An tại Khâm Đức, đó là còn nhiều người chưa vô hội. Bà là vợ ông Nguyễn Văn Tiến - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn. Là bộ đội chiến trường này, giải phóng ra, ông ở lại. Thế là bà phải theo ông.

“Hồi đó có 5 nhà chứ mấy, trước mặt có con suối,  năm 2003 quy hoạch mới lấp”. Mắt người già như chưa mất những neo đậu những gian khó, thuở mới nghe Khâm Đức, không hình dung được đó là đâu, ra sao. Tôi nhớ anh Kỷ, con bà Văn, bảo con suối cá nhiều lắm, ông già làm lãnh đạo huyện nhưng cũng phải đánh cá mà ăn. “Ừ, cực lắm - bà Văn trầm ngâm - vô đây làm rẫy, lúc đó quanh đây dấu chân cọp, heo, nai rồi rắn quá trời”. Những người ngồi quanh cười. Cái cười của ký ức khốn khó mà mỗi khi nhớ lại, họ nói, đúng là nghĩ không biết làm sao mà vượt qua được.

Tôi ngó lên núi Xuân Mãi và nghe kể chuyện giáo viên người Nghệ An – như cô Đường, vô đây đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, thanh xuân, lạ lẫm, đi học xuống Đà Nẵng là đi bộ. Họ được đưa về các xã, dạy học như đi… rẫy,  mỗi ngày dạy 5 tiếng, chia làm 3 ca cho hai cấp 1-2. Trường thì làm bằng tre,  lấy rơm và đất nện thành tường, lấy tôn lợp mái. Thầy cô cũng phải đi nhổ sắn, tuốt lúa, giã gạo với bà con, sống nhờ dân nuôi, chứ lương được mấy đồng.

Đã 4 thế hệ người Nghệ An sinh ra và lớn lên ở đất này. Người Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng có. Bao thế hệ người Khâm Đức biết chữ, cũng nhờ những người như cô Đường! Họ như ngọn núi ấy, góp cho những mùa xuân ở lại.
Dulichgo
Đó, Khâm Đức, Phước Sơn, đâu chỉ nặng ơn bà con người Mơ Nông đã sống tận tình với quê hương, mà nợ cả những người xa xứ, vì mối lương duyên với đất này mà đến đây, sống, làm việc và nằm lại. Những người cầm cân nảy mực, đứng mũi chịu sào bây giờ, nếu không trả được cái ơn cái nghĩa cái tình đó, lòng người có tâm đâu dễ nhẹ nhàng.

Tôi nhớ Mạnh Tử từng nói rằng, hằng sản mới hằng tâm được, cứ nghĩ nôm na là không có của thì khó có thể giúp thiên hạ. Của cải Phước Sơn đâu có hết, lâu nay không có vàng thì đâu có chết, chuyện còn lại là vàng từ tư duy vượt trội và quyết tâm thật lòng, tử tế, chân thành để Phước Sơn trong mắt thiên hạ, là không cần có vàng…

Theo Trung Việt (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!