(Tiếp theo) - xã Lý Nhơn có một ngôi đình thờ vị thần mà từng có lúc tên gọi đình này là đình thờ "Thần Không Đầu”. Theo ông Lê Văn Kiên (Năm Kiên, hiện nay là ông từ của đình) và các vị bô lão trong xã Lý Nhơn kể lại thì ông Thần Không Đầu lúc còn sống tên là Dương Văn Hạnh (Sáu Hạnh).

< Chính diện ngôi đình đây. Đình thần Dương Văn Hạnh, ngôi đình mà hồi thời Pháp, người ta phải gọi trại đi là đình thờ Thần Không Đầu (vị trí đình).

Lý Nhơn ngày xưa là một khu rừng hoang vu chưa có tên. Theo truyền thuyết từ thời ấy, có một người họ Lý tên Nhơn đến đây khai phá, quy tụ cư dân. Ông Lý Nhơn đến lúc chết vẫn không có con nên dân lấy tên ông đặt tên làng để tưởng nhớ người đã 'khẩn hoang lập ấp'.

< Trên cổng đình có hàng chữ đắp nổi 'Đình thần Dương Văn Hạnh', vị thần không đầu này là ai, bạn có biết không?

< Cây si với bộ rễ dày đặc bên hông chính diện đình. Phía sau là nhà võ ca cùng các công trình phụ, nơi chứa đồ cúng tế.

Sau này, lúc ông Trương Định rút nghĩa quân về chiến khu Lý Nhơn thì ở đây đã có nhiều dân cư, có chính quyền tự quản do ông Dương Thường làm xã trưởng, ông Dương Văn Hạnh là phó xã, ông Cả Hành đứng ra cáng đáng việc chung của xã. Ông Hạnh trở thành đệ tử của nguyên soái Trương Định chuyên lo việc hậu cần trong thời gian Trương Định còn trú tại đây.

< Bên hàng rào nhìn ra phía ngoài, chả có ai ngoài nàng Win... sừng sỏ.

Giặc Pháp tràn tới, cả ba ông đều bị bắt vì có liên quan mật thiết đến nghĩa quân Trương Định. Về sau ông Cả Hành bị dẫn ra Côn Đảo, ông Dương Thế Đường mất tích.

Còn ông Dương Văn Hạnh, giặc Pháp đưa về Sài Gòn một thời gian ngắn, hứa phong quan tiến chức nếu ông chịu chỉ chỗ Trương Định ẩn trốn nhưng Dương Văn Hạnh cương quyết không khai.

< Nhìn đình từ một góc khác. Đáng chú ý là đình có rất nhiều cột, những 6 hàng - mỗi hàng 5 cột vuông vắn. Mái lợp ngói, chóp mái và đỉnh mái có rồng phụng uốn lượn.

Hai câu trả lởi đầy khí phách của ông khi bị tra khảo còn truyền lại trong dân gian là:
- Ta thà chết chứ không để giặc bắt Trương Định.
- Sinh vi quân, tử vi thần.
< Mặt trước đình có 2 con kỳ lân đá ngồi chầu. Giữa sân có bàn thiên và bàn thờ thổ địa.

Thuyết phục mãi không được, năm 1863, Pháp đưa ông Sáu về Lý Nhơn rồi tập trung dân ra bờ sông. Giặc dùng thân tre chẻ đôi kẹp vào cổ ông Sáu rồi chém đứt đầu, quăng xác xuống sông còn thủ cấp của ông thì mang đi.

Dân tìm vớt xác ông đem chôn tại khoảng đất phía trong nơi ông bị chém và xây mộ bằng đá, cử người trông coi mồ mả, nhang đèn tử tế.

< Mộ phần ông Sáu Hạnh đây, nằm mé bên phải đình, trong khuôn viên.
Hai bên có chữ rằng 'Mộ xây lên đền ơn tiền bối, bia dựng lên đáp nghĩa hy sinh'. Giữa là mộ bia ghi 'Dương Văn Hạnh - Vị quốc vong thần - 1863 - Nhân dân đồng lập mộ'.

