Thoát ly khỏi bầu không khí bí bách của các thành phố. Bỏ qua những chuyến du lịch theo tour như gà công nghiệp. Hăng hái và chủ động trong việc khám phá thế giới và bản thân.

Những người trẻ năng động đang xách ba-lô lên đường... Những chuyến lên đường của họ không chỉ dừng lại ở khám phá vùng đất mới, nền văn hoá mới, cuộc sống mới mà hơn nữa cũng chính là hành trình khám phá và thử thách bản thân. TS xin giới thiệu loạt bài "Người trẻ và những chuyến lên đường" để phần nào giúp độc giả có cái nhìn đa diện về một thế hệ trẻ VN năng động, thích "xê dịch" trong "thế giới phẳng". Mời bạn theo dõi loạt bài “Người trẻ và những chuyến lên đường” của TS.

Bài 1: Phượt xe máy: Vì "say đường" nên... "hành xác"?
Dù có những lúc phải san bãi lầy, bê xe qua suối, bỏng da, rát mặt trên đường. Nhưng đổi lại, sẽ có những giây phút được hoà mình với thiên nhiên, nghe gió thổi, ngắm mây bay và hít mùi hương cây cỏ, được khám phá những vùng đất mới, vùng văn hoá mới. Vì thế mà những chuyến du lịch bằng xe máy ngày càng hấp dẫn giới trẻ.

Bài 2: Leo núi - Chinh phục những đỉnh trời
Xuyên rừng, băng đèo, vượt thác... trong những chặng đường dài hàng cây số, để đặt chân tới đỉnh núi cheo leo. Đứng giữa đỉnh cao mây ngàn gió lộng, phóng tầm mắt ra xung quanh để cảm nhận sự hùng vĩ của đất trời. Nhiều người trẻ tìm đến rừng núi để tận hưởng cảm giác thú vị trong những tour dã ngoại mạo hiểm.

Bài 3: Trekking: Lông nhông trên những nẻo đường
Ba lô to sụ với trăm thứ lỉnh kỉnh: quần áo, lều trại, túi ngủ, mỳ gói, lương khô, thậm chí cả gạo, xoong nồi, siêu nước... Khởi đầu bằng những chuyến tầu hay chuyến xe đêm, nơi họ thẳng tiến là những vùng đất chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ. Đơn giản, họ đi bụi theo kiểu trekking.

Bài 4: Những người trẻ, đi và chia sẻ
Chọn Sài Gòn vì… miền Bắc biết nhiều hết rồi, chỉ vào miền Nam mới thoả chí ham đi của cô sinh viên Mai Anh (khoa Sinh, ĐH KHTN TP.HCM). Hỏi, bố mẹ có biết “‎ý đồ” này không, cô hồn nhiên: “Biết chứ, bố mẹ còn ủng hộ vì đi một ngày đàng học một sàng khôn, cũng hiểu em đi để làm gì.”

Bài 5: Say việc vì… say đi!
Đặc thù công việc đòi hỏi xê dịch liên tục, nhưng những chuyến công tác của người trẻ không đơn thuần chỉ mang nghĩa làm việc. Họ đã tận dụng chính nghề nghiệp của mình để được sải bước dài thêm nữa.

Bài 6: Độc hành trên "đường xa vạn dặm"
Một ba lô, một bản đồ, những lữ khách độc hành cứ rong ruổi khắp chốn như anh chàng cao bồi Lucky Luke trong bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới. Cứ ngỡ rằng họ rất cô đơn, nhưng ngược lại, nỗi cô đơn chỉ là cảm xúc thoáng qua. Trên từng bước chân độc hành của mình, họ sẽ gặp những con người dù mới quen nhưng lại rất gần gũi, thậm chí có cả những cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời họ.

Kỳ 1: Phượt xe máy: Vì "say đường" nên... "hành xác"?

Dù có những lúc phải san bãi lầy, bê xe qua suối, bỏng da, rát mặt trên đường. Nhưng đổi lại, sẽ có những giây phút được hoà mình với thiên nhiên, nghe gió thổi, ngắm mây bay và hít mùi hương cây cỏ, được khám phá những vùng đất mới, vùng văn hoá mới. Vì thế mà những chuyến du lịch bằng xe máy ngày càng hấp dẫn giới trẻ.

