Chỉ đến khi vụ một chiếc container thổi bay hơn chục người xuống vực tại Cao Bằng, hồi cuối năm Nhâm Thìn, nhiều lái xe có hoặc có ít kinh nghiệm đi đèo núi bỗng giật mình tự hỏi, liệu điều khiển xe cẩn trọng ở địa hình khuất tầm nhìn đã đủ an toàn?
Một chiếc xe tải trọng nặng hay xe đang chạy ở tốc độ cao khi đổ đèo, bất ngờ gặp đám đông cản đường sẽ rất khó tránh va chạm. Một trong những thói xấu của người Việt là hay túm tụm chỉ để hóng tai nạn của người khác, dẫn đến ách tắc giao thông và làm tăng nguy cơ mất an toàn, nhất là khi đang ở trên dốc.
Từ vụ tai nạn ở Cao Bằng hay trên đèo Bảo Lộc mới đây, có thể là lời cảnh báo cho mọi người, rút ra bài học để giảm thiểu những rủi ro trên hành trình đi du lịch mùa hè.
Đặc thù của đường đồi núi, đèo dốc là đường vắng, không có hàng quán, không có trạm sửa chữa, tóm lại là rất hiếm sự trợ giúp bên ngoài mà bạn phải hoàn toàn chủ động bổ túc tay lái khi đi trên đường đồi, núi, đèo, dốc...
Những kinh nghiệm lái xe trên đèo sau có thể có ích cho người điều khiển phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Bài viết được sự hỗ trợ từ một số thành viên trong câu lạc bộ offroad của diễn đàn Otofun.
Trước mỗi chuyến đi, nên tìm hiểu trước cung đường sẽ trải qua. Điều này sẽ giúp bạn có ý thức chuẩn bị các công cụ hỗ trợ cần thiết tương ứng với loại địa hình tương ứng. Đừng ngại và dành thời gian kiểm tra toàn xe, đặc biệt là hệ thống phanh, lốp (nếu lốp nếu mòn quá hãy thay thế) và đèn báo trước khi đi và chuẩn bị băng đèo. Hệ thống lái của xe phải được cân bằng, hệ thống dầu cho động cơ và nước làm mát phải có đầy đủ.
Quá trình đưa xe lên dốc đòi hòi phải có lực rất lớn chính vì vậy cần phải lên xuống số phù hợp, thay với tốc độ và công suất của xe. Kể cả số sàn và số tự động, hãy luôn đi chậm hơn khả năng của mình có. Bởi vì quá nhiều sự nguy hiểm có thể xảy ra, luôn luôn chú ý quan sát và đọc biển báo. Biển báo nguy hiểm có độ dốc; biển báo đường chính, phụ; biển báo có khúc ngoặt, cua gấp... ở những đường cua vắng, khuất tầm mắt.
Nên sử dụng đèn chiếu sáng liên tục khi đang vận hành xe trên đèo, kể cả vào ban ngày. Trong điều kiện thời tiết có sương mù hay mưa phùn, đừng quên sử dụng đèn gầm. Nếu tầm nhìn hạn chế và xe không được trang bị đèn sương mù, nên dán giấy nylon màu vàng/đỏ vào đèn, điều này sẽ có lợi bởi tầm quan sát rõ hơn.
Hầu hết các đèo ở Việt Nam đều có những góc cua gấp mà tài xế sẽ không thể nhìn được chướng ngại vật trước mặt. Do vậy, tại những vị trí này, nên đi chậm kết hợp với bấm còi và nháy đèn pha để thông báo cho các phương tiện giao thông khác, kể cả khi đường có cắm gương cầu quan sát.
Khi xuống dốc cần phải giảm tốc độ và xuống số thấp. Bởi vì khi động cơ ở số thấp thì hệ thống bánh răng sẽ ghìm được xe, chống trôi tự do. Như vậy bạn không phải phanh quá nhiều và không bị tổn hại phanh. Nếu xe xuống dốc mà phanh quá nhiều, hệ thống phanh sẽ sinh nhiệt cộng với áp lực dầu quá lớn có thể phá vỡ tuy ô dầu. Đây là nguyên nhân của việc mất phanh và mất lái gây ra tai nạn.
Sử dụng số phù hợp với độ dốc của đèo, nếu số thấp quá có thể sẽ làm động cơ bị quá nhiệt thì số cao quá dễ làm mất kiểm soát. Ra vào số theo nguyên tắc "lên già - xuống non", nghĩa là khi leo lên thì tăng số muộn hơn, còn khi đổ đèo thì về (xuống) số sớm hơn so với lúc điều khiển trên đường bằng. Cố gắng giữ máy vận hành ở số thấp và "lên số nào - xuống số đó".
Riêng về xe gắn máy: khi chạy ở nơi dốc núi, nhiều người có xu hướng sử dụng phanh liên tục để hãm tốc độ. Tuy nhiên, đây lại là thói quen và kỹ năng lái không có lợi cho xe. Rà phanh liên tục sẽ khiến má phanh nóng, dẫn tới mất ma sát, có thể cháy má thắng và làm giảm tác dụng của phanh.