< Ngay bên cạnh khuôn viên đình là Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ Lý Nhơn.

Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh ở Gò Công thất thủ, Trương Định bị gãy xương sống trọng thương và ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh để bảo toàn khí tiết vào sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864.

< 'Nửa kia' ở ngoài, lang thang chụp ảnh cái nhà hoang gần đó phía đối diện...

Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Trương Định, giặc Pháp rút đi, người già tìm thầy xem đất.

Một thầy địa lý không hiểu do được báo mộng hay cảm thương người vì nước quên thân, đã phán rằng: "Đất Lý Nhơn đã có chủ, nhưng hiện nay chưa ổn định vì người chủ mất đầu còn đi lang thang, chưa có nơi yên nghỉ. Các ông cần xây đình để thờ ông Sáu Hạnh".

< Đường vắng hoe không bóng xe, chả bù với những con lộ mù mịt xế khói trong nội thành.
À, trong ảnh cũng có chiếc xe, con 'quái vật' của mình đó.

< Chụp thêm tấm cổng đình rồi lại ngồi nghỉ chỗ có bộ ghế đá.

Do vậy, nhân dân Lý Nhơn góp tiền xây đền thờ nhưng họ phải dấu tên ông Sáu Hạnh mà gọi là thờ "ông Thần Không Đầu”. Ngôi đình lúc đầu xây ngay chỗ ông Sáu bị chém, nên gọi là bến Đình.


< Ngồi ghế đá mát lạnh nghỉ chân, uống nước mà mấy chú gâu gâu bên kia đường cứ sủa rân trời. Sủa thì sủa, đây vẫn ngồi, đấy cũng chả có ai ra nhìn.

Lâu ngày đất lở, đình có nguy cơ bị đổ nên phải dời đi nơi khác nhưng tên gọi bến Đình vẫn không thay đổi. Thời đánh Mỹ, ngôi đình này chính là nơi cách mạng hội họp nên bị giặc đánh phá tan nát. Một lần nữa ngôi đình lại phải dời đến vị trí nay là khu vực trụ sở xã Lý Nhơn.

< Mãi đến 8h thì bọn mình lại lên xe đi, chạy cứ chiếu theo đường thẳng mà tiến trên con lộ hiếm người. Ít người chạy mới khoái, cứ bon bon giữa lộ.

Noi gương Thần Không Đầu, từ bao nhiêu cuộc khởi nghĩa xưa kia cho đến thời đánh Pháp, đánh Mỹ, người dân xã Lý Nhơn luôn luôn là những "người lính hậu cần" của chiến khu đừng Sác. Hiện nay toàn xã có hơn 400 hộ, trong đó có đến 82% là gia đình liệt sĩ.

< Những ao nuôi tôm của người dân đây, bạn thấy không: người ta phủ đáy và thành bằng vải dầu.
Còn phia ngoài kia hình như là sông.

< Mà sông thật, một con sông lớn mang tên Soài Rạp - kề cận ngã 3 sông cùng tên.

Sau này, người ta xây dựng Nhà bia Liệt Sĩ xã Lý Nhơn ngay bên cạnh đình để tưởng nhớ công ơn những người đã ngã xuống vì chính nghĩa. Hàng năm đều có lễ tưởng niệm long trọng được tổ chức tại đây với sự tham gia đông đảo của người địa phương.

< Một bầy dê nuôi thả rong, kha kha...
Hèn chi trên đường vào, mình thấy ven lộ Lý Nhơn có nhiều những viên nhỏ tròn tròn; lúc ấy cứ nghĩ thầm: quái lạ, rõ ràng là... phân dê nhưng lão 35 này ở đâu chả thấy! Bây giờ thì rõ: thủ phạm là đây!