Hội chứng... "say đường"

“Đi đâu cũng được, miễn là đi bằng xe máy. Cả nhóm chúng tôi đã quả quyết như vậy từ sau chuyến vi vu xe máy lên Hà Giang tháng 9 năm ngoái.” Yến Nga, một bạn gái đã từng đi du lịch hàng nghìn cây số bằng xe máy, nói về “hội chứng… say đường” của mình và những người bạn như vậy.

Cách đây hơn 10 năm, khi những nhóm đầu tiên ở Hà Nội phóng xe máy “diễu hành” qua các con phố, thẳng tiến tới vùng đất xa xôi, hoang vu, nhiều người nhìn họ như những kẻ lập dị, kỳ quặc. Nhưng vài năm gần đây, không còn muốn thu mình sau cửa kính ô tô ngồi tán chuyện tíu tít hoặc ngủ lăn lóc trên xe, ngày càng nhiều bạn trẻ chọn xe máy làm phương tiện du hí.

Lý do hàng đầu để dân phượt chọn xe máy chính là sự tiện lợi bởi xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở VN. “Với các phương tiện khác, bạn chỉ biết đến điểm đến, còn với xe máy, niềm vui nhiều khi không phải ở đích đến mà chủ yếu nằm trên đường đi.”- Minh Hằng, bạn cùng nhóm với Yến Nga, chia sẻ.

Khi đi ô tô, mọi người đều bị che khuất tầm nhìn nên dễ dàng bỏ lỡ sự thay đổi bất thần của khung cảnh. Người duy nhất nhìn rõ mọi cảnh vật là… tài xế thì lại luôn phải tập trung vào đường đi và điều khiển vô lăng. Với xe máy, gần như có thể chạm vào từng nhành cây ngọn cỏ trên đường, cảm nhận rõ từng sự chuyển mình của cảnh vật. Khung cảnh xung quanh mở rộng, có thể ngắm nhìn mây gió, hít thở hương thơm của cây cỏ, đất trời, hoà mình vào thiên nhiên và cảm nhận bằng mọi giác quan.

Yến Nga tâm sự: “Có những đêm rằm trăng sáng vằng vặc toả ánh sáng chan hoà xuống mặt đường. Cả nhóm tắt đèn pha, cứ để xe tự động trôi nhè nhẹ xuống đèo. Chỉ nghe thấy tiếng máy kèn kẹt, tiếng côn trùng kêu và mùi thơm cây cỏ.
Cả hội cứ thế hát váng cả núi rừng, từ những bài hát của Bức tường cho tới các bài ca Tây Bắc. Khí thế hào hùng và lãng mạn bốc lên… ngùn ngụt làm cho những đứa suốt ngày chỉ biết đến máy móc với gạch gỗ cũng bất chợt yêu đời, lãng mạn.” Khi nhìn thấy một phong cảnh đẹp, dân phượt hoàn toàn có thể tự do dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh, nghỉ ngơi. Thậm chí, thấy một địa điểm thích hợp, còn có thể dừng lại đun nước uống café dọc đường. Dân phượt thường đùa với nhau rằng đây là “một thú vui rất tao nhã”.

Tabalo, thành viên kỳ cựu của nhóm Tây Bắc-một trong những nhóm tiên phong trong phong trào đi du lịch bằng xe máy ở VN, chia sẻ: “Với xe máy, chỉ sau một tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe máy, bạn đã có thể chuyển từ vùng văn hoá này sang vùng văn hoá khác, từ cảnh sắc này sang cảnh sắc khác. Mặt khác, đi xe máy cũng giúp cảm thấy gần gũi hơn với những người dân trên mảnh đất mình đi qua.”

Những cuộc “hành xác”… êm ái

Không chọn những cung đường đơn giản với đường quốc lộ thẳng băng, các nhóm phượt xe máy thường chọn điểm đến là những bản làng xa xôi vẫn còn giữ được nếp sống nguyên sơ, nơi ít khách du lịch đặt chân tới. Đó có thể là vùng rừng núi Tây Bắc hùng vĩ hay Tây Nguyên hoang dã, là những miền đất địa đầu Tổ quốc hay khúc ruột miền Trung đầy nắng gió.
Những chuyến đi trèo đèo vượt suối, đôi khi phải “ăn bờ ngủ bụi” ấy trong mắt nhiều người chẳng khác nào “hành xác” nhưng với dân phượt, đó lại là cơ hội để thử thách và rèn luyện bản thân, để trải nghiệm những điều mà hàng ngày giữa phố xá nhộn nhịp không thể có.

