Để tỏ lòng mong muốn cầu hôn hay hứa hôn, nhiều dân tộc ở Việt Nam thường có tục trao vòng. Dân tộc nào còn theo chế độ mẫu hệ thì bên nữ trao vòng, bên nam nhận vòng.

Ngược lại nếu theo chế độ phụ hệ thì bên trai trao vòng, bên gái nhận vòng. Đó là nghi lễ bắt buộc trước khi làm đám cưới, một tập tục thể hiện sự công nhận của thần linh, gia đình, cộng đồng cho đôi trai gái được tổ chức đám cưới để nên vợ, nên chồng.
Nhận vòng là bằng lòng, phải giữ lòng chung thuỷ. Ngày nay người Việt (Kinh) quý đồ trang sức bằng vàng nên trao nhẫn thay vòng, còn nhiều dân tộc ở miền núi chỉ dùng bạc. Đó là những chiếc vòng cầu hôn mang tính giao duyên.

Theo phong tục của người ê Đê (Đắk Lắk), con gái đi hỏi chồng và hôn nhân cư trú bên nhà vợ, lễ cưới truyền thống được tiến hành theo 4 bước: lễ hỏi chồng, lễ thoả thuận, lễ gọi chồng và lễ lại mặt.

Trong lễ hỏi, nghi lễ trao vòng cầu hôn là quan trọng nhất, thông thường khi con gái tìm được người con trai ưng ý, thì báo cho bố mẹ biết. Bố mẹ nhờ ông mối đưa chiếc vòng cầu hôn, mở đầu cho việc giao thiệp với nhà trai.

Vài ba lần như vậy, đến khi chàng trai đồng ý thì nhà gái sang nhà trai tổ chức lễ trao vòng. Trường hợp nhà trai không đồng ý thì lễ hỏi phải dừng lại, chờ đến khi sợi tơ hồng cuốn chặt.

Trao vòng cầu hôn được thực hiện trong nghi lễ hỏi chồng. Cô gái cùng ông mối và người anh, em trai của mẹ, mang theo một lễ hỏi gồm một ché rượu, một vòng đồng để cúng thần tới nhà trai. Nếu người con trai không ở trong cùng buôn, thì đoàn nhà gái phải mang theo một gói cơm nếp.

Trong lễ trao vòng cô gái và chàng trai cùng chạm tay vào chiếc vòng đồng, ông cậu cầu cúng Giàng. Họ coi đó như lời giao ước hôn thú, có sự chứng giám của thần linh, sự công nhận của cộng đồng và sự thống nhất của cặp uyên ương. Từ sau lễ trao vòng, hai gia đình chính thức kết mối thông gia. Mỗi bên gia đình cử ra một người đỡ đầu của gia đình mình để thay mặt gia đình giúp đôi trẻ trong mọi nghi lễ cưới xin trong suốt cuộc đời còn lại sau này, người đỡ đầu luôn đóng vai trò như cha mẹ, khuyên răn chú rể, cô dâu và dàn hoà mọi bất hoà giữa hai gia đình.
Sau lễ trao vòng, nhà trai cũng trao cho bên nhà gái chiếc vòng để làm tin cho việc đính ước. Sau đó, nhà trai tổ chức bữa cơm rượu mời gia đình nhà gái.

Đến hôm cưới, bên nhà gái lại đưa sang nhà trai vòng có kèm đồ sính lễ và các thứ như trâu, bò, lợn, gà, rượu, quần áo... Khi lễ trao vòng ngày cưới đã xong, hai ông cậu đưa rượu cho cô dâu, chú rể. Hai vợ chồng trao chén rượu cho nhau và uống hết. Có trường hợp, cô gái phải “ở dâu” vài ba tháng hay vài ba năm như tục “ở rể” của một số dân tộc khác theo chế độ phụ hệ. Những chiếc vòng cầu hôn là kỷ vật thường được lưu giữ suốt đời, có người khi mất thì trao lại cho con cháu làm di vật quý.

Theo Baotangvanhoa