(TTO) - Nằm ở độ cao 1.300 - 1.400m, cách Hà Nội hơn 200km: Suối Giàng (huyện Văn Chấn) có khí hậu trong lành, mát mẻ với các bản Mông cheo leo bên sười núi, nên được ví như một Sa Pa của vùng đất Yên Bái.

< Đường vào các bản ở Suối Giàng đèo dốc và hầu hết là đường đất.

Vượt qua khoảng 200km theo quốc lộ 32 tương đối bằng phẳng, chúng tôi bắt đầu rẽ vào cung đường lên Suối Giàng. Đường từ trung tâm huyện Văn Chấn lên xã Suối Giàng tuy chỉ có 13km, nhưng thật sự là cuộc thử thách cho những tay lái ưa thích trèo đèo, lội suối.

< Cả đất, trời như chỉ còn một màu xanh.

Những cung đường đèo, cua, lượn xuất hiện liên tục với dốc cực lớn. Nhiều đoạn xe phải gài về số 2, thậm chí số 1 mới ì ạch đi lên được. Trong cái nắng chói chang đầu hè vã mồ hôi, rã rời chân tay, những con người lặn lội từ phương xa được đền đáp bởi cảnh sắc hùng vĩ bên đường.

1. Càng lên cao, một miền xanh càng lồ lộ rõ hơn. Bốn phương chỉ còn lại màu xanh của mây trời hòa với sắc rừng xanh thẳm với bạt ngàn nương chè hút tầm mắt. Cứ leo hết một con dốc, các bạn trẻ lại dừng chân để ghi những khoảnh khắc vào thẻ nhớ.

< Các bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc bên những nương chè.

Cũng vẫn màu xanh của chè, nhưng chè ở Suối Giàng có cái gì đó hoang sơ, hùng vĩ hơn so với đồi chè ở mạn Thái Nguyên, Phú Thọ và nếu gọi đúng phải là những cánh rừng chè. Độ cao ngày một tăng, khi xe sắp tới trung tâm xã Suối Giàng đã ở mức 1.400m so với mực nước biển.

Ở Suối Giàng ngoài những cánh rừng chè mới trồng lưng chừng núi thì các vườn chè cổ thụ vẫn luôn hấp dẫn du khách. Những vườn chè cổ thụ đã có từ hàng trăm năm, trong đó có cây chè người ta tính được vòng đời 300-400 tuổi.

Chè cổ thụ tuy không cao, nhưng cành lá sum sê, thân xù xì tỏa bóng mát ra đường kính cả chục mét. Không có gì tuyệt vời hơn khi giữa trưa nắng lại được ngồi nghỉ dưới gốc chè cổ thụ. Gió núi lồng lộng thổi mát rượi, ngồi dưới bóng chè chỉ vài phút bao mệt mỏi cùng những giọt mồ hôi đã bay đi hết.

< Một bản Mông cheo leo bên sườn núi ở Suối Giàng.
Dulichgo
2. Đứng trên đỉnh cao ở trung tâm xã Suối Giàng phóng tầm mắt xa xa là những bản người Mông lọt thỏm giữa miền chè xanh. Trong đó bản văn hóa Pang Cáng ở trung tâm xã vài năm nay đã trở thành điểm khám phá đầy hấp dẫn.

Ở Suối Giàng, người Mông chiếm đến 98%, số ít còn lại là người Kinh, Thái, Dao. Đặc biệt theo tìm hiểu của chúng tôi, bản văn hóa Pang Cáng là nơi có 100% người Mông sinh sống. Đây cũng chính là nơi được tỉnh Yên Bái chọn để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Mông.

Bản Pang Cáng là nơi hiếm hoi ở Suối Giàng còn giữ được nguyên những nét đơn sơ, thuần khiết trong phong tục văn hóa và kiến trúc của đồng bào Mông. Những nếp nhà sàn của người Mông ở đây vẫn được lợp bằng gỗ pơmu. Đây là một nét kiến trúc độc đáo mà người Mông ở Pang Cáng vẫn giữ được, dù hiện nay gỗ pơmu đã dần cạn kiệt.

