Xã Bản Hon, huyện Tam Đường, một xã người Lự, được nhiều khách du lịch biết đến là nơi thấm đậm văn hóa dân tộc Lự.

Nằm trên Quốc lộ 4D, cách thành phố Lai Châu chừng 15km, cách trung tâm thị trấn Tam Đường chừng 7km, bản Hon nép mình giữa hai dòng suối Nậm Hon và Nậm Mu thơ mộng trên cung đường huyền thoại mang tên “Vòng cung Tây Bắc”. Nơi này lại cách điểm du lịch Sa Pa không xa, đường đi thuận lợi và nguồn tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, đó là những lợi thế giúp Bản Hon thu hút khách du lịch. Nhưng có lẽ lý do lớn nhất mà Bản Hon thu hút được khách du lịch là vì họ vẫn còn giữ được nguyên bản sắc, đặc trưng của dân tộc mình về kết cấu nhà ở, về kiến trúc, về ẩm thực, về trang phục hay cả phong tục tập quán…

< Đưởng trong bản Hon.

Bản Hon là nơi mà những người đam mê khám phá và trải nghiệm có thể tìm hiểu và hòa với cuộc sống còn nguyên chất núi rừng của cộng đồng dân tộc Lự (Lừ, Lữ, Nhuôm, Duôn). Một dân tộc ít người chỉ sinh sống duy nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu và tập trung nhiều nhất tại huyện Tam Đường.

Bản Hon vẫn giữ được những phong tục tập quán gần như nguyên vẹn từ bao đời nay. Bản Hon bây giờ, gần như 100% người Lự vẫn ở nhà sàn.

Những ngôi nhà sàn, những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc và tấm lòng chân chất, mến khách của đồng bào dân tộc. Bên dưới những nếp nhà sàn ngăn nắp nằm gần sát nhau trong bản, cuộc sống cộng đồng người Lự gần gũi như trong một gia đình lớn.

Người già trong bản vẫn dạy con cháu của mình rằng, người Lự vốn rất coi trọng tình làng xóm, láng giềng. Khi mỗi gia đình trong bản có việc thì cả bản đều giúp đỡ, chia sẻ. Bởi vậy, những ngôi nhà trong bản thường làm rất gần nhau, quây quần trong một không gian vừa phải để tiện sinh hoạt, liên lạc và giúp đỡ nhau những khi cần thiết.

< Cây cầu treo vào bản Hon qua dòng Nậm Hon.

Cuộc sống của người Lự rất phong phú, họ biết làm ruộng nước từ lâu đời và còn làm thêm nương rẫy để trồng ngô, khoai, sắn, bông. Họ còn biết săn bắt cá, biết đan lát, biết dệt thổ cẩm, biết trồng dâu nuôi tằm. Nét độc đáo là phong tục nhuộm răng đen của phụ nữ Lự có điểm xuyết một vài chiếc răng bằng vàng giả còn giữ được đến bây giờ. Phụ nữ Lự lên rừng lấy cây mẹt, cây xuyến cắt thành từng khúc nhỏ, đem đốt, sau đó, lấy ống tre chụp khói, rồi dùng khói chà răng khoảng vài lần là có một bộ răng đen bóng.

< Phụ nữ Lự vẫn nhuộm răng hằng ngày.

Dường như người con gái Lự nhuộm răng đen để ý tứ giữ cho mình những nét duyên, giữ riêng cho người mình yêu những điệu Khắp Lử “Hát Lự” khi màn đêm buông xuống. Khi tiếng sáo “Pấu Pí” đôi của người con trai gửi tình cất lên dìu dặt. Điệu Pấu Pí Khắp như lời gửi tình của đôi trai gái đang tâm sự yêu đương. Bên dòng nước hiền hòa thơ mộng, cô gái trẻ khẽ mỉm cười khi đang trải mái tóc dài bên phiến đá. Khung cảnh bên dòng Hon đẹp như một bức tranh.

Người Lự cũng luôn đề cao đời sống văn hoá tinh thần, có cuộc sống lạc quan, yêu đời và rất dễ gần. Trên mái tóc của người phụ nữ Lự không bao giờ thiếu lá thơm (lá nếp). Đến mùa hoa xoan nở, người già, người trẻ đi chợ phiên, trên đầu cài rất nhiều hoa xoan, lá thơm và các loại hoa khác nữa. Những vật dụng đan lát của họ rất đẹp, rất tinh xảo. Những giỏ đựng cá có thể đựng hoa được. Họ cũng rất yêu văn nghệ, khi có khách đến, vui vẻ kể chuyện, uống rượu, họ sẵn sàng thổi sáo, thổi khèn và hát cho khách nghe.

< Cuộc sống yên bình của người Lự ở Bản Hon.

Buổi tối ở Bản Hon, sau chén rượu thơm mùi nếp mới, những món ăn giản đơn như rau rừng, cá suối, thịt khói, lạp chua, xôi nếp… Cả chủ và khách đều vui vẻ kể chuyện bản làng, chuyện về những phong tục truyền thống của đồng bào, về những đêm lễ hội xòe thâu đêm của con trai con gái… rồi lại uống rượu, thổi sáo, thổi khèn và cùng nhau hát những bài dân ca Lự đầy ắp âm hưởng núi rừng.

< Thổ cẩm của người Lự đã trỏ thành hàng lưu niệm và quà tặng du lịch.

Sự mới lạ và đặc sắc về thiên nhiên và văn hóa với những giá trị truyền thống độc đáo vẫn được bảo tồn duy trì, nhiều tập quán tốt đẹp trong sinh hoạt được còn chưa bị mai một là thế mạnh của du lịch Lai Châu, mà Bản Hon là một trong số rất nhiều bản làng trong tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã kết hợp với người dân địa phương lập kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cộng đồng tại Bản Hon; đồng thời liên kết hợp tác, đầu tư du lịch với nhiều địa phương, công ty lữ hành trong cả nước, Tổ chức Phát triển Hà Lan xuất bản ấn phẩm du lịch, website du lịch và xây dựng chương trình du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách đến Bản Hon.

Đến nay, dân bản đã thuần thục trong việc đón, tiếp khách; bố trí chỗ ăn, ngủ cho khách; chế biến các món ăn đảm bảo vệ sinh, phù hợp với khẩu vị của khách; biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ dân gian phục vụ du khách như: hát khắp, thổi sáo, thổi khèn, chơi đàn nhị, chơi trống,ném én, kéo co…

Với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Hon nhưng không làm mất đi nét đẹp văn hóa bản làng truyền thống, Bản Hon đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá "Vòng cung Tây Bắc".

Bản Hon - Du lịch không lai căng

Du lịch, GO! tổng hợp