Chọn Sài Gòn vì… miền Bắc biết nhiều hết rồi, chỉ vào miền Nam mới thoả chí ham đi của cô sinh viên Mai Anh (khoa Sinh, ĐH KHTN TP.HCM). Hỏi, bố mẹ có biết “‎ý đồ” này không, cô hồn nhiên: “Biết chứ, bố mẹ còn ủng hộ vì đi một ngày đàng học một sàng khôn, cũng hiểu em đi để làm gì.”
Điều đáng chú ‎ý của giới trẻ Sài Gòn: ngày càng nhiều nhóm bạn, cá nhân tuổi teen, tuổi 20 đi trên hành trình tuổi trẻ của mình với những bước chân mang tinh thần tình nguyện, chia sẻ.

Đi để sẻ chia

Với Mai Anh, từ năm lớp 4 cô đã tranh thủ những kì nghỉ hè kéo dài cả tháng về thăm nom ông bà, cô tranh thủ đưa sách báo từ thành phố về mở một… tiệm sách cho thuê cho trẻ con ở quê. Mục đích ban đầu vì “bọn bằng tuổi mình ở thành phố, có cuốn nào mới ra là mua ngay cuốn đó, không ai thèm đọc sách cũ. Về quê kiếm thêm ít tiền đầu năm mua bộ Tây Du K‎ý mình mê.”

Tuy nhiên, kế hoạch của Mai Anh phá sản ngay vì cô gái nhạy cảm này chẳng đặng cầm tiền của những bạn bè ở quê, móc tờ 200 đồng ra thuê sách mà bảo “tớ phải nhịn ăn sáng”. Từ đó, hàng năm Mai Anh đưa sách về “thư viện xanh” ngay tại nhà bà nội cho bạn bè đọc miễn phí. Thư viện hơn 5000 đầu sách, không người trông coi nhưng mỗi người đọc đều tự biết‎ giữ gìn.

Về sau, những kì mùa hè xanh, đi theo đoàn công tác xã hội của trường Đại học, Mai anh bất ngờ vì nhiều nơi sách vở còn khó khăn hơn quê mình. Có nơi, bình quân mỗi trẻ em không có đến 1 đầu sách truyện giải trí, chỉ biết đến SGK. Đó là những trăn trở khiến mỗi khi tới một vùng sâu, xa, việc đầu tiên cô quan tâm là bọn trẻ có sách đọc hay không, để ngay sau đó sẽ tìm cách vận động bè bạn góp sách cho những đứa trẻ có khi cả cuộc đời không gặp.
Ngoài ra, cô còn thuyết phục thêm một “chiến hữu” cùng lớp, tranh thủ thời gian rảnh làm lẵng hoa, búp bê len. Những chuyến đi dù chỉ là về quê bạn bè, đi tour du lịch bụi… nhưng nếu không làm được gì giúp ích cho trẻ con trong vùng đó sẽ thấy áy náy, Mai Hoa cho biết vậy.

Cùng nội dung chia sẻ sách, Nguyễn Thiên Ngân – một cây bút trẻ được tuổi học trò yêu mến, còn lập hẳn một trang web có nội dung chia sẻ sách. Trên blog của Ngân, có nick là Nomad, những tâm tình chia sẻ sách được gửi gắm, được nhiều người ủng hộ. Trong đó không ít người nổi tiếng, sẵn sàng tặng những cuốn sách quý‎, những tấm ảnh quý để Ngân và các blogger bè bạn đấu giá, có tiền mua sách cho trẻ vùng sâu vùng xa. Có lần, số tiền đấu giá tranh, ảnh, tác phẩm lên tới 22 triệu. Số tiền được sử dụng mua sách, báo để tặng. Tất cả nhằm hướng vào hoạt động offline của nhóm bạn: Đi, nhằm chia sẻ sách. Hiện nay, nhóm đã mở rộng ra cả khu vực phía Bắc.

Thành viên của Bút nhóm Vòm Me Xanh (Báo Mực Tím) cũng tham gia nhiều chương trình đưa sách về vùng sâu vùng xa. Sách báo chủ yếu là do các “me” (bút danh) góp lại, không quản ngại đưa đến những vùng xa xôi, nơi lũ trẻ “sáng mắt ngạc nhiên khi thấy sách”.

