Không phải những người ưa phiêu lưu mạo hiểm mà là một nhóm nhiếp ảnh người mẫu quyết tâm lên núi rừng nhằm “thay đổi không khí” sáng tạo.

Hành trình hơn ngàn kilômét từ Đông sang Tây Bắc đúng vào tuần bão của nhóm bạn trẻ hầu hết mới lần đầu biết đến núi rừng phương Bắc đã để lại nhiều ký ức khó quên.

Hành trình mà Samuel Hoàng, nhiếp ảnh gia uy tín của nhiều tạp chí thời trang W,Vogue, Menhealth..., vạch ra hấp dẫn nhưng cũng khá nhiều thử thách: xuất phát từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể - Bắc Kạn, sau đó từ Bắc Kạn lên Đồng Văn, Hà Giang, điểm cuối cùng là Sa Pa - Lào Cai, và từ đó về Hà Nội.

Ngày thứ nhất

Chặng đường dài hơn 200km từ Hà Nội đến Ba Bể không quá khó để vượt qua, nhưng vì phải đi lối tắt mất hơn 50km đường đất bụi giữa rừng thưa, có những lúc lạc đường phải quay lại tìm lối, thế nên phải đến gần nửa đêm, nhóm mới có mặt tại hồ.

Qua ánh đèn pha, mặt hồ trải rộng, nước sóng sánh. Samuel Hoàng và ê-kíp của mình háo hức đi vào vùng lõi của hồ, từ cửa vườn Quốc gia Ba Bể đi 6 km lên xuống những con dốc rợn người là tới thôn Pác Ngòi (tiếng Tày có nghĩa là “cửa sông”, chẳng là thôn nằm ngay trước mặt một con sông nhỏ chảy vào hồ).

Thôn Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể), nằm ngay dưới chân núi đá dựng vách đứng cao lộng lẫy vài trăm mét gọi tên (tiếng Tày) là Phi-a Mi-àng, tức là “núi đá đẹp”. Cả thôn có 80 hộ dân thì có tới 18 hộ có dịch vụ nghỉ homestay, giá cực dễ chịu (60.000 đồng/đêm/người) dân chúng thì rất vui vẻ và chu đáo. Con đường từ đường cái chính tới Pác Ngòi mới được mở từ năm 2000, dân cư ở đó trước đây là một bán đảo trên cạn với đời sống bên ngoài, nên họ còn thật thà chất phác, chưa bị “giống” chúng ta lắm.

Ngày thứ hai

Sáng nhóm dậy sớm, ăn cháo gà do chủ nhà nấu. Đúng ngày rằm tháng Bảy, chủ nhà mời thêm đĩa bánh tày, làm từ gốc cây chuối (phơi khô, nấu nhuyễn với đường, bọc đỗ xanh, lạc), vị béo, bùi, ngọt, thơm. Sau khi trang điểm và mặc đồ cho bốn mẫu, nhóm vào rừng tìm cảnh.

Đang đi trong rừng già, toàn đá tảng và dây leo hai bên đường, chợt có những đoạn rừng như bị xé ra, một khoảng xanh ngọc mướt mát, lăn tăn hiện ra dưới chân. Hồ Ba Bể đấy, đúng lúc ấy thì có một dọi nắng rót thẳng từ trên cao xuống vùng lá xanh thẫm ven đường. Tấm phông xanh ngọc của hồ thấp thoáng phía xa xa, cây cỏ xung quanh, khung cảnh và ánh sáng thật là hoàn mỹ. Samuel quyết định dừng lại và tác nghiệp.

Thế là mọi người đành phải chiều đạo diễn. Buổi làm việc dừng lại vào lúc 13h. Vừa xong bữa trưa muộn, trời đổ mưa như trút, kế hoạch chụp mẫu trên mặt hồ ngừng lại, Samuel nhanh chóng đổi phương án, chụp ngay tại chân nhà sàn, nơi cả đoàn đang ở trọ.

Ngày thứ ba

Dậy từ 5h sáng, thu xếp xong đồ đạc, cả nhóm khởi hành đi Đồng Văn, Hà Giang. Đây là chặng đường dài và khó khăn nhất. Lối đi tắt từ Bắc Kạn lên thẳng Đồng Văn khá xấu, nhiều đoạn đường bị cày nát vụn do mưa bão. Đường nhỏ, hẹp, lên dốc xuống dốc liên tục lại quanh co một bên vách núi dựng, một bên vực sâu, đường không có gương cầu, không có bảng báo giao thông, càng không có những vách ngăn giữa đường với vực, cách 4 mét không thể thấy được xe đi ngược chiều.