Để hãm tốc độ xe khi đổ đèo, nên chau dồi kỹ năng dùng số kết hợp với phanh. Phanh hoạt động tốt nhất sau khi đã về số hoặc phải giảm tốc độ khẩn cấp. Tuy nhiên, ngay cả khi phải dùng để giảm tốc độ cũng cần tránh phanh gấp, đặc biệt lúc xe đang vào góc nghiêng.
Tập trung điều khiển xe đi đúng làn đường cho phép, tránh lấn trái. Chỉ nên lấn làn tại những đoạn có kẻ sơn đường đứt đoạn và không có phương tiện đi ngược chiều. Hạn chế tối đa việc vượt xe cùng chiều khi leo đèo nhất là những xe có tải trọng lớn. Nếu có ý định vượt xe khác trên đèo, nên chọn đoạn đường có tầm quan sát rộng, vượt dứt khoát, vượt xong phải cho xe sớm trở lại phần đường của mình. Hạn chế vượt lúc vào cua, trừ những góc cua trái có tầm quan sát rộng.
Không nên bám sát xe phía trước, giữ khoảng cách an toàn và phòng trường hợp phanh gấp. Khi leo đèo quá dốc, toàn đá hoặc bùn trơn nên kiếm dây thừng quấn vào bánh xe để tăng độ ma sát. Cố gắng tránh tuyệt đối việc dừng xe ở những góc khuất trên đèo. Trong trường hợp bất khả kháng do xe hỏng, thì phải có biện pháp cảnh báo cho các xe khác ở trước khúc cua.
Khi đi đèo vào mùa mưa lũ, nên chú ý các đoạn đường vách núi cao. nếu có hiện tượng nước màu đỏ gạch chảy qua đường, thì nên lưu ý đoạn đường đó rất dễ bị sạt lở do đất đá đã no nước và dễ có hiện tượng lũ bùn.
Chú ý từ xa những bụi nhỏ, đá con rơi xuống từ vách núi, nếu các loại đá bụi này rơi từ vị trí càng cao càng nguy hiểm bởi đó là hiện tượng sạt lở, cây cối đổ, sạt ta-luy,... Trong những trường hợp này phải đi thật chậm để quan sát và nếu quá nguy hiểm thì nên quay đầu xe để giữ an toàn.
Hãy để những chuyến đi du phượt hè luôn ngập tràn niềm vui bằng việc lái xe an toàn, chủ động trong mọi tình huống và tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước và trên hành trình.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Vneconomy, Đào tạo lái xe... và nhiều nguồn ảnh khác.
5 Comments
Nhìn hình này http://3.bp.blogspot.com/-m9k4Vl-QS-Y/UcD28vioL3I/AAAAAAABW-A/nKmC6ZLL3I8/s400/deo1.jpg
Trả lờiXóamới thấy sợ dù mình đi đúng luật, nó bự quá, lấn hết qua phần của mình rồi
Có lần đi đèo Hải Vân, mình gặp đúng tình cảnh này bác ạ. Gay go hơn là bọn mình ở ngay trước đầu xe bồn. Nó đang xuống dốc, ôm cua tay áo và lấn hết qua phần đường của mình (bọn này đang chạy ngược lên). Nếu chỉ thêm tý nữa thôi là mình bắt buộc phải phóng ga chạy càn vô đường lánh nạn cạnh đó rồi, vậy nhưng nó chỉ lướt qua cách tầm nửa thước.
XóaNghe anh kể thấy ghê quá, kinh nghiệm của anh rất đáng để học hỏi ở những khúc cua như thế này
XóaTrường hợp anh mà đi 4B, chắc ngồi đó chờ.... chết :(
khi đi trên những đoạn đường vắng ở vùng sâu vùng xa cần phải quan sát cho kỹ nếu nghiên cứu trước biết là có phiên chợ thì phải hết sức cẩn thận.nếu không nắm được phiên chợ thì hãy quan sát các hiên tượng sau:có người đèo nhiều hàng.có nhiều người mặt đỏ phừng phòng xe rất nhanh vào cua không có luật lệ nào hết.có nhiều xe máy để ở đường có thể là giữa đường và có người nằm ngủ ở ven đường bất chấp thời tiết...những hiện tượng trên cứ cách chợ vài km là thấy rồi càng gần chợ càng dầy hơn...
Trả lờiXóakhi vào cua mà gặp xe ngược chiều ngoài những điều mà Điền Gia Dung đã nói thì cần phải quan sát kỹ phía gầm xe ngược chiều xem có xe vượt ẩu ở cua không nhất là xe máy.mà xe máy của đồng bào ở những vùng như thế hệ thống phanh không tốt lắm đâu chưa kể đến các yếu tố khác.
một vài kinh nghiệm chia sẻ với tâm nguyện an toàn và vui vẻ trên mỗi chuyến đi cho tất cả mọi người.
Đúng như anh nói: người vùng sâu thường chạy xe không có luật lệ nào cả và... rất ẩu. Gia súc nuôi của họ cũng thường thả rong trên đường tạo thành cạm bẩy cho những xế chạy quá nhanh.
XóaNói chung, quang cảnh đèo thường đẹp lắm nhưng khá nguy hiểm. Vậy nhưng những chốn này là điểm mê hoặc lòng người: phượt mà không có đèo, núi, biển... thì buồn lắm. Cẩn thận hơn bình thường cũng sẽ vượt qua hết thôi.
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.