Nhóm hoạt động tình nguyện Những ước mơ xanh (TP.HCM) tập trung nhiều sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau cũng khẳng định tinh thần thanh niên tình nguyện bằng những chuyến đi chia sẻ. Từ sách, bút, đồ chơi, học bổng, những chương trình chăm sóc trẻ ở những mái ấm, nhà mở… luôn được nhóm chú trọng vì tinh thần của nhóm là “Say hơn” với công tác tình nguyện, bởi đi như thế, nhóm thấy được nhiều hơn ‎ ý nghĩa, tinh thần của mình – thắp những ước mơ xanh tình nguyện.

Nếu tính công, mình được rất nhiều

Đó là tâm tình của Nguyễn Thị Hiếu, Trường ĐH Lao động Xã hội khi bè bạn cho rằng Hiếu thuộc típ ưa đèo bòng, với những người khó chịu còn cho rằng “rỗi hơi” khi những chuyến đi tập thể có mặt Hiếu, cô đều thuyết phục các bạn làm một việc gì đó tốt đẹp cho những nơi đến.

Đó có thể là góp tiền cùng giúp bà con miền Tây làm lại cây cầu. Mình chưa có để giúp họ làm được cầu bê tông thì làm cầu gỗ chắc chắn cũng không sao, còn hơn để những cây cầu dừa ám ảnh chuyện lọt kênh, nghèo khó. Đó có thể là gom lịch, bìa tặng những trường trẻ em khiếm thị, để chất liệu sách chữ nổi, những tấm bảng chữ nổi các em không bị thiếu. Đó có thể là tổ chức mua lá dong, chất liệu làm bánh chưng tặng các cụ già trong chùa Bình Đông ăn tết… Toàn những việc nhỏ xíu xiu đáng kể chi – Hiếu hồn nhiên kể.
Sau cơn bão số 9, Hiếu cùng bè bạn mình là một trong những nhóm đến sớm nhất với đồng bào Bến tre, chia sẻ khó khăn với họ. “Cô khẳng định: “Qua những hoàn cảnh của ngừơi khác, mình thấy tình người ấm áp hơn, qua những chuyến đi mình nhiều bè bạn hơn, qua những việc tốt, thấy cuộc sống ‎ ý nghĩa hơn… Vậy là mình được nhiều lắm chứ?”

Khác với nhiều bạn trẻ thoải mái đi và chia sẻ - hầu hết là sinh viên từ tỉnh, Hoài Linh (ĐH Ngoại Thương TP.HCM) lại là tiểu thư chịu sự kềm cặp cực kĩ lưỡng của bố mẹ. Mẹ của Linh không hiểu được rằng, vì sao cho đi du lịch Thái Lan vào dịp lễ 30/4 sắp tới, cô con gái rượu không chịu, chỉ một mực nài xin mẹ 2 triệu để về Trà Vinh cùng cô bạn thân trong lớp. Chỉ khi lên blog của con, thấy con nghĩ làm sao để mua được thật nhiều quần áo, đồ dùng, bánh kẹo… với 2 triệu thì bà mới hiểu. Vặn vẹo hỏi, cô con chỉ cho biết: “Con về với lũ trẻ dưới đó mới thấy mình được là người lớn”.

May mắn hơn, cũng dân gốc Sài Gòn nhưng Nguyễn Như Ý lại có người mẹ có máu đi làm từ thiện. Những chuyến đi của cô cùng bè bạn còn được mẹ chỉ dẫn, chuẩn bị cho “tận răng” những vật dụng cần thiết, là quan trọng là luôn luôn ủng hộ. Như Ý chắc nịch: “Mình có máu đi của mẹ nên chẳng bao giờ ba dám ‎ ‎ ý kiến gì, nếu không, chắc chắn ba bị “ra rìa” ngay. Mẹ còn luôn động viên con gái rằng: “Cứ đi, vì khi còn háo hức những chuyến đi như thế là con đang trưởng thành”.

Niềm vui lớn của những bạn trẻ đi chia sẻ này không chỉ dừng lại ở việc chuyển đến những bè bạn, trẻ em thiếu thốn những tấm áo, quyển sách hay những phần học bổng nho nhỏ. Kim Thanh (TP.HCM) cho biết, mỗi lúc "đến hẹn lại lên" đi chia sẻ, Thanh lại "đảo" một vòng qua các anh, chị, cô, chú nhà văn, nhà thơ mình quen để xin hỗ tợ sách. Ai cũng hăng hái giúp đỡ, còn giới thiệu thêm một số bè bạn, nghệ sĩ khác để cùng "hiệp lực" - Đó cũng là niềm vui lớn.
Vâng, đi để trưởng thành, tại sao không?

Thu Hương
Theo VietNamNet

Bài 5: Say việc vì… say đi!