Trời mưa lâm thâm, đường trơn, điện thoại mất sóng, cả nhóm bám sát vào nhau. Suốt chặng đường núi hơn 300 km, đi từ sáng sớm đến đêm khuya, hầu như không có nhà dân ven đường. Ban ngày, thi thoảng thấy một ngôi nhà cheo leo vách núi, trẻ con trần truồng giữa mưa đùa nghịch. Tối, dưới ánh đèn pha, vài tốp người gùi lương thực trên vai, lầm lũi đi trong sương núi. Qua vài khúc quanh, thấy có đống đá chất từng khối ven miệng vực, té ra ở đây vừa lở núi đá, đường mới được khai thông.

Đang trên đường tối sẫm, thị trấn Đồng Văn bỗng hiện ra cùng muôn ánh đèn vàng lung linh, vui mắt. Cả đoàn ăn tại một cửa hàng cơm bình dân ven chợ Phố Cũ. Tiếng khèn, tiếng hát vừa tắt, buổi họp chợ đêm đã tan.

Ngày thứ tư

Buổi sáng, cả nhóm chụp ảnh trong chợ Phố Cũ. Chợ núi chủ yếu bày bán nông phẩm. Nhiều người dân tộc đến chợ không biết tiếng Kinh, nhưng họ rất thích chụp ảnh, và đề nghị được chụp ảnh. Sát những bức tường đá đen bóng bồ hóng là khăn áo của phụ nữ Mông rực rỡ nhiều sắc màu. Trái lại, nam giới Mông chỉ mặc quần áo nhuộm đen.
Nhà dân ven chợ đa phần vẫn mái ngói tường đất, cột gỗ nứt nẻ vì mưa nắng. Dưới làn mưa rả rích, cả khu chợ lờ mờ trong mưa lặng lẽ, u hoài.

Đầu giờ chiều, trời tạm ngừng mưa, để ánh nắng hưng hửng trên đỉnh núi. Nhóm bạn trẻ hăm hở chạy vespa từ thị trấn ra Mã Pí Lèng. Cung đường Mã Pí Lèng uốn lượn ven triền núi đá như dải lụa sáng mềm mại, dưới triền đá xa xa, sau những thân ngô nâu xác là dòng sông Nho Quế. Khung cảnh núi đá mở rộng ra, đẹp đến bàng hoàng. Không cần chuẩn bị nhiều, cứ cảnh thiên nhiên mà diễn, Samuel Hoàng mừng vui vì có những góc máy đẹp.

Ngày thứ năm

Tiếp tục hành trình từ Đồng Văn đến Sapa Lào Cai với hơn 500 km.
Vẫn giữa rừng núi, giữa bản làng, và những người dân tộc tò mò bởi đoàn du khách lạ. Đường mở rộng hơn, thế nhưng, núi sạt lở cũng nhiều hơn. Qua một đoạn đường, bùn ngập trên đầu gối, dài hơn hai chục mét bởi núi lở, cả nhóm ngưng thở, men theo vết bánh ô tô đi trước để lại. Có lúc tay lái bị ngoặt đột ngột bởi bùn trơn, nhìn bánh xe trờ sát miệng vực, ai cũng thấy sợ cứng người.

Ga nhẹ, đi thật chậm, bám sát nhau trên từng mét đường, cả nhóm đến Sa Pa (tiếp tục) giữa đêm. Một ngày vất vả, mệt mỏi lẫn những pha đứng tim, đủ cho cảm giác nằm giữa chăn ấm nệm êm thành xa xỉ.

Ngày thứ sáu và thứ bảy

Sa Pa trời mưa như trút giữa giá lạnh.
Nhiều ảnh được chụp trong màn hơi ẩm, và đường lầy bùn lẹp nhẹp, Đan Cha, Bảo Ngọc mặc quần áo dân tộc H’Mông, chân trần lội nước, gắng sức cười, diễn. Tranh thủ những lúc không làm việc, cả đoàn tìm hiểu văn hóa ẩm thực của Lào Cai. Nếm chút rượu ngô Bắc Hà, Shan Lùng cho lâng lâng sảng khoái. Nào ăn Thắng Cố (chế biến từ thịt và lục phủ ngũ tạng trâu ngựa bò kèm gia vị miền núi), món ăn đặc trưng của người H’Mông vùng Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà. Nào thưởng thức mèn mén – loại bánh làm từ ngô xay nhỏ hơn hạt tấm, cho vào chõ, rắc đều nước, đậy kín cho đến khi chín tỏa ra vị ngọt bùi thơm dẻo.

Rồi cùng thưởng thức món khâu nhục (thịt lợn ba chỉ kẹp rau dưa chua và thuốc bắc hấp nhừ) hay xá xíu (thịt nạc thái miếng to bản, nướng qua lửa vàng ruộm tẩm húng lìu rán kỹ…Tất cả đều lạ nhưng mà ngon.

Ngày thứ tám

Kết thúc hành trình hơn ngàn kilomet giữa núi rừng từ Đông sang Tây Bắc trong tuần bão, cả đoàn trở về Hà Nội, mang theo những bộ ảnh thời trang độc đáo.

Theo SotayDulich, Diendanhanghieu