(Vhttdlkv3) - Trà Vinh là nơi dừng chân, hội tụ của những dòng chảy văn hóa theo chiều lịch sử từ Bắc đến Nam và là tỉnh đặc thù có nhiều dân tộc cùng cộng cư sinh sống như Kinh - Khmer - Hoa và một số ít người Chăm.

Trải qua chiều dài lịch sử đáng tự hào này, cộng đồng các dân tộc ở đây đã sáng tạo nên những di sản văn hóa rất đặc sắc và mang nhiều giá trị. Những di sản văn hóa này luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc, là sự kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhiều thế hệ lao động của người dân trên vùng đất này. Trong đó có các lễ hội truyền thống rất đặc sắc.

1. Lễ hội Ok Om Bok

Ok Om Bok hay Lễ Cúng trăng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Khmer. Lễ hội được tổ chức vào tháng 10 âm lịch (ngày 15 tháng Ka-Đât theo lịch Khmer). Thời điểm này cũng là lúc kết thúc vụ mùa, người dân tổ chức lễ cúng trăng để tỏ lòng biết ơn đối với mặt Trăng – vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại mùa màng tốt tươi và sự no ấm. Lễ cúng trăng là sự đưa tiễn mùa mưa, chào đón mùa khô.

Lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh được tổ chức dưới các hình thức như: lễ tại gia đình, lễ ở chùa hoặc các điểm của cộng đồng trong phum sóc và lễ hội tại Ao Bà Om. Nghi lễ Ok Om Bok được tiến hành như sau: Người ta lập một bàn thờ cúng bày biện các vật cúng như cốm dẹp, chuối, khoai, dừa, hoa tươi cùng nhang đèn. Khi thần Mặt Trăng nhô lên khỏi ngọn cây thì tiến hành nghi lễ. Những người tham gia nghi lễ ngồi trước bàn cúng chắp tay trước ngực, chủ gia thắp nhang kính cẩn khấn váy tạ ơn thần Mặt Trăng năm qua đã phù hộ, độ trì cho gia đình được bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Cầu mong thần tiếp nhận những lễ vật và chứng giám lòng thành mà tiếp tục phù hộ cho gia đình năm sau vạn sự như ý.

Riêng tại thành phố Trà Vinh, trong ngày 14, mọi người tập trung hai bên bờ sông Long Bình để xem đua ghe ngo truyền thống. Sáng hôm sau mọi người lại kéo về Ao Bà Om tham dự các trò chơi dân gian: kéo co, đập nồi, nhảy bao… thi đấu bóng chuyền, tham quan hội chợ trưng bày, tham quan Bảo tàng Văn hoá dân tộc Khmer.

Tối đến, mọi người xem biểu diễn trang phục, xem văn nghệ. Đặc biệt, sau khi chứng kiến lễ Ok Om Bok, mọi người được dự khán cuộc trình diễn hoành tráng của các đoàn diễu hành là các chùa vòng quanh Ao Bà Om, rồi xem thả đèn nước, ngắm nhìn đèn trôi trên mặt ao trong đêm trăng rằm lung linh huyền ảo.

Lễ hội Ok Om Bók (Lễ hội Cúng trăng) là lễ hội dân gian truyền thống gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán của người Khmer ở Trà Vinh nói riêng, Nam Bộ nói chung. Nó đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống tâm linh, đời sống văn hóa của người Khmer. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc. Chính vì những giá trị đó, ngày 25/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định đưa Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer tỉnh Trà Vinh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

2. Lễ hội cúng biển Mỹ Long

Lễ hội cúng biển Mỹ Long là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. Đây là lễ hội dân gian có cách nay gần 300 năm với nhiều nghi thức đặc sắc gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân vùng đất Mỹ Long - Cầu Ngang.