Các thành viên nhóm Tây Bắc không thể quên hành trình đi qua 2 xã thuộc 2 huyện Quỳnh Hợp và Con Cuông của tỉnh Nghệ An cách đây 3 năm. Nếu đi đường vòng thì phải mất chừng gần 300 cây số nên cả nhóm quyết định chọn đường tắt vì theo lời bà chủ nhà cho nhóm ở trọ thì “con gái tôi đi từ sáng tới chiều là tới nơi”.

Quả đúng là đi bộ thì chỉ vài tiếng là tới nơi nhưng với xe máy thì nhóm mất đúng 3 ngày cho 15 cây số vì đó là đường dốc núi, chiều ngang bằng đúng 1 gang tay, còn có lỗ khoét dành cho người đi bộ.
Mỗi ngày di chuyển từ 7h sáng tới tối mịt mới được 5 km. Có những đoạn đường dốc và bé quá, 6 người phải cùng kéo một xe, 2 người kéo, 2 người đẩy, 2 người giữ 2 bên mới lên được đỉnh dốc.

Có những bãi lầy vừa lao xuống thì xe cứ thế chìm dần, chìm dần xuống bùn nên phải lấy gỗ để lấp bãi lầy. Đôi lúc gặp phải những con suối sâu ngang bụng, cả nhóm xúm lại xỏ cành cây vào bánh trước, bánh sau và thân máy rồi 7 người cùng “gánh” xe qua suối.
Hùng, một thành viên của nhóm Tây Bắc, chia sẻ: “Mọi thử thách đều là để chinh phục, chỉ ngại là không có thời gian vượt qua. Việc ăn ngủ trong rừng chẳng có gì đáng lo nếu có sự chuẩn bị đầy đủ.”

Di chuyển hàng trăm cây số mỗi ngày, nắng rát người mùa hè, lạnh thấy xương mùa đông chẳng khiến cho dân phượt nản lòng. Những sự cố như đường trơn ngã xe, thủng săm, hỏng xe, chết máy đột ngột trên đỉnh đèo vắng ngắt không một bóng người là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đôi khi nó khiến dân phượt lo lắng nhưng cũng là “gia vị” tăng thêm phần kỳ thú cho mỗi chuyến đi.
N.T.Kiên, một bạn trẻ cũng rất mê phượt xe máy, kể lại kỷ niệm hú vía trong chặng đường từ Mai Châu tới Mường Lát dịp Tết dương lịch: “Đang đi, chúng tôi phát hiện ra 4 xe máy chở 8 thanh niên bản địa bám đuôi theo đoàn.

Qua những con đường vắng vẻ, quạnh hiu, mấp mô, bụi bặm của núi rừng Thanh Hoá, họ vẫn bám sát chúng tôi. Mọi người trong đoàn ai cũng đầy vẻ lo âu, sợ hãi. Một thành viên nữ trong đoàn còn đề nghị mọi người dừng lại mua dao phòng thân. Chúng tôi dự định chạy thêm vài cây số nữa, tới khu dân cư đông đúc sẽ dừng xe lại và nhờ chính quyền địa phương can thiệp. May thay, nhóm thanh niên này chỉ bám theo thêm khoảng 5 km nữa. Không biết họ đùa kiểu gì nhưng cũng khiến cả hội hú vía!”

Để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi phượt ở những vùng núi đồi, hẻo lánh, kinh nghiệm của nhóm Tây Bắc là phải tổ chức đội hình rất chặt chẽ. Cả đoàn chia thành 3 nhóm: tiền đội, trung đội và hậu đội.
Tiền đội gồm những người dày dạn kinh nghiệm, đi trước tiền trạm, quyết định hành trình và lo sắp xếp ăn, nghỉ cho cả nhóm. Trung đội là đội la cà, lang thang, thích chụp ảnh, những người chưa có kinh nghiệm.

Nhóm này có thể rẽ ngang rẽ dọc thoải mái, miễn là không vượt trước tiền đội và tụt sau hậu đội. Hậu đội luôn phải đi sau cùng, giữ hết đồ sửa xe và khoá đuôi đoàn.
Đội hình tổ chức chặt chẽ như vậy giúp đảm bảo an toàn, không thất lạc thành viên và mọi người có thể hỗ trợ nhau trong những tình huống bất trắc.

