Không phổ biến như chọi gà, chọi trâu..., chọi dê chỉ được tổ chức ở Hà Giang và Tuyên Quang trong mấy năm gần đây nhằm khuyến khích chăn nuôi phát triển.

Dê không chỉ là vật nuôi quen thuộc của người Việt mà còn là biểu tượng của cát tường, may mắn. Năm Ất Mùi, đi xem chọi dê sẽ là trải nghiệm thú vị và ý nghĩa. Dulichgo

Hoàng Su Phì, Hà Giang

Lễ hội chọi dê được tổ chức thường niên tại huyện Hoàng Su Phì kể từ năm 2012. Đây không chỉ là sân chơi của bà con trong huyện dịp đầu năm, mà còn là dịp để phát huy và thúc đẩy hoạt động chăn nuôi, khơi dậy bản sắc văn hóa và tạo cơ hội quảng bá hình ảnh của địa phương.

< Chủ dê chăm sóc cho chú dê chọi lọt vào vòng trong.

Trước khi lễ hội chọi dê diễn ra, ban tổ chức sẽ tiến hành vòng tuyển chọn để lựa ra những cặp dê to khỏe nhất tham gia thi đấu. Tùy từng năm mà số lượng cặp dê đấu sẽ có sự thay đổi khác nhau, nhưng luật thi thì năm nào cũng vậy. Những chú dê được đánh số, chia thứ hạng theo cân nặng và thi đấu thành từng vòng, theo thể thức loại trực tiếp. Những chú dê khoẻ nhất sau khi thắng ở các vòng đấu loại, tứ kết, bán kết sẽ được vào chung kết.

< Chú dê chiến được chủ dắt ra sàn đấu.

So với chọi trâu, chọi bò, sới chọi dê có phần đơn giản hơn khi được dựng ngay trên sân vận động trung tâm huyện, nhưng không vì thế mà mất đi sự kịch tính và sôi nổi. Khác với vẻ ngoài nhút nhát cùng tiếng kêu be be có phần yếu ớt, những chú dê trên sàn đấu trông dũng mãnh và khỏe khoắn. Nhờ thế, du khách có thể chứng kiến các màn so tài nảy lửa với những cú húc, vồ, khóa sừng, bật cao điệu nghệ... Xen lẫn vào đó là những tràng pháo tay tán thưởng giòn giã từ người xem xung quanh.

< Chủ dê phải vờn cho 2 dê nhìn thấy nhau, hăng máu lên mới thả dây buộc.

Tại hội chọi, người ta tìm ra các con dê chiến thắng để trao thưởng nhằm kích thích các hộ chăn nuôi trong cộng đồng. Những chú dê đạt giải cao sẽ được lựa chọn để phối giống nhằm giữ nguồn gen quý. Dulichgo

< Dê chọi cũng có miếng, có thế. Miếng đòn tiêu biểu là đứng dựng hai chân sau lên rồi bổ cặp sừng cong cứng như thép xuống đầu đối thủ.

Nếu như mọi năm, lễ hội thường tổ chức vào mùng 4 tháng 2 âm lịch, thì năm nay, dự kiến sẽ lùi vào khoảng tháng 8 âm. Đại diện huyện cho biết, đây là cơ hội để du khách đến xem hội chọi đồng thời khám phá vẻ đẹp nên thơ mà kỳ vĩ của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín.

< Cuộc thi tài giữa hai "võ sỹ râu dài" được khán giả chăm chú đón xem.


Hàm Yên, Tuyên Quang

Không phát triển lên quy mô lễ hội như ở Hà Giang, chọi dê ở Hàm Yên là một hoạt động diễn ra vào dịp tổ chức lễ hội Động Tiên (ngày mùng 9 tháng giêng). Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian như tung còn, đi cà kheo, đánh pam, đánh yến, đu bay, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, đi cầu thăng bằng nhưng thu hút người xem nhất vẫn là chọi dê.

< Hội chọi dê không chỉ thu hút người lớn mà trẻ con trong gia đình cũng ra sân cổ vũ.

Cũng với thể thức loại trực tiếp, các "võ sỹ râu dài" được đánh số báo danh và bốc thăm thi đấu. Do được huấn luyện trước nên các cặp đấu không chỉ sử dụng sức mạnh mà còn cả những miếng đòn dũng mãnh để tấn công. Trong trường hợp bất phân thắng bại,"võ sỹ" nào tấn công nhiều hơn hoặc có miếng đánh hiệu quả hơn sẽ giành được phần thắng. Dulichgo

< Chú dê thắng cuộc được chủ dắt một vòng quanh sân để chào khán giả. Sau đó chú lại được đưa về đàn, tiếp tục sản sinh con cháu cho mùa chọi năm sau.

Nếu như ở một số hội chọi trâu, chọi ngựa, con thắng sẽ được đem giết thịt để cúng thần, thì ở đây, những chú dê được quy tụ lại đàn và tiếp tục nuôi để sinh sản tiếp. Người dân còn tin rằng dê thắng sẽ mang đến nhiều may mắn cho người huấn luyện vào năm mới.

Theo chủ tịch xã Yên Phú, chọi dê Hàm Yên bắt đầu được tổ chức từ 2013. Năm nay, cuộc thi sẽ có sự tham gia của 24 chú dê chia thành 12 cặp. Trước ngày hội chính một ngày, ban tổ chức sẽ tiến hành thi vòng loại, đến mùng 9 âm lịch sẽ chỉ diễn ra vòng bán kết và chung kết.

Theo Vnexpress, Dân Việt
Du lịch, GO!