Tiếp kỳ 1

4h30 chiều, chúng tôi rời đảo Song Tử Tây, tiếp tục hành trình về phía Nam, đến với Nam Yết, đến với Sinh Tồn đông. Tàu rúc lên 3 hồi còi chia tay lưu luyến, những con tàu vận tải của ta đang xây dựng đảo cũng rúc chào tàu bằng 3 hồi còi dài. Tạm biệt nhé, hẹn gặp lại, sớm thôi, và hy vọng sẽ còn chứng kiến nhiều đổi thay hơn của đảo Song Tử Tây.

Ngày D+3, đảo Nam Yết - đảo Sinh Tồn Đông

Rời Song Tử Tây lúc 5h chiều, tàu lại đi miệt mài trong chạng vạng hoàng hôn, rồi chìm vào bóng đêm, lại một đêm dài yên bình trên biển, chỉ có tiếng sóng vỗ rào rạt bên mạn tàu, tiếng động cơ máy ì ì, tiếng người cười nói lao xao rồi thưa dần. Lúc bình minh của ngày hôm sau, đảo Nam Yết đã mờ mờ hiện ra ở phía mũi tàu.

< Trước mặt là Nam Yết - đảo lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, sau đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép.

Đảo Nam Yết là đảo không có dân sinh sống, chỉ có các cán bộ chiến sỹ bảo vệ đảo. Xuồng lại đưa chúng tôi vào thăm đảo, thời gian thăm đảo được ấn định từ 8h đến 10h30.

Ấn tượng của chúng tôi, đó là đảo rất xanh, một màu xanh của sự sống, dù trên đảo chỉ có nước lợ. Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những cây nhàu, cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông, cây mù u vẫn lên xanh mát. Ở giữa đảo có 1 cây bàng 8 gốc, đầy chất cổ thụ.

Thời gian trên đảo không nhiều, vả lại cảnh quan không có nhiều điều đặc biệt, ngoại trừ hệ thống công sự chiến đấu, cái mà không được phép đưa lên ảnh.

Ấn tượng của tôi, đó là 1 cậu chiến sỹ trẻ, quê ở Hải Bối, huyện Đông Anh. Cậu chàng bẽn lẽn và nằn nì 1 chị đồng hương trong đoàn công tác về thăm phòng ở của cậu. Chúng tôi cũng đi theo, và chứng kiến chàng chiến sỹ 21 tuổi nâng niu lấy từ trong tủ cá nhân 1 chùm hoa ốc biển, giống như 1 cụm hoa hồng hàm tiếu, trên 1 con ốc to, món quà đặc biệt của biển do chính tay cậu sưu tầm từng con ốc, lấy dây thép tết từng cành hoa, đính cành hoa lên vỏ ốc lớn, và sơn màu lên từng con ốc nhỏ, tượng trưng cho những bông hoa đỏ thắm của tình yêu.

Món quà đơn giản mà công phu, ẩn chứa đầy tình cảm của người lính xa đất liền. Cậu chàng bẽn lẽn nhờ chị đồng hương chuyển về quê hương, đến 1 cô bé lớp 12 nào đó mà cậu chưa từng gặp mặt. Chao ôi tuổi trẻ. Có lẽ thời ấy đã quá xa rồi với tôi, sự lãng mạn, sự thiết tha, và cả những ước mơ cháy bỏng đã giúp món quà ấy được thành hình, và được trao gửi về cũng bằng một cách đầy đơn sơ và cảm động.

Nhìn chàng lính trẻ 20, nhỏ và đen trong bộ quân phục hải quân trắng, chiếc mũ sắt to, tôi thấy trong mắt cậu chàng như có ngấn nước mắt. Chị đồng hương lấy điện thoại, bảo cậu gọi về cho bố mẹ ở nhà, ngần ngừ mãi, rồi từ chối, bảo rằng chỉ huy chưa cho phép. Động viên mãi, cậu mới dám gọi, chưa nói câu nào nước mắt đã hoen, rồi xúc động chẳng nói lên lời, câu nói cứ nghẹn đi.

Những chàng trai 18 -20 của chúng ta đã lên đường ra giữ đảo như thế! Nhưng khi hỏi về chiến thuật chiến đấu, kể vanh vách từng góc hào, từng phương án chiến thuật, chàng lính trẻ là lính cối - thiết giáp, hồn nhiên nói về cuộc sống tập luyện đầy vất vả trên đảo. 18 tháng, 1 năm rưỡi trong đời quân ngũ trên đảo xa nhỏ bé này, hẳn sẽ là những dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời của người lính trẻ này.

