Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái khoảng 12km, có độ cao 1.370m so với mặt nước biển. Quanh năm mát mẻ, vào mùa đông sương mù mờ mịt, đi lên núi ngỡ như đi trong mây. Nơi đây nổi tiếng với trà cổ thụ Suối Giàng.
< Đường lên đỉnh Suối Giàng trải qua nhiều dốc, đèo...
1- Chúng tôi lên đỉnh Suối Giàng vào khoảng 10 giờ sáng, nhưng nơi đây ngỡ như mới hừng đông, không một giọt nắng vàng sưởi ấm. Sương mù còn lãng đãng dưới chân, mưa bụi lớt phớt, càng làm cái lạnh miền Tây Bắc vừa mơn man vừa se lạnh ngọt ngào thấm sâu vào da thịt cảm giác dễ chịu của tiết trời vào thu.
Rừng Pơmu bên kia đồi được mệnh danh là rừng vàng của núi rừng Suối Giàng mờ trắng trong mây. Dưới kia, thác Tập Lang rì rào một dòng trắng xóa như dải lụa vắt ngang lưng trời. Lờ mờ dưới chân núi, cánh đồng Mường Lò trải rộng một màu xanh. Cánh đồng lớn thứ nhì vùng Tây Bắc.
Thật thú vị khi chúng tôi vào một cửa hàng bán trà, ngoài đặc sản trà, còn có những tảng đá trên đỉnh Suối Giàng với nhiều vân đá tự nhiên tuyệt đẹp để du khách ngồi uống trà. Những giò lan vùng cao tươi thắm đong đưa trong gió từ đại ngàn mang cái giá rét thổi về lồng lộng. Giữa tiết trời lạnh giá mà ngồi nhấp nháp ngụm trà đậm đà hương vị Tây Bắc, cái hậu ngòn ngọt của trà Suối Giàng vẫn thấm sâu mãi trong lòng. Trà như ngon, như ngọt thêm khi cô gái trong bộ y phục người Mông súng sính duyên dáng, cứ nhoẻn miệng cười lúm đồng tiền xinh xắn, thỏ thẻ mời khách uống trà.
“Cây trà có hơn 500 năm tuổi, hấp thụ tinh túy của đất trời thêm xanh tươi, không hề có bón phân làm mất chất thuần khiết tự nhiên, tạo nên hương vị độc đáo của trà mang cốt cách tiên. Ai uống trà Suối Giàng như hấp thụ cả tinh túy của đất trời”, những lời như rót mật của cô gái và đôi tay dịu dàng thoăn thoắt rót trà, khiến chúng tôi không ai từ chối được. Hết bình trà này đến bình trà khác, khách mềm môi chẳng khác nào như uống rượu nồng nàn, lơ mơ say ngỡ đang lạc cảnh non bồng.
Chủ quán, một người dưới xuôi lên đây lập nghiệp đã hơn 10 năm, tâm đắc kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết của trà Suối Giàng mà anh được nghe những người lớn tuổi nơi đây kể lại: “Hơn 500 năm trước, trên đỉnh Suối Giàng xuất hiện 2 vị đạo sĩ đến đây đánh cờ. Hai ông say mê chơi cờ suốt mấy ngày liền, mặc cho trời giá rét. Thấy vậy, một cô gái trên đỉnh Suối Giàng đi hái những búp non trà mọc đầy trên đỉnh núi, pha trà mời các ông uống giải khát.
Vị trà quá ngon, càng uống, càng thấy tinh thần tinh tấn, ngồi chơi cờ suốt mấy ngày liền cũng không thấy mệt. Cô gái cho biết, do nấu trà bằng nước suối Tập Lang tinh khiết không chút mùi bùn trên đỉnh cao, còn lá trà được hấp thụ khí trời thuần khiết của mây mù gió núi, tạo nên hương vị độc đáo. Từ đó, hai vị đạo sĩ thường xuyên lên đỉnh Suối Giàng chơi cờ và thưởng thức hương vị khó quên của trà Suối Giàng.
2- Ngoài kia, con đường trải nhựa thoai thoải dốc, các cháu học sinh đi học về, những chủ nhân tương lai của đỉnh Suối Giàng. Những học sinh người Mông tung tăng trong chiếc cặp trên tay, miệng líu lo nói cười. Trường học đã lên đến núi cao, cũng có nghĩa là tri thức, văn minh đã đến với bà con nơi đây, những người mà từ xa xưa chỉ biết có rẻo cao và đồi núi chập chùng cheo leo.
< Người ta nói: "Đàn ông mặc áo vest hái chè, vị sẽ khác, mà thiếu nữ mặc váy ngắn hái chè vị lại càng khác".
Những cô gái Mông trong y phục cổ truyền, với những gam màu đỏ trong nền đen nổi bật giữa bầu trời mây mù. Đôi má ửng hồng, nét duyên dáng tự nhiên mà quyến rũ của người vùng cao mùa sương lạnh. Những bước chân mạnh mẽ của họ như không hề biết cái lạnh đang vây quanh, trên lưng gùi thực phẩm vừa mua về nhà sau khi bán hết gùi búp chè tươi.
