Ngày D+7-Lễ tưởng niệm trên thềm lục địa và thăm DK1

Lại là 5h sáng, tàu đến khu Nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Đó là do sự thu xếp thời gian hợp lý của những chiến sỹ lái tàu, tính toán để có một thời gian hợp lý nhất cho hành trình.

< Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống trên vùng thềm lục địa phía nam tổ quốc.

Nơi đây, nhiều cán bộ chiến sỹ của các nhà giàn đã hy sinh và bị cuốn đi mất tích trong làn nước dữ của bão tố, khi những nhà gian của ta bị đổ bởi gió bão cấp 10- 11-12.

Cả khu vực thềm lục địa có 20 nhà giàn DK1, 5 chiếc đã bị đổ, nhiều chiến sỹ đã chấp nhận hy sinh cùng với nhà giàn.

Một lễ tưởng niệm trang nghiêm lại được tổ chức ở đây, tưởng nhớ đến hương hồn các chiến sỹ hải quân. Lễ tưởng niệm theo đúng lễ nghi hình thức của quân đội, với không khí bùi ngùi, thương tiếc.
Nhưng điều đáng nói hơn, khi lễ tưởng niệm vừa kết thúc xong, một đám mây đen bay ngang tàu, và mưa lất phất xuống vùng biển của chúng tôi.

Như rất nhiều cơn mưa biển, chỉ một đám mây thôi, còn xung quanh vẫn đầy nắng và ánh sáng. Các anh em hải quân nói, bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần làm lễ tưởng niệm trên biển như thế này, bao giờ sau đó cũng mưa.

Điều này lại làm chúng tôi nhớ đến lễ tưởng niệm trên vùng biển Cô lin - Gạc ma. Hôm đó chúng tôi cũng gặp mưa, thế mà chúng tôi không để ý, chỉ khi nghe các anh nói, chúng tôi mới nghiệm ra được điều này.

Nếu đó là sự linh thiêng của linh hồn các anh, cũng mong các anh yên lòng, vì tổ quốc, nhân dân không bao giờ quên những hy sinh của các anh, vì vùng biển thiêng liêng của tổ quốc mình. Mong cho linh hồn các anh mát mẻ!!!

Đến Nhà giàn DK1, đây mới thực sự là thử thách. Khác với vùng biển Trường Sa, trời yên bể lặng, ở khu vực thềm lục địa này, sóng và gió to hơn nhiều, những con sóng cao đến 2 mét.

< DK1 hiên ngang trong nắng, gió và sóng biển.

Đã có rất nhiều đoàn đến DK1, nhưng rồi chỉ đứng nhìn chứ không thể lên được nhà giàn, do sóng và gió. Nhìn chiếc canno nhỏ bé dập trồi bên mạn tàu, va rầm rầm vào thân tàu mà chúng tôi ái ngại.
Vì ở nhà giàn không có bến tàu, chỉ có 1 cầu thang dựng đứng để leo lên, vừa trước đoàn chúng tôi, 1 đoàn trước đã có người bị gãy chân do va đập giữa canno và cầu thang này.

Nhưng rồi phải quyết tâm thôi, vì đã đến chân nhà giàn mà không lên được, hẳn chúng tôi sẽ hối tiếc về sau này. Thế là lên thuyền, đến với nhà giàn.

Tất nhiên là khác với ở Trường Sa, ở đây máy ảnh, máy quay phim phải cất kỹ vào ba lô, bọc thêm nylon cho chắc chắn, bởi sóng khá lớn.
Rồi mọi chuyện cũng ổn thỏa, tất cả chúng tôi đều lên nhà giàn một cách an toàn tuyệt đối, xin cảm ơn sự nhiệt tình và nhẫn nại của các chiến sỹ hải quân. Lên nhà giàn, mới thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên bao la và khắc nghiệt, thương 9 anh em trên mỗi nhà giàn.

< Chụp ảnh với súng 12 ly 7 trên đỉnh nhà giàn.

Cả vùng thềm lục địa có 15 nhà giàn, một số cái đã nghiêng hiện không còn sử dụng được, 1 số cái đổ đã được xây dựng lại chắc chắn hơn, nhưng cũng không dám nói trước được điều gì trước sự tàn phá của thiên nhiên.