Tuy nhiên, Lễ hội cúng biển Mỹ Long thực sự được tổ chức với quy mô lớn từ những năm 1930 trở lại đây khi có Miếu bà Chúa Xứ ở thị trấn Mỹ Long và Cửa Cung Hầu (một trong chín cửa sông Cửu Long). Lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách khắp nơi về dự.
Dulichgo
Lễ hội cúng biển Mỹ Long diễn ra từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 5 âm lịch gồm các nghi thức: Giỗ Tiền Chức, Nghinh Nam Hải, Tế Thần Nông và chiến sĩ trận vong, Chánh tế Chúa Xứ - hát rỗi, Nghinh ngũ phương và Tống tàu.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng. Lễ hội là điểm tựa tinh thần, nơi vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm và trao truyền đạo lý, tình cảm; nơi để mọi người thỉnh cầu, bày tỏ ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa vụ đầy ắp cá tôm,  phúc lộc thọ cho mọi nhà. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng.

3. Lễ Nguyên tiêu thắng hội ở Phước Thắng Cung

Nguyên tiêu thắng hội là lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn thị trấn Định An, xã Định An, xã Đại An của huyện Trà Cú. Trung tâm lễ hội là Phước Thắng Cung còn gọi là chùa Ông Bảo, ấp Mé Rạch B, xã Đại An. Ngoài ra còn có các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo khác cùng tham gia như: Phước Long Cung khóm I, thị trấn Định An; Phước Lộc Hòa, ấp Bến Tranh, xã Định An; Đình Minh Hương, ấp Giồng Đình, xã Định An; Bảo An Miếu, ấp Chợ, xã Đại An; Thánh thất Cao Đài ấp Trà Kha, xã Đại An.

Phước Thắng Cung là cơ sở tín ngưỡng của người Hoa được xây dựng cách nay 150 năm thờ Bảo Sanh Đại Đế là vị thần chính. Ngoài ra, qua thời gian Phước Thắng Cung dần dần được mở rộng và dung nạp thêm nhiều vị thần thánh khác như: Quảng Trạch Tôn Vương, Phước Đức Chính Thần, Ngũ Vị Chi Thần, Tam Bình Tổ Sư, Thích Ca Mâu Ni, Tiền hiền Hậu hiền, Bà Chúa Xứ, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Néak Tà, Sơn thần...

Nguyên tiêu thắng hội ở Phước Thắng Cung diễn ra trong hai ngày, có các nghi thức chính như sau: Lễ khai tràng nhập hội; Lễ cầu an; Lễ tế Tiền chức, cúng Chúa Xứ, Sơn Thần Néak Tà; Lễ Nghinh thần; Lễ an vị; Lễ tạ thần.
Dulichgo
Nguyên tiêu thắng hội ở Phước Thắng Cung là lễ hội dân gian đặc sắc có từ nhiều năm nay đã quy tụ được các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cùng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa cùng tham gia. Lễ hội có những đặc điểm riêng gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán của cư dân vùng đất Đại An – Trà Cú và đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng. Những năm gần đây lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn người trong ngoài tỉnh tham gia.

4. Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ

Đây là lễ hội dân gian truyền thống có gần 200 năm nay của cộng đồng cư dân xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ được tổ chức vào ngày 15-16/2 âm lịch (Lễ Hạ điền) và 15-16/10 âm lịch (Lễ Thượng điền). So với trước đây nghi thức tế lễ hiện nay đã giản lược đi rất nhiều. Vào lễ sáng ngày 15 ban hội và bà con tập trung về đình dọn dẹp chuẩn bị lễ vật, thức ăn để cúng tế, đãi khách. Đến 13 giờ chiều tiến hành lễ thỉnh sắc. Đoàn đi có đội lân, lỗ bộ, lộng, kiệu, trống, chiêng cùng những người của ban hội và dân làng. Sau khi, Ban quý tế tiến hành làm lễ thỉnh sắc tại nhà ông Trần Bá Du rồi đưa sắc thần lên kiệu rước về đình. Về đến đình ban hội làm lễ khai sắc, lễ cúng Tiền chức nhằm báo cáo và tạ ơn với các vị Tiền hiền.
Dulichgo
Đến 22 giờ đêm ngày 15 lễ tế thần nghi lễ chính trong lễ kỳ yên đình Hiệp Mỹ chính thức bắt đầu. Ban quý tế mặt trang phục cổ truyền áo dài khăn đóng cùng đội học trò lễ và dàn nhạc cổ truyền thực hiện nghi thức tế lễ. Chánh tế đọc văn tế tế Thành Hoàng Bổn Cảnh mà theo các vị bô lão đó chính là nhân vật lịch sử Lê Tấn Sỹ người có công lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp tại địa phương. Vật phẩm tế thần là heo trắng có bôi vết son trên lưng và lấy đi một miếng thịt vuông trên vai để minh chứng vật cúng thanh khiết, toàn sắc.

