(TTO) - “Cả một vùng sông nước từ núi Tràng Kênh đến cửa sông Chanh trải trên độ dài khoảng 2km, máu giặc chảy lênh láng. Ngoài số giặc bị giết chết, còn rất nhiều binh lính cùng chủ tướng Ô Mã Nhi bị quân ta bắt sống tại trận”.
Một buổi sáng cuối tháng 5, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, có mặt ở bảo tàng bên bờ sông Bạch Đằng (Quảng Yên), chỉ bản đồ kể lại cho những người trẻ nghe chiến tích hùng tráng của tổ tiên.
GS.TS Ngọc nói đây không chỉ là trận đánh duy nhất mà là cả một chuỗi chiến dịch dài đầy mưu trí để hướng đến cuộc thủy chiến quyết định thắng thua. Theo Nguyên sử của chính Trung Quốc, trong đợt xâm lược nước Việt lần thứ ba này, đại hãn Hốt Tất Liệt quyết tâm báo thù sau hai trận chiến bại nhục nhã trước một nước Việt bé nhỏ hơn rất nhiều.
Đẩy lui quân xâm lược
Kế hoạch tác chiến đã được chuẩn bị rất kỹ và có tầm nhìn xa. Ngoài cánh kỵ binh do chủ tướng Thoát Hoan cầm đầu tràn xuống phía nam theo đường sơn cước, gần 700 chiến thuyền có thể vận hành cả trên biển và đường sông cũng được xem như mũi tiến quân quan trọng. Hốt Tất Liệt cho đám tướng lãnh dày dạn kinh nghiệm thủy chiến như Ô Mã Nhi thống lĩnh đường thủy quân này. Ngoài lý do địa hình đường bộ xuống phía nam hiểm trở, nhiều trận địa phòng thủ, chiến thuyền Nguyên Mông còn có thể chở lương thực thuận tiện và chở được nhiều hơn đường bộ. Chúng đã rút kinh nghiệm cay đắng từ hai cuộc xâm lược trước khi tiến đến đâu đều gặp cảnh vườn không nhà trống, rất khó kiếm được lương thực vì nhân dân nước Việt sẵn sàng hi sinh, phá hủy tất cả những gì mình có để tiêu thổ kháng chiến.
Mùa đông năm 1287, hai cánh quân thủy bộ Nguyên Mông bắt đầu tràn xuống nước Việt một lần nữa. 17 vạn thạch lương trên 70 chiếc đại hải vận thuyền đi cùng cánh thủy quân tác chiến của Ô Mã Nhi. Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp, hải trình này như sau: thuyền xuôi gió từ cửa vịnh Khâm (núi Ô Lôi, Trung Quốc) đến mũi Ngọc. Ở đó đến vùng biển An Bang mất hơn một ngày nữa. Từ đây, đoàn thuyền có thể lợi dụng thủy triều lên mà đi đến cửa Chanh, ngược lên sông Bạch Đằng rồi theo đường sông vào sông Lục Đầu để hội với cánh kỵ binh.
Tuy nhiên, cuộc hành quân không hề dễ dàng như vậy. Ngay từ đầu, thủy tướng Trần Khánh Dư của nhà Trần sau trận thua ở An Bang, đã phục thù thành công vào 70 chiến thuyền vận lương do Trương Văn Hổ áp tải. Chính Nguyên sử của Trung Quốc phải cay đắng thừa nhận trận thua đau đớn này: “Thuyền lương của Trương Văn Hổ tháng 12 năm ngoái đậu ở Đồn Sơn, gặp 30 chiếc thuyền của Giao Chỉ. Đến biển Lục Thủy, thuyền Giao Chỉ thêm nhiều, liệu không thể địch nổi mà thuyền lại nặng, không thể đi được nên đổ thóc xuống biển rồi về Quỳnh Châu”.
Cùng với những trận đánh dữ dội trên bộ, thế tiến công của đội quân xâm lược Nguyên Mông dần mất hẳn, phải chuyển sang thế thủ, rồi đành rút lui thảm hại trước đà chiến thắng của đội quân vệ quốc nhà Trần. Trên đường tháo chạy về nước, chủ tướng giặc Trấn Nam Vương Thoát Hoan ban đầu định bỏ lại tất cả chiến thuyền để quân thủy, kỵ hợp thành một đường bộ. Nhưng sau đó lại nghe lời tướng lãnh, Thoát Hoan vẫn chia hai cánh thủy, bộ để rút lui như chính bản đồ hành quân xâm lược ban đầu. Chính việc tự chia rẽ sức mạnh quân đội này đã báo trước ngày tàn của quân Nguyên Mông.
