(TTO) - “... Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu/ Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô... Sông Đằng một dải dài ghê/Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông/Những người bất nghĩa tiêu vong/Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh ...”.

726 năm sau, đọc lại bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, nhiều người vẫn xúc động với trận chiến vệ quốc lưu danh lịch sử. Ngoài môn khách cùng thời với Trần Hưng Đạo là Trương Hán Siêu, nhiều tác giả nổi tiếng khác như Trần Minh Tông, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông đều cảm thán miêu tả bãi chiến trường đẫm máu này. Tuy nhiên, dòng chảy thời gian và bao thời cuộc thăng trầm, chiến tranh, ly loạn đã làm cảnh vật nơi này đổi thay nhiều. Để làm rõ lại trận chiến oanh liệt của tiền nhân năm xưa là việc còn dài phía trước và rất khó khăn.

Điều ấn tượng là ngay trong quá trình tìm kiếm, sàng lọc bãi cọc dân sinh, các nhóm khảo cổ cũng đã dần chạm được vào những bãi cọc quân sự do chính quân dân Trần Hưng Đạo cắm vào năm 1288. Ở các đầm bãi Yên Giang, Vạn Muối, sông Rút, họ đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng về trận địa Trần Hưng Đạo giăng bẫy thủy quân Ô Mã Nhi. Các cây cọc gỗ lim, táu cứng như sắt gần như còn nguyên vẹn, có chiều dài 2,5-3m, đường kính 0,2-0,25m được cắm xiên dòng thủy triều đã kể lại bí ẩn về nơi mồ chôn quân thù.

Nỗi niềm nhà khảo cổ

Những lần tôi có dịp ngồi với PGS.TS Đỗ Văn Ninh - “cây đại thụ” trong làng khảo cổ học nước nhà, chuyện trò cứ qua lại một chút là ông lại đau đáu nhắc về những công trình chưa thể hoàn thành vì tuổi cao sức yếu của mình. Nay ông đã khuất bóng mấy năm rồi mà tôi vẫn nhớ mãi lời ông tâm sự: “Nước Việt có rất nhiều trận thủy chiến vệ quốc, nhưng oanh liệt nhất vẫn là trận Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần. Chỉ trong một ngày mà bốn vạn quân Nguyên Mông cùng 600 chiến thuyền bị đánh tan tác bởi đội quân của một dân tộc tưởng chừng bé nhỏ hơn rất nhiều”.

Ông Đỗ Văn Ninh tâm sự thêm lâu nay sử sách hay nhắc đến sự thiện chiến của kỵ binh Nguyên Mông, nhưng thật ra họ cũng có thủy quân rất hùng mạnh. Đặc biệt là sau khi bình định được nhà Tống ở trung nguyên, đại hãn Hốt Tất Liệt đã tính ngay đến chuyện chinh phục các quốc gia cách biển như Cao Ly (Triều Tiên), Nhật Bản và tiến xuống khu vực Nam Á, nên nhanh chóng xây dựng một đội chiến thuyền đông đảo. Mưu đồ này rất thuận lợi nhờ các xưởng đóng thuyền vùng duyên hải Trung Quốc cũng như kinh nghiệm đi biển giao thương lẫn xâm lược của người địa phương vừa bại trận.

Các viên tướng trong cuộc xâm lược nước Việt lần thứ ba này như Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ Ngọc... đều dày dạn kinh nghiệm thủy chiến. Trong đó tướng tải lương Trương Văn Hổ gốc gác là tên cướp biển vùng Quỳnh Lôi. Nếu không tính yếu tố sức mạnh từ lòng yêu nước, sự mưu trí và hiểm địa trời ban thì đội thủy quân của Trần Hưng Đạo rất khó sánh nổi. Thậm chí ngay cả khi đã đại bại hoàn toàn, tướng sĩ gần như chết sạch, tàu thuyền không chiếc nào thoát được, mà đại hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt (lúc này đã lên ngôi hoàng đế Nguyên Thế Tổ) vẫn cố sức phục thù, xâm lược nước Việt lần thứ tư bằng đường biển là chính. Cả 1.000 chiến thuyền lại được chuẩn bị để cho trận huyết chiến mới. Những vị thủy tướng bại trận như Trương Văn Hổ lại được triệu tập sử dụng. Nhưng cuộc viễn chinh chưa bắt đầu thì Hốt Tất Liệt chết trên giường bệnh. Vua tôi nhà Trần trận này chưa phải động binh đã thắng.