Và chùm hoa ốc biển ấy đã theo chúng tôi đằng đẵng trong cả hành trình, được mọi người nâng niu, gìn giữ từng con ốc, và chắc rằng, giờ này, cô bé nào đó đã nhận được món quà từ tay người lính đảo Nam Yết - Trường Sa. Và dẫu có chỉ là một tình bạn đẹp, một cuộc gặp gỡ tình cờ trong đường đời, tôi vẫn tin, đó là 1 cô bé đầy may mắn!!!

Hết đảo Nam Yết, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến Sinh Tồn Đông. Từ 11h, tàu đi chừng 3 tiếng, đến 13h30 đến Sinh Tồn Đông.

Nhìn qua cửa sổ tròn từ phòng ngủ, ngoài cửa một màu trắng xóa. Ra boong ngắm, hóa ra là một màn sương bao phủ.
Biển lặng như chưa bao giờ lặng thế, mặt nước phẳng lặng, không một gợn sóng nào, một màu trắng mờ xóa nhòa ranh giới giữa biển và trời, nước cũng mờ trắng như sữa, một cảnh tượng thật lạ. sỹ nơi đây.

Trời không có gió, tất cả im phăng phắc đến ngạc nhiên, chỉ có phía xa mờ, phía đó đang có mưa trên biển. Nhưng thật tiếc, nơi đó không có đảo của ta, dù chiến sỹ ta trên đảo trông mưa đã 6 tháng trời.


Đảo Sinh Tồn Đông là một đảo cấp 3, một đảo nhỏ ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa.

Một chiều của đảo chỉ chừng 40m, một chiều trên 140m, nghe kể, những khí gió lớn, sóng đánh bay từ bờ này đến bờ kia của đảo.

Đảo nhỏ, nhưng cũng đầy sức sống, với những bờ cát trắng san hô, những doi cát biết chuyển động, và những tâm tình của người lính đảo.

Xuồng vào đảo, qua những hàng cọc chống tàu đổ bộ. Những con chim mòng biển đậu đầy trên đầu cọc, như những hàng lính tiêu binh chào mừng chúng tôi thăm đảo của chúng.

< Hàng cọc chống tàu đổ bộ được Hải quân ta dựng lên, vào đảo chỉ còn 1 lạch duy nhất - Và những con chim moòng biển, như những hàng tiêu binh chào chúng tôi.

Lại nói về chim, trên đảo chiến sỹ ta nuôi 1 con cú, giờ nó đã quen, chỉ quanh quẩn trên cây, ngày ngủ vùi, chỉ khi nào có người gọi, nó mới mở đôi mắt sáng quắc nhìn gườm gườm đầy cảnh giác.

< Bộ đội đang đứng chờ chúng tôi lên đảo.

Trên đảo có nhiều hoa bàng vuông, và hiếm hoi có những quả bàng vuông trái mùa. Đảo thật nhỏ, trên đài quan sát, nhìn bao quát ra toàn đảo, thấy thương chiến sỹ ta.

Trong khi chúng tôi thăm đảo, thì tàu của chúng tôi tranh thủ tiếp nước cho chiến sỹ. Những m3 nước quý báu giữa mùa khô, khi mà 6 tháng rồi trên đảo chẳng có đủ mưa.

Đội văn công ngồi trên thềm nhà, hát mộc cho chiến sỹ ta nghe, dưới cái nóng mùa khô ở đảo, tiếng hát thân thiết cũng làm chúng tôi cảm thấy đã bù đắp được chút gì đó cho nỗi vất vả của các anh em chiến sỹ nơi đây.




Hoa bàng vuông, cây đặc trưng của Trường Sa



Việc tiếp nước kéo dài đến 17h chiều, chúng tôi ra xuồng trở lại tàu, Tàu còn quyến luyến với đảo chẳng đi, chúng tôi cắm neo ngoài đảo, anh em trên tàu tranh thủ vớt cá, thả câu. Chỉ cần 1 ngọn đèn tuýp thôi, cá chuồn kéo đến cả đàn, vợt 1 lúc được cả chậu cá chuồn.

Tôi không tham dự, đứng trên nóc tàu nghe nhạc, ngắm cảnh anh em vui đùa, sau khi đã giặt xong 1 chậu quần áo của mình, lâu không giặt tay, mệt bở cả hơi tai. Tàu neo ở Sinh Tồn Đông đến 3h sáng mới rời đảo, đến 1 khu vực đầy quen thuộc trong lòng mỗi người Việt Nam: khu vực đảo Gạc Ma - Cô lin - Len đao.

Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối

Dudu 08
Nguồn từ Phuot.com forum