(HN360) - Chùa Duệ Tú tên chữ Quảng Khai Tự, có từ thế kỷ 12. Xếp hạng: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 1989). Địa chỉ: ngõ chùa Duệ Tú, phố Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Toạ độ: 21°02’09"N 105°48’08"E; cách Hồ Gươm chừng 7km về hướng tây. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn đầu phố Nguyễn Khánh Toàn (bus 12, 38) hoặc ngã phố Bưởi—Đào Tấn (25, 55).

Chùa Duệ Tú vốn là một ngôi chùa của thôn Tiền, xã Dịch Vọng, tên chữ Quảng Khai Tự, xưa thuộc giáp Khánh Duệ nên còn gọi là chùa Duệ. Tương truyền chùa được xây từ đời vua Lý Nhân Tông (1073-1129) bởi thiền sư Đại Điên, tên thật là Lê Nghĩa. Bản ngọc phả năm 1579 và bản sao năm 1737 đều chép rằng sau khi cha mẹ mất Lê Nghĩa đã tự hiến đất nhà mình để dựng chùa Quảng Khai Tự làm nơi tu hành.

Truyền thuyết kể rằng sư Đại Điên đã tu tập đạo Phật và cùng học pháp thuật với Từ Vinh, gốc người làng Láng bên kia sông Tô Lịch.
Dulichgo
Từ Vinh dùng pháp thuật chống lại Diên Thành Hầu nên bị Diên Thành Hầu sai Đại Điên giết chết, vứt xác xuống Tô Lịch. Sau con Từ Vinh là Từ Đạo Hạnh đã đi tu và học pháp thuật, giết chết Đại Điên báo thù cho cha.

Nhân dân địa phương hàng năm tổ chức lễ hội chùa Duệ cùng dịp với lễ hội chùa Láng vào mùa xuân (ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch). Ngày 5-9-1989 chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Đường vào chùa từ phố Nguyễn Khánh Toàn đi qua ngõ chùa Duệ Tú. Bên kia con ngõ có một khu vườn rộng um tùm cây xanh, ở giữa mới dựng tượng Quan Âm Nam Hải trên lầu bát giác. Pho tượng này nhìn về hướng đất Phật ở Tây Trúc qua bức bình phong đắp cuốn thư rồi qua tam quan và tam bảo.

Trải qua tôn tạo và sửa chữa nhiều lần, hiện nay sau các đợt trùng tu năm 1936, 1985 và 1994, chùa Duệ mang dáng vẻ của nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.
Dulichgo
Tam quan xây kiểu ngũ môn, hai bên là cửa phụ; 3 gian giữa bên dưới bày bàn ghế tiếp khách, tường trong gắn các bia hậu, trên gác treo một quả chuông đồng đúc năm Gia Long 14 (1815), bộ vì mái làm theo kiểu quá giang.

Mặt ngoài tam quan có đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán và đại tự bằng Quốc ngữ. Du khách bước qua cánh cửa “Chính tâm” của tam quan sẽ thấy một sân gạch với 5 gian nhà Tổ liền nhà Tăng ở ngay bên tay phải mình và đối diện là tòa nhà Mẫu rộng 5 gian. Hai dãy nhà này đều có hàng hiên với các cột nhỏ và thềm bị lún chỉ còn 2 bậc.

Tòa tam bảo quay hướng đông-nam, xây lại kiểu 2 tầng 4 mái, chỗ cổ diềm lắp kính lấy ánh sáng tự nhiên. Tiền đường chia làm 5 gian nhưng thềm cao tới 7 bậc, trên hai đầu bờ nóc có đắp hình luân xa. Bên trong, các vì kèo làm theo kiểu kèo cầu quá giang, 4 bức cốn chạm hình long, phượng sơn son thếp vàng, đầu hồi treo một quả chuông đồng đúc năm 1920.

Hậu cung xây kiểu “tường hồi bít đốc”, kết nối với tiền đường thành hình chuôi vồ. Trần nhà cao, các cột đều treo câu đối và các cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Trong tòa nhà Mẫu nằm bên hữu của tam bảo, các vì kèo làm kiểu kèo cầu, bào trơn đóng bén khá đơn giản nhưng sáng sủa. Cạnh chính điện thờ Tứ Phủ là ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, ban thờ Thanh Long và ban Sơn Trang. Những pho tượng đặt ở đây có lẽ được tạo tác muộn hơn nhưng hình khối, đường nét và màu sắc đều hài hòa. Tại đầu hồi hữu mạc lại mới xây một ban thờ vong.
Dulichgo
Chùa Duệ Tú có hệ thống tượng Phật giáo đầy đủ. Hiện vẫn còn giữ được một số pho mang phong cách nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ 18-19. Ngoài ra ở ngay chính điện có một pho tượng sư Đại Điên to bằng người thật ngồi trong khám thờ. Cạnh đó là tấm bia đá dựng năm Bảo Đại 16 (1941) khắc ghi 3 đạo sắc phong cho Đại Điên vào năm Gia Long 9 (1810), Duy Tân 9 (1915) và Khải Định 9 (1924).

Theo Đông Tỉnh (Hà Nội 360)
Du lịch, GO!