Họ có thể là những người trẻ tuổi, trung niên... thậm chí tuổi ông bà nhưng đều cùng có ý thích ham phiêu lưu bằng xe máy tới những vùng núi non hiểm trở.

Đơn giản trong hành trang, giản dị trong phong cách, không cầu kỳ trong ăn mặc, năng động phiêu du là điều tâm đắc, họ tự nhận mình là dân “phượt”.

Điểm mặt dân “phượt”

Xoay xoay ly cà phê tỏa những đường khói mỏng mảnh trong góc quán nhỏ Hà Nội một ngày đông rét cóng tay, Hà Lượng phác họa cho tôi hình ảnh của mình sau mỗi chuyến đi và cho tôi vài số điện thoại, e-mail. Lượng bảo: "Đây mới là những dân phượt lão làng!".

Triều Dương có 20 năm "chinh chiến", mũ cối, áo bay, giày bộ đội và ba lô con cóc trên chiếc xe Minsk, Dương hầu như đã "nhẵn mặt" các cung đường. Anh bạn bụi bặm này lại cho tôi một vài cái tên nữa và thủ thỉ: "Tớ mới chỉ là cây rau!".

Hóa ra "dân phượt" quen biết nhau hết cả, và những cái tên như: Tùng tabalô, Dương Dugia, Cao Sơn... cùng những hành trình ngoạn mục của họ đã đi vào lòng yêu mến, hâm mộ của nhiều người. Ngoài một số nhóm "gạo cội" có thâm niên, khu vực phía bắc, đặc biệt là Hà Nội lâu nay đã âm ỉ và nở rộ hàng chục nhóm "lượt phượt" trẻ.

Đời dài lắm!

Tiến, một nhân vật "cư ngụ" tại TP.HCM, đã 2 lần xuyên Việt và chinh phục vòng cung Tây Bắc - Đông Bắc năm 2002, 2004 kể tôi nghe cảm giác bất lực khi độc hành xuống dốc Lò Xo (Kon Tum) và xe anh bị lọt bánh xuống một ổ voi. Mùa mưa, đất đỏ cùng đá, sỏi tràn xuống đường tạo thành một thứ chất dẻo quánh như keo kẹp chặt bánh xe. Tiến ngồi bên vệ đường vắng hoe, đợi ai phóng qua nhờ gọi thêm người tới "cứu nguy". May cho Tiến, một đoàn công nhân và chiếc xe xúc xuất hiện đã cứu anh khỏi cảnh ngủ rừng. Tiến kể: "Với tập bản đồ, mình có thể tự tin mò mẫm.

Nhưng trong chuyến đi Tây Bắc 2004, một đoạn đường 20 km có trên bản đồ nhưng dân bản bảo rằng nó đã bị bỏ hoang mấy chục năm rồi và không thể đi được, phải đi vòng 180 km. Mình ngại xa, cứ liều đi vào con đường hoang đó. Cuối cùng mất trọn một ngày, còn phải thuê mấy anh trai bản khiêng xe".

Với Dương, chuyện chất xe máy lên chiếc mảng (bè) mỏng mảnh vượt suối, hay chuyện qua ngầm bị lũ cuốn trôi cả người cả xe không xa lạ gì. Mùa mưa, đất đá trên núi chảy tràn xuống đường, lên dốc đã khó nhưng xuống dốc mới thật gian nan. Bùn trơn trượt, dùng phanh là xe cứ thế quay ngang.

Chết máy, thủng xăm... lúc trời chạng vạng, trên con đường núi heo hút đi vài chục cây mới thấy một ánh đèn hoặc đường lổn nhổn, xe trật bánh, cả xe cả người lăn xuống vực... Tất cả những tai nạn trên đều có thể xảy ra với bất kỳ “dân phượt” nào. Dương bảo: "Tớ nhìn đường sinh mạng dài và rõ nét trên tay, lẩm bẩm tên truyện Đời dài lắm của bác Chu Lai, tự nhủ mình còn phải làm khá nhiều chuyện điên rồ rồi mới... "xuôi tay", thế là yên trí lên đường!".

