Ai cũng thế thôi, có thể ta đã từng đi rất nhiều nơi trên đất nước từ Nam - Trung - Bắc, từng thỏa chí với bao cảnh đẹp vùng biển hoang sơ, nơi cao nguyên lộng gió hoặc vùng núi non hiểm trở. Vậy nhưng chính nơi ta đang sống thường lại chỉ biết sơ qua hay mù mờ về những con đường, những địa danh mà chỉ cách ta tầm mươi cây số.
< Đường Nguyễn Tất Thành, quận 4. Mình đi chiều ngày 1/9 nên đường vắng do nghỉ lễ hết rồi.
'Bụt chùa nhà không linh'? Có thể ta xem nhẹ những gì kề cận bên mình, có thể ta vẫn đánh giá thấp thành phố ta ở và cho rằng 'tại đây có gì hay đâu, chỉ có bấy nhiêu, quen rồi'...
< Đường Hoàng Diệu, quận 4. Nếu rẽ trái ở ngã 4 phía trước sẽ vào chợ Xóm Chiếu.
Chính do vậy nên khi một bạn nào đó ở các tỉnh xa hỏi về một địa danh đẹp gần nơi ta đang sống thì rất có thể ta... ú ớ: biết gì mà trả lời đây? Đã đến chưa? Chưa đến. Đã lần nào nghe nói đến chốn đó? Quá nhiều, nhưng đến đấy thì... chưa dù chỉ cách nhà ta không đầy mươi kilomet... trong khi các chuyến phượt: đường đi ta phải tính tới con số trên 'ngàn' cây số!
< Vẫn đường Hoàng Diệu, phía trái là chùa Kim Liên với mái ngói cong vút.
Vậy nên lúc này mình bắt đầu viết đến những chốn quanh ta. Kẹt nhiều việc không đi xa được (dù lòng rất muốn) thì 'phượt gần' vậy! Quận 4, quận 7, quận 2, quận 9... có gì lý thú không?
< Cuối đường là Khu vui chơi Thiếu nhi Khánh Hội (Kizciti) kề bên nhà Thiếu Nhi quận 4.
Có lẽ, trong ý nghĩ của riêng mình thì những nơi ấy có khối cái hay hay đấy! Ăn thua là ta có muốn đi hay không, ta có cảm nhận được những thứ trông thật bình thường mà ta vẫn thấy nhưng vô tình bỏ qua.
Đất nước ta chốn nào cũng đẹp lắm, cuồn chân muốn đi...
< Mình trở ngược lại để rẽ qua Bến Vân Đồn. Ngày xưa, con đường ni be bé và đầy những nhà lụp xụp ven sông. Bây giờ thì bạn thấy rộng rãi và khang trang chưa?
Sàigòn (TP HCM) rộng lớn lắm, đây là một thành phố lớn nhất nước, đông dân nhất, kinh tế phát triển mạnh nhất... nhưng rất có thể chính ta lại mù mờ nhất về nó. Đã có lần mình lang thang ở Thủ Đức, lếch thếch ở những chốn thưa vắng tại quận 7, quận 8... nhưng đa phần đi giấc sập tối nên không đem theo máy ảnh vì không thể có hình đẹp. Phần khác cũng có thể do cứ nghĩ đây là 'chuyện nhỏ', có gì để quan trọng đâu nên... xù!
< Trở ngược lại lần nữa do 'nửa kia' muốn ngắm nghía công viên bờ sông: này thì cứ xem thoải mái...
Phía xa xa là khu căn Hộ Orient Apartment, quận 4 bây giờ khá nhiều nhà cao tầng.
< Phía trên là cầu Ông Lãnh mới, rộng. Mé phải vẫn là công viên chạy dọc theo bờ kênh Bến Nghé.
Chuyến 'hóng gió' trong bài kể lại này, mình xuất hành vào giấc sớm chiều để lang thang bên Q2 Thủ Thiêm ngay đầu tháng 9 (trước ngày Quốc khánh) cộng với một chiều sau đó vài ngày. Trực chỉ Thủ Thiêm, vậy nhưng, trước khi đến bán đảo ấy thì phải qua quận 4 cái đã.
< Lúc này đã là 16h, phải đi Thủ Thiêm thôi, thời gian không còn nhiều.
Bên khi đường là nhà thờ Vĩnh Hội với gác chuông cao vút, kiểu cách dân tộc hay hay. Nếu không có cây thập tự giá ở trên sẽ nghĩ lầm là ngôi chùa...