Theo ông Ninh, với quy mô các trận thủy chiến vĩ đại đông đến hàng ngàn chiến thuyền và hàng vạn quân binh ở cả hai chiến tuyến nối tiếp nhau từ thời Ngô Quyền đến Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng, chắc chắn các loại cổ vật liên quan như tàu thuyền, binh khí, vật dụng phải còn không ít dưới đáy sông biển. Chỉ một câu thơ của Nguyễn Trãi Lớp lớp bờ lau kiếm nát chồng cũng cảm nhận được điều này. Rất tiếc là do hoàn cảnh chiến tranh, rồi điều kiện khó khăn, hạn chế đã làm ngành khảo cổ chưa thể góp phần giải mã trọn vẹn được chiến tích của tiền nhân. “Suốt một đời gắn với ngành sử học và khảo cổ, tôi vẫn nghĩ đây là một món nợ lớn với tổ tiên. Còn rất nhiều bí ẩn phải tiếp tục làm sáng tỏ” - ông Ninh từng tâm sự.

Phát hiện của người dân

Khoảng năm 1953-1954, bí ẩn của bãi cọc Bạch Đằng bắt đầu hé mở khi người dân địa phương ở xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, phát hiện một số cọc gỗ lộ lên mặt đất ở bãi đầm cách ngã ba sông Chanh và sông Bạch Đằng khoảng 400m về phía đông. Vị trí này cách trung tâm thị trấn Quảng Yên lúc ấy 2km về phía tây. Người dân thấy có cọc gỗ lim còn tốt đào đem về nhà sử dụng. Khoảng 200 cọc gỗ đã được nhổ lên trong 50 hố đất đào. Câu chuyện dần được báo lên trên, Nhà nước bắt đầu quan tâm. Ngày 26-11-1958, Vụ Bảo tồn bảo tàng với những tên tuổi như Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân... đã đến nơi này ghi nhận thông tin từ người dân địa phương và tiến hành đào khảo sát. Hai nhà sử học và khảo cổ Diệp Đình Hoa, Phan Đại Doãn ghi lại trong báo cáo rằng: “Từ sau đợt khai quật này, chiến thắng Bạch Đằng và nhất là trận địa cọc mới được tìm hiểu một cách đầy đủ và cẩn thận... nhằm tìm hiểu sâu hơn truyền thống dân tộc và khoa học quân sự nước nhà”.

Tuy nhiên, ngay từ đầu nhóm khảo cổ này đã đối mặt với những khó khăn cần giải quyết. Chính sử nước Việt lẫn Nguyên sử cùng thời đều chỉ có vài dòng ngắn gọn lướt qua bãi cọc này mà thiếu hẳn sự chi tiết, cụ thể để người đời sau tìm kiếm. Ngoài ra, hệ thống cửa Bạch Đằng từ trước trận thủy chiến 1288 đã có nhiều dân cư sinh sống với các làng cổ như trại Yên Hưng. Dân sinh vùng này còn trải dài và ngày càng đông đúc đến tận ngày nay. Các cọc của người dân tự cắm để bảo vệ đất đai, bờ đê có thể bị nhầm lẫn với cọc quân sự. Đặc biệt, phân biệt được ba đợt cắm cọc khác nhau của Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Hưng Đạo cũng là công việc rất khó khăn.

Phan Đại Doãn và Diệp Đình Hoa báo cáo đoàn khảo cổ phải kết hợp nhiều phương pháp từ nghiên cứu sử liệu đến phân tích trực tiếp địa hình, bãi cọc, trầm tích địa chất... để cố gắng tìm đúng bãi cọc của quân dân Trần Hưng Đạo. Ban đầu, đoàn khảo cổ đã sàng lọc được một số bãi cọc ở vùng thượng lưu sông Bạch Đằng có thể không phải từ các trận chiến lịch sử. Đó là hai dải cọc được phát hiện ven sông Giá, một chi lưu của sông Bạch Đằng. Hầu hết cọc đều nhỏ, đường kính chỉ khoảng 6-10cm, thậm chí có cả cọc tre, được cắm san sát nhau ở khoảng cách 4-5cm. Ngoài ra, một số vùng khác cũng có các dải cọc tương tự. Ở chợ Đá Bia, họ còn tìm thấy các hàng cọc chạy dọc ven đê, với nhiều loại cây gỗ có đường kính từ 4-20cm. Một vài ý kiến ban đầu cho rằng đây là những bãi cọc phụ hỗ trợ cho các bãi cọc chính trong trận chiến Bạch Đằng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến sau đó đã nghi ngờ giả thuyết này. Họ cho rằng đó có thể chỉ là các dải cọc kè chân đê đã được gia cố theo thời gian.

Vậy bãi cọc chôn quân thù đang chìm lấp ở đâu?

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5

Theo Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!