Theo “Địa chí Đại Lộc” thì trái Nam Trân là một loại trái rừng, nhưng chỉ có nhiều ở vùng thượng nguồn sông Vu Gia, chủ yếu mọc tập trung nhiều nhất trên một diện tích gần 4km2, nằm bên tả ngạn sông Vu Gia, phía tây Hội Khách (Đại Sơn). Trái Nam Trân hay còn cái tên  gọi khác như loòng boong, bòn bon, phụng quân, dâu da...

Tương truyền rằng, khi tướng nhà Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, Chúa Định Vương phải bỏ chạy vào đất Quảng Nam. Tại đây, lại bị quân Tây Sơn đánh bại nên chúa phải lánh lên vùng núi Đại Lộc, trong lúc đói mệt thì gặp một rừng cây loòng boong, bèn hái mấy trái, lấy móng tay bấm lên vỏ rồi ăn thử. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, chúa bèn đặt tên là “nam trân”, nghĩa là món ăn quý hiếm ở phương nam.

Cũng có truyền thuyết cho rằng người bị quân Tây Sơn truy đuổi và gặp trái loòng boong là Nguyễn Ánh (lúc đó chạy theo Chúa Định Vương vào Quảng Nam). Do đó, khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy vương hiệu Gia Long, bèn ban tên “nam trân” cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ. Đến triều Minh Mạng, quy định mỗi mùa trái nam trân chín, Quảng Nam phải cống sáu giỏ.
Dulichgo
Khi đúc Cửu đỉnh, vua cho khắc quả nam trân lên Nhân đỉnh cùng với một số hình tượng khác như mặt trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, lúa nếp, hoa sen, chim công, cá voi, đồi mồi, cây kỳ nam, cây ngô đồng...

Trái loòng boong kết thành chùm ở thân cây và ở cành, có chùm đơn, chùm kép – trông đẹp như chùm nho. Trái to bằng hoặc hơn ngón tay cái, hình bầu dục, vỏ mỏng hơn vỏ dâu đất, hơi dai. Ruột loòng boong có năm múi trắng trong, mỗi múi thường có một đến hai hạt. Cây loòng boong cao vài chục mét, nhiều cành, thân trơn, mọc tầng tầng lớp lớp thành rừng, đến mùa trái chín vàng đẹp mắt cho trái từ tháng 7 âm lịch đến trước mùa lụt hăm ba tháng mười.

Đến mùa thu hoạch, người dân Đại Lôc gọi là “ngày xả trái”. Vì thế có câu phương ngôn “Nhứt trường thi, nhì trường trái”, là để nói về cái không khí náo nức của mùa thu hoạch này.
Dulichgo
Ngày trước, các vua nhà Nguyễn  thường đặt một chức quan gọi là “Quản nam trân” để canh giữ vùng rừng có cây trái thiên nhiên quý giá này. Viên quan này có quyền huy động dân đinh ba xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh canh giữ vùng rừng nam trân. Đến mùa trái chín, viên Quản nam trân chọn những chùm trái đầu mùa tốt nhất, cho chất vào giỏ để tiến vua, thường thì phải cung tiến từ năm tới mười giỏ một mùa. Tục đó gọi là “chạy trái kiểu”.

Sau khi đã hoàn tất việc cung tiến là đến ngày xả trái. Đó là ngày hội mùa mở ra khắp vùng rừng Đại Lộc. Ngày hội này thường được tổ chức hằng năm vào rằm tháng Tám âm lịch. Sáng sớm, sau khi cúng thần Sơn lâm xong, viên chức giữ vườn đánh ba hồi thanh la báo hiệu ngày hội xả trái bắt đầu. Lập tức, hàng ngàn người tỏa vào các cánh rừng, vườn rừng để hái trái.

Hái được bao nhiêu liền gánh ra bờ sông bán lại cho thương lái chờ sẵn và cũng không quên mang về một ít để cúng gia tiên, làm quà biếu cho bà con, hàng xóm, bạn bè… (số trái hái được, thường trích lại một phần để nộp thuế cho viên quản nam trân và lý hương các xã có dân binh canh giữ các vườn lòn bon, số trái này được xem như chi vào việc “chạy trái kiểu”, một phần trở thành quỹ chung cho hương lý và dân binh giữ vườn).

Theo quan niệm xưa, đến với ngày xả trái là để vui, để cầu may là chính, ít người quan niệm buôn bán lời lỗ trong dịp này. Câu “Đói lòng ăn trái lòn bon”  hay “lụt nguồn trôi trái lòn bon …” được người dân Đại Lộc hay truyền miệng nhau.
Dulichgo
Ngày trước, khi giao thông còn diễn ra cảng trên bến dưới thuyền thì các bến phà như Hà Nha, Hà Tân … là nơi dùng để mua trái lòn bon. Ghe thuyền nối đuôi nhau chờ bán trái tạo nên vẽ đẹp lạ kì cho khúc sông này. Ngày trước người ta không bán bằng kí mà đong trái bằng thúng. Cũng chẳng biết tự khi nào loại quả này trở thành món ăn ưa thích của mọi người, có người thì dùng làm quà biếu, người thì mua để cúng ông bà, tổ tiên…

Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhất  là do sự tàn phá của chiến tranh rồi tình trạng khai thác chặt phá rừng  để trồng cây, làm nương rẫy đã khiến cho diện tích rừng bòn bon bị xóa sổ.

Để bảo tồn loại trái quý hiếm này UBND huyện Đại Lộc đã triển khai dự án “Phục hồi rừng cây bòn bon”  tại thôn Đồng Chàm, xã Đại Sơn” (do Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND xã Đại Sơn thực hiện) với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Dự án gồm 2 hợp phần: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung với tổng diện tích rừng bòn bon 4ha (năm 2013); trồng mới với tổng diện tích 16ha (2014-2016). Mục tiêu dự án là góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tạo sản phẩm đặc trưng cho địa phương.

Theo Nam Ngãi (web Đại Lộc), ảnh Tamky.com
Du lịch, GO!