(GĐO) - Nếu ở miền Bắc đã có “Tứ đại đỉnh đèo” làm nức lòng các phượt thủ thì đèo ở miền Nam cũng không hề thua kém về cung đường và mức độ nguy hiểm.
1. Đèo Omega (DT652)
Đèo Omega thuộc địa phận huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng. Ngoài tên gọi Omega, đèo còn được biết đến với nhiều tên gọi như Hòn Giao, Khánh Lê, Bidoup, Long Lanh.
Mỗi cái tên đều có ý nghĩa riêng, khi gắn với núi, lúc gắn với người, khi lại thể hiện nét đẹp đặc trưng, hiếm có. Chỉ dài hơn 30km trong tổng chiều dài hơn 200km của cung đường hoa biển, nhưng vẻ đẹp nên thơ, hữu tình của phong cảnh trên đèo khiến nhiều du khách phải cất công tìm đến.
Mặt trời dần lên, những tia sáng đầu tiên như khẽ xua tan sương sớm, để lộ một khoảng không kỳ ảo đến ngỡ ngàng. Đó chính là đỉnh đèo Omega ở độ cao 1.700m. Dưới đất, sương đọng trên lá cỏ ven đường phản chiếu ánh nắng trở nên long lanh như những giọt pha lê.
Cuộc đổ đèo cũng thú vị không kém khi bạn “rơi” từ độ cao 1.700m xuống 1.000m, rồi dưới 500m, bùng nhùng nhức nhối trong tai như xuống máy bay.
2. Đèo Bảo Lộc (QL20)
Là con đèo nằm trên quốc lộ 20, nối TP. HCM với cao nguyên Lang Bian, cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Muốn đến phố hoa Đà Lạt, đầu tiên phải đi qua đèo Bảo Lộc (còn gọi là đèo B,Lao theo tiếng K,ho), dài 10km. Đèo Bảo Lộc là ranh giới giữa địa phận thành phố Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai. Đèo có hai chổ tạm dừng có bãi đâu là chỗ Đức mẹ Maria và chùa Phật Bà Quan Âm - Miếu Ba Cô.
Con đèo được xây năm 1973 một thời là nỗi kinh hoàng của cánh xe tải khi đi qua những đoạn dốc sạt lở núi nguy hiểm. Quốc lộ 20 nay đã được xây dựng lại, con đường rộng đi qua nhiều cánh rừng cao su, rừng thông, những đồi chè xanh mướt và những vườn cà phê bạt ngàn trĩu quả. Dulichgo
Dù đèo được nâng cấp sửa chữa nhiều lần nhưng nơi đây vẫn thường xẩy ra nhiều tai nạn nên rất nhiều am thờ nhỏ ven đèo. Ngoài ra đỉnh đèo Bảo Lộc có đài kỷ niệm, nơi đã diễn ra những chiến công chống ngoại xâm của quân và dân trong thời kỳ 1945 - 1975.
3. Đèo Ngoạn Mục (QL27)
Với đường đèo có độ dốc trên 9 độ, trải dài 18,5km, đèo Ngoạn Mục là thử thách đáng gờm với bất kỳ tay lái nào trên hành trình từ Đà Lạt xuống thành phố Phan Rang.Nếu xuôi theo chiều từ Đà Lạt về Phan Rang thì đỉnh đèo Ngoạn Mục nằm ngay ở chặng đầu tiên, tiếp sau đó là 4 khúc cua “tay áo” rất gấp.
Với địa thế khá hiểm trở, Đèo Ngoạn Mục trở thành đoạn đường thú vị cho một tour chinh phục bằng xe đạp, xe gắn máy trên đường từ phố núi Tây Nguyên về duyên hải miền Trung. Để lên tới đỉnh đèo cao 980m, bạn dường như bị bất ngờ đối diện với con dốc ngược sau nhiều giờ vượt đường đèo thoai thoải.
Đứng trên đỉnh đèo, thu vào tầm mắt của du khách là bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ thấm đẫm chất thơ và tràn đầy nhựa sống. Đó màu xanh ngút ngàn của rừng cây hoa lá, thấp thoáng những con đường uốn lượn chạy quanh lưng núi tạo nét uyển chuyển, dịu dàng cho con đèo Ngoạn Mục.