< Rồi mình chạy tới nơi này: phía phải có chiếc xe cạp, phía trái trông như trụ cống tưới tiêu, ngăn mặn.

Ở Cần Giờ, những câu chuyện về nơi cư trú xưa như: Giồng Am, Giồng Cá Trăng, Gò Ba Động, Giồng Cháy, Giồng Sắn… còn được lưu truyền đến ngày nay.

< Trụ cống ngăn mặn tưới tiêu đây, lên đó xoay tròn ốc xã thì nước kênh trong đồng chảy ra sông tất tật; lúc ấy cả xã chắc dí theo mình mất, hi hi...

Những nhân vật có công khai khẩn đất hoang và đứng ra lập thành các khu dân cư như ông Trần Quang Đạo và Lý Nhơn là hai nhân vật lịch sử được nhân dân Cần Giờ tôn kính, xem như là Thành Hoàng làng của Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn. Hàng năm đến ngày giỗ của các vị tiền hiền này nhân dân trong vùng tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ công ơn của hai vị.

< Cửa cống theo dòng lạch đưa nước ra sông Soài Rạp. Ngoài kia cũng là ngã 3 Soài Rạp: nếu theo đường thủy quẹo phải sẽ gặp sông Nhà Bè, chạy thẳng vào ngã 3 sẽ qua vàm bao ngược để vô sông Vàm Cỏ. Không lạ vì chính tại ngã 3 là đảo Long Hựu mà tháng trước bọn mình đã đi.

Vậy nếu quẹo trái theo đường thủy thì sao? Đấy là hướng cửa sông Soài Rạp, nơi con sông đổ ra biển Đông thông qua vịnh Cần Giờ.

< Chiếc ghe nằm chơ vơ trong rạch, mất một miếng be nhưng vẫn nổi tốt. Giá như có mái chèo thì ta leo lên làm một vài vòng chơi...

Ở đình Cần Thạnh còn lưu giữ được mão, gươm, ấn và hai chữ thần rất lớn cẩn chạm trên gỗ, là sắc phong chung của vua Tự Đức cho thần làng ở đây. Trong đình ngoài việc thờ các câu đối, những hình tượng, còn có thờ liệt sĩ, ông tổ.

< Chiếc máy cạp. Chính nhờ cái máy cạp này mà điều bất ngờ sẽ xẩy ra trong hồi sau.

Mình xin nhắc lại rằng, tình thật lúc ấy bọn mình cũng chả biết đang ở vị trí nào, chỉ biết là ở Lý Nhơn. Khi ấy còn nghĩ ngộ là trung tâm Lý Nhơn chắc phải chạy ngược lại (hồi vô mình đã rẽ phải), rát xa và phải chạy theo sông.
Không xem kỹ trước khi đi sẽ phải mày mò, nhưng vậy mới vui!

< Tính tới tính lui, Trời xui đất khiến thế nào đó nên mình quyết định trở ra! Ra là ra đến ngã 3 Lý Nhơn khi nãy và sẽ chạy thẳng, lúc ấy cứ đinh ninh là chạy theo hướng đó mới vào... trung tâm xã, mới là con đường dài chạy theo sông...
Thiệt ra thì trật lất, mình đang trong trung tâm xã chứ đâu!

< Đường vô bến đò Lý Nhơn - Gia Thuận (vị trí). Gia Thuận ở đây là xã Gia Thuận (bên kia sông Soài Rạp) thuộc huyện Gò Công Đông.

Cần Giờ cũng có rất nhiều miếu như miếu: So Đũa, Bình Khánh, Lý Nhơn, Nhất Nhị, Đá Giăng, Ngũ Hành…Các miếu này đều được xây dựng theo kiến trúc cổ xưa và tùy từng làng mà được thờ cúng khác nhau. Cần Giờ có hai Lăng Ông: Lăng Ông ở Cần Thạnh và Lăng Ông ở Thạnh An được ngư dân rất sùng bái và tôn kính, là vị thần che chở cho người dân đi biển và phù hộ cho họ những mùa cá bội thu.