Những “bóng hồng” trên đường phượt

Những chuyến “bạc mặt” nhiều ngày trên hành trình hàng nghìn cây số không khi nào thiếu vắng các “mỹ nhân”. Tabalo của nhóm Tây Bắc nhận xét: “Chị em đã tham gia phượt xe máy thì còn hăng hái hơn anh em.”
N.T.Kiên cũng khẳng định: “Nếu ai cho rằng chỉ có con trai mới đam mê du lịch bụi, thích phượt đó đây bằng xe máy trong các chuyến đi dài ngày thì đều sai lầm hết. Bằng chứng là chị em phụ nữ thường áp đảo so với anh em con trai trong các chuyến đi như vậy nên có những lần một số chị em phải ngậm ngùi ở nhà vì thiếu xế. Cũng có những chị em phụ nữ cá tính sẵn sàng cầm lái trong các chuyến đi dài hàng ngàn km.”

Nhiều anh em trong giới phượt phải “ngả mũ bái phục” cô gái có tên Nguyễn Hoàng Tịnh Minh (26 tuổi) với biệt danh Blue Serenade bởi cô gái bé hạt tiêu này đã từng một mình cưỡi xe máy vượt quãng đường 1800 cây số xuyên Việt.
Ấn tượng chung của bạn đồng hành khác giới về những “bóng hồng” trên đường phượt là họ đều rất giản dị, hồn nhiên, yêu đời và chu đáo. Mỗi khi các nhóm dựng trại trong rừng hay nghỉ chân bất chợt, các cô gái thường đảm nhiệm việc nấu nướng. Dù là bát mì tôm hay con gà nướng thì bàn tay khéo léo của chị em cũng mang lại hương vị gia đình cho mỗi chuyến đi xa.
“Mặc dù có những bất tiện “rất con gái”, nhưng nếu chuẩn bị chu đáo và xác định tinh thần “không tiểu thư” thì sẽ dễ dàng vượt qua”. - Yến Nga chia sẻ. “Ở nhà, hơi đau một tí mình đã không chịu nổi nhưng trên đường phượt, có lúc ngã đau không đứng dậy nổi mà chẳng kêu một câu.”
Huy Quân, SV mỹ thuật năm cuối, tâm sự: “Mình rất thích cá tính mạnh mẽ của các bạn nữ tham gia phượt xe máy. Mình và bạn gái yêu nhau cũng chính nhờ qua những chuyến phượt như thế.”

Kinh nghiệm du lịch xe máy của nhóm Tây Bắc

1. Thời điểm: Với thời tiết miền Bắc, thời điểm đẹp nhất để đi phượt bằng xe máy là ngay sau Tết âm lịch hoặc từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12.
2. Loại xe: Nên sử dụng những loại xe thông dụng như Dream, Viva, Future, Wave, Sirius, Jupiter… vì nhẹ và dễ sửa.
3. Trang bị:
- Quần áo đi xe máy chuyên dụng (bộ five seasons, giá khoảng 200.000đ/bộ): dày dặn, chống mưa gió tốt, có bọc đầu gối, khớp tay, có nhiều lớp để có thể tách ra dễ dàng.
- Giầy đi xe máy chuyên dụng: cổ cao giữ ấm chân, đế cứng để chống chân xuống đường đá, da trơn để không thấm nước.
- Ủng nilon: ngăn nước mưa hoặc nước suối không ngấm vào giầy.
- Mũ bảo hiểm: nên dùng mũ có cằm và luôn kiểm tra móc khóc trước khi đi.
- Bản đồ địa hình: chi tiết tới từng ngõ ngách trong khu vực
- Đồ nghề sửa xe (giá khoảng 300.000đ/bộ): bơm, bộ tròng mở lốp, săm, miếng vá, clê, bugi, dây côn, tay côn, keo 502, dây kéo xe…
- Một số vật dụng thiết yếu khác: lều, túi ngủ, bếp ga du lịch nhỏ, đồ ăn, nồi niêu, C sủi (đủ mỗi người uống 1 viên/ngày để tăng cường sức lực), salon gel, thuốc đau bụng, thuốc cảm, dầu gió, bông băng, thuốc sát trùng, thuốc bỏng, thuốc tím, áo mưa, găng tay, dao díp, đèn pin đeo trán…
- Phụ trợ (trang bị nếu có điều kiện): đồng hồ đa năng đo độ cao, huyết áp, khí quyển; GPS; ống nhòm; máy sấy tóc; những món đồ nhỏ để tặng trẻ em dân tộc những vùng đi qua.

Bài 2: Leo núi: Chinh phục những đỉnh trời

Lan Hương
Theo VietNamNet, ảnh internet