(Tiếp theo) - Rời thiền viện Bửu Long, bọn mình trở ra đường Nguyễn Xiển. Về theo lối này ư? Đường ni đã qua vài lần, vậy lần này không tái lập lại. Mà không đi lối này thi chạy lối mô? Thôi thì cứ tiến, phía trước có đường - có lộ thì ta cứ đi, lang thang rứa mà!

< Trước ngõ vào thiền viện có tấm bảng đồng.

Sẳn tiện có con đường không tên khi nãy, mình sẽ rẽ vào đó xem nó đến đâu? Lúc ấy thì hoàn toàn không biết vì chả điều nghiêng đường đi nước bước trên bản đồ trước khi xuất phát. Vậy nhưng 'đi mò' cũng có cái thú riêng, chỉ là loanh quanh thành phố thôi, chắc chắn sẽ không có chuyện 'Tìm trẻ lạc' được, hi hi...

< Trưa nắng chang chang, vậy nhưng vẫn không nóng như hè mọi năm dù lúc này đã hơn 9h.

Khu vực mà mình đi này có vài địa danh kề cận đáng lưu ý có thể kể như:

- Khu du lịch Suối Mơ Nằm ở phường Long Bình, Q 9, Tp. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Trước kia, nơi này là điểm du lịch hấp dẫn trong những ngày nghỉ cuối tuần của cư dân thành phố và vùng phụ cận Ðồng Nai, Bình Dương…

< Chạy tầm hai trăm mét đường Nguyễn Xiển rồi mình quẹo phải vào đây: con đường không tên (vị trí ở đây), con đường ni không tên.

Khu du lịch Suối Mơ có lợi thế nằm tương đối gần công viên Việt Nam Water World, KDL Con Nai Vàng..., lại có nhiều tiết mục mới lạ như biểu diễn cá heo, sư tử biển, hải cẩu nên có sức hấp dẫn đối với du khách.

< Mé phải là các lùm cây lớn, cây bụi còn phía trái là cánh đồng: lúa cũng không phải, có lẽ là sậy.

Hồi đó, khách đến KDL Suối Mơ cũng có thể câu cá với giá vé 30.000 đồng/người (vé xem biểu diễn thú cũng vậy, dài khoảng 45 phút). Khách còn được sử dụng miễn phí các dịch vụ hỗ trợ khác như hồ bơi (dành cho cả người lớn và trẻ em), cắm trại, chơi tenis. Suối Mơ đang phủ thêm hàng chục hécta cây xanh trên những phần đất còn lại để mở rộng khu cắm trại và phát triển một số loại hình giải trí cảm giác mạnh khác.

< Đường vắng, chỉ một đôi chiếc xe phóng nhanh, vượt mặt bọn mình rồi mất hút phía xa.

Vậy nhưng nghe nói giờ đây khu du lịch này đã đóng cửa, chả biết răng mô. Bác nào nếu có chuyến vừa đi vào đó thì cho biết nhé.

< Một vài đoạn nhìn lại vẫn thấy nóc bảo tháp xá lợi chùa Bửu Long. Tháp đã cao, chùa lại còn ngự trên một ngọn đồi thấp nữa nên vẫn thấy từ rất xa.

- Pháp trường Long Bình: Nói đơn giản theo dân gian là nơi xử bắn những phạm nhân mang án tử hình. Nhiều trăm người đã bị thi hành án và chôn cất tại đây. Nếu yếu bóng vía, nghe thì khá ớn nhưng thật tế thì có sinh, phải có tử. Khi cuộc sống ta yên bình không phương hại đến ai, ngày 'tử nạn' có thể từ trên giường, trên đường, khi ăn cơm sườn hay khi chạy đường trường... Chung quy là bất kỳ lúc nào khi thánh thần muốn gọi về cõi âm.

< Hai mép con lộ không tên đầy cây bụi. Đường nhựa đấy nhưng hoàn toàn không có một biển báo giao thông nào.
Tĩnh lặng như trong một thánh đường lúc nửa khuya.

Còn nếu lỡ tay nhúng chàm với trọng tội thì trường bắn sẽ là điểm dừng chân cuối cùng, chỉ bùm bùm vài phát là về thế giới bên kia.
May mắn là ngày nay, người ta đã thay thế chuyện 'cắc bùm' bằng cách tiêm thuốc độc để về kết liễu cộc sống một cách nhẹ nhàng, hiện đại hơn.