< Vườn chè cổ thụ luôn thu hút mọi người khi đến với Suối Giàng. 

Ông Vàng A Giao, cán bộ ở xã Suối Giàng, cho biết hơn 10 năm nay xã Suối Giàng đã thực hiện đề án trồng mới những cánh rừng pơmu xen lẫn chè tuyết. Mục đích để bảo tồn một loại gỗ quý và cũng là để xây dựng lên các khu nhà sàn nguyên bản của người Mông. Một số nhà sàn làm có mái lợp gỗ pơmu đã được biến thành các điểm homestay cho du khách ngủ qua đêm.

Ở Pang Cáng nói riêng và các bản ở Suối Giàng nói chung, đồng bào các dân tộc đều rất thân thiện, hiếu khách. Họ sẵn sàng hướng dẫn các chàng trai, cô gái dưới xuôi học cách hái chè, sao chè theo phương thức cổ truyền.

< Cổng vào bản văn hóa Pang Cáng.
Dulichgo
4. Buổi trưa ở bản Pang Cáng, chúng tôi vẫn thấy nhiều gia đình người Mông ăn món mèn mén, đây là loại bánh làm từ ngô rất nổi tiếng của người Mông, không chỉ ở vùng cao Suối Giàng. Cuộc sống tuy đã khấm khá hơn, nhưng nhiều phụ nữ Mông vẫn giữ được nếp văn hóa ẩm thực là sáng sáng dậy sớm xay ngô làm bánh.

Nếu ai muốn dùng bữa trưa ở Pang Cáng sẽ được gia chủ thết đãi thịt gà đồi, thịt trâu sấy, lợn cắp nách, nấu cơm nếp, các món rau rừng và rượu sắn. Tất nhiên ai thích ăn mèn mén, thậm chí mua về làm quà chủ nhà cũng sẵn sàng đáp ứng.

< Dưới gốc chè cổ thụ, người ta còn tận dụng nuôi ong rừng.
Dulichgo
Tuy ở Pang Cáng, một số hộ đồng bào Mông đã manh nha làm dịch vụ nhưng giá cả ăn uống cùng gia đình cho một nhóm khách vài người vẫn còn rất rẻ so với các điểm du lịch khác. Nếu ai muốn dừng chân ở Suối Giàng thêm một ngày nữa thì Pang Cáng chính là điểm homstay rất thú vị, thưởng thức các món ăn đồng bào Mông đặc trưng và ngủ nhà sàn…

Điều thú vị nhất ở các thôn, bản tại xã Suối Giàng mà chúng tôi cảm nhận được là sau bữa ăn hay những lúc ngồi chơi nói chuyện, đều có ấm nước chè tuyết bản địa đậm đà khó quên.

< Hai chú bé dân tộc Mông đi bẫy chim rừng.

Nếu lên Suối Giàng vào dịp mùa xuân, bạn sẽ được chứng kiến và cùng trải nghiệm rất nhiều lễ hội độc đáo của người Mông, Thái. Độc đáo nhất là lễ hội Gầu Tào và lễ cúng cây chè tổ ở bản Mới xã Suối Giàng.

Nếu như hội Gầu Tào là nét văn hóa chung của đồng bào Mông với tiếng khèn, câu hát đối mời gọi bạn tình thì lễ cúng chè tổ như một phong tục riêng độc đáo ở vùng Suối Giàng.

Vào những ngày đầu tiên của năm mới, các trưởng bản, người cao niên đã tập trung về cây chè tổ ở bản Mới để làm lễ cúng. Lễ cúng diễn ra từ sáng sớm với cơm nếp, rượu, giấy vàng mã, nhưng phải có gà trống đen. Đây là một loại gà Mông với lông đen, thịt đen, xương đen là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng chè tổ.

Theo Hải Dương (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Lên đỉnh Suối Giàng
Sắc màu miền đá Suối Giàng
Suối Giàng đẹp tiềm ẩn