< Theo đường dẫn lên cầu Calmette, hướng về phía cửa hầm Thủ Thiêm.
Nhánh rẽ phía trước: nếu quẹo phải sẽ vào trung tâm quận 1, tức là ngay đầu đường Tôn Đức Thắng (công viên chỗ này khá đẹp, ngay Cầu Mống cũ), còn quẹo trái là vào hầm xuyên sông.
< Cửa hầm đây, do hôm nay 1.9, nghỉ lễ rồi nên khá vắng. Từ ngày 21/7, xe máy được lưu thông qua hầm Thủ Thiêm sớm hơn một giờ và thời gian cấm cũng muộn hơn một tiếng so với trước đây.
Cụ thể từ 5h đến 22h hàng ngày - Ngoài thời gian ni thì xin mời chạy... lối khác.
< Trông quen mắt rồi thì hầm không dài: chỉ đổ dốc, hết dốc rồi thì lên dốc... là hết hầm.
Là một quận nội thành trong 24 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh: Quận 4 có hình dạng trông như một đảo tam giác với diện tích 4.185 km², được bao bọc bởi sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé và kinh Tẻ. Quận 4 nằm ở cửa ngõ Đông - Nam thành phố; Bắc giáp Quận 1, Nam giáp Quận 7 - 8, Đông giáp Quận 2, có đường sông và đường bộ vươn ra biển. Dân số 195.100 người; mật độ dân số 46.619 người/km².
< Và hết hầm rồi thì Mảnh đất Thủ Thiêm đã lù lù ra trước mắt, thật nhanh và tiện.
Về kinh tế, thuận lợi của quận 4 là có Cảng Sài Còn và Cảng sông Tôn Thất Thuyết. Tàu, thuyền trong nước và ngoài nước thường xuyên ra vào, neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đưa đón hành khách. Do vậy quận 4 sớm trở thành đầu nối giao thông đường biển, đường sông tạo ra hướng phát triển thương mại dịch vụ cảng, hàng hải, vận chuyển và giao nhận ngoại thương.
< Trạm thu phí hầm Thủ Thiêm: xe 4 bánh trở lên thì ghé vào và móc ví ra...
Còn xế 'ít bánh' hơn thì 'biến đi!'.
Trong lịch sử, quận 4 ra đời với địa danh Khánh Hội, Xóm Chiếu, Hộ 3 xưa cùng thời với lịch sử khẩn hoang Nam Bộ, Sài Gòn, Bến Nghé, Gia Định cách nay hơn 300 năm. Nơi đây ngày ấy là vùng sông, rạch, bán nông thôn, chốn vãng lai của khách thương hồ, bán chiếu (vậy nên có tên chợ Xóm Chiếu) kể cả các nhóm khách giang hồ tứ chiến. Thời Pháp thuộc năm 1860 đã hình thành thương Cảng Sài Gòn, cái nôi của giai cấp công nhân với nhiều xóm thợ, phu khuân vác, khu lao động nghèo đất chật, người đông.
< Vào đại lộ Mai Chí Thọ, cũng là đại lộ Đông Tây cũ. Đây là con đường 'chiến đấu' nhất thành phố vì nó rộng thênh thang, vậy nhưng có thời kỳ đường bị lún, trồi nhựa nặng gây mất an toàn giao thông ở khúc từ đường Đồng Văn Cống đến nút giao Cát Lái.
Sửa xong chưa thì các bác tài 4 bánh trở lên mới biết do làn 2 bánh vẫn ổn.
'Tại anh? tại ả? Chung quy là tại... 'xe quá tải'.
< Qua cầu Cá Trê Lớn. Có lẽ ngày xưa, con rạch này có rất nhiều cá trê.
Quận 4 cũng là cái nôi cách mạng của giai cấp công nhân: thương cảng Sài gòn, Faci, Ba son, Bastos ra đời sớm nhất. Nơi đây có bến Nhà Rồng: cách đây 94 năm, bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Thời Pháp thuộc và chống Pháp có những nhà cách mạng đã từng hoạt động trên mảnh đất cảng Khánh Hội, Tân Hội xưa như Lý Tự Trọng, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Sung. Vùng đất vẫn còn dấu tích sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng, của ông Châu Văn Liêm, Ban lâm thời cấp ủy Đảng (Xứ ủy Nam kỳ), là nơi tiếp nhận và phân phối tài liệu, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin đi khắp cả nước.