< Hiếm hoi lắm mới thấy một căn nhà. À, cái chòi thì đúng hơn - đường dây điện chắc dẫn vào nhà tít bên trong.

Tuy vậy, tại trường bắn vẫn còn tồn tại rất nhiều giai thoại giữa cõi âm u mà chính vì đó: hiếm hoi vô cùng để thấy một bóng người tại đây do ai cũng sợ. Ngay cả những người địa phương sống gần đó, nếu bạn hỏi đường vào thì người ta sẽ lắc đầu quầy quậy và rằng 'Vào đó làm gì, âm khí nặng lắm, không chừng vô rồi bị nhiễm bệnh luôn chứ chẳng chơi. Tôi là thổ địa ở đây mà còn không dám vào nữa kia!'.

< Hy hữu lắm mới gặp tấm bảng 'Cấm xe tải hơn 1.5T', có lẽ là tấm bảng duy nhất. Đường nhựa nhưng khúc này toàn là cát với cát, có vẻ nhánh rẽ này vào một công trường. Tải nhỏ không cho chạy, chỉ xe ben chở cát mới được ra vào à?

Trường bắn Long Bình hồi đó nằm xa khu dân cư, giữa một thung lũng nhỏ được nhiều cây lớn che bóng mát. Trước giải phóng, ở đây là khu đất khá cằn cỗi. Sau năm 1975, toàn khu vực rộng hơn 7 hecta này trở thành trường bắn, nơi thi hành án tử hình phạm nhân.

< Chạy, ngắm rồi nhớ đến những cung đường Tây nguyên. Gió vi vu bên tay, tiếng máy xe rì rì trong cái sự hoàn toàn thanh vắng.

Long Bình khi ấy là một trong những trường bắn lớn nhất khu vực phía Nam. Kể từ năm 1976, toàn bộ tử tù trên địa bàn TP HCM và một số tỉnh lân cận đều được đưa về đây để thi hành án.

< Cỏ, cây bụi và một màu xanh của những tàng cây; trông yên bình đến lạ lùng ở một thành phố bự nhất nước, phải chi nơi đây có dăm ba ngọn núi thấp thì tuyệt vời nhỉ?

Cách nay vài năm, nơi này dù không quá xa trung tâm thành phố nhưng cảnh vật nơi đây cũng đủ tạo cho người ta cảm đã rời xa khỏi phố phường náo nhiệt. Đường vào đây sẽ vượt qua những con dốc bụi mù đất đỏ, rất vắng vẻ. Họa chăng vào giấc cận tết mới có đôi bóng người qua lại và thường thì đấy là thân nhân của tử tù tìm đến đốt nhang trong gần vài trăm ngôi mộ hoang lúc ấy còn sót lại.

< Vắng vẻ không bóng người. Vậy nhưng không việc gì, trong thật tế thì cái vắng nó tôn thêm cảnh đẹp của con đường đó chứ?
Sợ hư xe giữa đàng? Xế mình chưa đến lúc hư. Sợ xì xẹp? Hai vỏ ruột mới thay chưa lâu mà, còn đầy gai, cán đinh cong luôn!
Mà có xa xôi gì đâu nà...

Lối vào trường bắn là con dốc dài nối vào con đường số 1, đường này một đầu nối liền đg Hoàng Hữu Nam, đầu kia kết nối đường Lâm Viên quanh co ngoắc ngoéo chạy thẳng vào Nguyễn Xiển thông qua đoạn ngắn đường số 7 (vượt qua Sân Golf Thủ Đức). Lối rẽ nhỏ nền đất đỏ chênh vênh, hai bên là hai hàng cây (ngày nay không còn do bị san ủi hết, dự kiến xây dựng dự án đô thị) với phía xa là các cụm rừng um tùm.

< Vào một khúc quanh. Về xem kỹ lại trên bản đồ thì vị trí nơi này chính xác là ở đây.

Thuở ấy, khi vượt qua con dốc đất, qua một vạt rừng cây thì gặp một bãi đất trống với cỏ gianh cao vượt đầu người. Đây chính là trường bắn, nơi thi hành bản án tử hình. Nơi đây chẳng có những hàng cột, cũng không thấy một nấm mồ. Trường bắn lọt thỏm giữa rừng cây, những quả đồi thấp vây quanh như một thung lũng cùng có cỏ gianh bạt ngàn cùng những bông hoa dại li ti. Xa xa, một vài cây lớn sừng sững trong đám bụi dại, tiếng côn trủng rỉ rả giữa bầu không khí âm u vắng lặng.