Chánh tế thần xong trước đây thì tổ chức hát bội, hiện nay không còn đoàn hát nên hội đình tổ chức đờn ca tài tử phục vụ dân chúng vui chơi, giải trí.

Sáng hôm sau 8 giờ ngày 16, đình tổ chức lễ hồi sắc, nghi thức giống như lễ thỉnh sắc. Hồi sắc xong khoảng 11 giờ trước sân đình diễn ra lễ tạ ơn và tống khách để tạ ơn các vị thần thánh, Tiền hiền Hậu hiền đã phò hộ cho dân chúng năm qua bình yên mạnh khẻo, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cảm ơn quý khách đã về đây tham dự, chung vui.

Lễ hội kỳ yên đình Hiệp Mỹ là lễ hội dân gian truyền thống được cộng đồng cư dân trong vùng chung lo tổ chức, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con trong vùng.

5. Lễ vào năm mới (Pithi Chôl Chnam Thmây)

Lễ Chôl Chnam Thmây hay còn được gọi là lễ chịu tuổi hay tết. Hằng năm, lễ được tổ chức trong 3 ngày 14-16/4 dương lịch, năm nào nhuần thì đồng bào Khmer tổ chức trong 4 ngày. Trong đêm giao thừa ở các chùa, những ông già, bà lão túc trực cùng với sư sãi tổ chức tụng kinh, rắc nước thơm để tẩy đi những ô uế, xui xẻo của năm cũ, đón năm mới với mọi sự tốt lành. Còn ở mỗi nhà đốt đèn, thắp hương làm lễ tiễn đưa Tê-vô-đa cũ, rước Tê-vô-đa mới.

Qua đêm tiễn đưa năm cũ, ngày hôm sau vào lúc 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, mọi người mang lễ vật, nhang đèn đến chùa làm lễ rước đại lịch (Mô ha sang Kram). Cũng trong ngày, ở các chùa mọi người cùng nhau tổ chức đắp núi cát hoặc núi lúa xung quanh chính điện.
Dulichgo
Sang ngày thứ ba, ngày đầu của năm mới, từ sáng sớm, mọi người làm cơm nước rồi vào chùa dâng cơm sáng và trưa cho sư sãi, nghe nhà sư thuyết pháp. Buổi chiều, mọi người đem nước thơm, nhang đèn đến chùa làm lễ tắm tượng Phật để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Đức Phật. Tắm Phật xong, mọi người vào chính điện làm lễ cầu siêu cho vong linh người quá cố. Riêng ở từng gia đình, mọi người cũng tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cái dâng tặng. Đêm đến, mọi người tiếp tục cúng bái Tê-vô-đa, tổ chức vui chơi đến khuya thì chấm dứt.

6. Lễ cúng ông bà (Pithi Sen Đon ta)

Lễ được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 29/8 đến 01/9 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ họ hàng, cầu siêu cầu phước cho linh hồn những người quá vãng.

Ngày đầu vào lễ là ngày cúng tiếp đón, các gia đình dọn một mâm cơm, thắp nhang đèn rồi mời họ hàng, thân nhân cùng cúng và dùng cơm. Đến chiều, thì cúng linh hồn ông bà, rồi đi vào chùa lạy Phật, nghe tụng kinh thuyết pháp. Sáng ngày hôm sau, tất cả các gia đình đều làm mâm cơm để đem đi chùa. Sang ngày thứ ba thì cúng tiễn đưa, nhiều gia đình còn mời sư sãi đến tụng kinh để thêm phần long trọng.

