(BNA) - Có một món ăn không thể thiếu trên mâm cúng trong ngày tết hay những dịp lễ quan trọng của một số dòng họ người Thái vùng cao. Món ăn được chế biến từ thịt, cá hoặc thịt gà cùng một số gia vị, không chỉ dành cho cúng lễ mà nhiều người còn rất "khoái khẩu". Người Thái gọi là moọc, một số vùng khác gọi là hó mọc...

Những sản vật vùng cao thường gợi sự tò mò, nhất là các món ăn, trong đó có món moọc. Nghe qua các thành phần của món moọc, dễ khiến người khác gợi nhớ về một loại bánh nào đó bởi có sự tham gia của bột gạo trong thành phần chế biến. Thế nhưng cũng phải nói rằng, bột gạo không chỉ là thành phần của các loại bánh mà nó còn xuất hiện ở khá nhiều các món ăn của người vùng cao xứ Nghệ, như món rêu đá, canh “ột” “nham nhọc”.

Về món moọc, là món ăn cần thiết trong mâm cúng của nhiều dòng họ vùng cao. Theo tìm hiểu, trước đây thì họ Hà thuộc nhóm Tày Thanh và cả Tày Mường ở Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tương Dương... thường cúng moọc trong ngày tết. Trong mâm cúng của người họ Vi ở Con Cuông, vào ngày rằm tháng 6 hoặc tháng 7 (một trong những ngày lễ lớn trong năm của các cộng đồng này) cũng không thể thiếu những gói moọc.
Dulichgo
Nhiều người cho rằng ngày tết hay những lễ lạt khác mà thiếu món moọc là chưa trọn vẹn. Quả thực, với người Thái thì moọc là món ăn quen thuộc. Giải thích về ý nghĩa của món ăn này, những cụ cao niên nói: Gói moọc trong mâm cúng để cầu sự no ấm. Trong gói moọc có thịt, gạo và những thứ gia vị như sả, hành, tỏi, cây chuối non...

Trong đó, gạo giã nhuyễn thể hiện mong muốn mùa màng luôn tươi tốt. Thịt và những thứ gia vị nói lên mong muốn về sự giàu có, đủ đầy. Còn lá dong dùng để gói moọc nói lên ước mơ về một gia đình ấm cúng, mọi người biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Tuy vậy, trong các cộng đồng làng bản, không còn ai nhớ được nguồn gốc của món moọc. Cũng chẳng còn ai biết từ bao giờ trong mâm cúng lại có món này?

Gái bản khi bắt đầu biết tập nấu ăn, đã được theo phụ giúp trong các đám cưới. Lúc này, các cô gái sẽ được mẹ, bà hoặc chị dạy cho những món từ đơn giản đến phức tạp. Nấu ăn luôn là một phần quan trọng trong nữ công gia chánh, vì người khéo nấu ăn sau này sẽ giỏi giang trong việc quán xuyến việc nhà.
Dulichgo
Chị Vi Thị Thơm, trú bản Tờ (Yên Khê - Con Cuông), cho biết: Từ năm lên 9 lên 10, đã được mẹ kèm cặp việc nhà, tập đồ xôi và nấu các món đơn giản. Thế nhưng, mãi đến năm 15, 16 tuổi mới biết làm món moọc. Kỳ thực, đây là một món khó nấu cho ngon và khâu chuẩn bị rất mất thì giờ. Gần đây, chị khoe: "Bây giờ em nấu moọc ngon lắm rồi nhé." Là chỗ thân tình, chị mời: "Hôm nào rảnh, mời anh ghé thăm vợ chồng chúng em và ăn món moọc nhé". Quả thực, trừ những dịp lễ tết hay đám cưới, đám gọi vía, hiếm hoi lắm tôi mới có một bữa ăn có món moọc. Anh bạn cũng vui không kém. Đã lâu lắm rồi, vì nhiều lẽ khác nhau, chúng tôi gần như quên mất món moọc.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng chị Thơm đã nhá nhem tối. Anh chồng rót nước mời khách, cười bảo: "Các anh còn phải chờ khá lâu nữa đấy, vì vợ em ở trên rừng về muộn, mới bắc nồi nấu được hơn một tiếng đồng hồ thôi. Còn hơn tiếng nữa moọc mới chín đấy".

Chị Thơm ló đầu ra chào khách và nói thêm: "Em đi lấy cây chuối non. Bây giờ, rừng hiếm cây chuối, phải đi hơi xa nên về muộn. Món này không dùng cây chuối nhà được đâu”. Chúng tôi vào gian bếp, xin chụp ảnh, hỏi cách chế biến để giới thiệu, chị vui vẻ nhận lời.