< Vượt khỏi khúc cua thì thấy lô nhô các xe tải nặng, có vẻ như vào 'thế giới văn mình' rồi đây!

Bãi đất trống dưới sườn đồi là chỗ tử tù bị xử bắn - một khoảng đất chừng 1000m², xen lẫn ít cỏ gianh là đám hoa dại trắng muốt. Người có nhiệm vụ (gọi là phu trường bắn) sẽ chôn cột sẵn, bao nhiêu tử tù là chôn bấy nhiêu cột, cạnh mỗi cột là một cái hòm để chờ và sẽ có một lực lượng an ninh bảo vệ pháp trường cả đêm hôm đó.

< Một bãi xe rồi nhiều bãi, nhìn khung cảnh... trông quen quen!

Tới 5h sáng, tử tù sẽ được chuyển từ Chí Hòa xuống. Sau khi trói tử tù vào cột thì hội đồng thi hành án công khai đọc bản án rồi sau đó sẽ có ít phút làm thủ tục... cho đến lúc cuối cùng là tổ thi hành án tử thực hiện nhiệm vụ của mình.

Phát đạn ân huệ do người đứng đầu tổ thi hành án tử bắn vào mang tai và mọi việc sẽ hoàn tất vào lúc mặt trời mọc. Xác tử tù sau đó được gội rửa, liệm vào áo quan và đem chôn ở vạt rừng gần đó.

< Hóa ra đây chính là con lộ mà khi sáng bọn mình đã đi nhưng theo chiều ngược lại!
Chạy thêm một đoạn thì gặp bãi đậu xe buýt rồi đến cái depot Long Bình tức là khúc này lộ đã đấu nối vào đường 11, hi hi...

Ở vạt rừng này, thấp thoáng trong đám cỏ gianh là những ngôi mộ bia đã xiêu vẹo phủ đầy rêu phong. Mộ tử tù chỉ là những ngôi mộ đất, bia là những tấm gỗ tạp nên khoảng nửa năm là mục, còn đất thì một vài năm là phẳng gần như ngang mặt đất.

< Từ đường 11, chạy thẳng rồi rẽ trái trở ra đường Hoàng Hữu Nam. Tạm thời thì không có đường nào khác đoạn này nhưng tý nữa sẽ có thôi.

Hồi ấy, do luật định rằng xác tử tù phải chôn tại chỗ, không cho người nhà mang về nên nơi đây cũng nẩy ra chuyện trộm xác kinh thiên động trời hay chuyện giới đề đóm đến xin số và truyền tụng với nhau rằng linh nhất chính là mộ phần của tử tù tướng cướp khét tiếng Phước “tám ngón”.

< Nhánh rẽ ra Xa lộ Hà Nội chạy về trung tâm thành phố, bọn mình chạy thẳng...

Phước "tám ngón" (tên thật là Nguyễn Hữu Thành) lãnh án tử hình thứ hai (án tử hình thứ nhất Phước bị tuyên trong phiên tòa ngày 24/6/1994).

Mãi đến năm 1998, Phước mới bị thi hành án tử. Gia đình Phước đã xây bia mộ khá đẹp dưới bóng mát một cây cổ thụ nhưng sau đó ngã chỏng trơ vì thời gian.

< ... đến ngã 3 cuối đường thì lại rẽ vào Lê Văn Việt. Từ lộ này chạy thẳng vượt khu công nghệ cao lần 2... nhưng trước đó sẽ qua cầu Bến Nọc.

Sở dĩ hài cốt của tử tội vẫn còn nằm tại đây vì theo nhiều nguồn tin, đám đàn em của Phước "tám ngón" từng đến đòi khai quật, đưa thi thể đàn anh về. Tuy nhiên, khi mở hòm ra thì mùi tử khí bốc lên nồng nặc, xác đang trong thời kỳ phân hủy nặng trông thật kinh khiếp nên đám 'đàn em' dưới trướng đều bỏ chạy tán loạn hết. Ông Ba Soan lúc ấy là phu trường bắn cũng chính là người sắp xếp lại thi thể của Phước và hương khói đến tận ngày giải tỏa.

< Theo Lê Văn Việt để về đình Phong Phú à? Nửa kia bàn 'thôi đi Lã Xuân Oai', đi thì đi...

