Ngày xưa khi dân cư miền đất Hàm Tân - La Gi (Bình Thuận) còn thưa thớt, chỉ phát triển theo dọc bờ biển nên ấn tượng lớn đối với khách thương buôn trên thủy trình biển Đông của những con thuyền buồm qua lại ở đây đều nằm lòng câu vè có tính cảnh báo những bất trắc nhưng cũng mang ý nghĩa địa giới thiên nhiên : 

Khe Gà nay đã đến nơi, Anh em làm lễ một hồi ta qua.
Nới lèo xây lái trở ra, Hòn Lan, Cửa Cạn ấy là Tam Tân.
Sóng ào ào buồm dương ba cạnh, Chạy một hồi tỏ rạn La Gi.
Hòn Bà, Rạn Gõ một khi, Ngoài kia Rạn Đập, trong ni Rạn Hồ.
Buồm dương ba cạnh chạy vô, Mũi Bà, Hóc Kiểm quanh co Hồ Tràm…

< Hơn 100 bậc thang lên đỉnh Hòn Bà.

Cũng trên phần biển ngầm nhiều bãi rạn đó lại nổi lên một hòn đảo nhỏ dường như đơn độc giữa trùng dương - đó là Hòn Bà.

Trong một không gian của vùng biển không có mối liên hệ về địa hình núi non trên đất liền nên hình ảnh Hòn Bà trở thành độc đáo khó nhầm lẫn với bất cứ đâu.

< Đến Hòn Bà những ngày lễ hội.

Nói theo ngành địa chất, có thể từ xa xưa Hòn Bà là một phần đất tách ra từ đất liền tương tự như cách giải thích đảo Khe Gà (Kê Dữ) cũng tách ra từ núi Cẩm Kê. Nhưng dọc dài bờ biển ở La Gi gần ba mươi cây số chập chùng đồi cát, đồng bằng không có ngọn núi đá nào để chia sẻ cho biển cả một phần cơ thể của mình. Cũng có truyền thuyết Động Bà Sang, một phần đất xóm Tân Long ngày nay là nơi Bà dậm chân ba dậm như một lời thề nguyền, đoạn tuyệt với người chồng phụ bạc để rồi vĩnh viễn xa cách nơi chốn của những ngày ấm nồng hạnh phúc. Đảo

< Trên đỉnh Hòn Bà nhìn về Lagi.

Sự tích Hòn Bà được gắn với sự linh thiêng của Thiên y A na- bà Chúa Ngọc, trở thành nơi thờ cúng của ngư dân địa phương. Theo đo đạc trong qui hoạch, Hòn Bà có đỉnh cao so mặt biển 38m, diện tích khoảng 2,8ha và đường chu vi chân đảo từ 700-800m. Dưới chân đảo là những bãi đá ngầm chỉ sót lại một mảnh cát bồi nơi cặp thuyền lên đảo.
Đảo nhỏ Hòn Bà nằm ngoài khơi cách thị xã Lagi khoảng 2km, chiều cao của đảo khoảng 40m, rộng hơn 2ha. Nhìn từ xa, đảo có hình dáng như một con rùa khổng lồ đang vươn mình ra khơi.

Bao quanh đảo toàn là đá, chỉ có một bờ cát nhỏ duy nhất là nơi cập thuyền. Đảo nhỏ, lại gần bờ, nhưng đặt chân lên đảo, bạn sẽ có cảm giác đây là một khu rừng giữa biển khơi với những tàn cây cổ thụ quanh năm xanh ngát.

< Hòn Lẻ tại Hòn Bà.

Hòn Bà có hơn 100 bậc thang để đi lên tới đỉnh của hòn đảo, nơi tọa lạc của ngôi đền thờ nữ thần Thiên Y A Na. Nơi đây không có cư dân sinh sống mà chỉ có một người trông coi ngôi đền.
Nếu đứng ở bờ biển Đồi Dương (Lagi) cách xa Hòn Bà hai cây số sẽ thấy rõ những tàng cây cổ thụ quanh năm xanh sắc lá phủ lên ngôi đền và những khối đá chồng chất lên nhau. Cạnh chân đảo có một hòn đá lẻ loi nhô lên, tạo cho Hòn Bà như một con rùa đang vươn mình trên sóng hướng về phía nam. Ngư phủ La Gi khi gặp mùa biển thất bát lại bảo rằng “kim qui trấn khẩu” bởi cửa ngõ của dòng sông Dinh chảy ra biển lại gặp ngay hòn đảo có dáng hình con rùa án ngữ là điều không may theo thuyết phong thủy.

< Nhìn xa xa kia là Hòn Bà...

Trong cái không khí êm đềm của một vùng biển còn hoang sơ và thơ mộng ở đây, có thể hình dung Hòn Bà như một nốt nhạc rơi trên dòng nhạc là những làn sóng xô bờ từ khơi xa hoặc bằng một cảm nhận lãng mạn hơn như câu chuyện tình ly tan đậm chất sử thi thì Hòn Bà trở thành một dấu chấm than  giữa mênh mông biển trời. Rất khó quên khi nghĩ đến miền đất biển La Gi có chút gì để nhớ thì hòn đảo nhỏ lẻ loi đó đã có một đời sống trầm mình trong huyền thoại dân gian thấm đậm lòng người.

Du Lịch, GO! biên tập từ Tuyển tập Văn Nghệ La Gi + Wikimapia + ảnh Internet