Nước biển bỗng đỏ rực, sau chuyển sang xanh thẫm, rồi đen ngòm như nước cống. Cua, cá chết la liệt, san hô chết bạc trắng; rong biển, cỏ biển cũng chết. Hầu hết sinh vật biển bị tiêu diệt. Những ngày sau đó mùi hôi thối bốc lên…


Đó là cảnh tượng do "thủy triều đỏ" xẩy ra ở biển Bình Thuận, Phan Thiết hàng năm, thường vào khoảng tháng 8 (đôi khi tháng 7) và có thể kéo dài cả tuần (một số ngư dân gọi sinh vật tròn tròn này là "bóng nước").

"Thủy triều đỏ" hay sự "nở hoa" của tảo là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Tảo này có sẵn ở biển, mỗi khi gặp nhiệt độ tăng cao, chất hữu cơ tăng cao và sự trao đổi nước kém là bùng nổ số lượng. Sự "nở hoa" của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo...


Hiện tượng "nở hoa" thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết, ảnh hưởng đến thần kinh, hủy diệt hoặc gây nhiễm độc cho các sinh vật biển. Con người ăn phải các sinh vật này cũng sẽ bị nhiễm độc, thậm chí tử vong.


Ngoài khơi vùng biển Bình Thuận có loài tảo lam sinh sống. Vào khoảng tháng 8, là thời điểm tảo lam nở hoa, theo dòng thủy triều trôi dạt vào vùng biển ven bờ Bình Thuận; nhưng mật độ và địa điểm xuất hiện khác nhau tùy theo mức độ nở hoa và dòng chảy của thủy triều.


Thảm họa "thủy triều đỏ" ở Bình Thuận trung tuần tháng 7/2002 tạo thành vùng thủy triều đỏ rộng khoảng hơn 40km2 nhất là ở vùng biển ven bờ phía Bắc của tỉnh làm khoảng 90% sinh vật trong vùng triều kể cả cá, tôm trong các lồng, bè bị tiêu diệt; môi trường bị ô nhiễm nặng đến vài tháng sau mới hồi phục. "Thủy triều đỏ" cũng đã khiến 82 người phải nhập viện do tắm biển, với các triệu chứng ngứa, phồng rộp vùng da nhạy cảm; nguyên nhân là một loài tảo xanh lam "nở hoa", tiết độc tố vào nước biển. Cần lưu ý, sự "nở hoa" của tảo xanh lam (vi khuẩn lam) còn xảy ra ở nhiều hồ chứa nước ngọt, đe dọa sức khỏe những người sử dụng nguồn nước này.


Riêng năm 2009, vùng xuất hiện nhiều kéo dài từ khu vực ven biển Hòn Rơm đến Tiến Thành - Phan Thiết, trong đó vùng xuất hiện với mật độ cao là khu vực vùng biển ven bờ Hòn Rơm và vùng biển ven bờ khu vực phường Phú Hài.

Thực tế cho thấy, thủy triều đỏ xuất hiện ở Bình Thuận gần như qui luật, thời gian xuất hiện thủy triều đỏ đến khi phân hủy hết, nước biển xanh trở lại từ 7 đến 15 ngày.
Hậu quả là thủy triều đó làm cá chết hàng loạt, các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn thiệt hại do không sử dụng được nước ven biển.
 

Các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng như Hàm Tiến, Mũi Né... mỗi khi có thủy triều đỏ đều hoạt động cầm chừng, thậm chí bị các Công ty lữ hành hủy tour du lịch.

Thủy triều đỏ còn làm ảnh hưởng nặng tới môi sinh của các loài thủy sản có giá trị cao thường sinh sống và sinh đẻ ở vùng ven biển, thậm chí có loài bị chết, dẫn tới suy giảm nguồn lợi tài nguyên biển.
Đối với môi trường không khí, khi tảo bị phân hủy phát sinh mùi hôi, thối bốc lên rất nặng, người đứng gần thường bị ngạt rất khó chịu.


Hiện chưa có một giải pháp khoa học nào mang tính cơ bản và lâu dài nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thủy triều đỏ gây ra. Viện Hải dương học Nha Trang đã có những nghiên cứu bước đầu về hiện tượng thủy triều đó vì hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Bình Thuận, mà còn xuất hiện ở các vùng biển lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Lưu ý là các CTy du lịch trong dịp này có thể chỉ thông báo cho bạn biết tai họa trên khi đang trên đường đi vì họ không muốn bạn hủy chuyến.

Tóm lại: nếu bà con xui xẻo mở chuyến du lịch xứ biển ngay dịp thủy triều đỏ thì chỉ còn cách ngao du trên bờ, xem như dính một kỳ nghỉ xúi quẩy. May mà mỗi năm chỉ có một lần tảo "nở hoa", lại hiếm khi kéo dài trên 10 ngày.

Quáí vật miệt biển

ĐGD tổng hợp từ net