Những thành viên cuối cùng của nghĩa trang chính là Trịnh Tiến Hoạt, quê Hà Nội và Nguyễn Thị Hòa, quê Hải Phòng. Họ tham gia một đường dây bán ma túy và bị bắt. Năm 2008, cả hai bị đưa ra pháp trường. Hôm đó, sau giờ hành quyết thì người thân của họ mới tìm được pháp trường, khóc lóc, vật vã bên nấm mộ đất rồi cúng kiếng. Sau đó, người thân của họ đã bỏ tiền xây mộ bằng xi măng khá khang trang.

< Chạy ngang chợ Tăng Nhơn Phú, vị trí ở đây. Buổi trưa, chợ vắng.

Giữa những đám cỏ tranh cao cả mét, không khí ngày ấy rờn rợn bao trùm xung quanh. Ngôi mộ đẹp nhất hồi đó ở đây là của sát thủ Nguyễn Việt Hưng (biệt danh Hưng mi-nhon, người được trùm giang hồ Hải Bánh ra lệnh bắn chết nữ quái Dung Hà).

Sau khi bắn Dung Hà, Hưng bỏ trốn và bị bắt năm 2002 và nhận án tử cùng lúc với Năm Cam. Mộ Hưng được xây bằng xi măng, quét vôi màu xanh nước biển.

< Gặp ngã 3, nhìn bảng thấy tên đường là Lã Xuân Oai: vậy thì quẹo trái thôi.

Ở trường bắn này từng xảy ra vụ trộm xác của tử tù Năm Cam và đồng bọn Châu Phát Lai Em, Phạm Văn Minh... khiến tất cả “phu” trường bắn đến giờ vẫn còn lạnh gáy.
Rạng sáng 3/6/2004, sau khi Năm Cam và đồng bọn bị thi hành án, có người đã đặt vấn đề với gia đình “ông trùm” lấy xác đem về chôn cất. Theo nhiều nguồn tin, xác của Năm Cam và Nguyễn Hữu Thịnh được đưa ra khỏi pháp trường với giá 140 triệu đồng...

< Đây là đường Lã Xuân Oai. Bạn biết danh nhân này không?

Lã Xuân Oai (1838 – 1891) là nhà thơ và là văn thân chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19. Quê quán ông tại làng Thượng Đồng, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Lã Xuân Oai đỗ cử nhân thứ hai. Đến năm sau (Ất Sửu), ông đỗ phó bảng. Ban đầu, ông được bổ làm ở viện Tập hiền tại triều (Huế), sau lần lượt qua các chức: Tri huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tri phủ Nho Quan (Ninh Bình), Án sát Ninh Bình, Chánh sứ sơn phòng Ninh Bình, Tuần phủ Lạng Bằng (Lạng Sơn & Cao Bằng), lập nhiều công trạng lớn.

< Ngày 25 tháng 8 năm 1883, triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi với Pháp. Thi hành hòa ước, triều đình ra lệnh các quân quân ở Bắc Kỳ phải bãi binh nhưng Lã Xuân Oai chống lệnh. 

Năm 1885, quân Pháp tiến đánh Lạng Sơn. Trước lực lượng đông đảo và vũ khí mạnh của đối phương, thành Lạng Sơn thất thủ, Lã Xuân Oai phải chạy lánh nạn nhưng vẫn âm thầm mưu việc kháng Pháp. Năm 1889, ông bị Pháp bắt giam rồi đày ra Côn Đảo. Lã Xuân Oai mất trong ngục ngày 23 tháng 10 năm Tân Mão (24 tháng 11 năm 1891).

< ... Ngày nay, tên ông được đặt cho một con đường dài 5.8km nối từ đường Lê Văn Việt đến Nguyễn Duy Trinh (đều thuộc quận 9).

Trong tương lai, một phần đất rất rộng mé trái đường Lã Xuân Oai sẽ trở thành Khu Công nghệ cao TPHCM thuộc giai đoạn 2, hiện đang được triển khai.

< Cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (vị trí tại đây)Lúc này thật ra cũng chả rành đường, chỉ nhớ mang máng là Lã Xuân Oai sẽ nối vào đường Nguyễn Duy Trinh.

< Con rạch chảy phía dưới cầu đang trong con nước ròng, đây là rạch Trau Tráu nối liền rạch Bưng Ông Thoàn và đổ ra sông Tắc.
Vừa qua cầu thì gặp Khu di tích vùng bưng 6 xã.

Căn cứ Khu C lúc mới thành lập chỉ có 3 xã: Tam Đa, Phước Trường, Ích Thạnh. Sau đó mở rộng thêm xã Phú Hữu. Đến lúc hoàn chỉnh Căn cứ Khu C gồm 8 xã: Tam Đa, Phước Trường, Ích Thạnh, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng, An Phú.