Theo chị Thơm thì moọc là món ăn khó nấu. Bởi lẽ nấu sao cho ra món moọc đã khó và nấu ngon lại càng khó hơn. Tất cả các thành phần của món ăn này đều là những thứ rất quan trọng, chỉ thiếu một thứ, sẽ không ra món moọc.
Dulichgo
Ở các cộng đồng làng bản tại huyện Con Cuông, món moọc chủ yếu có một vài loại, tên gọi phụ thuộc vào nguyên liệu chế biến. Ví dụ như moọc thịt gà, moọc cá, mọc thịt lợn, mỗi thứ đều có hương vị riêng. Món này còn ăn thua nhau ở khâu gia giảm và thời gian nấu. Nấu nhanh quá, phần gạo tấm trong gói moọc sẽ không chín. Nấu quá lâu, sẽ khiến gói moọc nhão ra cũng mất ngon.

Để chuẩn bị chế biến món moọc, công việc đầu tiên của bà nội trợ vùng cao là lên rừng kiếm cây chuối non. Trước khi đi một việc không nên quên nữa là phải bỏ một bát gạo đem ngâm, để khi chế biến sẽ trộn đều với thịt vào các loại gia vị. Trong khi hái cây chuối non, người ta sẽ hái luôn một số loại rau rừng để về ăn kèm. Nếu không có rau rừng ăn kèm, có thể dùng rau mùi thay thế, nhưng ăn kèm với rau rừng mới đúng với kiểu.

Ngoài rau rừng, còn phải chuẩn bị thêm lá dong để gói và một ít lạt buộc. Món moọc không thể thiếu rau thì là, sả, ớt và đặc biệt là mắc khén, một loại quả rừng được dùng như hạt tiêu và cũng được phơi khô. Trước khi chuẩn bị gia vị thì gạo được đổ ra rổ cho nhỏ hết nước. Khi chuẩn bị xong gia vị, gạo ngâm cũng vừa ráo nước, sẽ được đem giã trong chiếc cối gỗ cho thật nhuyễn. Cây chuối non chỉ bóc lấy phần nõn giữa cũng được xắt nhỏ, sau đó loại bỏ phần xơ nhựa chuối.

Lúc này, đến khâu chuẩn bị nguyên liệu chính. Đó là thịt lợn, thịt gà hoặc cá. Đôi khi là thịt thú rừng. Theo kinh nghiệm của những bà nội trợ vùng cao thì mỗi loại nguyên liệu chính lại có một số thay đổi đôi chút về gia vị. Món moọc thịt gà cần bỏ thêm hành tăm, thịt thú rừng thì không bỏ rau thì là.

Thịt để nấu moọc sẽ được băm nhỏ, rồi đem trộn đều với những thứ nguyên liệu và gia vị đã được chuẩn bị sẵn như gạo giã nhuyễn, nõn chuối non. Sau đó, tất cả được gói trong những chiếc lá dong, rồi xếp vào cái hông gỗ đem đồ chín. Lúc này, chỉ việc trông coi lửa sao cho cháy đều. Bao giờ thấy khói trắng bốc ra trên chiếc hông được chừng hơn một giờ đồng hồ, là món moọc đã chín.
Dulichgo
Bữa cơm ngày đầu đông có món moọc nấu vừa khéo đúng vị. Hôm nay món mọc của chị Thơm thiếu chút rau rừng. Chị bảo bây giờ rau rừng khó kiếm lắm, thế nhưng vẫn có xôi và canh lá đắng. Nó giúp tôi nhớ về một quá khứ chưa xa. Ngày ấy, quê tôi vẫn còn phát nương làm rẫy. Món moọc gọi về trong tôi không khí linh thiêng của những ngày lễ vía, ngày rằm tháng 6, tháng 7.

Không khí bữa cơm thật đầm ấm bởi những người bạn xa cách lâu ngày gặp gỡ. Chúng tôi kể với nhau rất nhiều chuyện. Chị Thơm kể chuyện làm ăn, mùa màng năm nay không được thuận lợi vì mưa bão kéo dài. Cuối cùng, chị cũng nói về món moọc: "Kể cho các anh nghe thì nhanh thôi, nhưng được làm được món này mất nhiều thì giờ lắm. Ở bản em ngày trước, hễ cứ đám cưới là phải có món moọc. Nhiều khi bọn em phải thức cả đêm mới nấu đủ các gói moọc phục vụ một đám cưới. Nhưng khi nấu với số lượng nhiều, người ta hấp trong những chiếc nồi lớn. Nấu vậy nhanh hơn, nhưng không ngon như khi đồ trong cái hông gỗ!".

Ở những bản vùng cao, món moọc thường chỉ xuất hiện vào những dịp đặc biệt. Có những người lâu lâu nhớ về, làm một vài gói moọc cho bữa cơm thường ngày thêm phần phong phú. Bữa cơm của chúng tôi cũng vậy. Món moọc giúp người ăn cảm thấy đầm ấm hơn trong những ngày đông lạnh giá này!

Theo Bun My (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!