7. Lễ hội Néak Tà

Đây là lễ hội truyền thống trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer được tổ chức hàng năm tại các miếu Néak Tà. Hằng năm, người Khmer thường cúng Neak Tà một lần khoảng tháng 4, tháng 5 (dương lịch) tức vào đầu mùa mưa, trước hoặc sau tết Chol Chnam Thmây khoảng một tháng. Theo nghi thức truyền thống, lễ cúng Neak Tà được kéo dài 3 ngày đêm nhưng ngày nay do điều kiện kinh tế, lao động sản xuất nên nghi thức cúng có phần đơn giản hơn, có nơi chỉ tổ chức cúng trong ngày. Trước khi tổ chức lễ cúng khoảng 10 ngày thì Acha và người đứng tuổi và có uy tính trong cộng đồng trong Phum Sóc đại diện đến từng nhà thông báo ngày giờ tổ chức cúng Neak Tà và vận động vật chất, gạo, muối, tiền để tổ chức lễ cúng.

Chương trình chính của lễ hội là cúng Neak Tà và cầu an. Thời gian cũng chia làm hai. Ngày thứ nhất, tất cả mọi người trong Sóc đến miếu Neak Tà để dọn dẹp, vệ sinh miếu, vị Acha lấy một tấm vải đỏ vắt lên hòn đá, điều này thể hiện chuẩn bị lên ông Tà. Sau đó, mọi người cùng góp sức dựng rạp ở trước miếu Neak Tà để hành lễ. Kế tiếp, chuẩn bị và chế biến vật phẩm cúng Neak Tà. Vật cúng thường là: 01 đầu heo luộc, 01 con gà, 01 chai rượu, 01 nải chuối xiêm, 01 trái dừa, cơm, muối, dầu dừa, chỉ đỏ, hoa quả, bánh trái, có nơi có cả heo quay và heo trắng (tùy vụ mùa sản xuất hằng năm). Trước khi cúng Neak Tà thì vị Acha khấn vái lặp đi lặp lại ba lần, mỗi lần mời mỗi lần rót rượu cho đến khi cây nhang tàn. Acha là người đại diện con dân trong Phum Sóc  báo cáo với Neak Tà tình hình sản xuất vụ mùa của dân làng trong năm vừa qua, dâng vật phẩm cúng trả lễ Neak Tà và cầu xin ông tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng khỏe mạnh, phù hộ cho họ sản xuất vụ mùa sau đạt hiệu quả cao. Sau đó, xin Neak Tà những điều chúc tốt lành, an khang, thịnh vượng cho tất cả người dân trong Sróc, sau đó Acha đem vật phẩm chia nhau cho mọi người dùng để hưởng lộc. Bữa cơm này người Khmer gọi là bữa cơm đoàn kết (Samaki).
Dulichgo
Vào buổi tối, tất cả người dân trong Sóc tập trung tại miếu Neak Tà để làm lễ cầu an (còn gọi là lễ đoàn kết). Lễ này mời bốn hoặc tám vị sư đến dự và tụng kinh chúc phúc. Lễ này gồm các bước như: niệm Phật, ôn lại nguồn gốc của lễ hội, diễn văn (cáo lỗi và cảm ơn), báo cáo số tiền vận động và lễ phẩm của người đem dâng cúng, đọc lời khấn cầu nguyện, làm lễ bái Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), tưởng nhớ công đức của Neak Tà và công đức cha mẹ, ông bà và cầu nguyện đến những người đã khuất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, không đau ốm bệnh tật, vạn sự như ý, nhà nhà có cuộc sống vui khỏe, thanh bình và ấm no. Kế đến, là mời các vị sư sãi tụng kinh thuyết pháp.