< ... Sau này 3 xã Tam Đa, Phước Trường, Ích Thạnh sáp nhập thành xã Long Trường do vậy còn lại 6 xã: Long trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng, An Phú được gọi là Căn cứ Cách mạng Vùng Bưng 6 xã.

Từ cuối năm 1946 đến tháng 5/1954 dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, nhân dân vùng bưng đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt các hình thức đấu tranh với địch. Nhân dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng cũ trang tại chỗ đấu tranh vũ trang làm tan rã nhiều thành phần trong hàng ngũ địch. Vùng bưng vừa sản xuất vừa thực hành tiết kiệm để che chở đùm bọc nuôi dưỡng cán bộ chiến sĩ bám trụ tại đây.

< Trong tương lai, đoạn ni cũng sẽ trở thành Trung tâm Hành chính quận 9.

... Xác “ông trùm” được mang đi thiêu tại Biên Hòa, Đồng Nai. Xác Lai Em được đưa đến nghĩa trang Gò Dưa an táng với giá 60 triệu đồng. Đi cùng đợt với Lai Em là xác của Phạm Văn Minh (tức Minh “Bu”) với giá 55 triệu đồng.


< Chạy hoài, chạy mãi... đến khi thấy con đường có vẻ như dừng lại bởi một ngã 3...

Sau vụ trộm xác kinh thiên động địa này, người ta mới vỡ lẽ xác một loạt tử tù thuộc dạng 'đại gia' trong các vụ án kinh tế nổi tiếng như Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (Tamexco) hay Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (Epco) cũng đều đã... biến mất khỏi pháp trường từ trước đó khá lâu!

< Mình rẽ phải, vừa chạy vừa nhìn các bảng hiệu: đúng là đường Nguyễn Duy Trinh; lúc này mấp mé 11h trưa ngày rằm tháng giêng.

Rồi từ 1/1/2012, tử tù không bị áp giải ra trường bắn mà bị trừng phạt bằng cách tiêm thuốc độc. Vậy là trường bắn Long Bình đã thực hiện xong 'sứ mệnh' chấm hết cái tội, và từ bây giờ tử tù sẽ được đưa lên tận Bình Dương để trả nợ đời cùng thi hành án tử tại trại giam Bố Lá.

< Đến Nguyễn Duy Trinh thì về nhà không còn bao xa: mình theo Vành đai 2, vượt cầu Phú Mỹ về quận 7.
Cảnh vật ven đưởng Vành đai, không phải lúa mà là lau sậy.

Ngày nay, khu đất trường bắn xưa đã được giải tỏa và san ủi nhiều chỗ. Bên cạnh trường bắn bây giờ đã mọc lên một ngôi trường khang trang do Pháp đầu tư. Phía Bắc hiện đang thi công dự án ga tàu điện depot Long Bình, phía Nam là khu du lịch Cá Heo giáp với Khu biệt thự Thảo Nguyên Sài Gòn. Thời gian khiến mọi thứ thay đổi, phát triển thành phố cũng khiến mọi thứ thay đổi nhanh hơn và pháp trường cũng sẽ trở thành dĩ vãng, không còn dấu vết ngoài những câu chuyện kể...

< 'Chiến lợi phẩm' mang về nhà sau khi đã cúng dường một nửa.
Nhìn những trái xoài mủm mỉnh và vàng hực kia, mấy ai biết nó là xoài mủ, ăn miếng nào miếng nấy sặc mùi hành!
Vị vẫn ngon đấy nhưng khứu giác không cho ta nhận xét là ngon - dù người xơi có bịt cả mũi thì cái 'hơi hành' vẫn xông lên tận óc, he he...

Hẹn gặp lại các bạn trong một chuyến 'loanh quanh' khác nhé. Cuối cùng là tý kinh nghiệm bọn mình dặn dò lại cho các bạn đây:
Xoài nào vừa to, vừa ngon, vừa rẻ? Xoài Cần Giờ đấy! Nếu có dịp đến lá phổi xanh của thành phố sau những ngày tết bạn, hãy ghé chợ Cần Thạnh: nơi đây có giống xoài vừa to, vừa đẹp, ngon không kém xoài cát nhưng giá chỉ 20K/kg. Nhớ mua ở chợ nhé, mua ở khu du lịch 30 Tháng 4 sẽ không có giá đó đâu.

Hết

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!