Chúng tôi lên đỉnh nhà giàn DK1, ngắm mây nước, biển trời, xuống thăm anh em cán bộ chiến sỹ. Cũng kịp nghịch thử khẩu súng 12,7 ly trên đỉnh nhà giàn. 11h, chúng tôi rời nhà giàn, trở lại tàu.

Tạm biệt nhà giàn DK1, đây là điểm hành trình cuối cùng của chúng tôi, của chuyến công tác thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của tổ quốc. Chúng tôi sẽ nhớ mãi về những người lính biển, nhớ mãi về sự hy sinh thầm lặng của các anh.
Tàu hướng trở về quân cảng Cam Ranh, phía trước là 2 ngày 2 đêm đầy sóng gió trước khi đặt chân tới đất liền.

Chia tay Trường Sa - ngày trở về đất liền


7 ngày đến với Trường Sa trôi qua thật nhanh, đôi khi giống như 1 giấc mơ trên biển. Những khoảng khắc đầy nắng, gió, đầy mồ hôi, sự mệt mỏi vì áp lực công việc, đôi khi là cả cái khát cháy họng, là hành trình nặng chịch máy móc thiết bị trên vai, là cảm giác bập bềnh trên sóng... nhưng lớn hơn rất rất nhiều sự mệt nhọc vì công việc, là cảm giác được chia sẻ, là cảm giác mình đang được đặt chân lên vùng biển đảo thân yêu, cảm giác gắn bó máu thịt với những hòn đảo nhỏ nổi trên mặt nước mênh mông không thấy bờ, thậm chí cả những cảm giác, rằng biết bao linh hồn những người dân Việt đã nằm lại trên vùng biển này vẫn đang dõi theo hành trình của mình.

Con tàu lên đường, hành trình ngược về đất liền, đó là một hành trình dài 48h đồng hồ lênh đênh trên sóng nước. Biển vẫn mênh mông trong tiếng sóng rì roạp vỗ vào thân tàu, con tàu chòng chành hơn trong cái gió chuyển mùa.
Không còn những háo hức, những bỡ ngỡ ban đầu, tất cả đã trở nên quen thuộc. Nào Nam Yết, nào Song Tử, Trường Sa, nào Đá Nam, Đá Lát, Coolin...và những nhà giàn DK1 hiên ngang trong nắng trời lồng lộng của vùng thềm lục địa. Tàu đi về phía Bắc, tiến gần hơn với đất liền. Những thành viên trong đoàn im lặng nhìn về phía chân trời xa. Hẳn mỗi người đều có những suy nghĩ riêng cho mình, nhưng trong tất cả những nỗi niềm riêng ấy, có 1 điều lớn lao chung, đó là 2 từ: TỔ QUỐC.

Đã thấm mệt sau một hành trình dài công việc liên miên, tôi chìm vào giấc ngủ dài. Trong giấc ngủ chập chờn, vẫn cảm nhận tiếng cười nói lao xao của mọi người, tiếng đàn hát đầy chan hòa, tiếng hò reo mỗi khi câu được con cá to, cảm nhận con tàu lắc lư theo sóng.

Hôm sau, một cuộc gặp mặt thân mật đã diễn ra ngay trên boong tàu, cùng chia sẻ tình cảm giữa những người lính hải quân với đất liền, cùng ôn lại những kỷ niệm trên cả hành trình dài lênh đênh trên biển. Và mỗi người chúng tôi được tặng 1 huy hiệu “ Chiến sỹ Trường Sa” - chiếc huy hiệu mà những người lính đảo phải công tác 3 năm liên tiếp mới được nhận. Với chúng tôi, đó là món quà đầy ý nghĩa, ghi nhận rằng, chúng tôi đã được đứng trong hàng ngũ những người giữ biển đảo quê hương. Một hành trình thật ngắn, nhưng trong đời, dễ mấy khi có những hành trình đầy thiêng liêng như thế. Gần 1000 hải lý để cảm nhận rằng : Trường Sa tuy xa nhưng cũng thật gần./.

Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối
 
Dudu 08

Nguồn từ Phuot.com forum

Đọc và xem phóng sự ảnh của bác Dudu để thấm thía cái cảm xúc dâng trào từ đáy lòng, cảm ơn bài của bác.
ĐGD