Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Krông Pha (một địa danh của người chăm hiện vẫn còn) người Việt đọc là Sông Pha, người Pháp gọi là Belle Vue (Ngoạn Mục) là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận. 

Men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang.nằm ở độ cao 980m dài khoảng 18km, con đường quanh co gấp khúc liên tục. Lên độ cao 400m, chúng ta có dịp nhìn lại đoạn đường chúng ta đi qua.
Trên đèo Ngoạn Mục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, con đường uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng với những tầng đường mà nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống.

Đễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó: từ trên đèo nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu với những chiếc ô tô ví như món đồ chơi chậm chạp đang bò lên hay xuống.

Xa hơn là đồng bằng Phan Rang với dòng sông Cái uốn lượn. Hai dải núi cao ôm bọc lấy thung lũng Phan Rang chạy ra tận biển. Những ngày đẹp trời, từ trên đèo có thể thấy đường bờ cát trắng và nhấp nhô những con sóng lăn tăn.

Bên đèo Ngoạn Mục là những suối thác cắt ngang vách núi, những dãy núi đồi với hệ thực vật khá phong phú đa dạng, đặc trưng. Hệ thực vật rừng nguyên sinh đèo Ngoạn Mục bao gồm các loài cây ôn đới như thông lá dẹt, thông lá tròn xuất hiện ngày một nhiều theo hướng dốc núi cao dần. Rừng khộp tái sinh với những ưu thế là khá nhiều cây dầu rái, dầu trà ben, tiếp đến là rừng thường với các loài cây xanh vùng nhiệt đới núi thấp.

Ở phía đông có các loài dẻ, re, chạy dần sang phía tây là những đồi thông, loài thực vật đặc trưng của vùng khí hậu ôn đới. Tuy vậy, rừng ở đây đã bị tác động nặng nề do hậu quả mà các hoạt động của con người mang lại như việc đặt ống dẫn nước cho thủy điện Đa Nhim, du lịch, khai thác lâm sản, giao thông v.v.

Khi xuống đèo , cảnh thiên nhiên cũng thay đổi dần cho đến phan Rang. Đặc biệt khi thả dốc đèo Sông Pha, chúng ta còn mục kích hai ống nước màu trắng từ trên đỉnh núi đưa xuống. Đường hầm dẫn nước dài 4.878m xuyên qua lòng núi - dưới dãy đèo Ngoạn Mục là hai ống thủy áp dài 2.340m, đường áp để đưa nước từ hồ Đa Nhim về đến nhà máy thủy điện ở chân đèo Sông Pha. Người ta tính 0,5m khối nước có thể cho một kw điện trong khi nhà máy thủy điện Trị An cần 12m khối nước mới cho ra một kw điện .

Sông Đa Nhim (theo tiếng dân tộc thiểu số nghĩa là nước mắt) có lượng nước dồi dào. Năm 1992, người ta cho xây dựng nhà máy thủy điện Sông Pha có công suất nhỏ cạnh nhà máy thủy điện Đa Nhim phục vụ cho việc tiêu dùng địa phương. Nước xả của nhà máy thủy điện Đa Nhim là nguồn cung cấp nước cho Sông Pha.

Hệ thống thủy điện Đa Nhim còn tạo cho Đơn Dương một hồ chứa nước tuyệt đẹp là hồ Đa Nhim cách Đà Lạt khoảng 50kmvề phía đông bắc. Hồ Đa Nhim thuộc thị trấn Đran huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng nên thường gọi là hồ Đơn Dương. Diện tích mặt hồ là 9,7km2, ở độ cao khoảng 1.042m so với mực nước biển. Nước trong hồ bắt nguồn từ hai con sông Đa Nhim và sông Kronglet. Thời tiết ở đây xen lẫn giữa ôn đới và nhiệt đới, nắng mưa luân chuyển nhau. Hồ Đa Nhim là một công trình độc đáo của Đông Nam Á do người Nhật thiết kế.

Không chỉ là một thắng cảnh đẹp hồ Đa Nhim còn là nơi cung cấp thủy điện cho các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Khách đến tham quan cảnh đẹp thiên nhiên hồ Đa Nhim còn có dịp tìm hiểu về công trình nhà máy thủy điện Đa Nhim được xây dựng ngay trên hồ. Đây là một công trình thủy điện lớn của Việt Nam.

Toàn cảnh Hồ Đa Nhim là sự kết hợp tuyệt vời giữa non nước, trời mây tạo nên một thắng cảnh tuyệt vời cho miền đất Đà Lạt thu hút nhiều du khách đến tham quan. là một thắng cảnh thơ mộng với những đồi thong vi vu nghiêng bóng nước và là một nơi lý tưởng cho hoat động du lịch dã ngoại như săn bắn và câu cá. Ngoài ra nước thoát từ nhà máy thủy điện dung tưới tiêu cho hơn 23.800 hecta ruộng lúa khô cằn của Phan Rang .

Khi xuống đèo sẽ qua thị trấn Dran của huyện Đơn Dương. Đây là thị trấn hình thành tương tự như thị trấn Sông Pha của tỉnh Ninh Thuận - là nơi tập trung dân cư khá đông có nhiều hàng quán.

Hai khu vực này tập trung đông dân cư do trước đây lên Đà Lạt phải qua đèo ngoạn Mục khó khăn, đường hẹp chỉ lên xuống một lượt và phải chờ thời gian thích hợp - vậy nên nơi này trở thành chỗ nghỉ đêm của khách đi xe đò. Phần khác, ở đây còn có nhà máy thủy điện Đa Nhim nên công nhân làm việc xây dựng công trình này cũng góp phần làm cho thị trấn này đông đúc hơn.

Khám phá đèo Ngoạn Mục

Du lịch, GO! - Theo web Đà Lạt, ảnh internet