Lỉnh kỉnh lên đường

Các cung đường thường dài, hiểm trở và đích đến là những nơi heo hút "xa phủ xa huyện" nên việc chuẩn bị rất tỉ mỉ. Cần được quan tâm nhất chính là những con "chiến mã" (xe máy). Xe phải vừa khỏe để leo dốc, vượt suối, vượt ngầm, vừa phải an toàn, không hỏng vặt... Tùng tabalô đã tổng kết kinh nghiệm của mình trên một diễn đàn: "Ngoài việc thường xuyên cân chỉnh bảo dưỡng, cần phải mang một bộ đồ nghề và săm dự trữ...".

Tết 2002, Tiến xuyên Việt với chiếc áo tự chế ngoài bằng vải dù, trong lót rất nhiều mút vừa chống lạnh vừa không thấm nước mà vẫn khốn đốn với cái lạnh buốt của núi rừng. Vài năm lại đây, dân "phượt" đã dễ kiếm "đồ chơi" hơn nhiều. Nhóm Tây Bắc sau hàng chục năm lang bạt đã sắm bộ đồ nghề khiến nhiều người mơ ước: quần áo và giày lái xe chuyên dụng, máy bộ đàm, máy định vị...

"Vất vả, nguy hiểm, đi để được gì?", tôi hỏi một câu sặc mùi "khiêu khích". Tiến trầm giọng: "Tốt nghiệp đại học, công việc ổn định... Một ngày tớ tự hỏi giới hạn của mình là ở mức nào? Và một mình, một "chiến mã" lang thang trên các cung đường, tớ biết khả năng của mình vẫn còn là một mỏ quặng chìm!". "Bạn thử tưởng tượng cảm giác cả một rừng hoa mận trắng đột ngột hiện ra lưng chừng núi như trong mơ. Khoảnh khắc ngắn ngủi đã đền bù quá đủ cho những mệt mỏi" - Lương mơ màng. Cái được nhất, nói như Tùng tabalô: "Đi, để khám phá và biết yêu quê hương đất nước và chính bản thân mình!". (Theo Thanhnien)

Con gái đi phượt: Về tới nơi mới dám tin mình còn sống

Nhiều lần nín thở vì sợ chết giữa đường, ngủ giữa rừng, nói dối cha mẹ và có khi cả 5 ngày không tắm, các “nữ phượt gia” “tám” với Bee những câu chuyện của mình.

Nín thở vì sợ lao vực hay rơi sông

“Xe đi trước lao xuống vực, cả nhóm chưa hết hoảng hồn thì xẹt, xe đi ngay sau đoàn lao xuồng vực” — Lê Trà (cựu sinh viên ĐH KHXH & NV Hà Nội) vẫn chưa hết hoảng hồn khi kể lại quãng đường từ Lũng Cú về thị xã Hà Giang trong chuyến phượt của nhóm cô.

Đi bộ xuyên rừng ở Pù Mát.

“Một bạn gái ngồi sau chứng kiến hai tai nạn xong thì run lên bần bật. Chúng tôi phải cho bạn đổi xe liên tục để bớt run. Những người còn lại cũng rất căng thẳng, người ngồi sau không dám nói câu nào nữa, chỉ sợ người cầm lái mất tập trung. Về tới thị xã, chúng tôi mới dám tin là mình vẫn đang còn sống”.
Cũng hút chết một lần như vậy, Nguyễn Diễm (cựu sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội) nói về chuyến phượt Tây Bắc đợt 30/4 vừa rồi.

“Nhóm tôi quyết định chọn cung đường mới, không đi đường quốc lộ mà đi đường vòng trong rừng. Đã thế còn phải chạy xuyên đêm để kịp ngày hôm sau đi làm. Hôm đó có mưa rừng, đường tối om, trơn trượt, có đoạn chỉ rộng 1m trong khi ngay bên cạnh là vực sâu hun hút. Các bạn ngồi sau phải lội bộ níu xe cho khỏi trượt, hai chiếc điện thoại bị rơi mất lúc nào mà không ai biết”.

Cô nói tiếp: “Rồi đến đoạn qua sông, có duy nhất một chiếc cầu treo. Một mảnh ván lớn bị long ra mà khi đến gần tới đó, chúng tôi mới phát hiện ra. Hai bạn lại phải bê một tấm ván ở chỗ khác lắp vào đó để 3 xe máy đi qua, rồi lại bê vào chỗ cũ. Cả nhóm đùa với nhau, may mà phát hiện ra không ít nhất hai người phải ở lại chơi với Hà Bá rồi”.

