(TTO) - “Tầm nhìn chiến thuật để giăng bẫy cọc rất quan trọng. Nhưng điều sinh tử là phải tính chính xác được mực thủy triều và dẫn dụ đối phương vào đúng thời khắc chọn lựa đó. Chỉ trễ hoặc sớm một chút là bãi chông ngầm dưới mặt nước sẽ mất tác dụng”, TS Lê Thị Liên nói. Theo nhà nghiên cứu trận thủy chiến lịch sử này, vua tôi nhà Trần đã sử dụng mưu trí thành công để quét sạch kẻ thù trong trận đánh cuối cùng.

Giờ quyết định

Rạng sáng 9-4-1288 (ngày 8-3 năm Mậu Tý), Ô Mã Nhi cho đội chiến thuyền 600 chiếc với gần 5 vạn thủy binh xâm lược rẽ vào nhánh sông Đá Bạc. Viên thủy tướng mấy phen thảm bại đến suýt bỏ mạng ở Đại Việt một lần nữa chui đầu vào cửa tử.

Trước đó, đội phục binh của nhà Trần giao chiến dữ dội với quân Nguyên Mông tại Trúc Động nhằm buộc đoàn chiến thuyền xâm lược này không thể tiếp tục tiến theo sông Giá ra biển, mà phải rẽ sang nhánh Đá Bạc, vào đúng trận địa cọc chông đã giăng sẵn ở cửa sông Bạch Đằng. Ba năm trước đó, trong đợt xâm lược nước Việt lần thứ hai, chủ tướng Toa Đô thua trận bỏ mạng ở trận chiến sông Hồng. Ô Mã Nhi phải chui vào chiếc thuyền nhỏ, trốn chạy nhục nhã. Lần phục hận thứ ba này, tướng giặc xâm lược lại tiếp tục thua trí những người vệ quốc.

Theo các sử liệu, thư tịch cổ, chân trời phía biển Đông gần ửng lên cũng là lúc đoàn chiến thuyền Nguyên Mông tiến vào luồng chính của dòng Bạch Đằng ở đoạn gần núi Tràng Kênh. Thủy triều sau một đêm dâng cao bắt đầu rút nhanh, nước ào ào đổ về cửa biển. Trước mặt đoàn quân xâm lược lối thoát đã ngay trước mắt. Tuy nhiên, đây cũng chính là bẫy trận địa lớn nhất của quân dân nhà Trần đã dựng sẵn. Phục binh cả thủy lẫn bộ trải sẵn ở núi rừng hai bên bờ sông và khóa chặt đường trở lùi của Ô Mã Nhi. Còn phía trước là các bãi cọc chông chờ sẵn. Khi đoàn chiến thuyền Nguyên Mông phát hiện điều này thì quá muộn. Dòng thủy triều rút ra biển đã cuốn luôn cả đoàn chiến thuyền gần 600 chiếc lao đầu vào thẳng các bãi cọc.

< Các binh khí trưng bày ở Viện Văn hóa Bạch Đằng, Quảng Yên.

Theo TS Lê Thị Liên và TS Nguyễn Việt từng nhiều năm nghiên cứu, khảo cổ trận địa Bạch Đằng, tài quân sự của danh tướng Trần Hưng Đạo và các vua Trần được thể hiện chính thời khắc quyết định này. Sau khi đánh cắt đứt kỵ binh của Trình Bằng Phi trên bờ sông có nhiệm vụ hỗ trợ thủy quân Ô Mã Nhi, quân Việt lại chặn thuyền giặc ở sông Giá. Tuy nhiên, họ dẫn dụ được giặc rẽ vào sông Bạch Đằng, nơi có bẫy cọc, cũng mới chỉ là thành công bước đầu. Yếu tố cốt tử trong trận thủy chiến này là phải kiểm soát được tốc độ đoàn thuyền chiến Ô Mã Nhi sao cho chúng đến bãi cọc vào đúng thời khắc thủy triều vừa rút, đầu cọc lộ lên đến tầm phá hủy được tàu bè. Chiến thuyền đến sớm hoặc trễ hơn đều có thể phá sản chiến thuật bẫy cọc bởi lúc nước triều đang cao, thuyền giặc lướt qua mặt sông mà không đâm phải cọc chìm sâu bên dưới. Còn nếu lúc thủy triều rút xuống quá thấp, chúng sẽ sớm phát hiện được bẫy cọc từ xa.

Cả Nguyên sử lẫn An Nam chí lược đều ghi ngay từ trước trận chiến chính tại cửa Bạch Đằng, thủy quân Nguyên Mông phải đối mặt với một loạt trận khiêu chiến của quân Trần. Trong đó có trận Nguyễn Khoái cùng dân binh đối mặt với tướng giặc Lưu Khuê, rồi giả thua bỏ chạy. Các chiến thuật này đều không nằm ngoài kế hoạch dụ quân xâm lược vào đúng trận địa bẫy cọc ở thời điểm triều bắt đầu rút. Trước đó, vua tôi nhà Trần thực hiện một cuộc tổng huy động dân binh vĩ đại để đóng hàng hàng lớp lớp cọc giăng ngang dòng chảy cửa Bạch Đằng cùng các nhánh phụ như sông Chanh, sông Rút. Thời gian thực hiện chỉ vỏn vẹn hơn mười ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1288. Sau này, các công trình khảo cổ tìm thấy nhiều cọc ở đầm Yên Giang, Vạn Muối, Má Ngựa chính là một phần của bãi cọc chiến sự đó. Hơn 700 năm trôi qua, sự chuyển dịch dòng chảy và bồi tụ đã làm nhiều phần bãi cọc không còn nằm ở đúng vị trí các dòng chảy của cửa sông Bạch Đằng hiện nay.

