(LĐO) - Đến với bản Mường Đán ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, du khách không chỉ được khám phá nét đẹp văn hóa với những phong tục, tập quán vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc Thái mà còn được đắm mình trong cảnh sắc núi non hùng vĩ thiên nhiên ưu ái ban tặng.

< Thác nước ở Quế Phong.

Hai bản Na Xai và Hủa Mương được gọi chung là Mường Đán, nằm sát biên giới Việt - Lào, là bản làng người Thái cổ nhất ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

< Toàn cảnh bản Thái cổ Mường Đán.

Gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài, đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ đến nay vẫn còn lưu giữ được nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống đáng quý của mình.

< Nhà sàn mái lợp gỗ sa mu truyền thống của người Thái ở Quế Phong.
Dulichgo
Những ngôi nhà sàn Thái cổ, mái lợp bằng gỗ sa mu hàng trăm năm tuổi của nhiều thế hệ cùng chung sống nay vẫn còn giữ được nét cổ xưa.

< Gùi là vật dụng thân thiết, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người phụ nữ Thái.

Cuộc sống của bà con người Thái ở Mường Đán chủ yếu là “tự sản, tự tiêu”, nghĩa là tự sản xuất rồi tự tiêu thụ lấy, không cần trao đổi, mua bán hàng hóa và gần như không cần dùng đến tiền.

< Một góc bản làng Thái cổ.

Người dân tộc Thái thật thà, chất phát, tương thân tương trợ lẫn nhau và luôn coi trọng sinh hoạt cồng đồng. Họ sống với nhau bằng cả tấm lòng chân thật, bằng tình yêu thương đầy tính nhân văn sâu sắc.
Dulichgo
< Uống rượu cần, một trong những nét đẹp văn hóa của người Thái.

Mỗi khi nhà ai đó trong bản có khách, họ quý như bắt được vàng, cùng nhau tập trung ngồi lại với nhau, không ai bảo ai, mỗi người một tay làm nên mâm tiệc đậm đà hương vị ẩm thực cùng với văn hóa rượu cần của người bản địa để đãi khách.

< Thiếu nữ Thái dệt thổ cẩm.

Và cứ thế, vị khách của bản sẽ lần lượt được mời đến hết nhà này rồi sang nhà khác để thưởng thức lòng hiếu khách của đồng bào dân tộc Thái. Nếu vị khách từ chối lời mời vì bất kỳ lý do gì thì bà con sẽ không vui, không ưng cái bụng. Đến ngày tiễn khách, người Thái còn chuẩn bị cả nắm cơm, vò xôi cho người đi đường.

< Người Thái sáng tạo tua-bin phát điện chạy bằng sức nước.
Dulichgo
Ở vùng xa xôi hẻo lánh, Mường Đán được xem là xứ “bốn không”: không điện sáng, không nước sạch, không sóng điện thoại và không tiêu tiền. Ấy vậy mà nhiều du khách đến đây, ở lại gần cả tuần mà vẫn không thấy chán. Ngược lại, họ bị cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên, nét đẹp văn hóa của con người ở nơi đây.

< Du khách thỏa sức vui đùa bên thác 7 tầng.

Bản Mường Đán, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An sở hữu nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách như: Đền Chín gian, thác Sao Va, thác 7 tầng, thác Cánh Lú, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Lòng hồ Thủy điện Hủa Na, hang Mẹ Mòn, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm…

Đây chính là nơi lý tưởng để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng – một loại hình du lịch mới mẻ đang “hút” khách, nhưng đáng tiếc, tiềm năng hiếm có này của Nghệ An vẫn đang còn bị bỏ ngỏ.

Theo Người Làng Mai (Lao Động online)
Du lịch, GO!