< Vượt qua ngã 3 và cứ chạy thẳng. 'Trung tâm' thế quái ở đâu mà nhà cứ thưa dần, bờ sông phía phải cũng chả thấy dù biết con sông Soài Rạp to chần dần ngoài ấy...

< Không thấy sông thì ngắm ao cho đỡ tủi, mà ao cũng đẹp đó chứ?

Đến Lý Nhơn mà không có thông tin gì về nơi này sẽ là điều thiếu sót, vậy thì đây dù rằng không nhiều:

Lý Nhơn là một xã thuộc huyện Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh. Xã Lý Nhơn có diện tích 154,59 km², dân số năm 1999 là 4381 người, mật độ dân số đạt 28 người/km². Còn dân số ngày nay thì chỉ có Trời và các bác làm ở xã biết thôi.

< Cuối cùng thì thía này đây: nếu cứ chiếu theo lằn vôi giữa đường mà chạy thì sẽ xuống ao luôn (vị trí). Nói chung là hết đường, hai nhánh nhỏ hai bên là vào nhà dân.

Từ trước năm 2009, do Lý Nhơn là xã xa trung tâm huyện và thành phố nên điều kiện đi lại rất khó khăn vì kênh, rạch nhiều.

Thậm chí xã khi ấy không có một trường trung học phổ thông, do đó học sinh phải lên xã Bình Khánh để học và phải ở ký túc xá tại đấy vì chi phí đi lại quá tốn kém.

< Lúng túng, lùng xùng rồi quày trở ra. Hỏi dân cũng được nhưng biết địa danh mô tê mà họi, chả lẽ hỏi... còn đường nào để đi không ạ?
Nếu lúc này có đem theo cái netbook thì chắn chắn sẽ là dịp xài do trong đó có bản đồ vệ tinh Gmap không cần mạng, tha hồ tra cứu.
Chuyến lon con, không đem theo nên giờ thì... trở ra!

< Đến ngã 3 Lý Nhơn, mình quẹo phải ngược ra ngoài - nghịch 180 độ so với lúc vào. Lúc này nhìn rõ trường Trung học Cơ sở Lý Nhơn...

Người dân ở đây hồi đó chủ yếu sống bằng nghề nông, đánh bắt cá và làm muối. Lý Nhơn thuở ấy có hơn 5 ngàn nhân khẩu nhưng cả xã chỉ có hai trạm y tế thiếu thốn đủ bề. Riêng điều kiện đi lại của ba ấp Tân Điền, Lý Thái Bửu và Lý Hòa Hiệp thì rất khó khăn.

< ... và đến Hội đồng Nhân Dân, UBND xã Lý Nhơn, trường tiểu học, trường mầm non...
Chẹp chẹp, trung tâm xã là đây chứ đâu, hi hi...

Giờ đây, Lý Nhơn thay đổi rất nhiều với đường xá rộng rãi, nhà cửa khang trang. Trạm xá bây giờ cũng được xây mới, nhiều chuyên môn hơn; còn các trường học cũng vậy. Quan trọng nhất là cuộc sống người dân được nâng cao hơn cũng nhờ các đồng muối, ao tôm.

< Lần này nhất định ra thiệt vì hết can đảm chạy trở lại chỗ cái cống và máy cạp để đi tiếp con đường.
Nhìn phía xa trông như cụm đồi thấp, nhưng không phải đâu vì đó chính là một góc rừng Sác.

< Đường là đường Lý Nhơn lúc mình vào. Bây giờ trở ra An Thới Đông thật à? Thôi thì:
Lỡ ra thì vẫn cứ ra, 
mấy ai biết chuyện động trời tiếp theo?
Bạn chờ xem tiếp phần sau nhé.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!