Quét sạch kình ngạc

Chiến sự bắt đầu bùng nổ dữ dội vào tảng sáng 9 - 4. Đại Việt sử ký toàn thư tường thuật diễn biến: “Ngày hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Hưng Đạo cho quân khiêu chiến, rồi giả cách thua, quân giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền của giặc bị vướng cọc. Nguyễn Khoái đem quân Thánh dực nghĩa dũng đánh nhau với giặc, bắt được Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh hăng, quân Nguyên chết đuối không xiết kể, nước sông đến nỗi đỏ ngầu”. Chính Nguyên sử của quân xâm lược sau này chép lại cũng chua chát thừa nhận đã phải chịu đựng một trận đánh khốc liệt suốt từ sáng đến tối (giờ Mão đến giờ Dậu), trong cảnh thuyền quân Trần tập trung đông, tên bắn như mưa.

Ngoài bãi cọc phá hủy thuyền chiến, quân Trần còn dùng bè mảng cỏ khô đánh hỏa công để thiêu rụi và làm hoảng loạn tinh thần quân Nguyên Mông. Từ chân núi Tràng Kênh trên thượng lưu đến cửa sông Chanh, sông Rút, tức các dòng của hệ thống cửa sông Bạch Đằng dài hơn 2km, chỗ nào không có bãi cọc lại có phục binh Trần Hưng Đạo.

Máu đổ làm “nước sông đến nỗi đỏ ngầu” như sử xưa kể lại. Mô tả chiến sự hùng tráng này, Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, đã viết trong bài Phú sông Bạch Đằng lưu truyền hậu thế: “Bấy giờ... Muôn dặm thuyền bè, tinh kỳ phấp phới/ Sáu quân oai hùng, gươm đao sáng chói/ Sống mái chưa phân. Bắc Nam lũy đối/ Trời đất rung rinh chừ sắp tan/ Nhật nguyệt u ám chừ mờ tối ...”.

Đến chạng vạng tối cùng ngày 9- 4, trận thủy chiến khốc liệt cũng đến hồi kết thúc. Đoàn chiến thuyền quy mô 600 chiếc cùng 5 vạn quân xâm lược bị đánh tan tác hoàn toàn. Tất cả thủy tướng cầm quân giặc như Ô Mã Nhi, Lưu Khuê, Phàn Tiếp, Phạm Nhan, Tích Lệ Cơ... không chết trận cũng bị kéo từ dưới sông lên, bắt sống một cách nhục nhã. Quân Trần Hưng Đạo thu được đến 400 chiến thuyền. Mới một ngày trước Bạch Đằng giang còn đen nghịt chiến thuyền giặc, chỉ sau một trận đánh đã quét sạch bóng quân thù.

Nguyên sử Trung Quốc cay đắng kể sau ba đợt xâm lược đều phải đại bại thảm hại ở Đại Việt, đại hãn Hốt Tất Liệt lúc này đã là Nguyên Thế Tổ ở ngôi hoàng đế Trung Hoa, vẫn cay cú phục thù. Vó ngựa viễn chinh Mông Cổ từng xóa gọn Trung Hoa của nhà Tống, xâm lược khắp đất trời Á - Âu, không đành tâm chịu thất trận nhục nhã trước nước Việt bé nhỏ. Một đạo kỵ binh và chiến thuyền đông đến 1.000 chiếc lại được chuẩn bị hướng về nước Việt. Số lương ăn mang theo cũng lên đến 35 vạn thạch, nhiều gấp đôi đợt xâm lược lần thứ ba vào năm 1287- 1288... Tuy nhiên, chính vì e ngại sức mạnh Đại Việt, Hốt Tất Liệt phải kéo dài thời gian chuẩn bị, chần chừ mãi ngày tiến quân. Cho đến lúc chết trên giường bệnh, mộng xâm lược của viên hoàng đế này vẫn không thành.

Đời sau trên đường qua cửa Bạch Đằng, vua Lê Thánh Tông đã cảm khái đề thơ: “Tráng sĩ kinh hồn xây xác giặc/ Khí xuân bừng dậy nhuận đồng nương”. Nước Việt từ trận thủy chiến oanh liệt này hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược Nguyên Mông.

< Các nhà khảo cổ nước khảo sát ảnh vệ tinh trước khi dò tìm.

Chiến trường đâu chỉ loang máu ở bãi cọc Bạch Đằng. Rất nhiều chuyện truyền đời về dân binh đôi bờ Bạch Đằng đã cùng thủy quân nhà Trần tham chiến dữ dội với quân Nguyên Mông. Và bộ binh cũng góp phần tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch. Nhà nghiên cứu Lê Đồng Sơn ở Bảo tàng Quảng Yên kể hàng trăm năm qua, các làng mạc đôi bờ sông này vẫn còn gìn giữ rất nhiều di tích liên quan đến trận Bạch Đằng, thuyền giặc không bị chìm tại bãi cọc đã tấp vào bờ để binh lính tìm cách thoát thân theo đường bộ, đặc biệt là bờ Yên Hưng. Nhưng chân chưa kịp ráo nước, chúng lại đối mặt với vòng phục binh thứ hai trên bộ. Trong đó, đảo Hà Nam ngày xưa là một cồn bãi của sông Bạch Đằng vẫn còn lưu truyền câu ca dao xưa: Bạch Đằng giang là sông cửa ải. Tổng Hà Nam là bãi chiến trường.

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5

Theo Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!