n tượng đầu tiên lưu lại trong chúng tôi là vẻ đẹp Đại Lãnh. Bãi biển như một tiên nữ hiện ra bất ngờ đầy quyến rũ. Đại Lãnh đẹp như một ánh trăng non thượng tuần, tinh khôi và cuốn hút...

Một buổi sáng, biển rì rào như bao ngày, chiếc xe lăn bánh đưa chúng tôi tạm biệt Quy Nhơn với 52 ánh mắt náo nức muốn khám phá những gì đang chờ đợi ở phía trước. Khoảng 10 giờ sáng, xe chúng tôi dừng bánh ở thị trấn Vạn Giã – Vạn Ninh – Khánh Hòa, mảnh đất lồng lộng gió trời, mây trắng bao la, sực nức hương trầm.

Ấn tượng đầu tiên lưu lại trong chúng tôi là vẻ đẹp Đại Lãnh. Bãi biển như một tiên nữ hiện ra bất ngờ đầy quyến rũ. Đại Lãnh đẹp như một ánh trăng non thượng tuần, tinh khôi và cuốn hút.

Tựa lưng vào núi cao, ưỡn ngực ra biển xanh, Đại Lãnh phô diễn những đường cong tuyệt mỹ. Bờ cát mịn màng, trắng tinh không vương chút bụi. Biển hiền hòa, sóng mơn man như hát khúc tình ca vỗ về Đại Lãnh.
Vua Minh Mạng đã nhận ra vẻ đẹp của Đại Lãnh mà cho chạm phong cảnh này vào một trong chín đỉnh đồng lớn nhất đem đặt ở Thế Miếu vào năm 1836. 17 năm sau, Đại Lãnh được trang trọng đưa vào Từ điển quốc gia của triều đình nhà Nguyễn. Trong nhịp sống đô thị hóa bộn bề hôm nay, Đại Lãnh vẫn giữ được vẻ thơ mộng của một làng chài nổi tiếng.

“Cơm trước mặt”…

Đến đây, mà không được du ngoạn vịnh Vân Phong thì thật uổng phí. Kéo dài từ đèo Cả đến tận vịnh Nha Phu, đỉnh Vân Phong ngàn năm vẫn bảng lảng khói mây. Vì thế dân gian gọi là Hòn Khói, vua Minh Mạng đổi thành Vân Phong (đỉnh Gió Mây) vào năm 1825. Trước đây, người ta dừng xe ở Vạn Giã, theo những chiếc thuyền mà đến với Vân Phong.
Giờ đây, chỉ mất khoảng nửa giờ đi đường Đầm Môn- Cổ Mã, du khách đã có thể đến với Vân Phong. Vân Phong có diện tích rộng hơn 700 cây số vuông, là nơi đầu tiên đón bình minh trên đất nước hình chữ S này. Ai đó ngỡ ngàng khi đến với Vân Phong như thể đánh thức vẻ đẹp lộng lẫy của nàng công chúa đang say giấc xuân miên.
Bàn tay nhà nghệ sĩ thiên nhiên đã tạo dựng những công trình nghệ thuật tuyệt vời đó là ghềnh đá. Đá đủ mọi hình hài như cả một vườn thú giữa biển khơi.

Trên vịnh Vân Phong, có nhiều đảo nhỏ như Hòn Lớn, Hòn Gốm, Hòn Ông, Hòn Hèo, Hòn Đôi, Hòn Trâu Nằm…

Du khách muốn ngắm san hô xin hãy dừng bước ở Bãi Me, Bãi Lách. Cả một thế giới sống động của san hô, của tảo, tôm cá sẽ hiện ra trước mắt bạn.

“….Cá sau lưng”

Càng ngày những lời ca ngọt ngào xứ Trầm hương càng được hòa quyện cùng giọng hát hào hùng của con người đất võ Bình Định. Lời ca vang vọng đến cả những núi rừng, cây cỏ: Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/ Trầm hương Vạn Giã hương tỏa sơn lâm/ Đôi ta như quế với trầm/ Trời xui đất khiến hai đứa mình quen nhau.

Ở xứ sở "cơm trước mặt, cá sau lưng" này, chúng tôi đã may mắn được chứng kiến một lễ hội cầu ngư. Chúng tôi tìm đến lăng Nam Hải (còn gọi là lăng Tân Mỹ) thuộc làng Tân Mỹ xưa, nay là thị trấn Vạn Giã. Lăng thờ vọng cá ông, loài cá đã đi vào tâm thức văn hóa tín ngưỡng bao đời nay của người dân xứ Vạn.

Buổi sáng, người ta rước chiếc quách lớn bên trong có cốt cá ông từ ngoài biển vào lăng vừa chèo vừa hát Bá trạo. Buổi tối, theo tiếng "Hố lên", chúng tôi hòa vào dòng người háo hức về xem hát bội. Quả thực, người dân nơi đây yêu hát bội lắm lắm!


Thời gian trôi qua thật nhanh, đã đến ngày chúng tôi phải chia tay Vạn Giã. Buổi sáng hôm ấy, chiếc xe khách nọ dừng ở UBND thị trấn Vạn Giã để đón chúng tôi. Ra tiễn chân chúng tôi có rất nhiều bà con nơi đây. Những bó hoa hòa lẫn cùng những giọt nước mắt đầy lưu luyến. Chiếc xe chuyển bánh, người dân xứ Vạn đứng nhìn theo, cây sộp già rung rinh mắt lá. Cây sộp xa dần, xa dần rồi lùi vào hoài niệm.

Đi được một đoạn, chiếc xe dừng lại ở đèo Cả, con đèo ngăn cách Phú Yên và Khánh Hòa, một hùng quan xưa kia, rất nhiều cọp đón khách qua đường đã làm lỡ dở bao mối tình trai gái. Bất giác, trong tôi lại vang lên câu hát: Đứng trên đèo Cả ngó về Vạn Giã, Tu Bông/ Hỏi rằng cha mẹ có định không ?/ Để anh chờ,em đợi uổng công hai đàng. Tôi tự hỏi lòng mình: “Bao giờ trở lại Vạn Ninh?”.

Theo Tạp chí Quê Hương