Sau đó, mọi người tập trung múa hát với những dàn nhạc cụ đặc trưng của dân tộc như: dàn nhạc Ngũ âm, Sadam đan xen với những điệu múa truyền thống của dân tộc như: múa Rom Vong, Sa Ra Van, Lăm Leo, Cram bass… Ở những vùng cộng cư, trong lễ hội Neák Tà còn có sự tham gia của người Việt, người Hoa.

Sáng ngày hôm sau, tất cả người dân trong Sóc dâng bánh trái đến các vị sư để cầu siêu, hồi hướng đến vong linh của ông bà cha mẹ đã khuất để họ nhận được những phần phước ấy, và xin lời chúc phù họ cho nhà nhà được hạnh phúc và vạn sự như ý.

8. Lễ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ

Hằng năm, đến ngày 2/9/2014, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và phẩm vật tưởng niệm Bác Hồ, báo công dâng Bác thành tích hoạt động trong năm qua.

Năm 1969, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, để bày tỏ lòng kính yêu, quân dân xã Long Đức đã tiến hành xây dựng đền thờ Bác ngay trong tầm bom pháo của kẻ thù. Đền thờ Bác Hồ được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1970. Công việc xây dựng đền phải làm vào ban đêm, du kích cùng nhân dân địa phương chia ra làm nhiều tổ, vừa bảo đảm vận chuyển nguyên vật liệu vào khu vực xây đền, qua mắt các căn cứ quân sự của địch chung quanh; vừa phải trực chiến chống càn, bảo vệ nhân dân và khu vực xây dựng đền. Sau 10 tháng miệt mài bất chấp bom đạn, sự càn quét, đánh phá của địch, quân dân xã Long Đức đã chung sức, đồng lòng hoàn thành Đền thờ Bác Hồ và chính thức khánh thành vào đúng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1971. Sau ngày đất nước được thống nhất, Đền thờ Bác Hồ không ngừng được trùng tu tôn tạo thêm lên. Ngày 05/9/1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng sự hỗ trợ của Cục Di sản văn hóa, Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và khánh thành ngôi nhà sàn Bác Hồ - theo dạng phục chế với tỷ lệ 97% so với kích thướt ngôi nhà sàn mà Bác Hồ ở và làm việc tại Hà Nội.
Dulichgo
Từ năm 1992, khi tỉnh Trà Vinh được tái lập, theo nguyện vọng của quân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vinh dự thực hiện nhiệm vụ tổ chức  lễ giỗ Bác hằng năm vào ngày 2/9. Vào dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như dâng hương và vật phẩm cúng (thông thường là các loại bánh tét, bánh ít truyền thống, xây mâm quả đẹp ngon, do các mẹ, các chị khéo tay nhất làm nên từ những sản vật truyền thống của quê hương mình), mặt niệm tưởng nhớ Bác Hồ. Sau đó là phần báo công lên Bác về phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh trong năm qua.Lễ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh tổ chức vào dịp 2/9 hàng năm, với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã trở thành một lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh. Lễ hội khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ - không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng, của đất nước, mà còn là người cha, người ông kính yêu, thân thiết, gần gũi với mỗi người Việt Nam.

9. Lễ hội Vu lan ở Cổ Tông Miếu

Cổ Tông Miếu tọa lạc tại đường Mậu Thân, khóm 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Đây là ngôi chùa của người Hoa thờ các vị thần: Quan Thánh Đế, Bắc Đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chính Thần… trong đó Quan Thánh Đế là vị thần chính cho nên Cổ Tông Miếu còn gọi là chùa Ông Bổn. Hàng năm, Cổ Tông Miếu có đến 06 lễ nhưng lễ Vu lan là lễ hội lớn nhất diễn ra trong hai ngày 18-19 tháng 7 âm lịch.

Lễ hội Vu lan ở Cổ Tông Miếu là lễ hội dân gian có hơn 100 năm nay với mục đích cầu an, cầu siêu, cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thận, cầu cho bá tánh bình an, lạc nghiệp. Hiện nay lễ hội thu hút đông đảo cư dân địa phương cùng du khách tham dự.

