(DVO) - Từ ngày xưa, người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam luôn xem chiếc ná (pa'nanh - nỏ) là vật dụng không thể thiếu trong hoạt động săn bắt thú rừng bảo vệ làng bản mà nó còn là thứ vũ khí chống giặc xâm lăng.

Được biết, từ dạo đồng bào Cơ Tu còn ở nhà sàn, ngoài công việc làm rẫy, săn thú rừng thì chiếc ná là vũ khí lợi hại của những người đàn ông Cơ Tu giữ đất, giữ làng, chống giặc ngoại xâm. Và cho đến hôm nay, đồng bào Cơ Tu dù đã có cuộc sống khấm khá hơn, nhưng chiếc ná vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây.

Người Cơ Tu quan niệm cho rằng, bất kỳ đàn ông nào trong làng không biết sử dụng ná (pa'nanh) thì coi như chưa trưởng thành, những người bắn ná giỏi nhất rất được kính trọng.

Được biết với người Cơ Tu, chiếc ná là một vật dụng hết sức thiêng liêng, tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên và sức mạnh của người đàn ông Cơ Tu. Chiếc ná (pa'nanh) lưu giữ nhiều giá trị tinh thần của người Cơ Tu nên được các lão làng vẫn miệt mài chế tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu săn bắn.

Xưa kia, người Cơ Tu sống ở vùng rừng núi, hồi đó còn nhiều thú dữ nên phải sống ở nhà sàn, đi rừng, lên nương đều luôn mang theo ná và các vũ khí khác để phòng thân và săn thú chống lại sự phá hoa màu mà lại có thêm thức ăn cho gia đình. Ngay cả trẻ con và phụ nũa cũng sớm được làm quen với ná, tên và được người lớn đưa đi rừng.

Ná của người Cơ Tu thường có hai loại, phân biệt dựa theo chiều dài của cánh ná. Cũng dựa vào đó mà sẽ có mũi tên thích hợp cho từng loại. Thân ná được làm gỗ cứng như: rọi, cẩm lai. Cánh ná thì sử dụng các loại gỗ có tính đàn hồi như gỗ cau.

Ngày xưa, để làm một cây ná phải mất hàng tháng. Phải vào rừng tìm cây, rồi đánh dấu lại, đến một thời gian nhất định trong tháng mới đến đốn, vì khi đó chất gỗ sẽ săn chắc hơn tại có mùa gỗ bị mọt ăn, gẩy. Gỗ sau khi đốn được đem về đẵn ra thành từng bộ phận riêng biệt, rồi dùng một con dao mác nhỏ bằng ngón tay đẽo kỹ lại, công đoạn này phải mất ít nhất cả tháng.

Với người đàn ông Cơ Tu, họ đều luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, trong đó có chiếc ná (pa'nanh) và truyền cho các thế hệ sau để lưu giữ nét xưa.

Hằng năm, đồng bào Cơ Tu còn tổ chức các lễ hội ăn mừng lúa mới, tổ chức khánh thành Gươl mới của làng... Qua đó thường lồng các hoạt động như: thi bắn ná, thi chế tác ná để con cháu về sau hiểu hơn về nét văn hóa này.

Theo Nguyễn Văn Sơn (báo Dân Việt)
Du lịch, GO!