< Đến giao lộ Đồng Văn Cống (đi Giồng Ông Tố), mình rẽ trái ngược về hầm để ra công viên.
Nếu muốn đường ngắn hơn thì sau khi ra khỏi hầm: quẹo phải để vào công viên (xe 2 bánh) nhưng chạy như vậy sẽ vi phạm lỗi ngược chiều.
< Trạm thu phí hầm ở mé bên kia. Muốn ra công viên đầu hầm, phải chạy theo làn ngoài cùng bên phải vì làn trong sẽ chui tọt xuống 'đáy sông' đấy.
Thời kỳ chống Mỹ trên địa bàn quận đã ghi dấu bước chân của Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình, Phan Kiệm, Đoàn Cao Hồng, Trang Tấn Khương, Đoàn Văn Bơ, Đặng Gia Lợi, Vũ Hồng, Lê Văn Thành, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài, Lê Văn Nuôi... gắn liền với các đơn vị Liên quận 2 - 4, cánh Tây Nam, Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định cùng với các vùng căn cứ hẻm cách mạng, Kho cộng sản hình thành các lõm chính trị tại quận và các nơi khác như Long Cang, Phước Vân (Long An), Quới Sơn (Bến Tre), Bàn Long (Tiền Giang).
< Đường vào công viên ngày cận lễ vắng lặng. Vậy nhưng chỉ một ngày sau: 2.9 đặc keng người.
Cũng đã từng một thời: quận 4 là nơi các băng nhóm giang hồ hoạt động dữ dội nhất, biến nới đây thành “thánh địa” của xã hội đen Sài Gòn trước ngày giải phóng. Lừng tiếng nhất là trùm du đãng Đại Cathay với hàng chục 'trùm nhỏ' khác chia nhau vùng lãnh địa. Năm Cam ngày ấy ngụ tại đây chưa có một vai trò gì đáng kể trong giới giang hồ và các tổ chức tội phạm ở Sài Gòn, chỉ ăn theo người khác như vai trò gác sòng, cắm xường, phát hỏa cho các sòng.
< Ventilation Shaft, nhà điều hành hầm mé Thủ Thiêm nằm cạnh công viên.
Vị trí chỗ này ở đây >
< Công viên ở đầu hầm đây: rộng rãi và thoáng mát. Ngay dưới chân mình là hầm vượt sông Sàigòn đấy.
Theo hướng biến quận 4 từ một quận mang danh là "Vùng đất dữ" thành "Vùng đất lành": Ngày nay, sau một thời gian chuyển mình: từ một quận nghèo, quận 4 trở thành một quận khá và giàu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một quận có cơ sở hạ tầng còn thấp trở thành một quận hoàn chỉnh đô thị hóa bằng chỉnh trang kiến thiết đô thị.
< 'Ôm' của mình đây, ngồi hóng gió giữa muôn ngàn hoa.
Nhiều con đường được tạo mới, mở rộng, chỉnh trang hiện đại, các công viên mọc lên tạo mảng xanh đô thị. Đồng thời, những cây cầu mới được xây dựng đồng bộ giúp tăng sự thông thương với các quận khác. Nói chung, quận 4 đã thay đổi hoàn toàn nếu so sánh lúc mình lọc cọc đạp đến trường 'mài đũng quần' cho đến thời điểm hiện tại. Chắc chắn rằng, đây là sự thành công lớn của Q4 và thành tựu ấy cũng chưa đến điểm dừng - một quận trung tâm sẽ là một điều không xa.
< Còn nhìn hướng bên kia sông Sàigòn là các cao ốc chọc trời.
Ngắm nghía một hồi, mình lại lấy xe và đi. Chủ đích hôm nay sẽ chạy theo lối ven sông Sàigòn: đường Cây Bàng, con đường heo hút, vắng lặng kéo dài nối vào đường Trần Não.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
3 Comments
phượt xa ko đc thì ta phượt gần. Tuy gần nhưng cũng có đủ điều, phải ko bác :)
Trả lờiXóaĐúng vậy anh ạ: quanh Sàigòn có một tỉ chổ để đi nếu muốn.
XóaMà mình cũng sắp được 'vào chuyến' rồi, chỉ mong không mưa 1 tuần là 'đủ tư cách' để... đi (he he)
đơi chuyến đi của bác nhé :)
XóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.