Ngủ giữa rừng và 5 ngày không tắm

“Chúng tôi luôn có tư thế đối phó với những tình huống bất ngờ” — Mỹ Linh, (Sinh viên Cao đẳng du lịch Hà Nội) nói, và cô ví dụ luôn bằng chính chuyến ngủ giữa rừng Tam Đảo của mình.
“Nhóm phượt của tôi bị lạc đường, tối rồi mà vẫn loay hoay giữa rừng. Đồ đạc mang theo thì không có gì, ngoài hai người có mang túi ngủ. Nhưng ngay cả nằm trong túi ngủ vẫn lạnh run, chỉ ngả lưng một chút rồi đổi đến phiên người khác. 18 người còn lại ngồi đốt lửa hát hết bài này đến bài khác giữa rừng để bớt lạnh và bớt... sợ".

“Hay chuyến leo Fanxipang vào năm 2008, chúng tôi lên núi đúng đợt rét đậm nhất, nước đóng băng hết cả. Thế là 5 ngày liền chúng tôi không được tắm rửa gì hết cả, đến nước đánh răng rửa mặt còn hiếm. Mà là con gái, 5 ngày liền không tắm, chắc bạn tưởng tượng được khó chịu như thế nào”.
“Nhóm chúng tôi thì khổ vì chuyện xe cộ. Bay từ Hà Nội vào TP.HCM, chúng tôi thuê xe máy để bắt đầu chuyến phượt vùng Tây Nam Bộ, tất nhiên là toàn xe Tàu cả. Thế là trên đường, lúc thì phải dừng lại thay săm, lốp, lúc thì thay đèn, có khi thay cả ắc quy. Đường xa như thế nên lúc nào cũng lo ngay ngáy, đến thị trấn nào là chăm chăm kiếm hàng sửa xe. Lịch trình vì thế nên chậm đi rất nhiều và số tiền cho chuyến đi cũng tăng lên” — Lê Trà nói thêm.

Sáng tác nhiều chiêu đối phó với phụ huynh

"Không đời nào các bậc phụ huynh chấp nhận cho con gái tham gia vào những chuyến du lịch nhiều nguy hiểm như vậy nên đa phần các bạn nữ muốn phượt thì phải nói dối. Có thể nói là đi thực tập, đi công tác, hay thậm chí đi du lịch (theo tour)" - Ngân Trang (SN 1984, cựu sinh viên ĐH Luật) nói.
Dân phượt Hà Nội vẫn truyền nhau câu chuyện "nói dối có hệ thống" của Trà. Năm 2006, nhóm phượt của Trà quyết định chinh phục Fanxipang và tất nhiên phải nói dối phụ huynh. Hồi đó trên núi chưa có sóng điện thoại vì vậy, khi còn ở thành phố Sapa, Trà gọi điện về báo bố mẹ là điện thoại hỏng, chỉ nhắn tin được chứ không thể nghe hoặc gọi.

Đồng thời lúc đó, cô nàng báo mất sim điện thoại để một bạn ở Hà Nội đi làm sim mới. Trà đã dành một buổi tối soạn những tin nhắn hỏi thăm gia đình trong 3 ngày vắng mặt và gửi hết số tin nhắn đó cho bạn. Cô bạn ở Hà Nội theo định kỳ gửi tin nhắn cho bố mẹ Trà để các bác yên tâm con mình vẫn đang đi thực tế ở Nghệ An.

Nguyễn Diễm chọn một cách nói dối thông thường hơn là xin đến nhà bạn ở các tỉnh gần (như Hòa Bình, Ninh Bình) chơi. Tất nhiên, cô nàng này cũng cẩn thận thông báo cho người bạn "đang được đến thăm" rằng, không được gọi điện tới nhà mình trong suốt thời gian mình đi vắng.
"Tôi vẫn nói thật với ông anh về chuyện mình đi phượt ở đâu. Để nếu lỡ có chuyện gì, gia đình còn biết đường "nhặt xác" tôi về" — Diễm tếu táo (Nguồn: Hoàng Hạnh ).