Lao đầu vào cửa tử
Là một nhà nghiên cứu sâu về thủy quân trong lịch sử chống ngoại xâm, TS Nguyễn Việt cho rằng quân đoàn Nguyên Mông đã tự đưa đầu vào cửa tử. Tuy nhiên, việc giăng bẫy ở Bạch Đằng thành công là không hề đơn giản, đòi hỏi quân đội nhà Trần phải khôn khéo tổ chức cả một chiến dịch để lèo lái đoàn chiến thuyền xâm lược vào chính xác trận địa đợi sẵn. Những ngày ở Hải Phòng và Quảng Ninh, tôi đã nhiều lần đi ngược sông Bạch Đằng lên thượng lưu để cố tái hiện chiến dịch năm xưa của Trần Hưng Đạo. Người dân dọc theo thủy lộ này chỉ và kể cho nghe rất nhiều chuyện truyền đời lẫn các miếu, đền, gia phả, thần phả có liên quan đến các trận đánh dọc bờ sông này. Đặc biệt, đó là sự góp sức và máu xương của các đội dân binh.
Trên con đường ấy, Trần Hưng Đạo đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến gồm cả quân đội chính quy và dân binh để chặn đánh giặc từng ngày. Trong lúc cánh thủy quân nhà Trần hối hả cắm cọc ở Bạch Đằng, thì quân bộ có nhiệm vụ chặn đánh kỵ binh Nguyên Mông trên bờ. Thật sự ngay từ đầu Thoát Hoan đã nhìn thấy thế hiểm nguy của thủy quân mình. Tướng giặc này cẩn thận cử thêm Trình Bằng Phi, một viên tướng người Hán đầu hàng quân Mông Cổ, cùng bộ tướng Đạt Truật dẫn đội kỵ binh men theo bờ tả ngạn, sẵn sàng hỗ trợ đội chiến thuyền rút lui đường sông. Trần Hưng Đạo hiểu rõ chiến thuật của đối phương, ông cho dân quân phá hủy cầu cống, liên tục đánh chặn để chia cắt đội kỵ binh. Bộ sử An Nam chí lược nhìn nhận tầm nhìn chiến lược của quân dân nhà Trần: “Ngày 3 tháng 3, hữu thừa Trình Bằng Phi, thiêm tỉnh Đạt Mộc, đem kỵ binh đưa chu sư (thủy quân) qua chợ Đông Hồ, vướng sông bèn trở về. Vì cầu cống đều bị quân kia cắt đứt, đón đợi ta mà đánh”.
Tính toán chiến thuật bộ, thủy hỗ trợ nhau của quân Nguyên Mông bị Trần Hưng Đạo phá tan ngay từ đầu. Sở trường thiện chiến nhất của kỵ binh Mông Cổ cũng không thể vượt nổi một đoạn đường ngắn từ Vạn Kiếp đến cửa Bạch Đằng, đành phải quay về nhập cùng bộ binh Thoát Hoan. Đội thủy quân Ô Mã Nhi bị bỏ mặc trên đường rút chạy ra cửa biển. Tuy nhiên, nếu xét về quân lực thì lực lượng Ô Mã Nhi vẫn còn rất mạnh với 600 chiến thuyền cùng hơn 4 vạn quân. Đặc biệt, các viên thủy tướng dày dạn chiến trường như Lưu Khuê, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ... cũng còn trực tiếp cầm quân đầy đủ. Sự thắng, thua của đội quân nhà Trần phụ thuộc vào mưu trí, biết dùng “đoản binh thắng trường trận” như chính tướng Trần Hưng Đạo nhận xét.
Những ngày đi ngược sông Bạch Đằng, tôi đã được các cụ cao niên kể cho nghe những mưu kế đánh giặc của tiền nhân. Cụ thủ từ Đào Xuân Tự ở đền Trần, Yên Giang, kể lời tổ tiên truyền rằng trên đường dẫn dụ thủy quân Nguyên Mông vào trận địa mai phục chính, dân binh đã tạo ra nhiều trận mai phục lớn nhỏ khác nhau để kẻ thù không còn làm chủ được kế hoạch hành quân ban đầu. Ở đoạn sông qua Trúc Động (nay thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), dân binh nhà Trần nấu cơm rồi gói vào nhiều mo cau thả trôi sông, giả như binh lính trên thuyền làm rơi. Mưu trí này nhằm lừa kẻ thù về một trận mai phục lớn ở sông Giá để buộc chúng phải hướng vào cửa sông Bạch Đằng.
< Một đoạn Bạch Đằng, nơi diễn ra trận thủy chiến năm 1288.
Sử liệu như An Nam chí lược cũng kể Ô Mã Nhi đã cử tướng Lưu Khuê, một viên thủy tướng dày dạn kinh nghiệm giao chiến với quân Trần sau trận chết hụt thảm hại ở bến Hàm Tử năm 1285, thống lĩnh đội chiến thuyền tiên phong tiến đánh trận mai phục ở Trúc Động. Hai bên giao chiến với nhau kịch liệt đúng một ngày trước trận đánh quyết định cuối cùng ở Bạch Đằng. Trong trận đánh này, cả hai bên đều thiệt hại. Máu đỏ loang cả đoạn sông. Nhưng về chiến lược thì quân đội nhà Trần đã thắng khi Ô Mã Nhi e sợ không dám tiếp tục tiến theo sông Giá ra biển, phải lệnh cho toàn bộ đội thủy quân của mình rẽ vào dòng chính của sông Bạch Đằng.
Và một trận chiến hủy diệt toàn bộ đội thủy quân xâm lược đã đợi sẵn ở đây.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5
Theo Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.