10. Lễ hội dâng y

Lễ Dâng y cà sa là một lễ hội tôn giáo lớn của người Khmer Trà Vinh, nhằm dâng bộ y cà sa và các vật dụng khác cho chùa.

Lễ Dâng y không phải tổ chức cùng một ngày cho tất cả các chùa, mà mỗi chùa tổ chức một ngày khác nhau, nhưng phải trong khoảng thời gian từ ngày 16/9 đến 15/10 âm lịch.

Lễ dâng y thường kéo dài trong hai ngày. Trước khi vào lễ, bà con sống trong phạm vi ảnh hưởng của chùa được làm lễ này trong năm tuỳ theo điều kiện vật chất mà chung góp nhau lại thành nhóm, do một gia đình làm chủ lễ. Gia đình chủ trì cũng thay đổi từng năm, thường phải là gia đình khá giả để đứng ra sắm lễ, đãi cơm, tiếp khách.

Chủ lễ phải mua sắm nhiều vật dụng trong sinh hoạt như: mùng, mền, chiếu, gối, bình bát, đặc biệt phải có bộ y. Tất cả các lễ vật đó được gói cẩn thận đặt vào trong một cái kiệu. Kiệu này được trang trí rất đẹp, trong kiệu có nhiều cây bông có kết tiền, tiền đó là của bà con bổn đạo hoặc của thân nhân chủ lễ.

Trong Lễ Dâng y, bà con tín đồ tự nguyện làm những cây bông tiền hoặc tự mang các lễ vật để dâng lên chùa. Còn trong dịp Dâng bông, thường ở nhiều nơi, người ta gởi thiệp mời khách thập phương. Khách được mời không giới hạn địa giới hành chính, hoặc tín đồ thuộc phạm vi khu vực chùa, chỉ cần có sự quen biết.
Dulichgo
Lễ Dâng y cà sa thể hiện tấm lòng và tình cảm, cũng như ý thức của người Khmer đối với đạo Phật, thể hiện trách nhiệm của các tín đồ trong việc quan tâm, chăm sóc cho các vị sư, việc xây dựng, tu sửa chùa chiền.

11. Lễ Vu lan thắng Hội ở Cầu Kè

Vu lan thắng hội là tên gọi chính thức của ban tổ chức còn người dân địa phương gọi là lễ hội chùa ông Bổn. Lễ hội có trên 100 năm nay, ban đầu là lễ hội của đồng bào Hoa địa phương nhưng dần dần trở thành lễ hội chung của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và là lễ hội chính của Vạn Niên Phong Cung, khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Trong bốn ngày diễn ra lễ hội (từ 25/7 đến 28/7) có nhiều nghi lễ được tổ chức như:  “thỉnh kinh, thỉnh phật, khai kinh, cầu an đồng bào chí sĩ tử vọng, qua các tiết mục chương trình hành lễ cũng nhằm cầu cho quốc thái dân an, phong đều vũ thuận và mọi người được ấm no hạnh phúc”, lễ hội này cũng tạo điều kiện cho mọi người vui tươi phấn khởi và làm những công tác từ thiện tốt đạo đẹp đời.

Các hoạt động truyền thống của lễ hội tại điểm tín ngưỡng, tôn giáo Vạn Niên Phong Cung hàng năm vẫn được duy trì thường xuyên nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống bản sắc văn hoá của dân tộc, từ đó đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan và thực hiện các hoạt động lễ nghi.

Ngoài các lễ hội tiêu biểu trên thì ở Trà Vinh còn nhiều lễ hội khác như: Lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ thượng điền, lễ hạ điền, lễ vía Bà Chúa Xứ, Thiên Hậu… Mỗi lễ điều mang một ý nghĩa riêng, nhưng thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng cộng cư sinh sống ở đây.

Theo Nguyễn Hoàng Tuấn (Vhttdlkv3.gov.vn)
Du lịch, GO!