Cách đi xe máy an toàn trời mưa bão
Kiểm soát tốc độ và hệ thống phanh phù hợp để tránh trơn trượt khi đi xe máy trong điều kiện trời mưa bão.
Không ai có thể biết trước chính xác thời tiết diễn biến như thế nào mặc dù đã có những hệ thống dự báo chuyên nghiệp, vì thế cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng và kiến thức đầy đủ để tạo sự an toàn cho bản thân cũng như người tham gia giao thông.
Tùy thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng của mỗi người mà có cách xử lý thích hợp trong mỗi tình huống gặp trời mưa bão. Những điểm đáng chú ý nhất ở điều kiện thời tiết này là mặt đường trơn, hệ thống vận hành xe dễ mất kiểm soát và tầm nhìn bị ảnh hưởng.
Ghi nhớ đầu tiên đó chính là bảo vệ cơ thể bởi những vật dụng bảo hộ mũ bảo hiểm, giày, quần áo, găng tay. Thực tế di chuyển trong thành phố, với công việc hàng ngày thì quần áo và găng tay bảo hộ có vẻ không phù hợp, nhưng lại cực kỳ cần thiết nếu đó là một chuyến đi xa, trên những hành trình dài qua nhiều loại địa hình, thời tiết.
Không chỉ bảo vệ cơ thể khi bị ngã, khi trời mưa, chúng còn tránh tác động trực tiếp của nước mưa tới cơ thể, đặc biệt là đôi mắt.
Trời mưa, gió thường đi liền với tầm nhìn giảm, cũng không loại trừ trường hợp mặt đường trơn ướt do thời tiết sương mù dày đặc.
Lúc này, để quan sát tốt ngoài việc sử dụng đèn, người điều khiển nên hạ thấp đầu để đôi mắt nằm trên đường thẳng do vạch sáng đèn tạo ra, khi đó khả năng quan sát sẽ tốt hơn. Ngoài ra, theo các chuyên gia, nên sử dụng kính màu có màu vàng hoặc đỏ sẽ tăng thị lực của mắt khi đi trời mưa, vào ban ngày.
< Đường trơn do mưa khiến xe có thể té ngã hàng loạt.
Những tai nạn thường gặp nhất do trời mưa chính là trơn trượt do mất kiểm soát, hệ thống phanh bị bó cứng. Khi trời mưa tuyệt đối không chạy tốc độ cao, vì khi gặp vật cản phải phanh gấp, lốp không bám đường, hệ thống phanh do nước mưa nên bó cứng sẽ gây hiện tượng mất lái dẫn đến tai nận.
Ngoài ra, khi trời mới bắt đầu mưa, không nên vội vàng tăng tốc để tránh mưa, vì khi đó bụi đường kết hợp với nước mưa tạo thành một lớp ngăn cách bánh xe tiếp xúc với mặt đường, rất dễ trượt ngã.
Để kiểm soát tốt tốc độ, theo các chuyên gia kỹ thuật nên điều khiển xe ở số thấp, trả về 1, 2 số so với khi đi trời khô ráo tùy vào mặt đường, kết hợp với tốc độ vừa phải, vì khi đó sức kéo của động cơ sẽ tạo ra một lực phanh giữ xe không chạy theo quán tình quá nhiều. Đây cũng là cách di chuyển qua những đoạn đường ngập nước mà không bị chết máy. Khi phanh kết hợp cả phanh sau và phanh trước để xe về trạng thái cân bằng, tránh dúi đầu về trước hoặc "vẫy đuôi cá" phía sau. Nếu đường ngập sâu không nên thả hết ga, vẫn giữ ga hờ trong khi phanh đảm bảo xe không khựng lại bất ngờ.
Bên cạnh việc di chuyển với tốc độ chậm, cũng cần lưu ý tạo khoảng cách với các xe đi trước và đi sau. Khi đường trơn ướt nếu đi quá gần nhau sẽ rất khó xử lý khi một xe có vấn đề, dễ dẫn đến tai nạn liên hoàn. Vì thế phải thường xuyên quan sát rộng về phía trước và cả gương chiếu hậu để thiết lập khoảng cách an toàn với những bạn đồng hành.
Mẹo phanh xe máy an toàn khi trời mưa
Thời tiết xấu việc tham gia giao thông cần phải được cẩn thận hơn. Đặc biệt những ngày mưa gió khi ra đường thường mang thêm dụng cụ chống mưa như áo mưa, ô dù… rất vướng cho người sử dụng, thêm vào đó đường trơn do nước mưa, bùn đất. Nước mưa khiến cho ma sát giữa bánh xe và mặt đường giảm mạnh, đòi hỏi thời gian và quảng đường phanh phải lớn hơn bình thường mới có thể tránh được nguy cơ tai nạn đáng tiếc.
Trên thực tế, dù điều kiện thời tiết bình thường khô ráo hay khi trời mưa bẩn, bùn đất, người điều khiển xe gắn máy phải tuân thủ các quy tắc an toàn khi lái xe, trong đó có kỹ thuật phanh. Trong điều kiện trời mưa, đường sẽ trơn gấp đôi bình thường nên lái xe cần hết sức chú ý, đặc biệt khi tầm quan sát thường bị hạn chế đáng kể.