Từ đây nếu bỏ lại phía sau là hồ Đơn Dương cùng thị trấn D’ran vùng cao yên tĩnh, bạn sẽ thấy toàn cảnh nhà máy thủy điện Đa Nhim hiện ra trước mắt với phong cảnh trữ tình say đắm khách thập phương.
4. Đèo Gia Bắc (QL28)
Quốc lộ 28 (đoạn từ Phan Thiết tới Di Linh) chỉ có 1 làn đường khá nhỏ hẹp, đường dốc quanh co, nhiều cua gắt. So với đèo Bảo Lộc hay đèo Prenn thì đèo Gia Bắc nguy hiểm và khó đi hơn nhiều. Đường được rải nhựa toàn tuyến nên xe du lịch 50 chỗ vẫn có thể lưu thông, tuy nhiên nếu 2 xe ngược chiều thì tránh nhau hơi khó.
Đèo Gia Bắc có nhiều đoạn chỉ vừa đủ một làn xe cho cả hai chiều nhưng phong cảnh cực hữu tình, hoang sơ. Tại đỉnh đèo thường có sương mù trong sớm mai hay những ngày không nắng, bay lập lờ ngang tầm xe chạy, gần giống như Sapa. Giữa đèo là trung tâm xã Gia Bắc với những thôn xóm của người K’Ho cự ngụ trong những ngôi nhà nhỏ nhắn ven đường.
Với đỉnh cao nhất chừng 800m trên mực nước biển, đường đèo Gia Bắc hiểm trở với khoảng trên chục km đường đèo dốc quanh co liên tiếp, cua nối tiếp cua, vực nối tiếp vực thẳm, hết cua trái lại cua phải, có nhiều đoạn cua rất gấp. Tuy nhiên do đường ít xe nên không quá hiểm nguy.
Điểm hấp dẫn của đèo Gia Bắc ngoài sự hiểm trở và các khúc cua chính là thiên nhiên hoang sơ gần như còn nguyên vẹn. Con đường độc đạo cheo leo có khi nằm giữa hai vách núi cây rừng phủ bóng, có khi mở ra cảnh thiên nhiên hùng vĩ núi non với vực thẳm hun hút một bên, vách núi dựng đứng một bên.
Theo Phương Thảo (Giadinh.online)
Du lịch, GO!: Mình cho rằng đèo Lộc Bắc vượt trội so với đèo Bảo Lộc được nêu trong bài. Đèo Lộc Bắc nối Bảo Lâm - Đạ Tẻh (Lâm Đồng) được chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5.2011.
Đây là cung đường mới đường được nâng cấp và đa phần xây dựng mới từ QL 725 cũ với tổng chiều dài khoảng 32,4km nối từ Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) chạy vòng vèo qua vô số các ngọn núi và cuối cùng đến thị trấn Đạ Tẻh. Tuyến đường phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 20 từ Bảo Lộc đi về 3 huyện phía Nam Lâm Đồng.
Riêng về phần 'ngoạn mục' và 'hùng vĩ' thì con đèo dài ngút ngàn này không hề kém cạnh bất kỳ con đèo nào kể cả hai miền Trung - Nam. Bạn có thể tham khảo bài viết về đèo Lộc Bắc tại đây, lưu ý là đừng để mức xăng thấp khi vào đèo nhé vì các khu dân cư - bản làng có thể cung cấp nhiên liệu cho bạn khá xa đấy.
4 Comments
bác Dũng cho em hỏi về dèo B40, bác đã từng đi qua đè này chưa?
Trả lờiXóaĐèo B40 trong chuyến đi của mình thì ở bài này bác ạ. Riêng vì sao có tên đèo B40 thì bác xem bài này.
XóaHình như còn thiếu đèo Đại Ninh (Lò xo) rồi phải ko bác Dũng
Trả lờiXóaDo bài viết của người ta chỉ đề cập tới chuyện 'đèo ngoạn mục' nhất thôi. Riêng theo ý mình, phía Trung Nam bộ không dưới 15 con đèo mà ta có thể gọi là ngoạn mục ạ.
XóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.