Một cô gái cho biết họ mang nụ trà tươi đã hái từ khi gà rừng vừa gáy báo sáng để đem bán cho nhà máy chế biến. Đi hái trà vào thời điểm này tuy có lạnh, sương mù dày đặc dễ bị cảm lạnh, nhưng bù lại Nhà máy trà Suối Giàng sẽ mua giá cao vì búp trà còn ủ hơi sương, đảm bảo chất lượng trà thơm ngon, có hậu ngọt.
Bởi vậy, khi hái trà, cả nhà cùng làm, người trẻ bắt thang hái trên cao, người già hái dưới thấp, trẻ con nhẹ nhàng đu hái những búp ngoài xa. Để giữ được hương vị độc đáo của trà Suối Giàng mà không trà xứ nào có được, người trồng trà cũng nhọc nhằn vô cùng. Anh Giàng A Chiến, nguyên Giám đốc Nhà máy trà Suối Giàng, cho biết thêm: Trà Suối Giàng còn có khả năng chữa bệnh, giúp bồi bổ cơ thể chống các chứng bệnh tim mạch, thấp khớp… Bởi vậy trà Suối Giàng được các doanh nhân Nhật Bản bao tiêu toàn bộ. Do vậy, số lượng trà Suối Giàng bán trong nước không được bao nhiêu.
3- Hai người phụ nữ Mông sau khi bán xong gùi búp trà, dừng lại trước một quầy thực phẩm bên đường để mua hàng. Họ cứ mãi đếm tới đếm lui số tiền cầm trên tay, rồi suy nghĩ, rồi nhoẻn miệng cười như mếu, lắc đầu: “Không đủ tiền mua rồi”. Tôi hỏi bán búp trà được bao nhiêu tiền mà nửa ký đường cát không đủ tiền mua.
Cô gái thiệt thà trả lời: “Hôm nay hái 5kg, bán được 35.000 đồng. Đó là loại hảo hạng, toàn búp non tơ hái từ khi gà vừa gáy sáng, hái xong mang đi bán liền, nhựa còn tươi mới bán được 7.000 đồng/kg, còn loại dở hơn, chỉ bán được 5.000 đồng/kg thôi. Mà đâu phải ngày nào cũng có búp trà để hái bán, 4 - 5 ngày mới hái một lần, chỉ đủ tiền mua vài ký gạo”. Tôi ngỡ như mình nghe lầm, bèn hỏi lại, cô gái trả lời y vậy, còn giải thích thêm: “Người trồng trà Suối Giàng còn nghèo lắm, chỉ có mấy người dưới xuôi lên đây mua bán trà mới giàu, mỗi ký trà thành phẩm họ bán từ 200.000 đến 500.000 đồng”.
Tôi không khỏi chạnh lòng khi biết cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Bóng các cô gái Mông đã khuất xa sau đồi Pơmu, nhưng tôi vẫn còn thẫn thờ nhìn theo với cả nỗi lòng thương cảm. Anh Giàng A Giao, Phó Chủ tịch xã Suối Giàng, thấy tôi cứ mãi ngẫn ngơ dưới cơn gió lạnh, anh nắm tay tôi vào nhà anh gần đó, rót trà mời khách, Giàng A Giao cũng ngậm ngùi: “Trên đỉnh Suối Giàng này có 300 hộ đồng bào dân tộc Mông, với hơn 2.500 nhân khẩu, chủ yếu sống nhờ vào cây trà.
Ngày xưa, cây trà cổ thụ nhiều lắm, nay chỉ còn khoảng 340ha cây trà, nhưng thời gian qua có một số người dưới xuôi lên đây mua cây trà cổ thụ làm kiểng. Nhiều người dân Suối Giàng ham tiền bán cây, làm rừng trà thưa đi rất nhiều”.
Giàng A Giao chậc lưỡi xót xa: “Là giống trà cổ thụ, phát triển tự nhiên, không bón phân, nên số lượng búp trà cũng ít lắm, lại bị ép giá nên người trồng trà không thể nào vươn lên khá được, hàng năm có đến 170 hộ phải cứu đói mùa giáp hạt”. Tôi hỏi anh có phương án nào giúp người trồng trà Suối Giàng thoát nghèo, A Giao trầm ngâm: “Trước kia chúng tôi có hợp đồng với Công ty chè Văn Hưng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, nhưng công ty này mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 100 tấn, mà sản lượng búp tươi nơi đây khoảng 500 tấn/năm, rốt cuộc số lượng thừa đó cũng bị tư thương ép giá.
Để tự cứu đói, người Suối Giàng đã trồng thêm lúa và bắp. Nhưng vẫn còn quá ít, chỉ khoảng 270ha bắp, 68ha lúa, vì trên đỉnh núi muốn có một hécta lúa nước phải bỏ công khai phá rất nặng nhọc”.
Tạm biệt đỉnh Suối Giàng, quê hương của những cây trà cổ thụ trăm năm, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi trước cuộc sống nghèo nàn của bà con nơi đây. Sự xuất hiện của cây lúa, cây bắp trên núi cao, tuy chưa nhiều, nhưng dẫu sao cũng nói lên sự mất dần ưu thế của cây trà cổ thụ đang biến dần thành cây kiểng. Không khéo ngày nào đó, lên đỉnh Suối Giàng mà không có trà cổ thụ, muốn biết trà cổ thụ Suối Giàng ra sao, chắc phải về phố thị mà tìm!
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Tường Lộc (SGGP), ảnh internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.