Một trong những điều quan trọng nhất khi lái xe máy trời mưa là tốc độ: nhiều chuyên gia khuyến cáo nên duy trì tốc độ thấp dưới 50 km/h tại đường cao tốc và dưới 30-40 km/h trong nội đô, duy trì khoảng cách thích hợp với các xe khác, tuyệt đối không nên chạy song song với xe khác và không tăng tốc đột ngột, đặc biệt tại các khúc cua.
Cần lưu ý rằng chúng ta có 2 cách phanh, đó là phanh động cơ và sử dụng hệ thống phanh của xe. Phanh động cơ là phương pháp giảm tốc từ từ nhưng rất hiệu quả để kiểm soát tốc độ. Bạn cần nhả tay ga hết cỡ, khi đó vòng tua máy thấp sẽ ghìm tốc độ của xe. Với xe số, việc giảm gia kết hợp với về số khiến xe có thể giảm tốc nhanh chóng mà không cần dùng tới phanh. Ngoài ra, việc phanh bằng động cơ (tương tự như ô tô) sẽ giúp bạn đi đường đèo dốc an toàn hơn nhiều so với việc chỉ rà phanh.
< Mưa cùng sương mù sẽ làm giảm tầm nhìn.
Cách thứ hai là sử dụng phanh của xe, gồm phanh trước và phanh sau. Phanh trước nằm bên tay phải cùng bên với tay ga, thường nhạy hơn phanh sau nhưng lại khiến xe mất phương hướng và ngã.
< Lở đất là chuyện khó tránh trong mưa lớn.
Phanh sau nằm bên trái (với xe tay ga, một số trường hợp là phanh kết hợp giữa trước và sau) hoặc cần đạp phanh ở chân phải với xe số, xe côn tay. Phanh sau thường an toàn hơn phanh trước nhưng lại không “ăn” bằng phanh trước.
Vì thế giải pháp an toàn tối ưu là phanh cùng lúc cả phanh trước và sau. Tuy nhiên, do đường trơn hơn, ma sát giảm mạnh nên để tránh va chạm, bạn phải phanh sớm hơn bình thường nhưng lại nhẹ hơn để tránh tình trạng trượt xe. Lưu ý tránh giữ chặt phanh, kể cả phanh trước và phanh sau vì điều này có thể làm xe mất điều khiển.
Điều đáng chú ý là hai cách phanh nêu trên có thể bổ sung cho nhau nên cách tốt nhất là sử dụng đồng thời cả hai phương pháp để xe có thể giảm tốc nhanh nhất mà vẫn an toàn. Hãy quan sát khoảng cách của bạn với vật thể phía trước mà bạn cần phanh để tránh va chạm.
Nếu nhận thấy không thể phanh kịp thì bỏ qua việc phanh khẩn cấp, chuyển sang phanh giảm tốc từ từ để bạn có đủ khả năng đánh lái mà không bị mất lái, sau đó tùy tình hình và phán đoán để lái xe sang bên trái hoặc bên phải vật cần tránh.
< Đường ngập nặng: bạn nên đi tiếp hay trở đầu xe?
Lưu ý:
- Cần kiểm tra thắng trước sau theo định kỳ, không để bố thắng quá mòn - kêu cót két nhưng vẫn sử dụng.
- Khi vỏ xe mòn gần hết gai thì nên thay thế: vỏ trước mòn dễ làm mất lái, vỏ sau mòn dễ dạt xe - mất thăng bằng và giảm tải nặng, dễ ăn đinh.
- Đường sẽ trơn trợt hơn khi mưa, nếu bánh quá căng hơi: bạn có thể xì bớt hơi để tăng tiết diện bám đường.
- Không dừng xe trên các gốc cây to, ở đỉnh đèo hay các khoảng trống do dễ bị sét đánh. Cẩn thận khi vượt những đoạn đèo mà vách taluy dương đang bị dòng nước cuộn xuống từ trên cao (nước chảy mạnh cuốn theo đất đá) vì đây là những biểu hiện đầu tiên của sự lở đất.
- Tuyệt đối tránh chạy nhanh trên đèo khi mưa bão vì bạn không thể xử lý kịp khi gặp tình huống xấu. Đừng ngại ướt vì dẫu gì bạn cũng đã ướt rồi - cái cần ngại hơn là mất an toàn kèm với mất mạng.
- Bật đèn xe trong mưa giông là điều nên làm, ánh sáng đèn giúp các xe khác dễ nhận ra sự hiện diện của bạn trên đường.
- Tuyệt đối tránh vượt ngầm tràn trong mưa lớn: lũ có thể xuất hiện ngay chỗ vượt bất kỳ lúc nào.
- Khi phượt: không ráng chạy tiếp nếu đường ngập nặng, không thể thấy rõ mặt lộ. Nguy hiểm hơn nữa nếu nước và đất đá cuộn ngang đường. Gặp trường hợp này nên quay xe lại: thà lỡ việc còn hơn 'lỡ mất cả đời'.
Phượt mùa mưa
Du lịch, GO! - Tổng hợp và bổ xung từ VnExpress + VnMedia, internet
3 Comments
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaĐi phượt xa nên sắm một chiếc mũ bảo hiểm cả hàm để bảo đảm an toàn
Trả lờiXóaĐúng đấy bạn, vướng nhưng an toàn hơn.
XóaSau này, bạn hãy quảng cáo trong phần tên của mình nhé (có thể đưa link web). Nếu đưa link trong comment thì mình sẽ xóa.
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.