Điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của người lái xe và đặc biệt là trời mưa bão luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm. Việc trang bị tốt để đảm bảo an toàn và đối phó với những cơn mưa bất chợt ập đến là rất cần thiết.
< Mưa, giông bão là một trong những trở ngại lớn nhất trong bước đường đi xa. Nó khiến người lái xe giảm tầm nhìn, đường xá trơn trượt, tạo nguyên nhân cho xe cộ hư hỏng... và là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tai nạn giao thông.
Trước hết là hạn chế đi lại lúc trời mưa. Tuy nhiên, đối với những nơi có mưa nhiều, bất chợt và thường xuyên như ở Việt Nam thì cách tốt nhất là bạn phải học cách thích nghi và ứng phó với bất kỳ rủi ro có thể xảy ra khi đi trên đường gặp mưa, đồng thời, còn đảm bảo cho xe bạn vận hành bền lâu tránh hỏng hóc do nước mưa gây ra.
Đội mũ bảo hiểm nào?
Hầu hết người điều khiển xe máy ở Việt Nam đều thích sử dụng mũ bảo hiểm nửa đầu cho nhẹ nhàng và thoáng gió, tuy nhiên, dưới trời mưa gió, mũ bảo hiểm kín đầu sẽ hữu ích hơn rất nhiều, vì thế bạn đừng ngại sử dụng nó.
Nếu mưa nặng hạt và có gió bão, loại mũ này sẽ bảo vệ bạn khỏi các chướng ngại vật có thể bay hoặc va đập vào mặt và mắt lúc đang chạy xe.
Mặc áo mưa loại gì?
Lựa chọn quần áo mưa phù hợp cũng rất quan trọng, đặc biệt là lúc trời mưa to. Vì những vị trí hở như cổ tay, cổ áo và những đường may đều có thể bị nước mưa thấm vào.
Thậm chí, với áo mưa dày dặn và găng tay dài thì nước vẫn có thể chảy vào qua cổ áo và cổ tay. Vì vậy, với những chuyến đi dài, bạn cần phải trang bị tốt hơn để bảo vệ bản thân và an toàn cho xe.
Kiểm soát độ bám đường ra sao?
Nước mưa sẽ làm cho mặt đường sạch hơn và ít ma sát hơn, nên xe bạn dễ bị trơn trượt và khả năng bám đường kém hơn bình thường. Nếu sau khi đi mưa trên mặt đường lầy lội, chiếc xe bạn cần phải được rửa sạch bùn đất bám trên bánh xe giúp bám đường tốt hơn.
< Áo mưa cánh dơi thuận tiện khi mặc nhưng nếu không cái hết nút dễ làm vướng vào các xe khác.
Ngoài ra, nước mưa có thể làm cho mặt đường xấu đi, ghồ ghề hoặc tạo lớp mặt trơn trượt. Tùy thuộc vào khả năng quan sát và đánh giá mặt đường mà bạn có thể xử lý hiệu quả hơn khi vận hành trên đường lúc trời mưa.
Cách dễ dàng nhất để kiểm tra độ bám mặt đường cho chiếc xe của bạn đó là sử dụng phanh sau một cách cẩn thận và dứt khoát ở các điểm khóa bánh trên mặt đường.
Không chỉ với lúc đường ướt mưa, mà cả với mặt đường khô ráo, bạn cũng nên kiểm tra phanh trước khi vận hành. Bạn phải phán đoán và đánh giá được khả năng và độ bám đường của xe với phanh sau. Dễ nhận thấy nguy hiểm và rủi ro nhất là các đoạn đường đang sửa chữa, mặt vỉa hè vừa được lát, bề mặt bê tông sạch bóng hoặc mặt đường có dầu tràn, là những nơi mà bánh xe của bạn khó bám hơn.
Tốt hơn hết, với mặt đường ướt mưa, bạn không nên chạy xe ở vận tốc cao, nên duy trì vận tốc vừa phải và quan sát cẩn thận để ứng phó tốt hơn với các chướng ngại vật bất ngờ. Nên thả lỏng cơ thế, không ghì quá mạnh vào tay lái, đồng thời sử dụng phanh liên tục để kiểm soát tốc độ. Tại các khúc cua nên giảm và tăng tốc từ từ.
Giữ khoảng cách an toàn thế nào?
Luôn duy trì khoảng cách an toàn với xe trước và sau. Theo thói quen, rất nhiều lái xe thường đi bám sát đuôi xe trước, vì thế khi xe trước báo rẽ hoặc dừng đột ngột sẽ xử lý không kịp. Một cách để người khác có thể thấy tín hiệu của bạn đó là vẫy tay, vì trong điều kiện trời mưa, có thể tay lái phía sau không để ý đèn báo.
< Chạy xe, che dù trong lúc mưa là một điều nguy hiểm vì dễ bị gió quật ngã.
Đối với thời tiết mưa bão, lời khuyên hữu ích nhất là bạn không nên lái xe trên đường, đặc biệt là có sét. Nếu có gió mạnh, thì việc lái xe cũng gần giống như chèo thuyền trên sóng vậy nên bạn phải vững tay vì có thể xe bạn sẽ bị đẩy nghiêng theo chiều gió.
7 kinh nghiệm “cứu sống” bạn khi lái xe trời mưa bão
Ôtô bị cây đè bẹp dẫn đến chết người. Xe bị ngập nước, chết máy, hỏng động cơ… Đó là những tai nạn rất dễ gặp phải khi lái xe trong thời tiết mưa, bão. Hãy tham khảo vài kinh nghiệm dưới đây để trước tiên là an toàn tính mạng, sau đó là bảo vệ chiếc xe của bạn khỏi những sự cố đáng tiếc:
1. Không đỗ xe dưới cây to
Nếu muốn ngồi chờ mưa ngớt, nên tránh dừng đỗ ở những khu vực có nhiều cây to. Cố gắng tìm những cung đường cao và ít cây to dù có phải đi vòng để tránh dính ngập nước và tình trạng cây đổ, cành rơi.
2. Xem xét khi đi qua vùng ngập nước
Bạn nên xem xét mức nước trước khi đi qua, mức nước an toàn là dưới 25 cm và không vượt qua tâm bánh xe, ở trên mức đó bạn không nên liều lĩnh đi qua.
Bên cạnh đó, cũng nên chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.
3. Tháo lọc gió
Khi quyết định đi qua vùng ngập nước, bạn nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào, thay vì qua đường khí nạp theo xe để tránh cho nước khỏi vào động cơ. Sau khi vượt qua đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lọc gió động cơ trở lại bình thường.
4. Tắt điều hòa và đi số thấp
Khi lái xe trong vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái từ tốn. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1.
Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.
5. Ga và phanh
Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút.
Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ dẫn tới hiện tượng thủy kích làm cong tay biên.
Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
6. Đừng cố khởi động lại
Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.
Nên tránh mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư hỏng các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.
7. Gọi cứu hộ
Luôn mang sẵn theo mình một số điện thoại cứu hộ giao thông khi cần thiết.
Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật, hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).
Phượt mùa mưa
Kinh nghiệm lái xe mùa bão
Phượt an toàn khi trời mưa bão
Điều cần biết khi lái xe qua đèo.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Autodaily/TTTĐ
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.